Tự phê bình phương pháp phê bình -lịch sử trên mô hình phương pháp này được Martin Dibelius và Rudolph Bultmann giảng dạy

Nhằm không để các quy tắc tổng quát của phương pháp và các giả định của chúng mãi hoàn toàn trừu tượng, tôi muốn cố gắng minh họa những gì tôi đã nói cho đến nay bằng một thí dụ. Tôi sẽ theo dõi ở đây luận án tiến sĩ của Reiner Blank tại Đại học Basel, tựa đề là “Phân tích và phê bình các tác phẩm phê bình hình thức của Martin Dibelius và Rudolph Bultmann”. Cuốn sách này đối với tôi dường như là một thí dụ tốt đối với việc tự phê bình phương pháp phê bình lịch sử. Kiểu chú giải tự phê bình này ngừng xây dựng các kết luận trên đầu các kết luận, và xây dựng và chống đối các giả thuyết. Nó tìm cách nhận diện các nền tảng của chính nó và tự thanh lọc bằng các suy tư về các nền tảng này. Điều này không có nghĩa nó đang tự kéo mình lên bằng chính các cố gắng của nó. Ngược lại, bằng một diễn trình tự giới hạn, nó tự vạch ra cho mình một không gian riêng. Không cần phải nói rằng các công trình phê bình hình thức của Dibelius và Bultmann trong khi đó đã bị vượt qua và về nhiều khía cạnh đã được sửa chữa trong nhiều chi tiết của chúng. Nhưng điều cũng đúng là, các phương thức phương pháp luận căn bản của chúng, cho đến nay, vẫn tiếp tục xác định ra các phương pháp và thủ tục của khoa chú giải hiện đại. Các yếu tố thiết yếu của chúng không chỉ làm nền tảng cho các phán đoán lịch sử và thần học của chính chúng mà, chắc chắn chúng còn đạt được một cách rộng rãi thế giá giống như thế giá tín điều.

Đối với Dibelius, cũng như với Bultmann, đó là vấn đề khắc phục cách thức tùy tiện trong đó giai đoạn trước của khoa chú giải Kitô giáo, điều vốn được gọi là “Nền Thần học Cấp Tiến”, đã được tiến hành. Nền thần học này đầy những phán đoán về điều gì là “lịch sử” điều gì là “phi lịch sử”. Cả hai học giả này sau đó tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn văn học nghiêm ngặt để làm sáng tỏ một cách đáng tin cậy diễn trình nhờ đó chính các bản văn được khai triển và do đó cung ứng một bức tranh chân thực về truyền thống. Với quan điểm này, cả hai đều tìm kiếm hình thức thuần túy và các quy tắc chi phối việc khai triển từ các hình thức ban đầu đối với bản văn như chúng ta có hiện nay. Như đã biết, Dibelius tiến hành theo quan điểm cho rằng bí mật của lịch sử tự tiết lộ chính nó như một bí mật làm sáng tỏ sự khai triển của chính nó. Nhưng làm thế nào người ta có thể đạt tới tiền đề đầu tiên này và các quy tắc căn bản để khai triển thêm? Ngay với mọi khác biệt đặc thù của chúng, người ta vẫn đã có thể khám phá ra ở đây một loạt các tiền giả định căn bản chung cho cả Dibelius lẫn Bultmann và là điều cả hai người cùng coi là đáng tin cậy không hề nghi vấn. Cả hai tiến hành theo tính ưu tiên của điều được rao giảng hơn là chính biến cố tự trong nó: từ khởi thủy đã có Ngôi Lời. Mọi điều trong Kinh thánh đều khai triển từ việc công bố. Luận đề này được Bultmann cổ vũ đến nỗi đối với ông, chỉ có lời nói mới có tính nguyên ủy: lời nói phát sinh ra khung cảnh. Do đó, mọi biến cố đều là diễn biến thứ yếu, là những khai triển thần thoại.

