California: Từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lâm bịnh và từ trần, lễ tang cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi vào lịch sử có một không hai, người ta có thể so sánh số người tham dự với lễ tang của Thủ Tướng Ganhdi của Ấn Độ hay của chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Cộng, thế nhưng không một vị nào có được số nguyên thủ quốc gia, chính khách đại diện hơn 174 quốc gia đến tham dự như lễ tang của Đức Gioan Phaolô.

Chính vì thế Giáo Hội Công Giáo được chú ý tới, nhiều tin tức các đài phát thanh Việt Nam cũng bắt đầu chú ý tới. Nhưng vì phóng viên ký giả của những hãng tin này là người không Công Giáo, nên đưa tin tiếng Việt hoặc dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh (mà không tra cứu với những người chuyên môn kinh nghiệm) nên có những từ ngữ dùng rất là bịnh hoạn, không đúng ý nghĩa. Họ không biết từ chuyên môn tôn giáo, họ không biết tước hiệu của hàng giáo sĩ và nhất là lại không biết nghi lễ của Công Giáo. Chính vì thế các nhà làm truyền thông cần thận trọng và không thể làm liều được.

Trong bài huấn dụ cuối cùng trong cuộc đời Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày Chúa Nhật tại Quãng Trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã cố gắng nhưng không nói lên được. thế mà khi nghe phát thanh của Đài danh tiếng ở London bằng tiếng Việt, họ đã tường trình bản tin tiếng Việt, xin trích đoạn như sau “Đức Giáo Chủ đã không đọc được … nhưng cuối cùng ông cũng ban phước lành cho con chiên hình chữ thập…”

Khi nhìn xuống quãng trường Thánh Phêrô thì thấy toàn là khách hành hương từ khắp năm châu, nhìn xa xa thì bày bồ câu vẫn thường đậu dưới quãng trường để kiếm ăn từ thức ăn của khách hành hương, chẳng thấy ai dẫn con chiên tới đó cả. Trong một năm Đức Giáo Hoàng chỉ làm phép cho 2 con chiên tượng trưng để lấy lông chiên làm dây Pallium, để trao cho Tân Tổng Giám Mục vào dịp lễ Thánh Phêrô Phaolô. Đức Giáo Hoàng có phải ở trong Hội Chữ Thập Đỏ đâu mà phải ra dấu chữ thập bao giờ!

Tiếp theo đó Đài này phỏng vấn Đức Ông Nguyễn Văn Phương làm việc trong Bộ Truyền Giáo, và loan đi rằng “tiếp theo chương trình chúng tôi sẽ phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phương là linh mục làm việc tại Vatican..”. Sau đó những câu phỏng vấn của ký giả đưa ra lúc thì “thưa ông” lúc thì thưa “linh mục” lúc thì thương “Đức Ông”. May mắn thay Đức Ông là người rất khiêm nhượng, ngài chẳng bao giờ bắt bẻ ai điều gì!

Vào ngày hôm qua 3/6 trên AFP có đăng một tấm hình của Hoàng Đình Nam và kèm theo lời ghi chú sau đây, hẳn nhiên phải là văn từ của người Việt lấy từ tiếng Việt dịch ra tiếng Anh, xin trích nguyên văn:

“ Priest Phero Nguyen Hong Phuc (L) distributes holy cakes to Catholics at the end of a Sunday mass at Phat Diem cathedral in the northern province of Ninh Binh. Phat Diem's priests say they are eagerly hoping for improvement in Hanoi-Vatican ties.(AFP/Hoang Dinh Nam) “.

Nhìn theo văn tiếng Anh trên, thì Phero tiếng Anh là Peter chẳng có từ Phero nào trong tiếng Anh cả. Và nếu theo văn mạch thì người đọc sẽ hiểu rằng vào cuối Thánh Lễ tại nhà thờ Chánh Tòa Phát Diệm, Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc đang phát kẹo thánh để dụ con nít chăng!..

Đối với giáo dân Công Giáo Việt Nam thì hiển nhiên ai cũng hiểu đó là hình lúc Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc đang cho giáo dân rước lễ, đơn giản chỉ thế.

Đây là vấn đề rất tế nhị, khi cần phải tường trình về những hoạt động tôn giáo và những danh từ chuyên môn của đạo giáo, các dịch giả và phóng viên cần thận trọng, chứ không thể dịch liều lĩnh được. Cần phải tra cứu và tìm người chuyên môn tham khảo, chứ không thể liều lĩnh tự sáng chế ra các danh từ hoặc "phản dịch" gây nên những "trò cười" và đôi khi còn phỉ báng tôn giáo vì làm sai ý nghĩa thần học và giáo lý chính truyền của Giáo hội.