Những “Samurai” Sẵn Sàng “Đập Bể Bình Dầu”
“Lễ Khấn” của nữ tu MTG.QN – 20.8.2021
(Dc 2,8-14; 1 Cr 1,22-31; Ga 12,1-8)
Trong tấm thiệp mời dự lễ “Hồng Ân Khấn Dòng” năm nay, tôi thấy ghi danh sách các chị mừng Ngọc khánh, Kim khánh, Ngân khánh, Khấn trọn đời, Khấn lần đầu, cả thảy là 47 nữ tu. Con số “47” nầy làm tôi chợt nhớ tới đền thờ Sengakuji tại thành phố Tokyo, một ngôi đền thiêng rất nổi tiếng của Nhật Bản dành để kính nhớ và tôn kính 47 vị “Samurai lãng nhân”, những người có chung một lời “cam kết”, một “lời thề”, chấp nhận “Harakiri” (mổ bụng tự sát) để minh chứng lòng trung thành với vị chủ nhân của mình là Asano bằng một cuộc trả thù đẩm máu vào ngày 14.12.1702…
Hôm nay, trong trong nguyện đường này, 47 chị thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn chúng ta đang long trọng cử hành Thánh lễ mà trọng tâm chung chính “lời cam kết”, “lời thề”, “Lời Khấn”; cho dù là “Khấn lần đầu”, “Khấn Trọn”, hay “Tạ ơn qua những năm dài sống Lời Khấn” thì mục tiêu cuối cùng nhắm đến vẫn là sự “cam kết trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với Hội Dòng và với con người”. Dĩ nhiên, lời “Khấn” hay “cam kết” của các chị hôm nay không vương vấn một chút gì “sắc máu, hận thù của các chiến binh “Samurai”, nhưng là sự bình an, thanh thản đầy tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ “Ba Ngôi”, và là “dấu chỉ” để thế giới nhận ra vẻ đẹp thần linh của Ba Ngôi trong lịch sử nhân loại, như xác quyết của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Đời sống Thánh Hiến” (Vita Consecrata): Khi thực hành các lời khuyên Phúc Âm, những người được thánh hiến sẽ “trở thành một trong những dấu vết hữu hình mà Thiên Chúa Ba Ngôi để lại trong lịch sử, để cho loài người có thể nhận ra được sức hấp dẫn của vẻ đẹp thần linh và lưu luyến nó” (ĐSTH 20). Vì thế, có thể nói được rằng, “Lời Khấn” hay “Những lời khuyên Phúc Âm” đúng là những “gia bảo” của Hội Thánh; những “kho tàng” quý giá giúp Hội Thánh luôn giữ được nét trẻ trung và vẻ đẹp thần linh mà không bất cứ một cơ cấu, tổ chức nào trên trần gian có được.
Thế nhưng, sự cao quý của những lời “tuyên khấn” hay những “lời khuyên Phúc Âm” đó lại được “cất giữ” nơi những “chiếc bình dễ vỡ”, như lời ví von của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” ( 2 Cr 4, 7). “Những chiếc bình sành” đó chính là những con người bằng xương bằng thịt, với hỉ nộ ái ố, với cả những tính hư tật xấu, khuyết điểm lỗi lầm… Chính vì thế, mục tiêu của thánh lễ hôm nay cốt yếu là để toàn thể Giáo Hội, hiệp thông với những ai đã tuyên khấn và sắp tuyên khấn, xin Chúa một lần nữa, củng cố, canh tân và làm cho những “cam kết tình yêu” đó trở thành mối tương quan sinh động, thắm thiết với, Thiên Chúa, với “Đấng Tình Quân” Giêsu mà ngôn ngữ trữ tình của sách Diễm Ca đã diễn tả cách sinh động: “hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta. Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến. Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt… Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến… Hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót tai ta…” (Dc 2,8-14).
Vâng, mối tình “Dâng hiến” không bao giờ là một “mối duyên hờ”, một “cuộc tình để níu kéo cho một lần dang dở”, để “chắp vá bất đắc dĩ”… mà là một cuộc “đi lên”, “chỗi dậy”, “tiến về phía trước” trong hân hoan phấn khởi như lời hát mà chúng ta vẫn thường nghe: “Từng bước con đi lên hồn lâng lâng thần nhạc trầm lắng Chúa ơi! Nghe nước mắt ngọt ngào vì chợt nhận ra, vì chợt nhận ra mình là người yêu của Chúa. Từng bước con đi lên Chúa ơi ! Lòng xôn xao và hồn bỡ ngỡ, bước diệu huyền con đi, nước mắt tình yêu nước mắt hoan lạc, tình yêu Ngài viết kín cả tâm tư.….
Chắc chắn cũng trong ý nghĩa đó mà giữa đời thường, khi người ta ngắm dáng đứng kiểu đi thanh thản, nét mặt nụ cười bình yên… của các nữ tu, người ta thường cho rằng: tu, đúng là cõi phúc; tu sướng quá, tu bình yên, thanh thản quá ! Mà không chỉ “người đời”; có lẽ đó cũng là cái nhìn đời tu của chính chúng ta, cái nhìn theo kiểu Phêrô nhìn Chúa biến hình trên đĩnh Tabo: “Lạy Chúa chúng con ở đây thì tốt lắm” (Mt 17,4). Thế nhưng, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mượn lời của Thánh Giáo Phụ Augustinô để nói với mọi người và nhất là với các tu sĩ rằng: “Hãy xuống đi, Phê-rô ! Anh cứ muốn nghỉ lại trên núi, nhưng xin hãy xuống. Hãy công bố Lời Chúa, hãy can thiệp lúc nghịch như lúc thuận, hãy răn bảo, dạy dỗ, khuyến khích với đầy lòng nhân hậu và bằng mọi kiểu giáo huấn ! Hãy làm việc, hãy chịu khó, hãy nhẫn nhục trong đau khổ, ngõ hầu nhờ vẻ trắng đẹp của hành động chân chính do lòng mến thúc đẩy, anh có thể đạt được điều được tượng trưng qua tấm áo trắng tinh của Chúa” (ĐSTH 75).
Cách riêng, đời tu hay lời cam kết đặc trưng của các nữ tu Mến Thánh Giá lại càng mang tính khắc nghiệt và đòi hỏi anh hùng mà Đấng Sáng lập, Đức cha Lambert de La Motte đã cô đọng thành một câu châm ngôn: “Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”. Thật ra điều này nào có xa lạ gì với giáo huấn của Thánh Phaolô dành cho anh chị em giáo hữu cộng đoàn Côrintô ngay từ buổi đầu khai sinh Hội Thánh như chúng ta vừa nghe công bố trong Bài đọc 2: “Các người Do Thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi… thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa…”.
Không điên rồ sao được, khi một thế giới đề cao khoái lạc dục vọng thì tu sĩ “khấn khiết tịnh”; khi thế giới ưa chuộng và tìm kiếm giàu sang của cải vật chất, tu sĩ lại “khấn khó nghèo”; và thế giới đua nhau tranh đoạt chức quyền, danh vọng… thì tu sĩ lại “khấn vâng phục”. Toàn là một sự “lội ngược dòng”; hay nói theo ngôn ngữ của Giuđa, (như Tin Mừng Gioan chúng ta vừa nghe), trước nghĩa cử “đập bể bình dầu cam tùng xức chân Chúa” của cô Maria Bêtania đó là “lãng phí”: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo?”. Tuy nhiên, như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô cắt nghĩa, việc “xức dầu” của Maria ngày xưa hay việc dâng hiến để sống đời tu hôm nay không lãng phí chút nào: Bởi vì, “Đối với người được thu hút trong thâm tâm cõi lòng bởi vẻ đẹp và lòng nhân hậu của Chúa, thì điều mà mắt người đời coi là phung phí lại là một cách đáp trả tất nhiên cho một mối tình, một niềm tri ân phấn khởi vì được chọn một cách đặc biệt để được biết Chúa Con và được chia sẻ sứ mạng của Người trong thế giới” (ĐSTH 104).
Việc Khấn Dòng hôm nay, một cách nào đó, là thực hành chính việc mà Đức Kiô đã “chuẩn nhận” để dành riêng cho Ngài, để thuộc về Ngài: “Hãy để cô ấy yên hầu cô ấy giữ lại dầu thơm này cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Lịch sử 350 năm của Hội dòng Mến Thánh Giá An Chỉ - Qui Nhơn chúng ta đã làm chứng, đã ghi nhận có biết bao nhiêu “bình dầu thơm” như Anê Soạn, như Anna Trị, như 270 nữ tu bị giết vì đạo chỉ trong một năm 1885 thời biến nạn Văn Thân; trong số đó phải kể đến 40 chục chị em ở Phú Hoà bị lột trần truồng trước khi bị tàn sát; hay các chị ở Hoa Vông bị treo trên cây cau hay dìm xuống giếng sâu …; vâng tất cả không là những “bình dầu cam tùng xức chân Chúa Giêsu và làm rực thơm căn nhà Giáo Hội” đó sao !
Dĩ nhiên, không phải thời nào cũng phải “đổ máu”, cũng phải “Tử đạo” mới có cơ hội “đập bể bình dầu thơm” cuộc đời mình để cho đi, để phục vụ, để sống trọn vẹn những lời cam kết Phúc Âm: Khó nghèo, Khiết tịnh, Vâng phục ! Nữ tu Cristina dòng Ursuline đã dùng chính tiếng hát của mình mang lên sân khấu lớn “The Voice of Italy” để loan Tin Mừng cho thế giới; sr. Nhung, một chị em của chúng ta “người chiến sĩ tuyến đầu”, cùng với bao anh chị em tu sĩ khác “đập bể bình dầu thơm” phục vụ những nạn nhân Covid...
Phải chăng, tất cả những con người ấy cùng với bao nhiêu nam nữ tu sĩ hôm nay trong “vườn nho Giáo Hội” đã là hiện thân của Mácta, của Maria…, của những người chọn Đức Kitô như “đã chọn phần tốt nhất” để thuộc về, để phục vụ, để làm chứng, …
Cùng với các chị, chúng ta chung lời cầu nguyện, xin cho “47 chị” trong dịp “Khấn lần đầu, Khấn trọn hay “kỷ niệm tuyên khấn” trở thành những “Samurai của tình yêu dâng hiến”, những “Samurai” không phải để sẵn sàng “Harakiri” mà là chấp nhận “Đập bể bình dầu thơm” vì được “Đức Ki-tô đổi mới, và nhờ Thánh Thần trợ giúp, … sẽ kiến tạo những cộng đoàn huynh đệ, để cùng với Đức Ki-tô, rửa chân cho người nghèo, và đóng góp phần độc đáo … vào sự biến hình của thế giới” (ĐSTH 110). Amen.
Trương Đình Hiền
“Lễ Khấn” của nữ tu MTG.QN – 20.8.2021
(Dc 2,8-14; 1 Cr 1,22-31; Ga 12,1-8)
Trong tấm thiệp mời dự lễ “Hồng Ân Khấn Dòng” năm nay, tôi thấy ghi danh sách các chị mừng Ngọc khánh, Kim khánh, Ngân khánh, Khấn trọn đời, Khấn lần đầu, cả thảy là 47 nữ tu. Con số “47” nầy làm tôi chợt nhớ tới đền thờ Sengakuji tại thành phố Tokyo, một ngôi đền thiêng rất nổi tiếng của Nhật Bản dành để kính nhớ và tôn kính 47 vị “Samurai lãng nhân”, những người có chung một lời “cam kết”, một “lời thề”, chấp nhận “Harakiri” (mổ bụng tự sát) để minh chứng lòng trung thành với vị chủ nhân của mình là Asano bằng một cuộc trả thù đẩm máu vào ngày 14.12.1702…
Hôm nay, trong trong nguyện đường này, 47 chị thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn chúng ta đang long trọng cử hành Thánh lễ mà trọng tâm chung chính “lời cam kết”, “lời thề”, “Lời Khấn”; cho dù là “Khấn lần đầu”, “Khấn Trọn”, hay “Tạ ơn qua những năm dài sống Lời Khấn” thì mục tiêu cuối cùng nhắm đến vẫn là sự “cam kết trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với Hội Dòng và với con người”. Dĩ nhiên, lời “Khấn” hay “cam kết” của các chị hôm nay không vương vấn một chút gì “sắc máu, hận thù của các chiến binh “Samurai”, nhưng là sự bình an, thanh thản đầy tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ “Ba Ngôi”, và là “dấu chỉ” để thế giới nhận ra vẻ đẹp thần linh của Ba Ngôi trong lịch sử nhân loại, như xác quyết của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Đời sống Thánh Hiến” (Vita Consecrata): Khi thực hành các lời khuyên Phúc Âm, những người được thánh hiến sẽ “trở thành một trong những dấu vết hữu hình mà Thiên Chúa Ba Ngôi để lại trong lịch sử, để cho loài người có thể nhận ra được sức hấp dẫn của vẻ đẹp thần linh và lưu luyến nó” (ĐSTH 20). Vì thế, có thể nói được rằng, “Lời Khấn” hay “Những lời khuyên Phúc Âm” đúng là những “gia bảo” của Hội Thánh; những “kho tàng” quý giá giúp Hội Thánh luôn giữ được nét trẻ trung và vẻ đẹp thần linh mà không bất cứ một cơ cấu, tổ chức nào trên trần gian có được.
Thế nhưng, sự cao quý của những lời “tuyên khấn” hay những “lời khuyên Phúc Âm” đó lại được “cất giữ” nơi những “chiếc bình dễ vỡ”, như lời ví von của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” ( 2 Cr 4, 7). “Những chiếc bình sành” đó chính là những con người bằng xương bằng thịt, với hỉ nộ ái ố, với cả những tính hư tật xấu, khuyết điểm lỗi lầm… Chính vì thế, mục tiêu của thánh lễ hôm nay cốt yếu là để toàn thể Giáo Hội, hiệp thông với những ai đã tuyên khấn và sắp tuyên khấn, xin Chúa một lần nữa, củng cố, canh tân và làm cho những “cam kết tình yêu” đó trở thành mối tương quan sinh động, thắm thiết với, Thiên Chúa, với “Đấng Tình Quân” Giêsu mà ngôn ngữ trữ tình của sách Diễm Ca đã diễn tả cách sinh động: “hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta. Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến. Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt… Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến… Hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót tai ta…” (Dc 2,8-14).
Vâng, mối tình “Dâng hiến” không bao giờ là một “mối duyên hờ”, một “cuộc tình để níu kéo cho một lần dang dở”, để “chắp vá bất đắc dĩ”… mà là một cuộc “đi lên”, “chỗi dậy”, “tiến về phía trước” trong hân hoan phấn khởi như lời hát mà chúng ta vẫn thường nghe: “Từng bước con đi lên hồn lâng lâng thần nhạc trầm lắng Chúa ơi! Nghe nước mắt ngọt ngào vì chợt nhận ra, vì chợt nhận ra mình là người yêu của Chúa. Từng bước con đi lên Chúa ơi ! Lòng xôn xao và hồn bỡ ngỡ, bước diệu huyền con đi, nước mắt tình yêu nước mắt hoan lạc, tình yêu Ngài viết kín cả tâm tư.….
Chắc chắn cũng trong ý nghĩa đó mà giữa đời thường, khi người ta ngắm dáng đứng kiểu đi thanh thản, nét mặt nụ cười bình yên… của các nữ tu, người ta thường cho rằng: tu, đúng là cõi phúc; tu sướng quá, tu bình yên, thanh thản quá ! Mà không chỉ “người đời”; có lẽ đó cũng là cái nhìn đời tu của chính chúng ta, cái nhìn theo kiểu Phêrô nhìn Chúa biến hình trên đĩnh Tabo: “Lạy Chúa chúng con ở đây thì tốt lắm” (Mt 17,4). Thế nhưng, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mượn lời của Thánh Giáo Phụ Augustinô để nói với mọi người và nhất là với các tu sĩ rằng: “Hãy xuống đi, Phê-rô ! Anh cứ muốn nghỉ lại trên núi, nhưng xin hãy xuống. Hãy công bố Lời Chúa, hãy can thiệp lúc nghịch như lúc thuận, hãy răn bảo, dạy dỗ, khuyến khích với đầy lòng nhân hậu và bằng mọi kiểu giáo huấn ! Hãy làm việc, hãy chịu khó, hãy nhẫn nhục trong đau khổ, ngõ hầu nhờ vẻ trắng đẹp của hành động chân chính do lòng mến thúc đẩy, anh có thể đạt được điều được tượng trưng qua tấm áo trắng tinh của Chúa” (ĐSTH 75).
Cách riêng, đời tu hay lời cam kết đặc trưng của các nữ tu Mến Thánh Giá lại càng mang tính khắc nghiệt và đòi hỏi anh hùng mà Đấng Sáng lập, Đức cha Lambert de La Motte đã cô đọng thành một câu châm ngôn: “Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”. Thật ra điều này nào có xa lạ gì với giáo huấn của Thánh Phaolô dành cho anh chị em giáo hữu cộng đoàn Côrintô ngay từ buổi đầu khai sinh Hội Thánh như chúng ta vừa nghe công bố trong Bài đọc 2: “Các người Do Thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi… thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa…”.
