1. Vì sức khoẻ, Đức Thánh Cha sẽ không đích thân cử hành thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên

Theo dự trù ban đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên lần thứ nhất vào lúc 10g sáng Chúa Nhật 25 tháng 7.

Tuy nhiên, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết, do cần nghỉ ngơi sau khi phẫu thuật ruột kết vào ngày 4 tháng 7 và được xuất viện 10 ngày sau đó vào ngày 14 tháng 7, Đức Thánh Cha sẽ không đích thân cử hành thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên lần thứ nhất vào lúc 10g sáng Chúa Nhật 25 tháng 7. Vị chủ tế trong thánh lễ ấy là Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm Hóa.

Ông Bruni cho tờ I Media biết Đức Giáo Hoàng không có vấn đề trong việc đi đứng và việc ngài không đứng được lâu là điều bình thường vào lúc này.

Ông Bruni nhận xét rằng chúng ta không nên “lo lắng”. Việc ngài không cử hành Thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên là “hoàn toàn bình thường: Ngài đang tiếp tục dưỡng bệnh.”

Được công bố vào tháng Giêng vừa qua, Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thiết lập để công nhận và tôn vinh những người cao niên.

Ngày này được thiết lập vào ngày 25 tháng 7, ngay trước ngày 26 tháng 7, lễ nhớ Thánh Anna và Thánh Joachim, ông bà của Chúa Giêsu.

Khi công bố điều đó, Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ tọa thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Mãi đến gần đây, các tài liệu liên quan đến việc cử hành thánh lễ này vẫn ghi là do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành vào lúc 10g sáng Chúa Nhật 25 tháng 7.

Tuy Đức Thánh Cha không đích thân cử hành Thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên, Ơn Toàn Xá vẫn được ban như đã thông báo trước đây.

Theo thông báo của Tòa Ân Giải Tối Cao, điều kiện để được Ơn Toàn Xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Tuy nhiên, theo sắc lệnh được Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao và Đức Ông Krzydztof Nykiel, Nhiếp chính, ký ngày 19 tháng 3, 2020, trong thời kỳ dịch bệnh việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm sau, ngay sau khi có thể.

Do đó, đối với quý vị và anh chị em sống trong các khu vực bị cách ly chúng ta cần từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm sau, ngay khi hoàn cảnh cho phép.

Đồng thời chúng ta phải thực hiện một trong ba công việc sau đây do Tòa Ân Giải Tối Cao quy định.

Thứ nhất: Tham dự Thánh lễ cử hành vào Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 25/7 trực tiếp hay qua các phương tiện truyền thông, hoặc các Thánh lễ khác được cử hành trên toàn thế giới.

Thứ hai: Nếu không thể thực hiện yêu cầu thứ nhất thì dành thời gian thích đáng để thăm viếng, cách trực tiếp hay trực tuyến – chẳng hạn như gọi điện thoại thăm hỏi - những người già yếu đang gặp khó khăn hoặc những người đang gặp hoạn nạn, chẳng hạn những người đau yếu, những người bị bỏ rơi, những người khuyết tật và những người ở trong những trường hợp tương tự.

Thứ ba: Thông cáo của Tòa Ân giải Tối cao cũng cho biết Ơn Toàn Xá cũng có thể được ban cho những người, vì những lý do nghiêm trọng, không thể ra khỏi nhà và “hiệp nhất cách thiêng liêng với các cử hành thánh của Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những nỗi đau hay những đau khổ trong cuộc sống của họ, đặc biệt là trong thời gian phát sóng Thánh lễ, qua các phương tiện truyền hình và đài phát thanh, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội mới.


Source:Aleteia

2. Lời cầu nguyện chính thức cho Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên lần thứ nhất

Hôm thứ Sáu 23 tháng 7, một video đã được Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống công bố trong đó có lời cầu nguyện chính thức cho Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên vào ngày 25 tháng 7, với sự góp mặt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các ông bà từ khắp nơi trên thế giới và vị giám mục cao niên nhất còn sống, năm nay 101 tuổi, là Giám mục hiệu tòa của Trois-Rivières, Québec, Canada; đó là Đức Cha Laurent Noël

Kinh nguyện được đọc bằng những ngôn ngữ khác nhau với nội dung sau:

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa cho con được an ủi qua sự hiện diện của Chúa:

Ngay cả trong khi cô đơn lẻ loi, Chúa là hy vọng và là niềm tin tưởng của con;

Chúa là đá tảng và thành trì của con từ thời niên thiếu!

Con cảm tạ Chúa đã ban cho con một gia đình, và đã ban phúc cho con được sống lâu dài.

Con cảm tạ Chúa về những phút giây vui mừng và khó khăn, về những giấc mơ đã thành sự thật trong cuộc sống của con, và về những gì vẫn đang còn phía trước.

Con cảm ơn Chúa về thời gian này khi Chúa mời gọi con tiếp tục mang lại hoa trái.

Lạy Chúa xin ban thêm đức tin cho con; xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa;

xin dạy con đón nhận những người đau khổ hơn con; xin dạy con đừng bao giờ thôi ước mơ

và dạy con tường thuật những điều kỳ diệu của Chúa cho các thế hệ trẻ.

Xin bảo vệ và hướng dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Giáo hội, để ánh sáng Tin Mừng có thể chiếu rọi đến tận cùng trái đất.

Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến canh tân thế giới, để cơn bão đại dịch được dịu êm,

để người nghèo được an ủi và chiến tranh chấm dứt.

Xin nâng đỡ con khi yếu đuối và giúp con sống tràn đầy mỗi giây phút Chúa ban cho con,

với xác tín rằng Chúa ở với con mọi ngày cho đến tận thế. Amen


Source:Aleteia

3. Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên Lần Thứ Nhất

“Thầy ở cùng các con mọi ngày”

Các bậc ông bà và các bạn cao niên thân mến!

“Thầy ở cùng các con mọi ngày” (x. Mt 28:20): đây là lời Chúa đã hứa với các môn đệ trước khi về trời. Hôm nay Ngài lặp lại lời này với mỗi anh chị em, các bậc ông bà và người cao niên. Với tư cách Giám mục Roma và cũng lớn tuổi như anh chị em, tôi muốn gởi đến anh chị em trong Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ nhất cùng những lời này: “Tôi luôn ở cùng anh chị em”. Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em – hay đúng hơn, với tất cả chúng ta – và quan tâm đến anh chị em, yêu thương anh chị em và không muốn để anh chị em đơn độc!

Tôi biết rõ thông điệp này đến với anh chị em vào thời khắc khó khăn: đại dịch như cơn bão dữ dội và bất ngờ vùi dập chúng ta; đó là thời gian thử thách đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với chúng ta, những người cao tuổi. Nhiều người trong chúng ta ngã bệnh, những người khác qua đời hoặc chứng kiến cái chết của vợ/chồng hoặc những người thân yêu, cũng có những người rơi vào tình trạng tách biệt và cô đơn kéo dài.

Chúa nhận biết tất cả những nỗi thống khổ của chúng ta trong thời gian này. Ngài gần gũi với những ai cảm thấy buồn phiền vì bị cách ly. Ngài không dửng dưng với nỗi cô đơn của chúng ta, mà trong mùa dịch nỗi cô đơn này lại càng trở nên gay gắt hơn. Có một truyền thống kể lại rằng, thánh Gioakim, ông ngoại của Chúa Giêsu, cũng đã bị những người xung quanh xa lánh vì ngài không có con; cuộc sống của ngài, cũng như của bà Anna vợ ngài, bị coi là vô tích sự. Thế rồi Thiên Chúa đã sai thiên thần đến an ủi. Trong khi ngài buồn bã đăm chiêu bên ngoài cổng thành, một sứ giả của Chúa hiện ra và bảo: “Gioakim, Gioakim! Chúa đã nghe lời van nài tha thiết của ông”[1]. Họa sĩ Giotto, nơi một trong các bức bích họa nổi tiếng của mình[2], dường như đã đặt bối cảnh đó vào ban đêm, một đêm trong nhiều đêm mất ngủ, đầu óc đầy những kỷ niệm, lo lắng và mong ước, là những trải nghiệm mà chắc nhiều người chúng ta đã từng biết.

Ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, như trong những tháng ngày đại dịch này, Chúa vẫn tiếp tục sai các thiên thần đến để xoa dịu nỗi cô đơn của chúng ta và nhắc nhở chúng ta: “Thầy ở cùng các con mọi ngày”. Ngài nói điều này với mỗi anh chị em, và Ngài nói điều đó với tôi. Đó là ý nghĩa của Ngày này, Ngày mà tôi muốn chúng ta cử hành lần đầu tiên trong năm đặc biệt này, sau thời gian dài bị cô lập và khi cuộc sống xã hội dần dần bắt đầu trở lại. Mong sao mọi bậc ông bà và người lớn tuổi, đặc biệt những người lẻ loi nhất trong chúng ta, được một thiên thần thăm viếng!

Đôi khi các thiên thần đó mang khuôn mặt con cháu chúng ta, có lúc lại là khuôn mặt của các thành viên trong gia đình, của các bạn nối khố hoặc những người mà chúng ta quen biết trong thời kỳ khó khăn này. Thời gian hiện nay cho chúng ta thấy rõ, đối với mỗi người chúng ta, những cái ôm và các cuộc thăm hỏi thì quan trọng dường nào. Tôi rất buồn vì ở một số nơi những điều này vẫn còn chưa thể thực hiện được!

Tuy nhiên, Chúa vẫn gửi cho chúng ta những sứ giả qua Lời Chúa. Ngài không bao giờ để cho cuộc đời chúng ta thiếu vắng Lời của Ngài. Mỗi ngày chúng ta hãy ráng đọc một trang Tin Mừng, cầu nguyện với các Thánh vịnh, đọc các sách Ngôn sứ! Chúng ta sẽ sửng sốt bởi sự thành tín của Chúa. Kinh Thánh cũng sẽ giúp chúng ta hiểu trong cuộc sống hiện nay Chúa yêu cầu chúng ta phải gì. Vì vào mỗi giờ trong ngày (x. Mt 20, 1-16) và ở mỗi giai đoạn cuộc đời, Chúa vẫn tiếp tục sai thợ vào làm vườn nho cho Chúa. Chính tôi có thể chứng thực rằng tôi đã được kêu gọi để trở thành Giám mục của Roma, có thể nói được là, khi tôi đã đến tuổi nghỉ hưu và nghĩ rằng tôi sẽ chẳng còn làm được điều gì mới. Chúa luôn ở gần chúng ta, luôn luôn ở gần, với những khả năng mới, ý tưởng mới, niềm an ủi mới, nhưng luôn luôn ở bên chúng ta. Anh chị em biết rằng Chúa là vĩnh cửu, Ngài không bao giờ nghỉ hưu, không bao giờ.

Trong Tin Mừng thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (28, 19-20). Hôm nay những lời này cũng được nói với chúng ta, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ơn gọi của mình: gìn giữ cội nguồn của chúng ta, trao truyền đức tin cho lớp trẻ và chăm sóc các trẻ nhỏ. Hãy suy nghĩ kỹ: ơn gọi của chúng ta ngày nay, ở tuổi của chúng ta là gì? Gìn giữ cội nguồn của mình, trao truyền niềm tin cho lớp trẻ và chăm sóc các trẻ nhỏ. Đừng bao giờ quên điều này.

Dù anh chị em bao nhiêu tuổi, còn đi làm hay đã nghỉ, độc thân hay có gia đình, trở thành ông, thành bà khi còn trẻ hay lúc đứng tuổi, vẫn tự lập hay cần trợ giúp, thì cũng chẳng hệ gì, bởi không có tuổi nghỉ hưu để khỏi loan báo Tin Mừng và chuyển trao các truyền thống cho con cháu. Anh chị em chỉ cần lên đường và nhất là ra khỏi chính mình để thực hiện điều gì đó mới.

