Theo Vatican News, Giám đốc xã luận của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, Andrea Tornielli, khi nhắc lại lời lẽ của Đức Phanxicô trong lá thư bác bỏ đơn từ chức của Đức Hồng Y Marx rằng “Việc cải cách trong Giáo Hội vốn được thực hiện bởi những con người nam nữ không sợ hãi bước vào cuộc khủng hoảng và để mình được Chúa cải cách. Đó là cách duy nhất, nếu không chúng ta sẽ chẳng khác gì những ‘nhà ý thức hệ cải cách’, những người không đặt chính bản thân họ lên tuyến đầu”, đã nhận định:

Bản văn của Đức Giáo Hoàng chứa đầy những chỉ dẫn có giá trị, vượt ra ngoài trường hợp đặc thù để tập trung một lần nữa vào điều cốt yếu, cho thấy quan điểm và thái độ của Kitô hữu đối với thực tại. Quan điểm và thái độ này thường bị lãng quên khi - ngay trong cộng đồng giáo hội - có nguy cơ gán giá trị cứu rỗi cho các cơ cấu, cho quyền lực định chế, cho các quy tắc lập pháp cần thiết và ngày càng chi tiết và nghiêm ngặt, cho “các thực hành tốt nhất” của tập đoàn, cho luận lý đại diện chính trị được mang trồng vào các con đường đồng nghị, cho các chiến lược tiếp thị áp dụng vào sứ mệnh, cho lòng tự yêu mình thái quá muốn truyền đi các hiệu quả đặc biệt.



Khẳng định, như Đức Giáo Hoàng vốn khẳng định, khi đối đầu với tai tiếng lạm dụng, “chúng ta sẽ không được cứu rỗi bởi những tìm tòi cũng như sức mạnh định chế. Chúng ta sẽ không được cứu rỗi bởi tiếng tăm lẫy lừng của Giáo hội, một điều vốn có xu hướng che giấu tội lỗi của mình: cũng như chúng ta sẽ không được cứu rỗi bởi sức mạnh của tiền bạc hay ý kiến của giới truyền thông (chúng ta thường quá phụ thuộc vào họ)” một lần nữa có nghĩa là chỉ ra con đường Kitô giáo duy nhất. Bởi vì, như Đức Giáo Hoàng viết cho Đức Hồng Y Marx, "Chúng ta sẽ được cứu rỗi bởi cánh cửa của Đấng duy nhất có thể làm điều đó, và bằng cách thú nhận sự trần trụi của chúng ta: 'Tôi đã phạm tội', 'chúng tôi đã phạm tội'... Chính nhờ cách yếu đuối này mà Giáo hội tìm thấy sức mạnh, khi không tin tưởng vào chính mình và không cảm thấy mình như người chủ đạo, nhưng cầu xin sự tha thứ và khẩn cầu ơn cứu rỗi từ Đấng duy nhất có thể ban phát nó".

Những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết trong bức thư gửi cho Đức Hồng Y của Munich và Freising, đối với một số người, có thể “không phải là câu trả lời”. Vì nó không gỡ chúng ta khỏi vỉ nướng, nó không khâu lại vết thương, nó không cho phép chúng ta chỉ tay buộc tội người khác. Thay vào đó, nó kêu gọi mỗi chúng ta “bước vào cuộc khủng hoảng,” và thú nhận sự bất lực của chính mình, sự yếu đuối của chính mình, sự nhỏ bé của chính chúng ta khi đối diện với cái ác và tội lỗi, bất kể đó là việc lạm dụng tình dục các vị thành niên hay việc nghĩ rằng chúng ta có thể cứu được Giáo hội nhờ các ý tưởng của chúng ta, chiến lược của chúng ta, những công trình xây dựng nhân bản của chính chúng ta.

Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI, trong các ghi chú chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tháng 2 năm 2019 về việc bảo vệ các vị thành niên (và sau đó được công bố), khi tự hỏi đâu là câu trả lời thích hợp cho tai họa lạm dụng, đã viết, “Thuốc giải độc cho cái ác đang đe dọa chúng ta và toàn thể thế giới, cuối cùng chỉ có thể hệ ở việc phó thác chúng ta”cho tình yêu Thiên Chúa. “Nếu chúng ta suy gẫm về việc phải làm gì, thì điều rõ ràng là chúng ta không cần một Giáo hội khác do chính chúng ta phát minh ra” Ngày nay, “Giáo hội được nhiều người coi chỉ là một loại bộ máy chính trị nào đó,” và cuộc khủng hoảng do nhiều trường hợp lạm dụng bởi bàn tay các linh mục gây ra, đã thúc đẩy chúng ta coi Giáo hội như một cơ chế thất bại, mà bây giờ bàn tay chúng ta phải cương quyết nắm lấy và cải tạo nó một cách mới mẻ. Nhưng một Giáo hội tự mình tạo lập không thể đem lại hy vọng”.

Vào năm 2010, giữa cơn bão do vụ tai tiếng lạm dụng ở Ái Nhĩ Lan, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh đến con đường sám hối như là nẻo đường khả thi duy nhất; ngài nói ngài tin chắc rằng cuộc tấn công lớn nhất vào Giáo hội, không phải từ các kẻ thù bên ngoài, mà là từ các kẻ thù bên trong. Ngày nay, người kế vị của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, với một cái nhìn nhất quán và nhấn mạnh, nhắc nhở chúng ta rằng cải cách, trong nguyên tắc Ecclesia semper reformanda (Giáo Hội luôn phải cải cách), không được thực hiện bởi các chiến lược chính trị, mà là bởi những con người nam nữ tự để cho mình được “Chúa cải cách”.