Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 23 tháng 5, tại bàn thờ tuyên xưng đức tin trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Từ đầu đại dịch hồi tháng Ba năm ngoái, Đức Thánh Cha nhiều lần cử hành thánh lễ và các lễ nghi tại Bàn thờ Ngai tòa, trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Sáng 25 tháng 4 là lần đầu tiên ngài tái cử hành tại bàn thờ tuyên xưng Đức tin, là bàn thờ chính trên mộ thánh Phêrô, và có gần 3,000 người tham dự, giữ sự giãn cách và đeo khẩu trang.

Chúa Nhật 23 tháng 5 là lần thứ hai, Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại bàn thờ chính của Đền Thờ với khoảng 30 Hồng Y, hơn 20 giám mục, và một số linh mục.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha” (Ga 15:26). Với những lời này, Chúa Giêsu hứa sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ, đó là một ơn tối thượng, ân sủng của các ân sủng. Người dùng một từ khác thường và huyền nhiệm để mô tả Thánh Thần: Đấng Bảo Trợ. Hôm nay chúng ta hãy suy ngẫm về từ này, không dễ dịch, vì nó có nhiều nghĩa. Về cơ bản, nó có nghĩa là hai điều này: Đấng An Ủi và Đấng Bênh Vực.

Đấng Bảo Trợ là Đấng an ủi. Tất cả chúng ta, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn, như trong hoàn cảnh chúng ta đang trải qua đại dịch hiện nay, đều tìm kiếm sự an ủi. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta chỉ hướng đến những an ủi trần thế, những an ủi phù du nhanh chóng lụi tàn. Hôm nay, Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự an ủi từ trời cao, là Chúa Thánh Thần, “Đấng an ủi tốt nhất” (Ca Tiếp Liên). Sự khác biệt là gì? Thưa: Những an ủi thế gian giống như một liều thuốc giảm đau: chúng có thể giúp giảm đau nhất thời, nhưng không chữa khỏi căn bệnh mà chúng ta mang sâu trong lòng. Chúng có thể xoa dịu chúng ta, nhưng không thể chữa lành chúng ta tận cốt lõi. Chúng hoạt động trên bề mặt, ở mức độ của các giác quan, nhưng hầu như không chạm đến trái tim của chúng ta. Chỉ ai đó khiến chúng ta cảm thấy được yêu vì chính con người của chúng ta mới có thể mang lại sự bình yên cho trái tim chúng ta. Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa, thực hiện chính xác điều đó. Ngài đi xuống trong chúng ta; với tư cách là Thánh Linh, Ngài hành động trong tinh thần của chúng ta. Ngài ngự xuống “trong trái tim”, là “vị khách được chào đón nhất của linh hồn” (thd). Ngài là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta; bởi vì sự hiện diện với những người cô đơn tự nó đã là một nguồn an ủi.

Anh chị em thân mến, nếu anh chị em cảm thấy bóng tối của cô đơn, nếu anh chị em cảm thấy có các chướng ngại trong anh chị em cản trở con đường hướng đến hy vọng, nếu trái tim anh chị em có những vết thương đang mưng mủ, nếu anh chị em không thể thấy lối thoát, thì hãy mở rộng trái tim mình để đón nhận Chúa Thánh Thần. Thánh Bonaventura nói với chúng ta rằng, “nơi nào những thử thách lớn hơn, thì Ngài mang lại sự thoải mái hơn, không giống như thế gian, nơi an ủi và tâng bốc chúng ta khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng lại chê bai và lên án chúng ta khi mọi sự không như ý” (Bài giảng trong Tuần Bát nhật Lễ Thăng thiên). Đó là những gì thế giới làm, đặc biệt là, những thần khí ác độc do ma quỷ xui khiến làm ra. Đầu tiên, nó tâng bốc chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy bất khả chiến bại, vì những lời tâng bốc của ma quỷ nuôi dưỡng thói phù phiếm của chúng ta; sau đó nó hạ gục chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta là những người thất bại. Nó đùa giỡn trên chúng ta. Nó làm mọi cách để quật ngã chúng ta, trong khi Thánh Linh của Chúa Phục sinh muốn nâng chúng ta lên. Hãy nhìn các Tông đồ: họ đang cô đơn vào buổi sáng hôm đó, cô đơn và hoang mang, thu mình sau những cánh cửa đóng kín, sống trong sợ hãi và choáng ngợp trước những yếu đuối, thất bại và tội lỗi của họ, vì họ đã chối bỏ Chúa Kitô. Những năm họ đã trải qua với Chúa Giêsu không thay đổi họ: họ không khác bao nhiêu so với trước đó. Sau đó, họ nhận được Thánh Linh và mọi thứ thay đổi: các vấn đề và những thất bại vẫn còn, nhưng họ không còn sợ hãi trước những vấn nạn đó, cũng chẳng e ngại trước những ai thù địch với họ. Họ cảm nhận được sự an ủi bên trong và họ muốn gieo rắc sự an ủi của Thiên Chúa. Trước đây, họ sợ hãi; giờ đây nỗi sợ hãi duy nhất của họ là không làm chứng cho tình yêu mà họ đã nhận được. Chúa Giêsu đã báo trước điều này: “Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng.” (Ga 15: 26-27).

