Vào lúc 6 giờ chiều thứ Bẩy ngày 1 tháng 5 năm 2021, ĐTC Phanxicô sẽ bắt đầu buổi cầu nguyện Kinh Mân Côi liên tục trong suốt tháng 5. Chương trình đọc kinh Mân Côi của Đức Thánh Cha sẽ được phát hình trực tiếp từ nhà nguyện thánh Grê-gô-ri-ô, nơi có giữ thánh tích của thánh Grê-gô-ri-ô Nazianzus, Tiến sĩ Hội thánh và có hình ảnh Đức Bà Cứu Giúp có từ thế kỷ thứ bẩy.

Chuỗi Mân Côi được đọc mỗi ngày trong tháng 5 tại các đền thánh Công Giáo trên khắp thế giới với ý nguyện xin Đức Mẹ chấm dứt đại dịch và trở lại làm việc cũng như các hoạt động xã hội. Các gia đình, các thanh thiếu niên từ Rôma và vùng lân cận sẽ lần hạt Mân Côi cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngày 25 tháng 4 năm 2020, ĐTC Phanxicô cũng gửi thư mời gọi mọi người dọc Kinh Mân Côi chung hoặc riêng tùy theo hoàn cảnh: “Anh chị em thân mến, việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô và trái tim Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ liên kết chúng ta cách chặt chẽ hơn trong một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta vượt qua cơn thử thách này. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt cho những người đau khổ nhất, và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Tôi xin cám ơn và thân ái chúc lành cho anh chị em.” Trong lời kinh thứ nhất, ĐTC cầu khẩn với Đức Mẹ “Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn tỏa sáng trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con tín thác nơi Mẹ, là Sức khỏe của những người đau bệnh… Lạy Mẹ, Phần Rỗi của dân thành Roma… Lạy Mẹ của Tình yêu Thiên Chúa…, xin giúp đỡ chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu sẽ nói với chúng con rằng Người đã mang lấy trên mình Người các nỗi đau của chúng con và Người gánh lấy những đau thương của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.”

ĐTC nhắc đến những tước hiệu rất thân thương của Đức Mẹ đối với giáo dân trong quá khứ cũng như trong hiện tại: 1/ Đức Mẹ là Sức khỏe của những ngày đau bệnh được tôn kính từ ngày 21 tháng 11 năm 1630 cho đến ngày nay tại các quốc gia Italia, Istria và Dalmazia. 2/ Đức Mẹ là Phần rỗi của dân thành Roma. Vào thế kỷ thứ 6, bệnh dịch bùng phát trong thành phố đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều nạn nhân. Đức Hồng Y Cesare Baronio, nhà sử học của Giáo hội, đã viết lại rằng chính Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã mang biểu tượng này đến Vương cung Thánh đường Đức Bà tại Roma vào năm 590, vào cuối một cuộc rước để cầu xin chấm dứt một trong những bệnh dịch nghiêm trọng nhất trong thành phố. Vào dịp đó, ĐTC đã nhìn thấy tổng lãnh thiên thần Micae đứng phía trên đền mộ vua Arianô bỏ thanh kiếm của mình trở lại bao kiếm. Bệnh dịch chấm dứt và lăng mộ được đổi tên là Lâu đài Thiên thần. Vào thế kỷ 16, thành phố Roma bị tàn phá bởi một bệnh dịch khác. Một lần nữa, nạn dịch kết thúc sau cuộc rước kiệu Đức Bà là Phần rỗi của dân thành Roma do thánh Giáo Hoàng Piô V chủ sự đến Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. 3/ Đức Mẹ là Tình yêu Thiên Chúa. Mùa xuân năm 1740 có một người hành hương về Roma bị lạc hướng nên muốn hỏi đường tại tháp canh gần đó. Khi đến gần tháp canh, ông bị một đàn chó dại tấn công. Nhìn thấy hình Đức Mẹ bế Chúa Hài Nhi ở trên tháp canh, ông giơ tay cầu xin: “Lậy Đức Bà, xin thương!”. Đàn chó dừng lại ngay không tấn công ông nữa, như có ai ra lệnh cho chúng chúng. Các mục đồng nghe tiếng la hét nên chạy đến giúp. Ông kể lại cho mọi người về phép lạ Đức Mẹ cứu giúp ông khỏi bị đàn chó dại tấn công. Nhiều tín hữu đến hành hương cầu nguyện và nhận được ơn lành từ Mẹ Maria. Nhà thờ đầu tiên dâng kính Đức Mẹ được xây năm 1745. Chính tại nơi này, Đức Giáo Hoàng Piô XII và dân thành Roma đã cầu xin Đức Mẹ cứu thành phố Roma trong cuộc rút lui của quân Đức Quốc xã vào năm 1944. Thành phố không bị phá hủy vì bom dạn và dân chúng được thoát nạn. Nhà thờ thứ hai được xây năm 1999 để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu dân thành Roma trong thế chiến thứ hai.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP