Câu Chuyện Trên Núi

(Chúa Nhật 2 MC năm B 2021)

Để diễn tả những thực tại thấp hèn, dơ bẩn, cổ lậu, suy đồi…, cả trong thể chất lẫn tinh thần, người ta hay dùng biểu tượng “bùn lầy nước đọng”; riêng trong lãnh vực chính trị thế giới, khi nhắc đến cựu Tổng Thống D. Trump, người ta liền nghĩ tới cụm từ “tát cạn đầm lầy”, một định hướng và chủ trương cơ bản của “nhiệm kỳ Tổng Thống thứ 45 Hoa Kỳ” nhằm trong sạch hoá, chuẩn hoá môi trường chính trị ở Washington DC, vốn đã trở nên một “đầm lầy” tai tiếng, đầy dẫy các chính trị gia biến chất, đồi truỵ, tham nhũng… Thế nhưng, xem ra đây là một cuộc “tát cạn đầm lầy” dang dở nếu không nói là thất bại của ngài Tổng Thống; vì, có thể nói được, chính cái “đầm lầy cố cựu và đầy phức tạp ma mảnh” nầy đã “dập tơi tả” tổng thống Trump và cuối cùng, ông đã bứng khỏi toà Bạch Ốc trong cuộc đua đầy kịch tính từ hôm 4.11.2020 vừa qua !

Và người ta cũng thường cho rằng: đối nghịch với “bùn lầy nước đọng”, hay “đầm lầy dơ bẩn, xấu xa” ở tà tà mặt đất…, đó lại là “không gian trong sáng ở trên cao”: bầu trời xanh thẳm, đỉnh núi uy nghiêm…; và vì thế, cũng chẳng khó để nhận ra một hiện tượng gần như phổ quát: các chùa chiền, tu viện… thường được xây dựng nơi chốn thâm nghiêm, cách biệt với chốn “phồn hoa đô hội, bụi bặm ồn ào…” !

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Chay cũng tập chú vào “Câu chuyện trên núi”, một chủ đề tâm tinh gần như đã trở thành truyền thống của hành trình “40 ngày tôi luyện” Mùa Chay để người Kitô hữu chuẩn bị mừng đại lễ Phục sinh hay để anh chị em Dự tòng chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích Khai tâm Kitô giáo; và “nhân vật cũng như không gian trọng tâm” của “câu chuyện trên núi” được Lời Chúa tuyển chọn lựa để minh hoạ cho “sứ điệp phụng vụ” hôm nay chính là: “Cụ Tổ Abraham với đứa con trai một Isaac trên núi Moria”, nhân vật của Cựu ước và “Chúa Giêsu cùng các môn sinh trên núi cao”, nhân vật của Tân Ước.

“Câu chuyện trên núi” đã khởi đầu bằng một “tiếng gọi đầy bi kịch”: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Đây đâu phải là một cuộc “mổ xẻ dao kéo” bình thường, mà là một cuộc “sát tế”; đúng hơn, một “nỗi đau ngút ngàn” của hy sinh, một “đón nhận anh hùng” của thái độ vâng phục hoàn hảo, và một “niềm trông cậy vững chắc” của niềm tin sâu thẳm lớn lao ! Và Thiên Chúa đã “thành công” trong cuộc “thử thách” liều lĩnh nầy: “Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”.

Vì không thể “vượt qua” cái cuộc “thử lửa gan nan” nầy, nên đã có không ít “người cha”, không chấp nhận “mất con”, và đã “quăng về phía Thiên Chúa những lời cay độc” như mấy câu thơ trên mộ bia của một em bé mang tên Ái 7 tuổi:

Ái ăn đâu, Ái ở đâu,

Để thương để nhớ để u sầu.

Trời Già độc địa làm chi bấy,

Nở bắt con tôi bảy tuổi đầu !

Và câu chuyện “bi kịch lên núi” của cụ Tổ Abraham đã trở thành “hỉ kịch” khi xuống núi, một “cái kết đẹp”, một “niềm hy vọng đã nở hoa”: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Từ “câu chuyện trên núi Moria” của một thời xa xôi Cựu Ước, Lời Chúa như muốn dẫn cộng đoàn Kitô hữu và các anh chị em Dự tòng đến “câu chuyện trên núi Sọ” cách đây gần hai ngàn năm của Chúa Giêsu người Nadarét. Vâng, trên núi nầy, cho dù không xuất hiện tỏ tường bóng dáng “Người Cha”, “Đấng đã vì yêu mà hiến ban Người Con Một” (Ga 3,16) hay như lời khẳng quyết của Thánh Phaolô: “Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta” (BĐ 2), thì tiếng kêu thảng thốt sau cùng của “Người Con Một Giêsu”: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23,46) đã diễn tả trọn vẹn những ý nghĩa của mầu nhiệm “hiến tế” mà cuộc “sát tế” trên núi Moria là một tiên trưng: “nỗi đau ngút ngàn” của hy sinh, một “đón nhận anh hùng” của thái độ vâng phục hoàn hảo, và một “niềm trông cậy vững chắc” của niềm tin sâu thẳm lớn lao !