Chúng ta hãy bước thêm một bước nữa. Chúng ta cũng được kêu gọi để làm chứng trong Chúa Thánh Thần, trở thành những người giúp đỡ, và những người an ủi. Thánh Linh đang yêu cầu chúng ta thể hiện ơn an ủi mà Ngài mang lại. Làm thế nào chúng ta có thể làm điều này? Thưa: Không phải bằng cách tạo ra những bài phát biểu tuyệt vời, mà bằng cách thu hút người khác đến gần. Không phải bằng những lời sáo rỗng, mà bằng lời cầu nguyện và sự gần gũi. Chúng ta hãy nhớ rằng sự gần gũi, lòng từ bi và sự dịu dàng của Thiên Chúa luôn luôn là một “thương hiệu”. Đấng Bảo Trợ đang nói với Giáo hội rằng hôm nay là thời gian để an ủi. Đây là thời gian để hân hoan loan báo Tin Mừng hơn là chống lại các ngoại giáo. Đó là thời gian để mang lại niềm vui của Chúa Phục Sinh, chứ không phải để than thở về thảm kịch tục hóa. Đây là lúc để đổ tình yêu thương lên thế gian, nhưng không đón nhận tinh thần thế gian. Đây là thời gian để làm chứng cho lòng thương xót, hơn là khắc sâu các quy tắc và luật lệ. Đây là thời điểm của Đấng Bảo Trợ! Đây là thời gian của tự do của trái tim, trong Đấng Bảo Trợ.

Đấng Bảo Trợ cũng là Đấng Bênh Vực. Vào thời Chúa Giêsu, các trạng sư đã không hành động như ngày nay: thay vì nói thay cho bị cáo, họ chỉ đứng cạnh bị cáo và đề nghị những lý lẽ mà bị cáo có thể sử dụng để bào chữa cho chính mình. Đó là những gì Đấng Bênh Vực làm, vì Ngài là “thần khí của sự thật” (câu 26). Ngài không thay thế chúng ta, nhưng bảo vệ chúng ta khỏi sự lừa dối của điều ác bằng cách truyền cảm hứng cho những suy nghĩ và cảm xúc. Ngài làm như vậy một cách kín đáo, không ép buộc chúng ta: Ngài đề xuất nhưng không áp đặt. Thần gian dối, kẻ gian ác, làm ngược lại: nó cố gắng ép buộc chúng ta; nó muốn làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải luôn luôn chiều theo những quyến rũ và sự thúc đẩy của tội lỗi. Chúng ta hãy cố gắng đón nhận ba đề xuất tiêu biểu của Đấng Bảo Trợ, là Đấng Bảo Vệ của chúng ta. Chúng là ba liều thuốc giải độc cơ bản cho ba chước cám dỗ rất phổ biến ngày nay.

Lời khuyên đầu tiên mà Chúa Thánh Thần đưa ra là: “Hãy sống trong hiện tại”. Hiện tại, chứ không phải là quá khứ hay tương lai. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính ưu việt của ngày hôm nay, chống lại cám dỗ để bản thân bị tê liệt bởi những cay đắng hoặc những hoài niệm của quá khứ, hoặc bởi sự bất định hoặc sợ hãi về tương lai. Thánh Linh nhắc nhở chúng ta về ân sủng của giây phút hiện tại. Không có thời điểm nào tốt hơn cho chúng ta: bây giờ, ở đây và ngay lúc này, là thời điểm duy nhất và độc đáo để làm điều thiện, để cuộc sống của chúng ta trở thành một ân sủng. Chúng ta hãy sống trong hiện tại!

Thánh Linh cũng nói với chúng ta rằng “Hãy nhìn toàn thể”. Nhìn toàn bộ, chứ không phải một phần. Thánh Thần không uốn nắn những cá nhân biệt lập, nhưng uốn nắn chúng ta thành một Giáo hội với muôn vàn đặc sủng của chúng ta, thành một thể thống nhất không bao giờ đồng nhất. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính ưu việt của tổng thể. Ở đó, trong tổng thể, trong cộng đồng, Thánh Linh thích hoạt động và mang lại sự mới mẻ. Chúng ta hãy nhìn vào các Tông đồ. Tất cả đều hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, các ngài có Matthêu, một người thu thuế đã từng cộng tác với người La Mã, và Simôn thuộc nhóm Quá Khích, là người đã chiến đấu với họ. Họ có những ý tưởng chính trị trái ngược, những tầm nhìn khác nhau về thế giới. Tuy nhiên, một khi họ nhận được Thánh Linh, họ học cách dành quyền ưu tiên không phải cho quan điểm của con người mà cho “toàn thể”, tức là cho kế hoạch của Thiên Chúa. Ngày nay, nếu chúng ta lắng nghe Thánh Linh, chúng ta sẽ không quan tâm đến những người bảo thủ và những người tiến bộ, những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người cách tân, cánh hữu và cánh tả. Khi những điều đó trở thành tiêu chí của chúng ta, thì Giáo hội đã quên Thánh Linh. Đấng Bảo Trợ thúc đẩy chúng ta hướng đến sự hiệp nhất, sự hòa hợp, sự hài hòa của sự đa dạng. Ngài khiến chúng ta thấy mình là những bộ phận của cùng một cơ thể, là anh chị em của nhau. Chúng ta hãy nhìn vào toàn bộ! Kẻ thù muốn sự đa dạng trở thành sự đối kháng và vì vậy nó khiến chúng trở thành những người ý thức hệ. Hãy nói không với ý thức hệ, và nói vâng với tổng thể.

Lời khuyên thứ ba của Thánh Linh là, “Hãy đặt Chúa trước mặt mình”. Đây là bước quyết định trong đời sống thiêng liêng. Đời sống thiêng liêng của chúng ta không phải là tổng hợp những công lao và thành tựu của chúng ta, mà là sự cởi mở khiêm nhường với Thiên Chúa. Thánh Linh khẳng định vị trí tối thượng của ân sủng. Chỉ bằng cách làm trống rỗng bản thân, chúng ta mới có chỗ dành cho Chúa; chỉ bằng cách hiến thân cho Ngài, chúng ta mới tìm thấy chính mình; chỉ bằng cách trở nên nghèo nàn về tinh thần, chúng ta mới trở nên giàu có trong Chúa Thánh Thần. Điều này cũng đúng với Giáo hội. Chúng ta không cứu được ai, kể cả chính chúng ta, bằng chính nỗ lực của chúng ta. Nếu chúng ta ưu tiên cho các dự án của chúng ta, các cơ cấu của chúng ta, các kế hoạch cải cách của chúng ta, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến hiệu lực, hiệu quả, chúng ta sẽ chỉ nghĩ theo chiều ngang và kết quả là chúng ta sẽ chẳng có kết quả gì cả. Một “-ism” là một ý thức hệ chia rẽ và tách biệt. Giáo hội là con người, nhưng không chỉ đơn thuần là một tổ chức của con người, mà còn là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mang ngọn lửa của Thánh Linh đến thế gian và Giáo hội được cải tổ bằng sự xức dầu của ân sủng, bằng tính nhưng không trong sự xức dầu của ân sủng, bằng sức mạnh của lời cầu nguyện, niềm vui của sứ mệnh và vẻ đẹp của sự nghèo khó không so đo tính toán. Chúng ta hãy đặt Chúa ở vị trí đầu tiên!

Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí Bảo Trợ, xin an ủi tâm hồn chúng con. Hãy biến chúng con thành những nhà truyền giáo loan truyền ơn an ủi của Người. Hãy biến chúng con thành những người bảo vệ lòng thương xót của Chúa trước thế giới. Lạy Đấng Bênh vực, nhà cố vấn tâm hồn ngọt ngào của chúng con, xin làm cho chúng con trở thành chứng nhân về “ngày hôm nay” của Thiên Chúa, thành những tiên tri cho sự hiệp nhất của Giáo hội và nhân loại, và trở thành các Tông đồ biết dựa trên ân sủng của Chúa, Đấng sáng tạo và đổi mới mọi sự. Amen.
Source:Libreria Editrice Vaticana