Chiều ngày mồng hai Tết, chúng tôi đến thánh đường Vinh Sơn 3, Sài Gòn để cùng dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Vì Covid, đường phố vắng tanh; nhà thờ chỉ hé mở một cánh cổng để hạn chế số người tham dự. Đi đến gần nhà thờ, chúng tôi mới thấy một số giáo dân trang phục đẹp thong thả bước chân đi qua “cổng hẹp” của nhà thờ. Chúng tôi tự hỏi là bản thân sẽ thưa gì với Chúa khi được hiện diện giữa một cộng đoàn…thưa thớt vì vắng nhiều người!

Trước hết, chúng tôi thấy tiếc vì không được tham dự thánh lễ giao thừa tại nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn (như dạng con cháu về nhà tổ quây quần), do Đức TGM Giuse chủ tế, vị chủ chăn được bổ nhiệm về Sài Gòn mà không hề “phảng phất” một chút chuyện “vùng miền”. Vì quí mến vị chủ chăn mà hơn một năm qua, chúng tôi thầm vui về điều này; lại còn trộm nghĩ, thời đại 4.0, việc phân bổ sứ vụ theo sự dẫn lối của Thánh Thần hoặc tài đức thì hay hơn là yếu tố “bắc, trung, nam”. Nói chung những người có tuổi như chúng tôi thì còn được bao nhiêu lần đón giao thừa nữa mà không làm điều mình ưa thích!?

Xem Hình

Chúng tôi còn thầm cảm tạ Chúa về món quà cuối năm. Còn mười ngày nữa thì mừng Tết ta, khi biết quỹ của Nhóm Bông Hồng Xanh đã vơi, một cha dòng bất ngờ đổ vào quỹ một khoản “vừa đủ dùng”; thế là vài ngày sau, chúng tôi tặng 400 chiếc ghế nhựa loại cao vừa cho môt nhà thờ vùng sâu tây nguyên, khi nhìn thấy cảnh giáo dân dự lễ mà ngồi chồm hổm, vẹo lưng ở cuối sân nhà thờ. Ông trùm xứ đạo hớn hở ra mặt, ông lăng xăng cùng những thanh niên mang ghế về, sắp xếp trong nhà thờ…Ông gửi cho chúng tôi hình ảnh giáo dân dự lễ giao thừa được ngồi ghế mới. Một niềm vui mà không tạ ơn thì …rất vô duyên!

Còn nữa, sáng ngày 29 Tết, đang trên võng đong đưa, giải trí bằng điện thoại, chúng tôi nhận được email của một người, trong cộng đoàn giáo xứ tại hải ngoại. Nội dung đơn giản thế này: “Cha xứ chúng em muốn nhờ chị chia quà Tết cho trẻ bụi đời ạ!”. Tôi trả lời: “Thưa vâng, sẵn sàng!”. Thế là ngay sau đó, tôi ra đầu ngõ, đưa phong bao lì xì cho hai thanh thiếu niên, tuổi còn nhỏ mà chẳng học hành gì, hằng ngày cứ đổ rác ở xóm ngõ trong phường. Và một thanh thiếu niên khác chuyên bán vé số đi ngang qua khu vực nhà Chầu Thánh Thể.

Thú thực, trẻ bụi đời ở Sài Gòn bây giờ khá hiếm vì người ta sinh con ít; vả lại nếu chúng còn nheo nhóc, ăn xin như thập niên 90 thì đều được mời vào các trường trại xã hội để thành phố được sạch đẹp theo chủ trương chung của nhà nước...vì thế chúng tôi quyết định mang quà tết cho những người cơ nhỡ.

Khoảng 18giờ00, chúng tôi đi cùng nhau trên chiếc xe gắn máy, mang theo phong bì màu hồng và gặp gỡ những người nghèo trên phố. Thời gian sau này, khi muốn trao quà cho ai, chúng tôi phải “xin phép” họ. Có những người đồng ý cho chúng tôi chụp hình, nhưng khá nhiều người nhận tiền nhưng từ chối cho ghi nhận hình ảnh khốn khổ của họ. Khi đi ngang khu vực bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Thống Nhất, chúng tôi thấy nhiều người ốm o, gầy mòn, trải tấm giấy bìa cứng ra đất, ngồi có ý xin tiền. Chúng tôi ghé vào, tay trao tay, có khi chỉ hỏi một hai câu. Có chị kia bị phỏng trước ngực, người mỏng manh như cành liễu, ngồi một mình, mắt nhìn lờ lững vào dòng người qua phố. Chúng tôi trao quà rồi đi vì càng hỏi chuyện, càng thêm buồn, chỉ biết mình đã trao đúng người.

Chúng tôi không muốn khoe khoang những việc mình làm nhưng cảm thấy vui vì được quí linh mục tín nhiệm, và muốn làm chứng về lòng nhân từ của Chúa khi ban cho bất cứ ai, nhất là giáo dân, muốn thể hiện đức ái với anh em đồng loại.

THÁNH LỄ ĐẦU NĂM

Thánh lễ đầu năm ở giáo xứ tôi, ai cũng nhận được Lộc Chúa. Tôi nhận được một câu Thánh Vịnh, có vẻ như nghe không quen: “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên chẻ thuẫn đỡ” (Tv 91;4). Trong lòng nhà thờ giáo dân ngồi cách thưa. Không có tràng pháo tay chúc mừng nhau. Chúng tôi thấy bầu khí lặng hẳn nhưng khoảng cách này không đáng sợ cho bằng khoảng cách giữa lòng người trong bầu khí sôi động.

Hoa mai vàng đủ rực rỡ, quang cảnh quanh nhà thờ đẹp, nhưng trên khuôn mặt, ai cũng che kín khẩu trang làm cho lòng chúng tôi bật lên lời nguyện tha thiết sau khi đã dâng cha mẹ, ông bà, tổ tiên cho Chúa Xuân, là “Xin Chúa thương xót chúng con, cho đại dịch Covid mau chấm dứt!”. Thánh lễ kết thúc, mọi ngươi lặng lẽ ra về, chẳng có ai lăng xăng chụp hình trên cung thánh như năm ngoái, dù cây mai khá đẹp.

Bước ra ngoài sân, chúng tôi vô tư chọn cảnh. Đang lăng xăng chụp hình, chúng tôi gặp cha Quốc Văn, dòng Đa Minh, là linh mục vừa chủ tế thánh lễ khi nãy. Cha vui vẻ: “Dạo này chị Loan có đi lấy tin không?” Tôi ngập ngừng: “Dạ có ạ! Con đang chụp hình để minh họa tin đây. Ồ cha đi xe đạp sao? Cái mũ của cha ấn tượng quá! Con chụp hình cha được không?”. Không trả lời, cha vui vẻ kéo khẩu trang xuống, cười tươi như hoa. Từ nhiều năm trở lại đây, quí cha trong các cộng đoàn dòng tu thường được mời đến các giáo xứ phụ giúp mục vụ, nhờ vậy, nhiều ý tưởng mới, bài giảng hay đi vào lòng giáo dân, len lỏi vào xóm ngõ quanh các thánh đường, có thể coi đó là một sự cân đối trong việc “bồi bổ” tâm linh chăng? Dù ý nghĩ này đúng hay sai, chúng tôi vẫn thích.

Mùa Xuân, người ta hay nhắc đến thời gian. Vì yêu thương nên khi ném sự sống (nói chung, sự sống của con người nói riêng) vào trái đất, Thiên Chúa đã mặc nhiên “dựng nên” thời gian. Thời gian chỉ có ý nghĩa đối với sự sống – một mầm cây mọc lên, thì thời gian của nó được tính từ giây phút đó và khi nó chết đi thì thời gian được xác định. Người ta đã xác định thời gian đối với một con người là tuổi thọ, là khoảng thời gian hiện diện trên trái đất. Thế nên con người rất mong manh, ngắn ngủi, nhỏ bé đối với Thượng Đế, vũ trụ. Thế nhưng chẳng hiểu sao người ta vẫn cứ tự tôn về những việc con người đạt được mà quên tạ ơn Đấng Tối Cao. Nếu con người chế được thuốc chữa ung thư, chấm dứt được dịch bệnh do Virus gây ra một cách nhanh chóng thì người ta tự hào biết bao! Không ai làm thời gian ngừng lại khi sự sống vẫn tiếp tục triển nở, vì thế chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ thời gian mà thời gian chỉ có ý nghĩa đối với sự sống.

Ai không biết tạ ơn Thiên Chúa về sự hiện diện của mình, về sự ràng buộc với thân bằng quyến thuộc, với tạo vật xung quanh hay những gì được thuộc về mình thì người ấy như đã ra khỏi quỹ đạo của thời gian và của tình yêu thương vậy.

Vài phút suy tư ngày Xuân dâng Chúa.