Thuốc Molnupiravir nhắm vào các polymerase, ngăn nCoV nhân lên trong tế bào cơ thể, do đó chúng có hiệu quả với tất cả biến chủng virus mới.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh thuốc kháng virus Molnupiravir có khả năng chống lại các biến chủng nCoV, gồm cả Delta, theo Reuters. Biến thể Delta hiện đang thống trị tình hình lây nhiễm toàn cầu, là một trong những biến thể nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao nhất.

Dữ liệu sơ bộ về loại thuốc kháng virus này được chia sẻ với The Hill và được trình bày hôm Thứ Tư tại IDWeek, một cuộc họp thường niên của các tổ chức bệnh truyền nhiễm, cho thấy Molnupiravir (dạng viên uống) có hiệu quả nhất khi được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 ở giai đoạn sớm của bệnh, trong khoảng một tuần đầu bị nhiễm.

Merck – Hãng dược bào chế Molnupiravir, hiện đang tiến hành các thử nghiệm giai đoạn cuối đối với loại thuốc này, cho biết rằng việc điều trị không nhắm vào protein đột biến của nCoV, có tác dụng phân biệt các biến thể COVID-19, nên thuốc có thể chống lại bất kỳ loại biến thể coronavirus nào một cách hiệu quả. Molnupiravir nhắm mục tiêu vào polymerase của SARS-CoV-2. Đây là enzyme cần thiết để virus tạo ra các bản sao, nhanh chóng nhân lên trong cơ thể vật chủ. Để tiêu diệt virus, Molnupiravir đưa các lỗi vào mã di truyền của nCoV, khiến chúng sụp đổ từ bên trong.

Hãng Merck đã thử nghiệm thuốc kháng virus Molnupiravir trên các mẫu bệnh phẩm của những tình nguyện viên tham gia ngay từ giai đoạn đầu của dự án. Lúc này, biến chủng Delta chưa phổ biến. Tuy nhiên Molnupiravir đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với biến thể mới và thấy được kết quả rất khả quan.

Theo báo cáo của Merck trước đây, sau năm ngày điều trị bằng Molnupiravir, không có người nào tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 có kết quả dương tính. Trong khi đó, 24% bệnh nhân dùng giả dược bị nhiễm COVID-19.

Merck phối hợp với Ridgeback Biotherapeutics thực hiện hai thử nghiệm giai đoạn III về loại thuốc này. Một thử nghiệm dùng Molnupiravir trong điều trị COVID-19. Thử nghiệm còn lại để dùng làm thuốc uống dự phòng khi có người bị phơi nhiễm. Giai đoạn III có thể kết thúc vào đầu Tháng Mười Một.

Kết quả sơ bộ cho thấy các bệnh nhân không còn triệu chứng sau tối đa năm ngày dùng thuốc. Không ai có nguy cơ trở nặng, nhập viện, tử vong.

Molnupiravir vốn là thuốc phòng ngừa và điều trị virus cúm SARS-CoV của MERS từ đầu những năm 2000. Cơ chế chữa bệnh của nó là ức chế sự sao chép của virus, khiến chúng không thể nhân lên và đào thải nhanh, giúp người bị nhiễm virus sớm hồi phục.