1. Cảnh sát bắn lựu đạn cay vào 11 Giám Mục

Một thánh lễ do các giám mục hàng đầu của Haiti cử hành nhằm thu hút sự chú ý đến bạo lực đang gia tăng của đất nước trong bối cảnh một loạt các vụ giết người và bắt cóc gây kinh hoàng cho các tài xế xe buýt, trẻ em đi học và các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã kết thúc hôm thứ Năm trong hơi cay, súng nổ và hỗn loạn ở Port-au-Prince.

Các giám mục, vẫn mặc lễ phục, đang rời khỏi buổi lễ kéo dài hai giờ tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Pétion-Ville thì hỗn loạn nổ ra bên trong, với những giáo dân chạy, la hét “hơi cay” và “cứu tôi”. Trong khi một số giáo dân chạy thoát được, những người khác đã bất tỉnh trên băng ghế. Họ được các thành viên trong gia đình và những người lạ cứu tỉnh sau đó.

“Những gì đang xảy ra ở đây là không thể chấp nhận được”, André Michel, một nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu, một trong những người có mặt trong nhà thờ, nói. “Đó là bằng chứng cho thấy đất nước đang bị cai trị bởi một lũ du côn. Họ không tôn trọng bất cứ điều gì, họ không tôn trọng mạng sống của con người. “

Được gọi là “Thánh lễ cho tự do của Haiti,” buổi cử hành này đã thu hút rất nhiều đám đông tràn ra vỉa hè và đường phố.

Khi 11 giám mục, do Đức Tổng Giám Mục Max Leroy Mésidor của Port-au-Prince dẫn đầu, bước lên bàn thờ vào buổi trưa, tiếng chuông nhà thờ và tiếng đập nồi niêu xoong chảo có thể nghe thấy khắp thủ đô, kể cả ở các khu ổ chuột ven núi Jalousie gần đó.

Bên trong nhà thờ, một đám đông hầu hết là những người trẻ tuổi chào đón đoàn đồng tế với những tiếng hô vang và tràng pháo thay.

Cô Michel nói với tờ Miami Herald: “Khi thánh lễ kết thúc, cảnh sát đã bắn hơi cay. Tôi gần như chết vì ngạt thở bên trong nhà thờ”.
Source:Miami Herald

2. Một gia đình Công Giáo có 14 người con không nợ ngân hàng một cent nào

Cách đây 5 năm, một gia đình Công Giáo gồm 16 người đã gây tiếng vang trên thế giới khi cho con đi học đại học mà không mắc nợ - và giờ đây, các bậc cha mẹ trong gia đình này đang đưa ra lời khuyên tài chính của họ trong một cuốn sách.

Sam và Rob Fatzinger, cha mẹ của 14 đứa trẻ sống bên ngoài thủ đô Washington ở Bowie, Maryland, tác giả cuốn sách “A Catholic Guide to Spending Less and Living More: Advice from a debt-free family of 16” nghĩa là “Hướng dẫn Công Giáo để chi tiêu ít hơn và sống nhiều hơn: Lời khuyên từ một gia đình 16 người không mắc nợ”.

Trong thời đại nợ thẻ tín dụng và liên tục mua sắm, những người không nợ nần chồng chất có thể xuất hiện như một hiện tượng văn hóa lạ lùng. Họ đã trả hết nợ mua nhà của mình trong vòng chưa đầy 13 năm. Rob cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với EWTN Pro-Life Weekly, con cái của họ theo học trường Đại Học cộng đồng trong hai năm - với giá “bằng một nửa giá” của các trường đại học khác trước khi chuyển sang một trường Đại Học tiểu bang để lấy bằng cử nhân. Tuy nhiên, dù sống tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất Hoa Kỳ, Fatzingers vẫn không mắc nợ.

Sam nói với EWTN Pro-Life Weekly trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối thứ Năm 15 tháng Tư.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi quên nhắc đến việc thi hành đều đặn trách nhiệm tài chính của chúng tôi trong tư cách các Kitô hữu là đóng góp một phần mười thu nhập và quản lý tốt tiền bạc của chúng tôi. Chúng tôi luôn nhờ ‘Thy will be done’, ‘Ý Chúa sẽ được hoàn thành’. Bất cứ điều gì Chúa muốn bạn làm, bạn có thể làm điều đó khi bạn có tự do tài chính”.

