Trời đây không phải thiên đàng, vì thiên đàng cần chi tới bếp núc. Trời đây là tận mây xanh. Mà đúng thật, ở những khu gia cư lụp xụp tồi tàn trên đồi cao ở Lima, Peru, nếu bạn đứng dưới mà nhìn lên, thì quả có những căn bếp ở trên trời thật.



Và “Nhà bếp trên trời” là tên đặt cho sáng kiến của Sơ Isabel Miguelez. Sơ giải thích tình thế khó xử nghiêm trọng đặt ra cho những thành viên nghèo nhất trong giáo xứ của Sơ, một khu vực trước đây do dòng Columban quản lý ở rìa thủ đô Lima của Peru. Làm thế nào bạn giải quyết được tình huống khó xử này? Làm thế nào bạn nuôi sống những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép, đặc biệt là khi họ sống ở những vùng cao khó tiếp cận như vậy?

“Đơn giản,” Sơ Isabel nói một cách coi thường rất đặc trưng. “bằng ‘nhà bếp trên trời’ của chúng tôi!” Hầu hết những người này sống còn trong nền kinh tế phi chính thức, sống ngày qua ngày bằng những gì họ có thể bán trên đường phố hoặc kiếm sống như những người lao động ban ngày. Đối với họ, đại dịch là một thảm họa kép. Với chương trình chích ngừa của Peru chậm chạp một cách đáng kinh ngạc, họ là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và là những người có trách nhiệm lớn nhất phải tự cách ly khi cần thiết. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc họ không thể ra đường kiếm sinh kế nhỏ nhoi, kết quả là cái đói cho chính họ và gia đình họ.

Đó chính là nơi Sơ Isabel, một Nữ tu Cát Minh từ Tây Ban Nha, đến. Được sự hỗ trợ của nhà dòng, của giáo xứ và của những người ủng hộ như dòng Columban, Sơ đã gặp gỡ các cư dân và kêu gọi họ lập ra một loạt các hợp tác xã nhà bếp (ollas comunes tiếng Tây Ban Nha nghĩa đen là chảo cộng đồng). Sơ bắt đầu bằng việc quyên góp bếp, bình gas, xoong nồi. Những người đàn ông mang những thứ này lên các con đường dốc núi. Những người phụ nữ làm đầu bếp.

Sơ Isabel giải thích hệ thống khi Sơ đưa Cha John Boles, Dòng Columban hiện sống và làm việc tại Anh Quốc, tác giả bài báo này, đi tham quan khu ổ chuột, theo hàng một dọc đường dê đi cao đến chóng mặt. Trong mỗi trường hợp, một ủy ban, thường gồm toàn phụ nữ, được bầu ra. Ủy ban này chọn một địa điểm, thiết lập nhà bếp, mua thực phẩm và thiết lập bảng phân công nấu ăn. Các gia đình muốn tham gia phải đăng ký và sau đó họ nhận được một bữa ăn một ngày, sáu ngày một tuần. Những người tham gia phải trang trải chi phí thực phẩm, nhưng không có tỷ lệ cố định. Mỗi thứ Bảy, họ họp và đặt mức phí cho tuần tiếp theo, theo giá thực phẩm hiện tại và khả năng chi trả của mọi người.

Cũng như khoản đầu tư ban đầu, Sơ Isabel và nhóm hỗ trợ của Sơ bảo đảm việc cung cấp nhiên liệu và bảo trì thiết bị. Sơ đi khắp khu vực mỗi ngày, thăm các bếp ăn, kiểm tra, động viên, chúc mừng, nói chuyện phiếm. Năng lực và sự nhiệt tình của Sơ dường như là vô tận.

Điều khiến Cha Boles có ấn tượng khi cha cố gắng theo kịp Sơ là quy mô của thách thức. Cha nhớ đã nhìn thấy cũng các ngọn đồi này những năm trước khi các cha dòng Columban coi giáo xứ ở đây, lúc ấy chúng còn trơ trụi lắm. Giờ đây, chúng được bao phủ hoàn toàn bằng những ngôi nhà mỏng manh. Sơ Isabel nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, dân số của giáo xứ đã bùng phát, với những người từ nông thôn tràn vào để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở thành phố. Khi nhu cầu về không gian tăng lên, giá đất tăng cao, buộc người nghèo ngày càng lên cao trên các sườn núi.

Đại dịch và sự sụp đổ kinh tế quốc gia sau đó càng góp phần thúc đẩy diễn trình trên. Sơ Isabel cho biết, "Nó giống như xem bánh mì nở phồng trong lò. Những ngôi nhà dường như mọc lên trên những ngọn đồi này chỉ sau một đêm”.

Khi Cha Boles đến thăm, có ba bếp ăn đang hoạt động, cung cấp tổng cộng 270 suất ăn mỗi ngày, quả là một đường sống thực sự cho những gia đình mà nếu không sẽ phải vật lộn để sống còn. Tuy nhiên, như chính Sơ Isabel thừa nhận, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Đề án này sẽ cần được mở rộng trong tương lai. Ngay cả khi đại dịch biến đi vào ngày mai, tình trạng kinh tế của Peru sẽ tồi tệ hơn và việc di cư lên các ngọn đồi sẽ tiếp tục. Không phải điều này làm nản lòng Sơ Isabel. Ngược lại mới đúng. Nó dường như càng thúc đẩy Sơ nhiều hơn.

Các nhà hảo tâm như những người ủng hộ của dòng Columban có thể cung cấp tiền cho các dự án đáng giá này, nhưng chính những người như Sơ Isabel mới là nguồn cảm hứng. Loại cảm hứng tạo ra những điều kỳ diệu như những căn bếp trên bầu trời của Sơ. Sr Isabel Miguelez quả đang giúp nuôi sống những cư dân trong khu ổ chuột trên đỉnh núi ở Peru bị tàn phá bởi COVID-19.

Nguồn: https://www.columban.org.au/media-and-publications/the-far-east-magazine/archive/2021/the-far-east-october-2021/kitchens-in-the-sky