Nhưng, cũng như “câu chuyện trên núi Moria” đã không kết thúc nơi “lát dao sát tế con của cụ Tổ Abraham”, thì “câu chuyện trên núi” vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ cũng không kết thúc nơi “lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn của Đấng chịu đóng đinh”, nhưng đã mở ra một chân trời khác, một viễn tượng khác: chân trời chiến thắng, viễn tượng phục sinh; và ý nghĩa nầy lại được chính Tin Mừng hôm nay minh hoạ qua “sứ điệp Biến Hình” của Đức Kitô trên đĩnh “Núi Cao” mà truyền thống có từ thế kỷ thứ 3 gọi tên là “Tabor” : Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. (Mc 9,2-5).

Nếu sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay muốn giải trình hai chiều kích bất khả phân ly của huyền nhiệm Vượt Qua: Khổ nạn – Phục Sinh, thì có lẽ, các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đã “đi bước trước” khi đồng thanh tường thuật “biến cố Biến Hình” ở giữa hai lần “loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh”; và đây, chắc chắn là “dụng ý” của chính Chúa Giêsu, khi Ngài đang dẫn các môn sinh của Ngài trên đường tiến gần tới thời điểm “gay go” nhất: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31; 9,31).

Đây quả thật không là “biến cố đột xuất”, ngẫu hứng, nhưng là “chân lý tối cao”, vẹn tuyền, được ấn chứng của cả “năm vị đại diện của hai Giao ước”: Cựu ước: Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu; Tân ước: Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao; đây còn là điểm đến của cả một “chương trình Cứu độ” mà “lề luật và các tiên tri” (Môsê, Êlia) nhường chỗ cho triều đại của “ân sủng và sự thật” (Đức Kitô): “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17). Đây cũng là điều mà Hội Thánh trong những ngày nầy, qua giáo huấn của Thánh Phaolô, muốn nói với các anh chị em Dự tòng sắp lãnh nhận các “Bí Tích Vượt Qua”: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,3-4). Ngài cũng nói với chúng ta, những người Kitô hữu, những người đã được diễm phúc “đồng thừa kế với Đức Kitô”, thì “một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người… Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,17-18).

Mùa Chay đang trở về giữa lòng dân Chúa, một “Đoàn Dân” mà “y phục cầu chứng” là “tấm áo trắng tinh của Nhiệm tích Rửa Tội” và “gương mặt phản chiếu dung nhan Đấng Phục Sinh” chắc chắn không nhiều thì ít đã bị hoen ố và méo mó bới tội lỗi và bất trung. Vì thế, “sứ điệp Biến Hình” chưa bao giờ hết mang tính thời sự và là một tiếng gọi mời khẩn thiết: hãy lên cao, hãy biến hình.

Chúng ta thừa biết, cuộc sống đời thường luôn dư đầy cám dỗ để con người ở lại trong cái vũng lầy đơn điệu của những nhu cầu cơm áo gạo tiền, của những bận bịu công danh hưởng thụ, của những lo toan ăn no mặc ấm, của những lưu luyến dễ chịu ấm êm…, mà không đủ can đảm để bức phá lên cao biến đổi để tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn, thanh thoát hơn, quảng đại hơn…Đó là một loại “chim thiên nga” trên cao đã bị tự động thuần hóa giữa đám vịt nước ô hợp giữa đầm lầy cuộc sống đến độ không còn đủ khả năng cất cánh để bay cao trên khung trời lộng gió !

Người Ki-tô hữu hôm nay, với sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Mùa Chay, được gọi mời “lột xác, biến hình” để tìm lại cái đẹp đích thực của chính mình, cái đẹp của tâm hồn mang ảnh hình Thiên Chúa, cái đẹp của cuộc đời sống trọn hảo những giá trị của Phúc Âm, cái đẹp của “chiếc áo trắng tinh khôi ngày chịu Phép Rửa”; hay như giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay 2021, đó là một cuộc làm mới lại toàn bộ cuộc sống Tin, Cậy, Mến: “Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta”.

Cũng đừng quên, chính trong biến cố “lên cao và biến hình”, chúng ta sẽ nghe được chính mệnh lệnh của Chúa Cha: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”; và một khi để “lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin”, thì như Lời Tổng nguyện của Hội Thánh hôm nay, “cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện”.

Và như thế, “câu chuyện trên núi” mà sứ điệp Lời Chúa nhắn gởi hôm nay sẽ không bao giờ “trở thành cổ tích”; nhưng mãi mãi, từng ngày, phải được mỗi người Kitô hữu chúng ta viết lại, nhất là “viết lại cách cụ thể, sống động” trên độ đường Mùa Chay thánh nầy. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền