Chuyến tông du của Đức Phanxicô tại Budapest, thủ đô Hung Gia Lợi, một quốc gia mà người Công Giáo chiếm tới hơn 60%, theo thống kê của chính Tòa Thánh, chưa biết sẽ thành công ra sao, nhưng nhiều người đã lưu ý đến độ dài khiêm nhường của nó: vỏn vẹn 7 tiếng đồng hồ và chủ yếu để Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52.

Đức Phanxicô tới Budapest


Quả thế, Robert Mickens, của Lacroix International, đặt câu hỏi Phải chăng Budapest chỉ đáng được một Thánh Lễ? (https://international.la-croix.com/news/letter-from-rome/is-budapest-worth-only-a-mass/14873?), mặc dù đó là ý định của Đức Phanxicô ngay khi loan báo về chuyến đi Budapest trên chuyến máy bay từ Irak trở về Rôma hồi tháng 3 năm nay.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo, Đức Phanxicô cho hay: “Đó không phải là một cuộc viếng thăm đất nước, mà chỉ vì một Thánh Lễ”. Đây quả là một chuyện lạ. Theo Mickens, các vị Giáo Hoàng tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế thường cũng viếng thăm đất nước của nơi tổ chức Đại Hội này. Mickens muốn biết lý do.

Có người cho rằng vì lập trường của ngài về một số vấn đề mục vụ/chính trị trái ngược hoàn toàn với các chính sách cực duy quốc gia của thủ tướng Hung Gia Lợi, Viktor Orbán. Trong đó, có các vấn đề di dân, quyền của nhóm LGBT, môi trường và sự gắn bó của Liên hiệp Âu châu.

Lý do đó không hẳn đúng vì cuối cùng, ngài sẽ gặp ông Viktor Orbán. Chỉ có điều ngài không gặp riêng ông Orbán mà gặp chung với Tổng thống János Áder. Mặt khác, trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh cách nay một tuần, ngài cho biết không biết liệu ngài có gặp Ông Orbán hay không. Chuyện lạ, ngài là người phê chuẩn chương trình chuyến thăm, làm sao không biết cho được.

Mickens thì cho rằng, đây có thể là một chiến lược khiến Orbán “mất thăng bằng”. Vì Đức Phanxicô biết rõ không phải ai ai ở Hung đều ủng hộ Orbán hay chính phủ thối nát do ông và bè lũ đã tạo ra, mặc dù họ đã nắm được quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông trong nước, những phương tiện vốn vẽ Orbán như người được quốc gia yêu mến hơn cả, và những ai chống đối ông ta không phải là người Hung chân chính.

Thực ra, theo Micken, Orbán và đảng Fidesz của ông ta không được lòng dân Hung bao nhiêu. Fidesz chỉ thu được 47.5% tới 48.5% tổng số phiếu toàn quốc năm 2018, nhưng ở chính Budapest, tỷ số đó chỉ lả 38.6%. Sở dĩ họ nắm quyền với đa số 2/3 là nhờ liên minh với đảng Dân chủ Kitô giáo. Nhờ thế, họ viết lại cả hiến pháp mà không thèm lưu ý một phản đối hay yêu cầu tu chính nào, cũng như chiếm cả quyền kiểm soát ngành tư pháp và hạn chế khá nhiều quyền tự do.

Những người không thích hoặc thậm chí chống đối Orbán quả không vui khi được tin Đức Phanxicô gặp Orbán trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi xứ sở họ. Theo Mickens, có người cho là Đức Phanxicô quá lưu ý đến Đại Hội Thánh Thể mà không lưu ý tới hệ luận chính trị của quyết định này.

Ngoài ra, có lẽ Đức Phanxicô còn có một lý do khác, theo Mickens, là để công khai, chính thức, và long trọng ngỏ lời cám ơn một người thân thiết: Đức Tổng Giám Mục Piero Marini. Vị Tổng Giám Mục này vốn là Chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, một chức vụ ngài đảm nhiệm từ năm 2007, đồng thời là chưởng nghi của hai vị giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, từ năm 1987 tới năm 2007, và nay sắp rời chức vụ khi tới tuổi 80 vào tháng Giêng tới.

Nicole Winfield của A.P. thì gọi cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với Viktor Orbán là khoảnh khắc lúng túng nhất trong triều giáo hoàng của ngài vì chính sách dân túy, cánh hữu vốn không được ngài ưa thích. Theo cô, chuyến thăm ngắn ngủi này cho thấy Đức Phanxicô muốn tránh dành cho Orbán quyền được khoác lác, tăng tiến lợi điểm chính trị khi được đón tiếp một vị giáo hoàng trong một chuyến viếng thăm đất nước đúng nghĩa.

Các nhà tổ chức chuyến viếng thăm, theo Winfield, luôn nhấn mạnh việc Giáo Hội Hung Gia Lợi và nhà nước chỉ mời Đức Giáo Hoàng đến bế mạc Đại hội Thánh thể Quốc tế. Cha Kornel Fabry, Tổng thư ký Đại hội Thánh thể, nói đùa: “Nếu tôi chỉ được mời ăn tối, thì đâu có thể ở lại ngủ đêm”.

Tuy nhiên, ai cũng thấy là giữa ngài và Orbán có nhiều mâu thuẫn. Ngài từ lâu vốn liên đới mạnh mẽ với di dân, từng lên tiếng chỉ trích điều ngài gọi là “chủ nghĩa dân túy quốc gia” được các chính phủ như chính phủ Hung Gia Lợi cổ vũ.

