Ít nhất thì đó cũng là nhận định của Ký Giả John Allen của tạp chí CruxNow, nhân chuyến tông du Iraq vào ngày mai của Đức Giáo Hoàng.



Ngày 5 tháng 3, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên đường đến Iraq, và trong hầu hết thế giới Kitô giáo, đây sẽ được coi là một chuyến đi để tưởng nhớ một cộng đồng Kitô hữu tử đạo đã phải chịu đựng những nỗi kinh hoàng không thể tưởng tượng được dưới sự chiếm đóng của ISIS ở vùng Cao Nguyên Ninivê của đất nước này giữa các năm 2014 và 2017.

Tuy nhiên, đối với những người theo đạo Hồi, nó được coi nhiều hơn như một cử chỉ nối vòng tay lớn với phái Shi'a của đạo Hồi, đặc biệt là vào hôm thứ Bảy khi Đức Giáo Hoàng dự kiến đi đến Najaf để gặp Đại Giáo Chủ Ali al-Sistani, được nhiều người coi là nhà lãnh đạo có thẩm quyền nhất của người Hồi giáo thuộc phái Shi'ite. Người Shi’ite đại diện cho khoảng 10 đến 15 phần trăm thế giới Hồi giáo, khoảng 200 triệu tín đồ, tập trung ở khu vực Vịnh Ba Tư của Trung Đông.

Quan trọng nhất, người Shi’ite thống trị Iran, một quốc gia có vai trò quyết định tuyệt đối đối với an ninh toàn cầu và tương lai của Trung Đông, và họ chiếm đa số ở Iraq, quốc gia mà Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm vào ngày mai.

Qua nhiều thế kỷ, những người Hồi giáo phái Sunni đã buộc tội rằng Shi’a là dị giáo vì nhiều lý do: họ nhấn mạnh vào Ali, con rể của Muhammad, biến ông thành một vị Thiên Chúa, phủ nhận tính duy nhất của Allah; học thuyết Shi’a về tính vô ngộ của Mười hai Imams biến họ thành đối thủ của Muhammad; người Shi’ite đã “thêm thắt vào Kinh Qur’an,” tạo ra hadith để biện minh cho học thuyết của họ; những ngày thánh và những cuộc hành hương của người Shi’ite làm hỏng sự tinh tuyền của đức tin; thực hành “che giấu” của người Shiite, nghĩa là che giấu đức tin của họ một cách chiến lược để thoát khỏi sự bách hại, và do đó không thể được tin tưởng (một cáo buộc được một số nhà sử học các tôn giáo cho là không khác gì với các cuộc luận chiến trong nhiều năm chống các tu sĩ Dòng Tên); và người Shi’ite bị nghi ngờ về mặt đạo đức vì họ cho phép các vụ kết hôn tạm thời.

Hồi giáo Shi’a cũng thường bị phương Tây nhìn với nhiều cảnh giác, phần lớn do những ký ức về Cách mạng Iran cùng với chủ nghĩa bài Do Thái và chống phương Tây của cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Tuy nhiên, phổ hệ Shi’a cũng bao gồm các nhân vật như Đại Giáo Chủ Ali al-Sistani của Iraq, được các Kitô hữu Iraq, năm 2005, đề cử cho Giải Nobel Hòa bình.

Các bản tin cho thấy al-Sistani không có dự định ký Văn kiện của Đức Giáo Hoàng về Tình Huynh đệ Nhân loại, mà ngài đã công bố cùng với Đại Giáo Chủ của al-Azhar, định chế có thẩm quyền nhất trong thế giới Hồi giáo Sunni, trong chuyến tông du Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tháng 2 năm 2019. Tuy nhiên, bất cứ điều gì xảy ra trên mặt trận đó, người ta vẫn có thể đưa ra một lập luận rất thuyết phục này là người Hồi giáo phái Shi'a là đối tác trò chuyện tự nhiên nhất của người Công Giáo trong thế giới Hồi giáo, và Vatican ở vị trí độc nhất có thể bắt tay với các quốc gia đa số theo phái Shi'a.

Trong những năm qua, liên hệ Công Giáo-Hồi giáo có xu hướng tập chú vào người Sunni. Tuy nhiên, về một số phương diện nào đó, thì đây là một gắp ghép kỳ lạ; với các mô hình theo mẫu giáo phái giáo đoàn (congregationalist) về đời sống cộng đồng và phương thức sola scriptura (chỉ duy kinh thánh) đối với kinh Qur’an, người Sunni thường giống những người theo phái Calvin hơn là người Công Giáo.

