1. Đền thánh Đức Mẹ Licheńskiej

Trong thời gian hai năm từ 1850 đến 1852, Ba Lan bị xâm chiếm và chia cắt, một phần thuộc Nga, và phần còn lại thuộc Phổ. Cha Mikolay Sikatka thường đến cầu nguyện trước bức chân dung của Đức Mẹ trong nhà nguyện Đức Mẹ trong rừng. Đó là bức ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Cha Mikolay, một người có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, một hôm đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria trước bức chân dung của Mẹ. Mẹ đã ủy nhiệm cho ngài khuyến khích dân chúng lần hạt Mân Côi và chiêm ngắm cuộc thương khó Chúa. Trong lần xuất hiện thứ hai, Mẹ lặp lại yêu cầu này và để lại một thông điệp đặc biệt cho các linh mục, thúc giục các ngài cử hành và ghi nhớ giá trị to lớn của Thánh lễ.

Đức Trinh Nữ đã nói về ơn hoán cải và số phận của Ba Lan, sự tái sinh của quốc gia, nhưng đầu tiên một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra và sau đó là một trận dịch với hàng triệu nạn nhân. Sau đó, Đức Trinh Nữ biến mất với những lời này: “Các dân tộc trên thế giới sẽ ngạc nhiên khi hy vọng hòa bình của họ phụ thuộc vào Ba Lan”.

Vị mục tử được thấy Đức Mẹ đã phải chịu nhiều đau khổ khi báo cho chính quyền, thậm chí ngài còn bị bắt và bị tra tấn trong tù. Tuy nhiên, khi bệnh dịch tả lây lan và cướp đi nhiều nạn nhân, thì những thông điệp và những lần hiện ra mà Cha Mikolay đã nói trước đó, đã được các nhà chức trách của Giáo hội điều tra cẩn thận và tuyên bố là sự thật. Tháng 9 năm 1852, một phái đoàn đặc biệt đã rước bức họa thần kỳ của Đức Mẹ vào trong nhà thờ. Cuộc rước chân dung Đức Mẹ vào nhà thờ có hơn tám vạn tín hữu tham dự. Vài năm sau, trước cao trào sùng kính Đức Mẹ một ngôi đền đã được dựng lên, nơi bức tranh kỳ diệu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa được chuyển đến.

Cha Mikolay qua đời vào năm 1857, bốn mươi năm sau đó khi cải táng, người ta nhận ra thi thể của ngài vẫn còn nguyên vẹn. Ngày 15 tháng 9 năm 1967, Đức Hồng Y Stefan Wyszynski, khi còn là một sinh viên đã nhận được ơn chữa lành kỳ diệu trước bức ảnh của Đức Mẹ. Chính vì thế, khi trở thành Hồng Y Giáo Chủ Ba Lan, ngài đã cử hành lễ đăng quang bức ảnh Đức Trinh Nữ Maria trước một trăm năm mươi ngàn người hành hương.


Source:Lichen

2. Belarus đóng cửa biên giới với Ukraine trong bối cảnh lo ngại đảo chính

Tổng thống Lukashenko cho biết các cơ quan an ninh của ông đã phát hiện ra “các nhóm khủng bố nằm vùng do nước ngoài hậu thuẫn” đang âm mưu lật đổ chính quyền do ông lãnh đạo.

“Các nhóm khủng bố nằm vùng đã được phát hiện ngày hôm nay”, Lukashenko nhấn mạnh. “Những phần tử mà Roman Protasevich bị giam giữ gần đây đã nói chuyện, và chúng tôi đã biết điều này từ lâu, có ý định thực hiện một cuộc đảo chính vào một ngày xác định”.

Ông nói thêm rằng “các điều phối viên của âm mưu này là người Lithuania, Ba Lan, Hoa Kỳ, Ukraine và Cộng hòa Liên bang Đức”.

Ông ta tuyên bố rằng nhiều vũ khí “đang được chuyển từ Ukraine đến Belarus” để lật đổ chính phủ của ông ta. Đó là lý do tại sao, ông đã ra lệnh cho “lực lượng an ninh biên phòng đóng cửa hoàn toàn biên giới Belarussian với Ukraine”.

Lukashenko phát biểu như trên tại buổi lễ đánh dấu 30 năm độc lập của đất nước này sau khi Liên Sô sụp đổ. Ông cho biết sẽ đối chất với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo khác.

Ukraine đã phủ nhận việc can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus. Nước này nói rằng việc đóng cửa biên giới dài 1,084 km sẽ khiến những người vô tội “đau khổ”.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Belarus và các quốc gia phương Tây. Vào tháng 5, Tổng thống Lukashenko đã gây ra sự phẫn nộ quốc tế khi chính phủ của ông buộc một chuyến bay chở khách của Ryanair phải hạ cánh ở Minsk.

Các nhà chức trách đã tạm giữ một nhà báo Roman Protasevich và bạn gái của anh ta, cùng những người có mặt trên tàu. Đổi lại, các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với nhiều quan chức Belarus và một số thực thể.
Source:Vatican News

3. Những người ủng hộ Thánh lễ Latinh truyền thống kêu gọi Đức Giáo Hoàng bảo vệ Tông Thư Summorum Pontificum

Một liên đoàn ủng hộ Thánh lễ Latinh Truyền thống đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo vệ hình thức thánh lễ này khỏi những người “trong Giáo hội, bao gồm một số giám mục, những người rõ ràng muốn thấy Hình thức đặc biệt của nghi thức Rôma này bị triệt tiêu hoàn toàn”.

“Năm 2007, Tông Thư Summorum Pontificum nhìn nhận sức sống của Phụng Vụ truyền thống, sự tự do của các linh mục trong việc cử hành hình thức Phụng Vụ ấy, và các tín hữu được tự do yêu cầu. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng không ngừng về số lượng các Thánh lễ Latinh cổ kính được cử hành, và những hoa trái tâm linh”.

Tuyên bố này được đưa ra dưới dạng một quảng cáo được đăng ngày 4 tháng 7 trên tờ nhật báo La Repubblica của Ý. Nó được ký bởi Felipe Alanis Suarez, chủ tịch liên đoàn quốc tế Una Voce, nghĩa là “Một Giọng Nói”

Theo báo cáo, tổ chức này đã tiến hành một cuộc khảo sát người Công Giáo tại 364 giáo phận thuộc 52 quốc gia về việc thực hiện Tông Thư Summorum Pontificum.

Cuộc khảo sát, cho thấy rằng “Thánh lễ Latinh cổ kính được các nhóm tín hữu ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các gia đình có con cái đánh giá cao” và ở nhiều địa phương “việc có ngày càng nhiều các Thánh lễ này đã tạo điều kiện cho việc bình thường hóa các mối quan hệ giữa các tín hữu gắn bó với Thánh lễ này và các giám mục của họ”.

Una Voce được thành lập vào năm 1967, và không liên quan đến Huynh Đoàn Thánh Piô X do Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre khởi xướng. Mục đích chính của nó là “bảo đảm rằng nghi thức Rôma truyền thống của Giáo hội được duy trì như một trong những hình thức cử hành phụng vụ, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng tiếng Latinh, thánh ca Grêgoriô cũng như tất cả truyền thống văn học và âm nhạc linh thánh của Giáo Hội Rôma trong tất cả vẻ đẹp và tính toàn vẹn của chúng”.

Trong tuyên bố ngày 4 tháng 7, Una Voce viết rằng “trái với chính sách trước đây của Tòa thánh, vẫn có những người trong Giáo hội, bao gồm một số giám mục, những người muốn xem Hình thức đặc biệt của nghi thức La Mã phải bị triệt tiêu hoàn toàn, hoặc ít nhất là bị hạn chế.”

Trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, tuyên bố lập luận rằng “sự gia tăng quan tâm đến phụng vụ truyền thống không phải do hoài niệm về một thời gian mà chúng ta không nhớ, hoặc mong muốn một sự cứng nhắc; nhưng đúng hơn là mở bản thân mình ra với giá trị của một cái gì đó mà đối với hầu hết chúng ta là mới, và truyền cảm hứng cho hy vọng”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc trưng phụng vụ cổ đại là một ‘ý thức tôn thờ’; chúng ta cũng có thể áp dụng những lời của ngài cho một ‘lịch sử sống động chào đón chúng ta và thúc đẩy chúng ta tiến lên phía trước’ (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm 13). “

Una Voce cũng viết “chúng tôi chỉ ước được trở thành một phần của ‘dàn nhạc vĩ đại’ hiệp nhất trong nhiều loại, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi tiếp kiến chung ngày 9 tháng 10 năm 2013, phản ánh tính Công Giáo thực sự của Giáo hội. Tông thư Summorum Pontificum tiếp tục biến những xung đột trong quá khứ thành hòa hợp.
Source:Catholic News Agency