Họ là tác giả của một cuốn sách hướng dẫn những người trẻ Công Giáo khác, những người có thể bắt đầu cuộc hôn nhân của mình trong cảnh nợ nần, hoặc những người có thể đang cố gắng trả món nợ thời sinh viên của mình để bước vào đời sống tu trì.

“Tôi ghét khi người ta nói với tôi, ‘Ồ, chúng tôi rất thích có những đứa con khác, nhưng chúng tôi đang trong cảnh nợ nần”, Sam nói.

Bí mật gia đình này là gì? Fatzingers nói rằng - đối với các cặp vợ chồng trẻ - giao tiếp, trả nợ và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp đều là những bước quan trọng mà họ có thể thực hiện để hỗ trợ cuộc hôn nhân của mình.

“Vấn đề tài chính rất khó khăn đối với hôn nhân, vì vậy tôi thực sự khuyến khích mọi người nói chuyện, ngay cả trước khi kết hôn, về vấn đề này”, Sam nói.

Sam và Rob nói rằng họ bắt đầu cuộc hôn nhân của mình bằng cách sống giới hạn trong đồng lương của mình trong khi cố gắng tiết kiệm. Sau khi có con và Sam nghỉ làm, họ đã quen với việc sống bằng một đồng lương.

“Ngoài ra, hãy trả bớt bất kỳ khoản nợ nào - khoản nợ nhà, đặc biệt là khoản nợ lãi suất cao - trả hết nợ xe hơi, xe máy, và loại bỏ các nhu cầu không thiết yếu”, Rob nói thêm. “Hãy tiết kiệm cho một ngày mưa. Bởi vì điều đó sẽ xảy ra”.

Họ nói rằng các khoản chi phí không mong muốn - chẳng hạn như sửa chữa xe hơi hoặc hóa đơn bệnh viện - sẽ xảy ra, và các cặp vợ chồng có thể bớt căng thẳng hơn bằng cách có sẵn quỹ khẩn cấp.

Cuối cùng, kế hoạch của họ được xây dựng dựa trên sự tin tưởng vào Chúa, họ nói.

“Tôi nói 'tin tưởng và chuẩn bị'. Hãy tin tưởng rằng Chúa có một kế hoạch cho bạn và sẽ không để bạn phải đối phó nhiều hơn những gì bạn có thể giải quyết. Nhưng đừng chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi”, Rob nói với EWTN Pro-Life Weekly.
Source:Catholic News Agency

3. Sau vụ phá hoại, giáo xứ Houston chào đón bức tượng Đức Mẹ Guadalupe đã được tân trang lại

Một giáo xứ Công Giáo ở Houston đã tổ chức lễ khánh thành trong tuần qua một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe đã được tân trang lại sau khi bị phá hoại vào cuối năm ngoái.

Buổi lễ, được tổ chức vào ngày 11 tháng 4, có sự tham dự của các giáo dân của Nhà thờ Công Giáo Nữ Vương Hòa Bình. Bức tượng được tô điểm bằng những cành hoa, ABC13 news đưa tin.

Anh chị em giáo dân cho biết, vào tháng 12 năm 2020, tượng Đức Mẹ Guadalupe đã bị trúng ít nhất sáu viên đạn. Các nhân chứng của vụ tấn công cho biết hung thủ đội một chiếc mũ đen và mặc bộ đồ màu đỏ.

Đầu tháng 2, bức tượng được sửa chữa và đưa trở lại nhà xứ.
Source:Catholic News Agency

4. Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng Chúa Nhật 18 tháng Tư

Từ trưa Chúa nhật 18 tháng 4 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, sau bốn tuần bị tạm ngưng vì đại dịch Covid-19.

Tình trạng lây lan khó lường của coronavirus khiến cho các buổi đọc kinh trưa Chúa nhật của Đức Thánh Cha với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô bị ngưng nhiều lần và diễn ra dưới dạng trực tuyến.