Mặt khác, tác giả người Iran Vali Nasr trong cuốn sách The Shia Revival năm 2006 đã chỉ ra một chuỗi tương đồng đầy ấn tượng giữa Shi’a và Công Giáo.

• Một sự nhấn mạnh nhiều đến thẩm quyền giáo sĩ.
• Một cách tiếp cận Qur’an làm nổi bật cả kinh thánh lẫn truyền thống.
• Một nét huyền bí sâu sắc.
• Lòng sùng kính đối với một gia đình thánh thiện (trong trường hợp của người Shi’ites, đó là họ hàng máu huyết của Muhammad).
• Sự tôn sùng các vị thánh (Mười hai Imams).
• Nền thần học về sự hy sinh và chuộc tội thông qua cái chết của Hussein, con trai của Ali, anh họ Muhammad, người đã tử vì đạo ở Karbala, Iraq, vào năm 680.
• Niềm tin vào ý chí tự do (trái ngược với học thuyết tiền định của người Sunni).
• Các ngày lễ.
• Các đền thờ chữa bệnh.
• Lời cầu nguyện chuyển cầu.
• Các hình thức sùng kính bình dân gây xúc động mạnh, đặc biệt là lễ hội Ashoura tưởng nhớ ngày qua đời của Hussein.

Nasr so sánh một người hành hương Shi’ite ở Karbala với một người Công Giáo tại đền thờ Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico. Ông cũng viết rằng đền thờ Hồi giáo Jamkaran ở ngoại ô thánh địa Qom ở Iran, nơi người Shi’ites tin rằng Imam huyền thoại thứ mười hai từng hiện ra, đóng một vai trò tương tự như Fatima trong đạo Công Giáo.

Một tác giả người Iran khác, Reza Aslan, nói rằng cách giải thích hợp lý về lề luật Hồi giáo của các giáo sĩ Shi’ite có tiềm năng tạo ra sự mềm dẻo mà đôi khi thiếu trong Hồi giáo Sunni, vốn bị cột chặt vào cách đọc kinh Qur’an theo nghĩa đen hơn. Aslan tin rằng các xã hội chịu ảnh hưởng của Shi’a có thể dễ uốn nắn hơn đối với việc thử nghiệm dân chủ, nhân quyền và đa nguyên, miễn là chúng đặt cơ sở trên lý luận tôn giáo - như trong lý thuyết xã hội Công Giáo chẳng hạn.

Tháng 10 năm 2005, Cha Mark Serna dòng Bênêđíctô, một vị kỳ cựu trong trao đổi Công Giáo / Shi’ite, đã viết: “Khác biệt với người Hồi giáo theo truyền thống Sunni, người Hồi giáo phái Shi’ite là những đối tác đối thoại rất tự nhiên với người Công Giáo Rôma và các vị đơn tu. Có nhiều lĩnh vực hỗ tương: một truyền thống chiêm niệm sâu sắc và huyền bí; lòng tôn kính các thánh, nhất là Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu; các quan niệm về tính vô ngộ và thẩm quyền; nhấn mạnh nhiều đến tìm hiểu hữu lý về các vấn đề đức tin; niềm tin và thực hành; và nghiên cứu triết học và thần học”.

Tất cả những điều ấy tạo nên mảnh đất màu mỡ cho cuộc trao đổi Công Giáo-Shi’a. Công Giáo cũng có mặt trong các xã hội Shi’a trước sự xuất hiện của Hồi giáo hoặc phương Tây; chẳng hạn, Người Công Giáo Maronite ở Lebanon, người Công Giáo Chaldean ở Iraq, cũng như người Công Giáo Armenia và Chaldean ở Iran. Những người Công Giáo này nói các ngôn ngữ và biết các nền văn hóa [như người Shi’a].
Tất nhiên, không có điều gì được bất cứ giáo hoàng nào làm hoặc không làm sẽ là sức mạnh căn bản có tính quyết định hướng đi trong tương lai của đạo Hồi, đây là quyết định mà người Hồi giáo - người Sunni và người Shiite - phải tự quyết định.

Tuy nhiên, lịch sử dường như đã tạo ra một cơ hội đặc biệt để Công Giáo tạo ra các mối liên hệ với truyền thống Shi’a, và cuối tuần này mang đến cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô một cơ hội vô song trong lịch sử để khai thác những khả thể đó.