Quả vậy, Orbán nổi tiếng là chống di dân và thường mô tả chính phủ ông như người bảo vệ “nền văn minh Kitô giáo” ở Âu Châu và thành lũy chống di dân từ các nước đa số theo Hồi Giáo. Năm 2015, ông bác bỏ các đề nghị định cư tại Hung Gia Lợi các người tỵ nạn từ Trung Đông và Phi Châu và đã dựng một hàng rào dọc theo biên giới phía nam Hung Gia Lợi để ngăn chặn các người tầm trú tại Liên Hiệp Âu Châu tràn vào.

Winfield cũng cho rằng cuộc gặp mặt của Đức Phanxicô với Orbán sẽ không được quay phim, một chuyện rất hiếm trong chuyến đi của Đức Phanxicô tại đây.

Ngoài ra, Winfield cho rằng chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ được nhiều người theo dõi vì nó diễn ra sau cuộc giải phẫu ruột già lấy đi đến 13 inches, khiến ngài phải nằm bệnh viện đến 10 ngày trời. Tuy gần đây, ngài đã tiếp tục các sinh hoạt bình thường, nhưng vẫn phải dùng thuốc và không đứng lâu được.

Chuyến tông du giáo hoàng nào cũng rất vất vả trong những điều kiện bình thường: gặp gỡ liên tục, chuyển vận liên hồi và những buổi phụng vụ lâu giờ, luôn dưới ống kính truyền hình. Chính vì thế, sau chuyến thăm Iraq đầu năm nay, Đức Phanxicô hứa sẽ sinh hoạt chậm lại. Nhưng trong chuyến thăm Hung và Slovakia, không có dấu hiệu chi của việc chậm lại này: 12 bài diễn thuyết trong 4 ngày, khởi đầu với chuyến bay lúc 6 giờ sáng tới Budapest hôm Chúa Nhật và kết thúc tại Bratislava, Thủ đô Slovakia, sau 9 biến cố lớn riêng rẽ nhau.

Phần nào để đánh tan các lo ngại chính đáng, ngài hứa “có lẽ trong chuyến di đầu tiên này, tôi nên cẩn thận hơn, vì người ta phải bình phục hoàn toàn”. Nói thế rồi, ngài nói thêm trong cuộc phỏng vấn của COPE: “Nhưng cuối cùng đâu rồi cũng thế thôi, ông sẽ thấy!”

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Matteo Bruni, cũng trấn an mọi người: không có biện pháp chăm sóc sức khỏe đặc biệt nào kèm theo chuyến đi, tất cả chỉ là chuyện chuẩn bị bình thường.

Nhân dịp này, Bruni cũng cho hay: tập chú chuyến thăm Hung Gia Lợi có tính tâm linh và Đức Phanxicô vẫn thường thực hiện những chuyến viếng thăm ngắn ngủi để dự một biến cố đặc biệt mà không phải chu toàn các trói buộc nghi thức của một chuyến viếng thăm quốc khách đúng nghĩa. Như năm 2014, ngài chỉ đến Strasbourg để đọc diễn văn trước Quốc Hội và Hội Đồng Âu Châu mà không ở lại thăm viếng Pháp.

Inés San Martín của tạp chí Crux thì cho rằng trong Thánh Lễ bế mạc Đại hội Thánh thể Quốc tế tại quảng trường Anh Hùng tại Budapest, Đức Phanxicô thế nào cũng nhắc đến Đức cố Hồng Y József Mindszenty, người đã ngồi tòa giải tội hàng giờ tại cùng một địa điểm trong cùng biến cố năm 1938.

Theo Từ điển Bách khoa Britannica, Mindszenty “hiện thân cho cuộc chống đối không khoan nhượng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản tại Hung Gia Lợi”. Trong Thế chiến II, ngài bị cầm tù, và khi thế chiến này kết thúc, ngài chống đối chủ nghĩa cộng sản và việc cộng sản bách hại Kitô giáo tại đất nước ngài. Ngài bị tra tấn và bị kết án tù chung thân khiến cả thế giới phẫn nộ. Sau 8 năm ngồi tù, ngài được tạm trú tại toà đại sứ Mỹ tại Budapest. Mười lăm năm sau, ngài được phép rời đất nước, và qua đời tại Áo năm 1975.

Các Kitô hữu chịu bách hại tại Hung đã gợi hứng để các nhà tổ chức Đại hội mời các vị Hồng Y và Tổng Giám Mục của các nước bị bách hại tới tham dự như các Đức Hồng Y Raphael Sako của Iraq, Charles Bo của Miến Điện và John Onaiyekan của Nigeria. Người ta hy vọng Đức Phanxicô sẽ gặp các vị này.

Martín cho hay, theo Eduard Habsburg, Đại sứ Hung Gia Lợi bên cạnh Tòa Thánh, bất chấp các dị biệt ý kiến về di dân và chủ nghĩa duy quốc gia giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ tướng Orbán, hai bên cũng có nhiều điểm tương đồng, như “việc bảo vệ gia đình, tự do tôn giáo, và bảo vệ các Kitô hữu tại Trung Đông”. Hung Gia Lợi đầu tư hàng triệu Mỹ kim vào việc tái thiết Cao nguyên Ninivê ở Iraq, được chính Đức Phanxicô thăm viếng trong chuyến tông du Iraq và tỏ lời cám ơn chính phủ Hung Gia Lợi.