Lần đầu tiên bị ngưng trong hai tháng rưỡi, từ 8 tháng 3 đến 24 tháng 5 năm 2020. Sau đó, trong hơn một tháng rưỡi, từ ngày 20 tháng 12 năm 2020 đến 7 tháng Hai năm 2021, rồi lại bị đóng trong bốn tuần vừa qua.

Tình hình đại dịch ở Italia có phần cải tiến, với chiến dịch chích ngừa vắcxin toàn quốc và chính phủ đang chuẩn bị dần dần mở lại các hoạt động, trong khi đó nhiều tập thể, như các tiệm ăn đang tạo sức ép qua các cuộc biểu tình phản đối, đòi chính phủ cho mở cửa lại để đón nhận các thực khách, thay vì chỉ bán đồ ăn để mang đi như hiện nay.

Trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vào Chúa Nhật thứ ba của Lễ Phục Sinh, chúng ta trở lại Giêrusalem, đến Phòng Tiệc Ly, theo sự hướng dẫn của hai môn đệ Emmaus, là những người đã lắng nghe những lời của Chúa Giêsu một cách vô cùng xúc động trên đường đi và sau đó nhận ra Ngài “trong cử chỉ bẻ bánh” (Lc 24: 35). Giờ đây, tại Nhà Tiệc Ly, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra giữa nhóm các môn đệ và chào: “Bình an cho anh em!” (Câu 36). Nhưng, như Tin Mừng cho biết, họ sợ hãi và nghĩ rằng họ “nhìn thấy một bóng ma” (câu 37). Rồi Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy những vết thương trên thân thể Người và nói: “Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây” (câu 39). Và để thuyết phục họ, Ngài xin thức ăn và ăn uống trước cái nhìn đầy kinh ngạc của họ (xem câu 41-42).

Có một chi tiết đáng chú ý trong mô tả này. Tin Mừng nói rằng các Tông đồ “vui mừng tột độ đến mức không thể tin là thật”. Đó là niềm vui quá mức khiến họ không thể tin đó là sự thật. Và một chi tiết thứ hai: họ ngạc nhiên, bỡ ngỡ; ngạc nhiên bởi vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn dẫn anh chị em đến sự ngạc nhiên: nó vượt ra ngoài nhiệt tình, ngoài niềm vui, nó là một kinh nghiệm khác. Và những điều này thật vui mừng, nhưng đó là một niềm vui khiến họ nghĩ: không, điều này không thể là sự thật!… Đó là sự ngạc nhiên về sự hiện diện của Chúa. Đừng quên trạng thái tâm hồn đẹp đẽ này.

Đoạn Tin Mừng này được đặc trưng bởi ba động từ rất cụ thể, theo một nghĩa nào đó phản ánh đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta: nhìn, chạm đến và ăn. Ba hành động có thể mang lại niềm vui cho cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu hằng sống.

Nhìn. “Hãy nhìn vào bàn tay và bàn chân của Thầy” - Chúa Giêsu nói. Nhìn không chỉ là thấy, nó còn hơn thế nữa, nó còn bao hàm cả ý định, ý chí. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Bố mẹ nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ tốt lành nhìn bệnh nhân một cách cẩn thận… Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay mặt đi của một người trước những khó khăn và đau khổ của người khác. Nhìn. Tôi có nhìn thấy, hay nhìn vào Chúa Giêsu không?

Động từ thứ hai là chạm vào. Mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy rằng Người không phải là ma - hãy chạm vào Thầy! Chúa Giêsu chỉ cho các Tông đồ và cho chúng ta thấy rằng mối quan hệ với Người và với anh em của chúng ta không thể có “khoảng cách”, không có Kitô giáo ở khoảng cách xa xa, không có Kitô giáo chỉ ở mức độ nhìn. Tình yêu đòi buộc nhìn ngắm nhưng nó cũng yêu cầu gần gũi, nó yêu cầu tiếp xúc, và chia sẻ cuộc sống. Người Samaritanô nhân hậu không chỉ nhìn người đàn ông mà anh ta tìm thấy đã sống dở chết dở dọc đường: anh ta dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho nạn nhân, chạm vào anh ta, chất anh ta lên lưng lừa và chở anh ta về quán trọ. Và với chính Chúa Giêsu cũng vậy: yêu mến Chúa có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sống động, một sự hiệp thông với Người.

