Những Người Thế Giới Đang Cần

(CN 25 Thường niên B 2021)

Trong các cuộc đua tài mang đẳng cấp quốc tế, thì sân chơi “Olympic” là nơi để các vận động viên toàn thế giới tìm kiếm chức vô địch về “Citius, Altius, Fortius” (Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn). Vâng, được “về nhất”, được “vô địch” là cả một vinh dự của một đời người. Riêng, với các vận động viên Trung Quốc, tấm huy chương vàng còn là “cái giá phải trả cho danh dự quốc gia”, một cái giá cao ngất ngưỡng mà người ta tính được là: một trăm triệu đô la cho một huy chương vàng.

Không chỉ trong thể thao mà trong muôn lãnh vực đời thường cuộc sống, ai cũng muốn tìm cái nhất, cái vô địch, cái hơn người…; và dĩ nhiên, ít có ai lại chọn nhận vào cho mình sự thất bại, phần yếu kém, hạng chót ! Đừng quên, chính “con rắn” nơi địa đàng đã cám dỗ hai ông bà Nguyên tổ: “Ngày nào các ngươi ăn nó thì các ngươi sẽ trở thành”người lớn nhất”, trở thành Thiên Chúa”. Không may cho loài người, Ađam và Eva đã bất kể lời của Thiên Chúa dạy bảo, luật của Thiên Chúa nghiêm cấm, đã ước mơ “làm đầu” nên đã kéo theo một nhân loại sa ngã thảm thương, đánh mất hạnh phúc của địa đàng ban sơ thánh thiện.

Và rồi, bài học đó cứ lặp đi lặp lại hoài trong lịch sử. Cain vì không muốn thua em là Aben trước con mắt Thượng Đế, nên sẵn sàng ra tay sát hại đứa em ruột giữa cánh đồng. Hêrôđê vì sợ mất quyền vương đế độc tôn bởi sự xuất hiện của em bé mới sinh ở Bêlem nên đã tàn nhẫn sát hại các trẻ em ở Bêlem từ hai tuổi trở xuống… Hàng ngày trên thế giới, đã xảy ra bao nhiêu vụ án khiếp kinh mà nguyên do cũng chỉ vì lòng ham muốn thống trị, đè đầu cỡi cổ kẻ khác…

Phải chăng đó chính là cái cách ứng xử và lý luận của phường vô đạo mà sách Khôn Ngoan cách đây mấy ngàn năm đã lên tiếng cảnh giác và chúng ta vừa nghe trong BĐ 1: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. (…). Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”.

Cũng trong dòng suy tư và ý nghĩa nầy, Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật một bối cảnh thật sống động, thật “người” về tập đoàn các tông đồ đang đi theo Chúa truyền đạo. Lại là một cuộc tranh đua về nhất. Xem ra cái ước mơ trần tục với cõi lòng còn nặng trĩu tham sân si, các Tông đồ, những cột trụ cho Giáo Hội tương lai của Chúa Giêsu, những sứ giả đem Tin mừng gieo rắc khắp tứ phương thiên hạ, sao mà yếu đuối, sao mà tầm thường ! Nhưng tế nhị làm sao. Chúa Giêsu đợi về đến nhà mới “hỏi tội”: “Dọc đường anh em tranh luận chuyện gì thế?”. Cho tới nước nầy thì “im thin thít’ chứ biết mở miệng làm sao. Và từ đó, các ông được một bài học để đời; một bài học được áp dụng cho toàn thể dân Chúa từ kẻ cao nhất cho đến người thấp nhất, mà biểu hiện minh hoạ cụ thể chính là hình ảnh của một em bé: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”. Và kể từ đó, sứ điệp nầy, lời căn dặn nầy đã đi vào đời sống Hội Thánh như một nguyên tắc ứng xử phổ cập, đến độ, đã trở thành danh xưng thường xuyên của vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công Giáo – Đức Giáo Hoàng: TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ.

Nếu nói Chúa Giêsu là một nhà cách mạng, thì yếu tố cách mạng đầu tiên phải chăng là “cách mạng về thái độ ứng xử, về cung cách đối nhân xử thế”: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và Ngài đã chứng minh cụ thể vào chiều Thứ Năm trước khi bị trao nộp, khi Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn sinh trong bữa tiệc cuối cùng. Và biểu hiện đỉnh điểm của cuộc tự hạ chính là cái chết tủi nhục thập giá như Ngài đã từng loan báo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

Thế nhưng, cũng từ đó, một nhân loại mới ra đời, một cuộc đua tranh mới xuất hiện: đua tranh để trở nên bé nhỏ thấp hèn, trở nên hiền lành khiêm hạ, trở nên tôi tớ phục vụ trong quảng đại yêu thương… Hàng triệu vị Thánh được tôn vinh trên bàn thờ Giáo Hội là những chứng từ sống động cho những cuộc “về nhất”, cho những “những nhà vô địch” trong cuộc cách mạng của Tin mừng do Chúa Giêsu mang đến. Có ai ngờ, người phụ nữ già nua, lưng còng Têrêsa-Calcutta kia lại chinh phục con tim của cả thế giới chỉ vì đã “phá kỷ lục” trong con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Giải Nobel Hòa Bình năm 1979 được trao cho Mẹ chính vì những “kỷ lục” về bác ái yêu thương và phục vụ người nghèo ! Và Hội Thánh đã tuyên dương Mẹ trên bàn Thờ cũng vì lý do “đơn giản” đó !

Cơn cám dỗ chọn lựa khác với con đường khiêm hạ phục vụ vẫn luôn có trong Giáo Hội. Nhưng như Thánh Giacôbê khuyên bảo: “ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

Trong những ngày đại dịch khắc nghiệt nầy, trong những không gian như bệnh viện, các khu tập trung cách ly…, hình ảnh khiêm tốn phục vụ, quên mình và hy sinh vì yêu thương của các nữ tu, các bạn trẻ thiện nguyện đã mang lại bao niềm an ủi cho các bệnh nhân, cho những người hấp hối. Phải chăng, đó chính là những “lời loan báo về cuộc khổ nạn phục sinh của Đức Kitô” có giá trị thuyết phục hơn trăm ngàn bài giảng ! Thế giới nầy đang cần biết bao những người “xây đắp an bình” như thế để “hoa quả công chính” được trỗ sinh trên khắp mọi nẻo đường nhân sinh. Amen.

Trương Đình Hiền