Suy niệm Khánh nhật truyền giáo

Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20)

Truyền giáo là bản chất của Giáo hội. Vì là bản chất, là bổn phận, là trách nhiệm nên Giáo hội không thể không loan báo Tin mừng, không thể truyền giáo, không thể không là chứng nhân giữa đời bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Vì thế, những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy đều phải mang sứ mạng loan báo Tin mừng trong mọi nơi mọi lúc cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai chưa nhận biết Đức Giê-su, Đấng cứu độ duy nhất. Tuy nhiên, làm sao trở nên người loan báo Tin mừng cho người khác nếu bản thân mỗi người chưa đủ hiểu biết và thấm nhuần giới răn của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày? Làm sao là chứng nhân nếu cách sống, lời nói và hành vi cử chỉ của chúng ta chưa thật tốt, chưa thật sự xứng đáng và trở nên gương sáng?

Thật vậy, để trở nên người loan báo Tin mừng đúng nghĩa, chúng ta được mời gọi trước tiên phải bén rễ sâu vào Đức Giê-su Ki-tô để gắn bó, thấu hiểu và thuộc trọn về Ngài. Thứ đến, chúng ta sẵn sàng ra đi để làm chứng cho tất cả những gì chúng ta đã nghe, đã biết về Đức Giê-su Ki-tô bằng cuộc sống. Điều này, chính Đức Thánh Cha đã chọn câu chủ đề cho sứ điệp truyền giáo năm 2021: “Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4, 20)”.

Tại sao Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề này vậy?

Đứng trước những thách đố của thời đại này, cách riêng là đại dịch Covid 19 đang hoành hành, con người đang phải đối diện với những thử thách về đời sống hằng ngày, đặc biệt là đời sống đức tin. Đức Thánh Cha muốn mời gọi mỗi người Kitô hữu, những người đã được cảm nghiệm, đụng chạm và sống với Đức Kitô qua tương quan đời sống cộng đoàn hay cá nhân. Họ hãy can đảm dấn thân, ra đi và loan truyền về tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Mặt khác, Đức Thánh Cha đã dựa vào lời chứng của các Tông Đồ, những người đã cùng ăn, cùng uống và cùng sống với Đức Giê-su. Các ông đã cảm nghiệm tình cha con, nghĩa thiết, các ông cũng đã chứng kiến những nghĩa cử mà Đức Giêsu đã thực thi, đặc biệt là tình yêu của Thiên Chúa dành cho người nghèo và những người bị bỏ rơi. Từ lời chứng các Tông đồ, Đức Thánh Cha mời gọi người Kitô hữu can đảm ra đi loan báo Tin mừng cho tất thảy mọi người. Không ai tự cho phép mình trốn tránh trách nhiệm cao cả này.

Không ai cho người khác mình không có

Một tín hữu Công Giáo làm sao trở nên một chứng nhân đích thực nếu trước đó người ấy không có đời sống cầu nguyện thâm sâu, nếu không có sự gặp gỡ liên lỉ và đón nhận những sứ điệp, lời nói và cách sống của Chúa Giê-su Ki-tô. Chỉ trở nên người truyền giáo đúng nghĩa cho thời đại hôm nay là sống như Chúa Giê-su đã sống, yêu như Chúa Giê-su đã yêu, hành động như Chúa Giê-su đã hành động, gặp gỡ như Chúa Giê-su đã gặp gỡ, nói như Chúa Giê-su đã nói,…Ngược lại, nếu sống loại trừ, vô cảm, ích kỷ, tham lam, hận thù, ghen ghét, nói hành nói xấu, buôn gian bán lẫn, lừa dối, trộm cắp, lộn vợ lộn chồng, chửi tục nói thề, say sưa rượu chè, cờ bạc lô đề,…thì chúng ta vô tình hay hữu ý đã trở nên bức tường ngăn cách hay trở nên phản chứng Tin mừng cho anh chị em chung quanh, nhất là đối với những người chưa nhận biết Chúa.

Để sống chứng nhân cách hữu hiệu và có sức lan toả rộng cũng như sâu, Chúa Thánh Thần là tác nhân đóng vai trò chính yếu và tối quan trọng để dẫn dắt, hướng dẫn, đồng hành và đưa mỗi người đến với Ngôi Hai Thiên Chúa cũng như sinh hoa kết quả dồi dào cho hết thảy mọi người, đặc biệt cho những anh chị em lương dân đang sống kề cạnh chúng ta. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 đang hoành hành, trong sứ điệp truyền giáo 2021, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khuyến cáo người Kitô hữu không được thoái lui, sợ hãi hay thỏa hiệp trước những ru ngủ của thế gian. Trái lại, Ngài lên án, vạch mặt những cám dỗ của thời cuộc. Hơn thế nữa, theo Ngài, niềm hy vọng Kitô giáo sẽ dẫn nhân loại đến bến bình an. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình hãy khiêm tốn trở nên khí cụ, cánh tay nối dài để chuyển trao, rao giảng về một Đấng Kitô Phục sinh. Chính Ngài sẽ xua tan mọi bóng đêm của ma quỷ, tội lỗi và dẫn đưa mọi người đến chân lý vẹn toàn, ánh sáng của Đức tin đặc biệt cho những người bị bỏ rơi. Một Đức Kitô gần gũi, thân thiện, và đầy lòng xót thương.

Truyền giáo ngày nay?

Đứng trước ‘giông tố hiện tại’, là đại dịch, hơn ai hết, ki-tô hữu được mời gọi hãy sống mối tình liên đới, tình huynh đệ, tình tương thân tương ái, mà không phân biệt lương hay giáo, sắc tộc, vì tất cả là anh chị em trong gia đình nhân loại. Quả thật, ‘Vi-rus Co-ro-na’ xuất hiện cũng như lan toả thì ai cũng sợ và không muốn nó lây lan, lây nhiễm rộng, nhưng chúng ta cần lây lan và làm cho lây nhiễm càng rộng càng tốt con “vi-rút bác ái, vi-rút yêu thương, vi-rút quan tâm và bao dung”. Đây là cách thức truyền giáo, loan báo Tin mừng mà Chúa và Mẹ Giáo hội mong muốn.

Bên cạnh biết ơn những mẫu gương, những nhà thừa sai đã có những chứng ta sống động trong công cuộc loan báo Tin mừng, thì có một điều mà chúng ta không nên từ chối với nhau rằng là càng ngày càng ít người trẻ dấn thân hơn cho sứ vụ loan báo Tin mừng, ngay cả những người được thánh hiến và được chọn gọi qua thừa tác vụ linh mục. Hình như nói đến việc dấn thân, hy sinh và đi đến những vùng xa xôi, héo lánh, hoang sơ, nơi giáo lương lẫn lộn, là một điều gì đó xa xôi và không dễ gì được đón nhận khi ai đó được sai đến chưa nói đến là tinh thần tự nguyện xung phong lên đường truyền giáo.

Tóm lại, lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi về trời mà Tin mừng của Thánh Mác-cô hôm nay trình thuật: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” vẫn còn tiếp tục vang vọng và rất thời sự với tất cả mỗi người chúng ta ngày nay. Quả thật, khánh nhật truyền giáo hôm nay như một lời thức tỉnh và mời gọi chúng ta ý thức bổn phận cần thiết truyền giáo của mỗi người để sẵn sàng lên đường dấn thân làm chứng trong mọi ngõ ngách cho mọi người, nhất là cho những đồng bào chưa cùng niềm tin với chúng ta bằng cuộc sống bác ái, yêu thương và hiệp nhất.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương