Đừng Vội Mà Bối Rối Quên Yêu

Trích Tin Mừng Theo Thánh Luca. 10:38-42.

Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Con xin mời quý ông bà anh chị em cùng con suy niệm đoạn tin Mừng theo thánh Lu-ca mà chúng ta vừa nghe với những suy tư đơn sơ trong sự hiểu biết hạn hẹp và kinh nghiệm sống còn rất ít ỏi của con.

Câu chuyện về cuộc tiếp đón Đức Giê-su của hai chị em Mác-ta và Maria mà chúng ta vừa nghe là một câu chuyện hết sức phổ biến mà chúng ta hay đọc dưới ý nghĩa phân biệt giữa một bên là đời sống cầu nguyện theo gương Maria bên chân Chúa Giê-su còn một bên là đời sống phục vụ theo gương Mác-ta tất bật với việc đón tiếp Chúa. Ngày hôm nay, con muốn mời gọi quý cụ ông, cụ bà, cô chú, anh chị em cùng con đọc câu chuyện này theo một góc nhìn khác một chút. Nếu chúng ta mở sách Kinh Thánh để đọc câu chuyện này, chúng ta sẽ thấy một điểm rất thú vị là câu chuyện này cùng với dụ ngôn về Người Sa-ma-ri-ta-nô tốt lành liền trước đó được Chúa Giê-su sử dụng để trả lời về câu hỏi của người thông luật: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? và Ai là người thân cận của tôi?” Nếu câu chuyện về người Sa-ma-ri tốt lành dạy chúng ta phải biết cảm thương cho những người đau khổ và cứu giúp họ thì câu chuyện về Mác-ta và Maria được thánh sử Luca dùng để dạy rằng: đừng bao giờ vội mà bối rối quên yêu, nhất là trong những lúc chúng ta bận rộn, và nhiều thứ công việc bên ngoài gây cho chúng ta áp lực lớn.

Kinh nghiệm đời thường dạy cho ta một sự thật đau lòng rằng: lúc rảnh rang, không phải bận rộn việc gì thì chúng ta dễ dàng cảm thông, thấu hiểu người khác, phán đoán phân minh nhưng trong những lúc phải chịu nhưng áp lực công việc thì chúng ta lại bối rối và thậm chí là ngu ngốc. Vì sao vậy? Theo con, đó là vì chúng ta “VỘI”. Khi bị vây quanh bởi áp lực của những công việc và bổn phần hằng ngày, chúng ta dễ dàng bị vội. Phải vội để xong việc, phải vội để hoàn thành bổn phận. Phải vội nên bối rối. Phải vội nên chẳng còn biết đâu là chính là phụ. Vội thăng tiến khiến chúng ta thấy những ai hơn mình là mục tiêu cần triệt hạ hơn là mẫu gương phấn đấu. Vội giàu, vội đổi đời nên đạo đức luân lý bị che mờ, lương tâm trở nên u tối. Vội thành tựu mà chẳng thành nhân. Vội đón tiếp Chúa mà quên mất mình cùng đón Chúa với anh chị em mình. Vội tổ chức lễ lạc mà quên mất mình cùng nhau làm để cùng nhau vui. Phải vội nên chúng ta bối rối và chỉ nhìn thấy sự bận bịu của mình, nhưng bị mù lòa trước trách nhiệm, bổn phận của người khác. Vội khiến chúng ta lo ra, chia trí và quên mất chỉ có một sự cần ở đời là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình nữa, nhất là với những người mà chúng ta thấy là có vẻ rảnh rang hơn, thoải mái hơn, có những công việc mà chúng ta cứ tưởng là nhẹ nhàng và ít đòi hỏi hơn công việc của chúng ta. Chúng ta chẳng còn nhớ mình là môn đệ được Chúa sai đi để mang lại sự bình an. Cái vội trong tâm hồn khiến chúng ta chẳng còn là những người hèn mọn mà thấy được sự Mặc Khải Nước trời nữa. Cái vội ấy làm ta bối rối quên mất yêu. Mác-ta đã làm rất tốt khi nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô và mời Ngài nhà nhưng rồi để cho chính những lo toan, tính toán về việc phải đón tiếp Ngài trở thành việc “mua dây quàng cổ” trói chặt tâm hồn mình làm cho mình lo ra không nghe được Lời Ngài đến độ phán xét chính người em của mình. Thế nên, Chúa mới nói với chị: “Chỉ có một sự cần mà thôi.” Sự cần thiết ấy chính là nghe Lời Chúa dạy. Mà Lời Chúa dạy là: Mến Chúa trên hết mọi sự và Yêu Tha Nhân như chính mình vậy.” Trong mỗi biến cố cuộc đời, nếu chúng ta đã nhận ra Chúa, mời gọi Chúa ngự vào lòng mình thì cũng hãy biến đổi mà tập trung vào bổn phận chính của mình trong biến cố ấy để yêu thương trở thành động lực duy nhất cho công việc và bổn phận của mình. Để được như vậy, đừng vội mà bối rối quên yêu. Những lúc bận rộn, chúng ta hãy hỏi Chúa: “Có phải điều con nghĩ, điều con nói, điều con sắp làm sẽ mang lại sự sống đời đời không?” Có phải con đang nghe tiếng Chúa, dành sự ưu tiên và chú tâm cho lời Chúa trong tâm hồn con để lời ấy dẫn dắt con nhận ra rằng hết thảy anh chị em quanh con đều là người thân cận mà con phải yêu thương như chính mình dù là họ đang đau khổ hay là họ thành công chăng? Hay con để cho những bận rộn của công việc, bổn phận hằng ngày trở thành sự bận bịu, tất bật đóng kín trong lòng mình, rồi để sự tất bật ấy trở thành nỗi lo, để nỗi lo ấy trở thành sự oán giận và để oán giận ấy biến thành sự ganh tỵ đến mức hằn học?