Không điên rồ sao được, khi một thế giới đề cao khoái lạc dục vọng thì tu sĩ “khấn khiết tịnh”; khi thế giới ưa chuộng và tìm kiếm giàu sang của cải vật chất, tu sĩ lại “khấn khó nghèo”; và thế giới đua nhau tranh đoạt chức quyền, danh vọng… thì tu sĩ lại “khấn vâng phục”. Toàn là một sự “lội ngược dòng”; hay nói theo ngôn ngữ của Giuđa, (như Tin Mừng Gioan chúng ta vừa nghe), trước nghĩa cử “đập bể bình dầu cam tùng xức chân Chúa” của cô Maria Bêtania đó là “lãng phí”: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo?”. Tuy nhiên, như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô cắt nghĩa, việc “xức dầu” của Maria ngày xưa hay việc dâng hiến để sống đời tu hôm nay không lãng phí chút nào: Bởi vì, “Đối với người được thu hút trong thâm tâm cõi lòng bởi vẻ đẹp và lòng nhân hậu của Chúa, thì điều mà mắt người đời coi là phung phí lại là một cách đáp trả tất nhiên cho một mối tình, một niềm tri ân phấn khởi vì được chọn một cách đặc biệt để được biết Chúa Con và được chia sẻ sứ mạng của Người trong thế giới” (ĐSTH 104).
Việc Khấn Dòng hôm nay, một cách nào đó, là thực hành chính việc mà Đức Kiô đã “chuẩn nhận” để dành riêng cho Ngài, để thuộc về Ngài: “Hãy để cô ấy yên hầu cô ấy giữ lại dầu thơm này cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Lịch sử 350 năm của Hội dòng Mến Thánh Giá An Chỉ - Qui Nhơn chúng ta đã làm chứng, đã ghi nhận có biết bao nhiêu “bình dầu thơm” như Anê Soạn, như Anna Trị, như 270 nữ tu bị giết vì đạo chỉ trong một năm 1885 thời biến nạn Văn Thân; trong số đó phải kể đến 40 chục chị em ở Phú Hoà bị lột trần truồng trước khi bị tàn sát; hay các chị ở Hoa Vông bị treo trên cây cau hay dìm xuống giếng sâu …; vâng tất cả không là những “bình dầu cam tùng xức chân Chúa Giêsu và làm rực thơm căn nhà Giáo Hội” đó sao !
Dĩ nhiên, không phải thời nào cũng phải “đổ máu”, cũng phải “Tử đạo” mới có cơ hội “đập bể bình dầu thơm” cuộc đời mình để cho đi, để phục vụ, để sống trọn vẹn những lời cam kết Phúc Âm: Khó nghèo, Khiết tịnh, Vâng phục ! Nữ tu Cristina dòng Ursuline đã dùng chính tiếng hát của mình mang lên sân khấu lớn “The Voice of Italy” để loan Tin Mừng cho thế giới; sr. Nhung, một chị em của chúng ta “người chiến sĩ tuyến đầu”, cùng với bao anh chị em tu sĩ khác “đập bể bình dầu thơm” phục vụ những nạn nhân Covid...
Phải chăng, tất cả những con người ấy cùng với bao nhiêu nam nữ tu sĩ hôm nay trong “vườn nho Giáo Hội” đã là hiện thân của Mácta, của Maria…, của những người chọn Đức Kitô như “đã chọn phần tốt nhất” để thuộc về, để phục vụ, để làm chứng, …
Cùng với các chị, chúng ta chung lời cầu nguyện, xin cho “47 chị” trong dịp “Khấn lần đầu, Khấn trọn hay “kỷ niệm tuyên khấn” trở thành những “Samurai của tình yêu dâng hiến”, những “Samurai” không phải để sẵn sàng “Harakiri” mà là chấp nhận “Đập bể bình dầu thơm” vì được “Đức Ki-tô đổi mới, và nhờ Thánh Thần trợ giúp, … sẽ kiến tạo những cộng đoàn huynh đệ, để cùng với Đức Ki-tô, rửa chân cho người nghèo, và đóng góp phần độc đáo … vào sự biến hình của thế giới” (ĐSTH 110). Amen.
Trương Đình Hiền