Do đó, tại một thời điểm quyết định của lịch sử, mỗi anh chị em cũng có một ơn gọi được đổi mới. Anh chị em có thể tự hỏi: Làm sao có thể thế được? Sức lực tôi đang dần cạn kiệt và tôi không nghĩ mình có thể làm được nhiều việc. Làm sao tôi có thể bắt đầu hành xử khác đi khi thói quen đã thành quy tắc trong cuộc đời tôi? Làm sao tôi có thể cống hiến cho người nghèo khi còn canh cánh bao nỗi lo toan về gia đình mình? Làm sao tôi có thể mở rộng tầm nhìn khi tôi thậm chí không thể rời khỏi nơi mình đang ở. Chẳng lẽ sự cô độc của tôi chưa đủ là một gánh nặng hay sao? Có bao nhiêu người trong anh chị em đang hỏi câu đó: chẳng lẽ sự cô độc của tôi chưa đủ là một gánh nặng hay sao? Chính Chúa Giêsu đã nghe ông Nicôđêmô hỏi một câu tương tự: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?” (Ga 3, 4). Chúa trả lời, điều đó có thể xảy ra nếu chúng ta mở lòng đón nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn thổi đâu thì thổi. Chúa Thánh Thần vẫn hằng luôn tự do, Ngài đến bất cứ nơi đâu và làm bất kỳ điều gì Ngài muốn.

Như tôi đã nhiều lần lặp lại, chúng ta sẽ không thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại mà vẫn cứ y nguyên như cũ, hoặc sẽ tốt hơn hoặc sẽ tệ hơn. Và “Ước gì đây không là một bi kịch khác của lịch sử mà lại một lần nữa chúng ta chẳng học được gì – chúng ta vốn cứng đầu – ! Ước gì chúng ta luôn nhớ đến những người già đã chết vì thiếu máy trợ thở [...]. Ước gì nỗi đớn đau dằn vặt lớn lao đó không trở nên vô ích, nhưng là bước tiến giúp chúng ta biết đổi mới cách sống. Ước gì chúng ta tái khám phá và vĩnh viễn nhận biết rằng chúng ta cần đến nhau, chúng ta mắc nợ lẫn nhau để nhờ đó, gia đình nhân loại được tái sinh”(Fratelli Tutti, 35). Không ai được cứu một mình. Tất cả chúng ta đều mắc nợ lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều là anh chị em.

Theo cái nhìn này, tôi muốn nói với mỗi anh chị em rằng cần phải có anh chị em để xây dựng thế giới tương lai, trong tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, là thế giới mà chúng ta, cùng với con cháu chúng ta, sẽ sống sau khi cơn bão đã lắng dịu xuống. Tất cả “chúng ta hãy là những người chủ động trong việc phục hồi và hỗ trợ những tầng lớp xã hội bị tổn thương” (ibid., 77). Trong số các trụ cột chống đỡ công trình mới này, có ba trụ cột mà anh chị em, hơn bất kỳ ai khác, có thể giúp thiết lập. Ba trụ cột đó là ước mơ, ký ức và cầu nguyện. Sự gần gũi của Chúa sẽ ban cho tất cả chúng ta, ngay cả những người yếu đuối nhất, sức mạnh cần thiết để bắt đầu một cuộc hành trình mới trên con đường của ước mơ, ký ức và cầu nguyện.

Ngôn sứ Giô-en đã từng loan báo lời hứa này: “người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (3, 1). Tương lai của thế giới phụ thuộc vào giao ước giữa trẻ và già. Ai có thể chắp cánh ước mơ của người già và biến chúng thành hiện thực, nếu không phải là người trẻ? Tuy nhiên, để có được điều này, chúng ta cần phải tiếp tục ước mơ. Ước mơ của chúng ta về công lý, về hòa bình, về tình liên đới có thể giúp những người trẻ chúng ta có những cái nhìn mới; bằng cách này, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng tương lai. Anh chị em cần chứng tỏ rằng có thể vượt qua và đổi mới sau trải nghiệm gian khổ. Tôi chắc chắn rằng anh chị em đã hơn một lần trải nghiệm như thế: trong cuộc đời, anh chị em đã phải đối mặt với vô số khó khăn nhưng vẫn có thể vượt qua. Giờ đây hãy sử dụng những kinh nghiệm đó để biết cách vượt qua.

