Bình luận câu đầu và câu cuối trong thông điệp Ngày Truyền Thông Thế Giói năm 2019 của Đức Phanxicô, ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền Thông của Tòa thánh nói rằng với hai câu ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa chúng ta trở lại yếu tính một chủ đề mà chúng ta đã rón rén xem xét từ rất lâu.



Ta giống như đang ở trong một cơn lốc. Chúng ta có nguy cơ mất phương hướng, la bàn, sao Bắc Cực của chúng ta. Nghịch lý thay, kỷ nguyên của truyền thông lại có nguy cơ trở thành một kỷ nguyên không tài nào truyền thông được. Bất chấp rất nhiều dữ kiện, chúng ta không có đủ khôn ngoan cần thiết để đọc và tường trình lại ý nghĩa của mọi câu chuyện, và với nó là ý nghĩa của lịch sử.

Động từ 'trình thuậ' (to narrate) bắt nguồn từ tiếng Latin gnarus, nghĩa là trải nghiệm. Nhưng nếu thiếu khả năng hợp nhất kinh nghiệm, thì sẽ không có cả khôn ngoan lẫn kiến thức. Mọi sự bị giản lược thành một dòng chữ trong một danh sách vô nghĩa.

Chỉ nhờ trình thuật, chúng ta mới có thể phát hiện điều mà mắt thường không nhìn thấy, điều bị che giấu, đòi thời gian và kiến thức để được phát lộ.

Qua thông điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng chắc chắn muốn nói với các nhà truyền thông và chắc chắn ngài muốn nói với các nhà báo. Nhưng không chỉ có thế. Ngài muốn nói với mọi người nói chung, bởi vì tất cả chúng ta đều truyền thông. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với thế giới mà chúng ta miêu tả qua lời trình thuật của mình.

Các trình thuật của chúng ta là vô hạn. Chúng được viết, được nói, được quay phim. Chúng được dệt bằng từ ngữ, hình ảnh và âm nhạc. Chúng là ký ức của quá khứ chúng ta và viễn kiến về tương lai của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng hỏi mọi người, Câu chuyện chính chúng ta kể là gì? Chúng ta có thực sự sống nó, chiêm niệm nó, suy gẫm và hiểu nó đến mức nào trước khi kể nó ra? Nó có là một câu chuyện có thật không? Một câu chuyện năng động? Hoặc, nó là một trong những câu chuyện không đúng sự thật? Nó có bất động không? Câu chuyện này miêu tả nhân tính, và mầu nhiệm bao quanh nó, hay đó là một câu chuyện xóa bỏ nhân tính của chúng ta? Đó là một câu chuyện về điều thiện hay một câu chuyện về điều ác? Nó mở ra hy vọng, hay nó là một trong những câu chuyện gây nản lòng? Đó là một câu chuyện chào đón cái ác hay luôn tìm kiếm, trong mọi tình huống, tia lửa sự thiện có khả năng cứu chuộc nó?

Mỗi câu chuyện được hiểu theo kết thúc của nó. Câu chuyện của chúng ta kết thúc như thế nào? Chúng ta dành không gian nào cho mầu nhiệm Thiên Chúa, cho khả thể cứu chuộc?

Sự khôn ngoan của câu chuyện nằm ở chỗ nào? Trong thông điệp Laudato sí của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết:

"Các nhà hiền triết vĩ đại trong quá khứ có nguy cơ không được nghe thấy giữa tiếng ồn ào và sao lãng do tình trạng quá tải thông tin gây ra… Sự khôn ngoan đích thực, như là kết quả của việc tự xét mình, đối thoại và gặp gỡ hào phóng giữa các con người với nhau, không có được bằng việc tích lũy dữ kiện đơn thuần, một tích lũy kết cục dẫn đến quá tải và rối loạn, một loại ô nhiễm tâm thần.

Nhờ truyền thông, chúng ta có khả năng tạo ra cả hiểu biết lẫn hiểu lầm; xây dựng và phá hủy một ý thức trách nhiệm; và nuôi dưỡng hoặc bỏ đói các bản sắc tương lai của chúng ta.

Từ những vấn đề này, những vấn đề nhờ đó chúng ta nhận trách nhiệm của mình, chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta. Chúng ta có thể tái tục nó, như các tín hữu, vì ý thức được một sự kiện từng thay đổi lịch sử, soi sáng nó bằng mầu nhiệm Thiên Chúa - Đấng trở thành người chính là để cứu chuộc họ. Ba Vua ý thức được sự khôn ngoan mà chúng ta có nguy cơ đánh mất trong sự hỗn loạn của cuộc đời mình. Đối mặt với mầu nhiệm Thiên Chúa này, trong một giấc mơ, họ đã được cảnh báo phải chọn một con đường khác với con đường mà họ đã theo trong quá khứ để trở về nhà. Điều này là để bảo vệ cả lịch sử đã được mạc khải cho họ lẫn Hài Nhi Thiên Chúa, Đấng vốn hiện thân cho lịch sử ấy.

Để chúng ta tìm được nơi lưu giữ cả ý nghĩa lịch sử lẫn câu chuyện, như Ba Vua đã làm, chúng ta phải chọn một con đường khác với con đường đã đưa chúng ta đến nơi chúng ta hiện có mặt. Để bắt đầu lại, chúng ta cần một con đường khác, một lịch sử khác, một cách nhìn khác, kể chuyện, tưởng nhớ, xây dựng - trình thuật - tương lai.

Con đường truyền giảng Tin Mừng mới của hai cựu sinh viên Đại Học Dallas

Và đó là con đường được hai cựu sinh viên Đại học Dallas tiếp nhận trong cố gắng tìm ra những cách mới để truyền giảng Tin Mừng và tham gia vào nghệ thuật kể chuyện bằng podcast hàng tuần đặt tên là That’s the Word.

Cha James Yamauchi, JCL, BA ’07, Phó Giám đốc Đào tạo tại chủng viện Holy Trinity, là người dẫn chương trình. Em trai của ngài, John Peter Yamauchi, BS ’17, MS ’18, giúp viết các câu chuyện và sản xuất podcast. Cùng nhau, hai anh em thành lập nhóm sản xuất Sons of Thunder Rock.

Họ bắt đầu phát hành các hồi phim (episode) cho podcast That’s the Word vào thứ Tư hàng tuần trong tháng 11 năm 2020. Mỗi hồi phim kể lại cách ngắn gọn, bí nhiệm về một câu chuyện có thật, giúp người nghe khám phá và tận hưởng những khúc mắc và chi tiết được Cha James Yamauchi thuật lại.

Tháng 3 vừa qua, Cha James và John Peter Yamauchi đã sản xuất một Chương trình Trực tiếp trên Facebook có tên “Father at 5” cho giáo xứ của họ. Thành công của buổi trình diễn kéo dài nửa giờ hàng ngày đã truyền cảm hứng cho họ tiếp tục tìm cách truyền giảng Tin Mừng theo cách càng được nhiều người truy cập càng tốt.

Cha James Yamauchi nói rằng John Peter và ngài đã bắt đầu dự án Mùa Vọng như một cách kể những câu chuyện có thật về mẫu mực nhân đức. Ngài coi nghệ thuật kể chuyện là điều cần thiết để truyền giảng Tin Mừng, nghĩ đến việc Chúa Giêsu sử dụng các dụ ngôn của chính Người và việc truyền bá Kitô giáo của các môn đệ qua cách truyền miệng.

Cha James Yamauchi nói rằng, Giáo Hội Công Giáo bắt đầu, khi các môn đệ truyền giảng Tin Mừng “bằng cách kể những câu chuyện về những điều Chúa Giêsu nói và làm”.

Cha James Yamauchi cho biết, “Bằng cách tập chú vào những câu chuyện có thật và lành mạnh, và Chúa Kitô là nguồn của mọi trật tự tự nhiên và siêu nhiên, đây có thể là một cách để mở cửa và cho mọi người biết một điều gì đó tốt đẹp và đạo đức”.

Nội dung của các câu chuyện thay đổi về chủ đề, nhưng thường tập chú vào các nhân vật lịch sử, các vị thánh hoặc các biến cố ít được biết đến hoặc hiếm khi được công nhận về tấm gương nhân đức của chúng.

Cùng với việc sản xuất podcast, John Peter Yamauchi hỗ trợ Cha James Yamauchi trong việc nghiên cứu và viết lời tường thuật có thật về những câu chuyện này. Hồi phim yêu thích của anh cho đến nay là “Sự tuyệt vọng của gia đình Downes [Desperation of the Downes Family]”.

John Peter Yamauchi cho biết, “Hồi phim đó là hồi thứ hai chúng tôi làm”. Anh đặc biệt thích nó “chỉ vì cách người ta đến với nhau, các chi tiết sống động, và gần như có một khúc mắc ngay trong một khúc mắc ở phần kết”.

Ngay cả những câu chuyện có vẻ quen thuộc với thính giả Công Giáo cũng có thể nâng cao sự hiểu biết của họ về những gì người ta thực sự là khi nghe nó được trình bày theo một cách độc đáo.

Các hồi phim yêu thích của Cha James Yamauchi là “Tiểu thuyết về Lễ tạ ơn” và “Kẻ mạo danh đáng tin cậy”.

Podcast That’s the Word hiện có hàng chục hồi phim, với mỗi hồi dài khoảng năm phút.

Cha James Yamauchi cho biết họ muốn kể những câu chuyện “dễ tiếp thu”, vì vậy việc làm cho những câu chuyện ngắn và có sẵn trên nhiều diễn đàn là điều quan trọng để tăng khả năng tiếp cận.

Theo John Peter Yamauchi, dạng thức các câu chuyện của họ tương tự như các podcast khác, kể lại cuộc sống của mọi người một cách kỳ lạ, chẳng hạn như The Way I Heard It with Mike Rowe. Cha James Yamauchi được truyền cảm hứng để bắt đầu podcast này dựa trên chương trình phát thanh The Rest of the Story những năm 1970 của Paul Harvey và con trai của ông, thường có một chút khúc mắc giấu ẩn ở phần kết.

Cha James Yamauchi giải thích, trong mỗi hồi phim của That’s the Word, “người nghe là người tham gia tích cực vào câu chuyện”. Họ được khuyến khích thu thập các gợi ý trước tiết lộ ở phần kết.

John Peter Yamauchi nói: “Chỉ cần nghe những câu chuyện từ thế giới quan Công Giáo cũng đủ lên khuôn cách bạn suy nghĩ về mọi điều”. Ngay cả trên một diễn đàn thế tục, John Peter Yamauchi hy vọng câu chuyện có thể ảnh hưởng tích cực đến cách người nghe nhìn thế giới.

That’s the Word có sẵn trên ứng dụng Apple Podcasts, Spotify và trang web chính thức của họ. Podcast cũng có các diễn đàn truyền thông xã hội trên Facebook và Instagram. Một hồi phim được phát hành vào thứ Tư hàng tuần.

Cha James Yamauchi cho biết, Podcast đáp ứng mong muốn có được các câu chuyện chung đối với mọi nền văn minh. Ngài trích dẫn khẩu hiệu với một nụ cười nghiêm túc, nói rằng "Mọi người đều thích một câu chuyện hay".