Một phương ngôn khác được đưa ra và vẫn có tính nền tảng đối với khoa chú giải hiện đại kể từ thời Dibelius và Bultmann: khái niệm gián đoạn. Không những không có sự liên tục giữa Chúa Giêsu trước Phục sinh và thời kỳ hình thành của Giáo Hội; mà sự gián đoạn còn áp dụng cho mọi giai đoạn của truyền thống. Điều này khiến Reiner Blank dám quả quyết, "Bultmann muốn có sự bất nhất (incoherence) bằng bất cứ giá nào".

Với hai lý thuyết này, tính nguyên ủy thuần túy của lời nói đơn giản và tính gián đoạn giữa các giai đoạn phát triển đặc thù, đã có thêm một quan niệm nữa là: điều đơn giản luôn có tính nguyên ủy, điều phức tạp hơn hẳn phải là sự khai triển sau này. Ý tưởng này cung cấp một tham số dễ dàng áp dụng để xác định các giai đoạn khai triển: một bản văn nhất định nào đó càng gần đây hơn càng được coi là tinh tế hơn về mặt thần học, và một bản văn càng đơn giản thì càng dễ được coi có tính nguyên ủy hơn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn mà theo đó điều được coi là khai triển nhiều hơn hay kém hơn, lại không hề hiển nhiên như ban đầu mới nhìn. Thực thế, sự phán đoán, trong yếu tính, phụ thuộc vào các giá trị thần học của cá nhân nhà chú giải. Vẫn có nhiều chỗ cho sự lựa chọn võ đoán.

Trước hết và trên hết, người ta phải thách thức khái niệm căn bản đó dựa vào sự chuyển dịch từ mô hình biến hóa quá giản đơn của khoa học sang lịch sử tâm linh. Các quá trình tâm linh không tuân theo quy luật của phả hệ động vật học. Thực thế, nó thường đi ngược lại: sau một bước đột phá vĩ đại, các thế hệ con cháu đến sau có thể làm giảm những gì từng là một khởi đầu mới đầy can đảm thành một nền học thuật thông thường. Chúng chôn vùi nó và ngụy trang nó bằng đủ loại dị bản của lý thuyết nguyên ủy cho đến khi cuối cùng trở thành một ứng dụng hoàn toàn khác.

Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy các tiêu chuẩn trở thành đáng nghi vấn ra sao bằng cách sử dụng một vài thí dụ. Ai dám cho rằng Clêmentê thành Rô-ma phát triển hay phức tạp hơn Phaolô? Thư Giacôbê tân tiến hơn Thư gửi tín hữu Rôma? Didache bao hàm nhiều hơn các Thư Mục vụ? Hãy nhìn vào các thời kỳ sau này: trọn các thế hệ học giả theo thuyết Tôma đã không nắm được hết sự vĩ đại trong tư tưởng của ngài. Nền chính thống Lutherô có tính trung cổ nhiều hơn so với chính Luther. Ngay cả giữa những nhân vật vĩ đại cũng không có gì để hỗ trợ loại lý thuyết khai triển này.

Đức Grêgôriô Cả, chẳng hạn, viết sau Thánh Augustinô rất lâu và biết nhiều về ngài, nhưng đối với Đức Grêgôriô, tầm nhìn táo bạo của Thánh Augustinô được diễn dịch thành sự đơn giản của việc hiểu biết tôn giáo. Một thí dụ khác: người ta có thể sử dụng tiêu chuẩn nào để xác định xem Pascal nên được phân loại là trước hay sau Descartes? Triết lý nào của họ nên được đánh giá là phát triển hơn? Các thí dụ khác có thể được nhắc đến để minh họa toàn bộ lịch sử nhân loại. Tất cả các phán đoán dựa trên lý thuyết bất liên tục trong truyền thống và về sự khẳng định tính ưu tiên biến hóa của điều “đơn giản” hơn điều “phức tạp” có thể ngay lập tức bị nghi vấn là thiếu cơ sở.