Những ước mơ vì thế mà đan xen với ký ức. Tôi nghĩ đến giá trị những ký ức đau thương của chiến tranh và tầm quan trọng của nó trong việc giúp các thế hệ trẻ học được giá trị của hòa bình. Những anh chị em đã trải nghiệm những đau khổ của cuộc chiến phải truyền lại thông điệp này. Sứ mệnh đích thực của mỗi người cao tuổi là giữ cho ký ức sống động: lưu giữ ký ức và chia sẻ nó với những người khác. Edith Bruck, người đã sống sót sau cuộc thảm sát Shoah, đã nói rằng “dù chỉ soi sáng lương tâm của một con người thì cũng đáng cho những nỗ lực và đau đớn để giữ ký ức về những gì đã qua được tồn tại”. Bà nói tiếp: “Đối với tôi, lưu giữ ký ức là sống.”[3] Tôi cũng nghĩ đến ông bà của tôi và những người trong anh chị em đã phải di cư và trải qua nỗi khó khăn khi rời bỏ chính ngôi nhà của mình, như rất nhiều người hôm nay vẫn tiếp tục phải làm thế, hy vọng nơi một tương lai tốt hơn. Một số người trong những người này thậm chí có thể bây giờ đang ở cạnh chúng ta, chăm sóc chúng ta. Ký ức này có thể giúp xây dựng một thế giới nhân văn và hiếu khách hơn. Ngược lại, không có ký ức, chúng ta sẽ không bao giờ có thể xây dựng; không có nền móng thì không bao giờ xây được nhà. Không bao giờ. Và nền tảng của cuộc sống là ký ức.

Cuối cùng là cầu nguyện. Như đấng tiền nhiệm của tôi, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một vị cao niên thánh thiện vẫn tiếp tục cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội, đã từng nói: “Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, giúp ích cho thế giới có lẽ hữu hiệu hơn là hoạt động tất bật của nhiều người”[4]. Ngài đã nói những lời này năm 2012 lúc gần cuối triều đại giáo hoàng của ngài. Câu nói quá hay! Lời cầu nguyện của anh chị em là một nguồn lực vô cùng quý giá, như là hơi thở sâu nơi buồng phổi mà lúc này Giáo hội và thế giới rất cần (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 262). Đặc biệt là vào thời khắc khó khăn này của nhân loại, khi chúng ta tiếp tục chèo chống trên cùng một con thuyền giữa biển cả vượt cơn bão tố của đại dịch, lời cầu bầu của anh chị em cho thế giới và cho Giáo hội vô cùng giá trị: nó mang lại cho mọi người sự bình an và tin tưởng rằng chúng ta sẽ sớm cập bến.

Các bậc ông bà và anh chị em cao niên thân mến, kết thúc Sứ điệp gửi đến anh chị em, tôi cũng muốn đề cập đến mẫu gương Chân phước Charles de Foucauld (sắp được phong thánh). Ngài sống như một ẩn sĩ ở Algeria và ở đó ngài đã làm chứng cho “niềm khao khát được cảm nghiệm mọi người, bất kỳ ai, cũng đều là anh em của ngài” (Fratelli Tutti, 287). Câu chuyện về cuộc đời ngài cho thấy làm thế nào, con người dù có đơn độc trong sa mạc của riêng mình, vẫn có thể cầu bầu cho những người nghèo trên toàn thế giới và thực sự trở thành anh chị em của mọi người.

Tôi cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta, nhờ gương lành của anh Charles, cũng có thể mở tấm lòng, biết nhạy cảm trước những nỗi khổ đau của người nghèo và biết cầu khẩn cho những nhu cầu của họ. Chớ gì mỗi người chúng ta học cách lặp lại với mọi người, và đặc biệt là với người trẻ, những lời an ủi mà chúng ta đã nghe nói hôm nay: “Thầy ở cùng các con mọi ngày”! Hãy tiếp tục tiến bước! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Roma, đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 31/05/2021,

Lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Elizabeth


+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Source:Libreria Editrice Vaticana