Và sau đó chúng ta đến với động từ thứ ba, ăn, động từ này diễn tả rõ ràng con người chúng ta trong sự nghèo đói tự nhiên nhất của nó, tức là nhu cầu nuôi dưỡng bản thân để sống còn. Nhưng việc ăn uống, khi chúng ta làm điều đó với nhau, với gia đình hoặc bạn bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông, của cử hành... Biết bao lần Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống chiều kích hiệp thông này với các môn đệ của Người, ngay cả với tư cách là Đấng Phục sinh. Đến mức bàn tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu chỉ tiêu biểu cho cộng đồng Kitô hữu. Cùng nhau ăn và uống Mình Máu Thánh Chúa Kitô: đây là trung tâm của đời sống Kitô hữu.

Thưa anh chị em, đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma”, nhưng là một Bản thể sống động; rằng khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, Ngài làm chúng ta vui mừng đến mức không tin, và khiến chúng ta kinh ngạc, với sự kinh ngạc mà chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa mới đem lại, bởi vì Chúa Giêsu là Đấng Hằng Sống. Kitô Giáo trước hết không phải là một học thuyết hay một lý tưởng luân lý, mà là một mối quan hệ sống động với Người, với Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn Người, chạm vào Người, được nuôi dưỡng nhờ Người và, được biến đổi bởi tình yêu của Người, để rồi chúng ta nhìn, chạm vào và nuôi dưỡng người khác như anh chị em với mình. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống kinh nghiệm ân sủng này.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Tu viện Casamari, Simeone Cardon và năm bạn tử đạo, là các tu sĩ dòng Xitô Nhặt Phép của Tu viện đó, đã được tuyên phong Chân phước. Vào năm 1799, khi những người lính Pháp rút lui khỏi Naples, họ đã cướp phá các nhà thờ và tu viện. Những môn đệ hiền lành này của Chúa Kitô đã chống trả với lòng dũng cảm anh dũng cho đến chết, để bảo vệ Thánh Thể khỏi bị xúc phạm. Cầu mong tấm gương của họ thúc đẩy chúng ta cam kết trung thành hơn với Thiên Chúa, điều này cũng có khả năng biến đổi xã hội và làm cho xã hội trở nên công bằng và huynh đệ hơn. Xin một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Và đây là một điều đáng buồn. Tôi rất lo lắng về các sự kiện ở một số khu vực miền đông Ukraine, nơi các vi phạm lệnh ngừng bắn đã gia tăng trong những tháng gần đây, và tôi hết sức lo ngại về sự gia tăng các hoạt động quân sự. Xin làm ơn, tôi thực sự hy vọng rằng sự gia tăng căng thẳng sẽ tránh được và trái lại, những cử chỉ hòa bình sẽ được thực hiện để thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và ủng hộ hòa giải và hòa bình, là điều rất cần thiết và rất được mong muốn. Chúng ta cũng phải lưu tâm đến tình hình nhân đạo nghiêm trọng mà dân chúng ở đó đang phải gánh chịu, mà tôi bày tỏ sự gần gũi của mình và tôi mời anh chị em cầu nguyện.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay ở Ý là Ngày dành cho Đại học Công Giáo Thánh Tâm, nơi đã có hàng trăm năm thực hiện một công việc quý báu là đào tạo các thế hệ trẻ. Mong nhà trường tiếp tục thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình để giúp những người trẻ trở thành nhân vật chính của một tương lai đầy hy vọng. Tôi thân ái chúc phúc cho các nhân viên, giáo sư và sinh viên của Đại học Công Giáo.

Và bây giờ xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, các tín hữu Rôma và những khách hành hương người Brazil, người Ba Lan, người Tây Ban Nha và tôi thấy một lá cờ khác ở đó Cảm ơn Chúa, chúng ta có thể gặp lại nhau tại quảng trường này vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: Tôi nhớ quảng trường khi tôi phải đọc kinh Truyền Tin trong Thư viện. Tôi hạnh phúc, cảm ơn Chúa! Và cám ơn sự hiện diện của anh chị em. Xin gửi đến những người con Mẹ Vô Nhiễm ngoan hiền. Và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office