Bultmann thấy hình thức tinh tuyền trong “apothegm” (cách ngôn), “mảnh văn nguyên ủy chuyên biệt tóm gọn sự việc một cách ngắn gọn; sự quan tâm sẽ tập trung vào lời Chúa Giê-su [nói] ở cuối một hoạt cảnh; các chi tiết của tình huống sẽ nằm cách xa loại hình thức này; Chúa Giêsu sẽ không bao giờ xuất hiện như người khởi xướng... mọi sự không tương ứng với hình thức này được Bultmann cho là do sự phát triển”. Bản chất võ đoán của những đánh giá này, vốn là đặc điểm của các lý thuyết phát triển và các phán đoán về tính chân xác, từ nay trở đi chỉ là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, thành thật mà nói, người ta cũng phải nói rằng những lý thuyết này không quá võ đoán như chúng tỏ ra lúc đầu. Việc chỉ định "hình thức tinh tuyền" dựa trên ý tưởng nhấn mạnh điều gì là nguyên ủy, điều mà nay chúng ta phải đưa vào thử nghiệm.

Nhưng bây giờ chúng ta phải giải thích một cách còn đặc thù hơn những tiêu chuẩn nào đã được sử dụng để xác định thế nào là “đơn giản”. Về khía cạnh này, có những tiêu chuẩn về hình thức và nội dung. Về hình thức, việc tìm kiếm là tìm kiếm những hình thức nguyên ủy. Dibelius đã tìm thấy chúng trong cái gọi là “mô thức” (paradigm), hay tường thuật điển hình trong truyền khẩu, có thể được tái tạo đằng sau lời công bố. Mặt khác, các hình thức sau đó sẽ là “giai thoại”, “truyền thuyết”, các bộ sưu tập tài liệu thuật chuyện và “thần thoại”.

Một yếu tố của tính nguyên ủy là điều chúng ta vừa bắt gặp: luận đề về tính ưu tiên của lời nói so với biến cố. Nhưng luận đề này che giấu hai cặp đối lập khác nữa: việc đặt lời nói chống lại phụng tự [cult] và cánh chung chống lại chung cục [apocalyptic]. Cân đối gần gũi với những điều này là phản đề giữa Do Thái giáo và việc theo văn hóa Hy Lạp. Thí dụ, nơi Bultmann, theo văn hóa Hy Lạp (Hellenistic) là khái niệm về vũ trụ, sự tôn thờ huyền nhiệm các vị thần và lòng sùng đạo phụng tự. Hậu quả rất đơn giản: điều bị coi là theo văn hóa Hy Lạp không thể có tính Palestine, và do đó không thể là nguyên ủy. Bất cứ điều gì liên quan đến phụng tự, vũ trụ, hay mầu nhiệm đều buộc phải bị coi như một sự phát triển sau này. Việc bác bỏ “chung cục”, coi như đối lập với cánh chung, dẫn đến một yếu tố khác: sự đối kháng được cho là giữa tính tiên tri và tính “pháp lý” và do đó giữa tính tiên tri và tính vũ trụ và phụng tự. Thành thử, đạo đức bị coi là không tương thích với tính cánh chung và tính tiên tri. Ban đầu không có đạo đức, mà chỉ là một triết lý sống (ethos). Điều chắc chắn ở đây tại nơi làm việc là sản phẩm phụ của việc phân biệt nền tảng của Luther: tính biện chứng giữa lề luật và Tin Mừng. Theo biện chứng này, đạo đức và phụng tự được hạ thấp xuống phạm vi lề luật và đặt vào sự tương phản biện chứng với Chúa Giêsu, Đấng, trong tư cách mang Tin mừng, đem chuỗi dài các lời hứa đến chỗ hoàn thành và do đó vượt qua lề luật. Nếu chúng ta có bao giờ hiểu được nền chú giải hiện đại và phê bình nó một cách chính xác, chúng ta chỉ cần trở lại và suy nghĩ lại quan điểm của Luther về mối tương quan giữa Cựu ước và Tân ước. Thay vì mô hình loại suy hiện hành lúc đó, ông đã thay thế một cấu trúc biện chứng.

Tuy nhiên, đối với Luther, tất cả những điều này nằm trong một sự cân bằng rất mong manh, trong khi đối với Dibelius và Bultmann, toàn bộ biến thể thành một sơ đồ phát triển của tính đơn giản gần như không thể dung thứ được, ngay cả khi điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của nó.

Với những giả định trên, bức tranh về Chúa Giêsu được xác định trước. Vì vậy, Chúa Giêsu phải được quan niệm theo nghĩa “Do Thái ”. Bất cứ thứ gì "văn hóa Hy Lạp" phải được xóa khỏi Người. Tất cả các yếu tố khải huyền, bí tích, huyền nhiệm phải được cắt tỉa. Những gì còn lại là một nhà tiên tri "cánh chung", người không thực sự tuyên bố điều gì có chất lượng. Người chỉ hô to “theo kiểu cánh chung” trong sự mong đợi “điều hoàn toàn khác” của sự siêu việt mà Người trình bầy một cách mạnh mẽ trước nhân loại dưới hình thức ngày tận thế sắp xảy ra.

Từ quan điểm này nảy sinh hai thách thức đối với khoa chú giải. Đầu tiên, các nhà chú giải phải giải thích bằng cách nào người ta tiến từ Chúa Giêsu bất mêxia (unmessianic), bất khải huyền, qua một cộng đồng khải huyền vốn tôn thờ Người như Đấng Mêxia; qua một cộng đồng trong đó cánh chung Do Thái, triết học khắc kỷ và tôn giáo huyền nhiệm hợp nhất trong một chủ nghĩa hổ lốn kỳ lạ. Đây chính là cách Bultmann mô tả về Kitô giáo thời tiên khởi.

Thứ hai, các nhà chú giải phải tìm cách kết nối sứ điệp nguyên thủy của Chúa Giêsu với đời sống Kitô hữu ngày nay, nhờ thế làm ta có thể hiểu được lời mời gọi của Người đối với chúng ta.

Theo mô hình phát triển, vấn đề đầu tiên tương đối dễ giải quyết trong nguyên tắc, mặc dù một lượng lớn bác học cần phải được dành ra để nghiên cứu các chi tiết. Không được tìm tác nhân chịu trách nhiệm về nội dung của Tân Ước ở những con người, mà ở một tập thể, trong một “cộng đồng”. Các quan niệm lãng mạn về “con người” và tầm quan trọng của nó trong việc lên khuôn các truyền thống đóng một vai trò chủ chốt ở đây (18). Các bạn hãy thêm vào đó luận đề Hy Lạp hóa và việc nại đến trường phái lịch sử tôn giáo. Các tác phẩm của Gunkel và Bousset có ảnh hưởng quyết định trong lĩnh vực này.

Vấn đề thứ hai khó hơn. Phương thức của Bultmann là lý thuyết của ông về quá trình phi thần thoại hóa, nhưng điều này không đạt được thành công tương tự như các lý thuyết của ông về hình thức và phát triển. Nếu người ta được phép mô tả phần nào giải pháp của Bultmann đối với việc chiếm hữu đương thời sứ điệp của Chúa Giêsu, người ta dám nói rằng học giả quê Marburg này đã thiết lập một sự tương ứng giữa tư duy tiên tri bất khải huyền và tư duy căn bản của Heidegger thời kỳ đầu. Làm một Kitô hữu, theo ý nghĩa của Chúa Giêsu, trong yếu tính bị tụt xuống hàng hiện hữu cởi mở và tỉnh táo mà Heidegger từng mô tả. Câu hỏi đặt ra là há người ta không thể đi theo một cách nào đó đơn giản hơn để đưa ra những khẳng định chính thức tổng quát và chung chung như vậy hay sao.

Tuy nhiên, điều khiến chúng ta quan tâm ở đây không phải là Bultmann, nhà hệ thống hóa, người mà các hoạt động của ông dù sao đã bị ngưng lại đột ngột vì sự xuất hiện của chủ nghĩa Mác. Thay vào đó, chúng ta nên khảo sát Bultmann, nhà chú giải, người chịu trách nhiệm đối với một sự đồng thuận vững chắc hơn bao giờ hết về phương pháp luận của khoa chú giải khoa học.

Kỳ tới: Nguồn triết học của phương pháp