1. 90% người Nhật có ác cảm với Trung Quốc

Gần 90% người Nhật có quan điểm tiêu cực đối với Trung Quốc. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết như trên trích dẫn các nghiên cứu của The Genron NPO, là một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản và China International Publishing Group, một cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong các báo cáo được công bố hôm 17 tháng 11, cuộc thăm dò thường niên lần thứ 16 được tiến hành ở cả hai quốc gia, cho thấy, so với năm 2019, thái độ tiêu cực của người dân Nhật Bản đối với Bắc Kinh đã tăng 5%.

Sự gia tăng này không hẳn là do cách thức Trung Quốc giải quyết đại dịch coronavirus. Khoảng 57.4% số người được hỏi nói rằng họ lo lắng về các hành động xâm lấn hải phận và không phận của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku. Người dân Nhật Bản đang cư trú trên hòn đảo trong vùng Biển Hoa Đông này nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo ấy.

Khoảng 64.2% người Nhật Bản được hỏi cho biết họ tin rằng quan hệ Nhật-Trung là quan trọng hoặc tương đối quan trọng, giảm 8.5 phần trăm so với năm ngoái, và là lần đầu tiên giảm xuống dưới 70% kể từ khi cuộc thăm dò bắt đầu vào năm 2005.

Người Trung Quốc có quan điểm tốt hơn về Nhật Bản. Chỉ 52.9% số người Trung Quốc bày tỏ một thái độ thù địch với Nhật Bản, giống như năm ngoái, trong khi 74.7% tin rằng quan hệ giữa hai quốc gia là quan trọng, tăng 7.7% so với năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, sự gia tăng này là kết quả của sự gia tăng xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Khoảng 84.1% người Trung Quốc coi Hoa Kỳ là mối đe dọa quân sự đối với đất nước của họ, tức là hơn 10% so với một năm trước.

Tokyo là đồng mình chính của Washington trong khu vực. Chính phủ Nhật Bản hôm 17 tháng 11 đã ký một thỏa thuận quân sự với Úc Đại Lợi để đẩy mạnh mặt trận chống Bắc Kinh.

Nhật Bản và Úc là hai thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, gọi tắt là RCEP do Trung Quốc thống trị. Đến nay, RCEP được kể là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Theo các nhà phân tích, thỏa thuận quân sự Nhật - Úc cho thấy những lợi ích kinh tế Trung Quốc đem ra nhử các quốc gia thành viên RCEP không làm vơi đi các lo sợ của hai quốc gia này đối với Bắc Kinh.


Source:Asia News

2. Vatican yêu cầu Instagram điều tra cái ‘like’ tai hại ký tên Đức Thánh Cha Phanxicô

Trên Instagram có một bức ảnh của người mẫu Natalia Garibotto. Cô cũng là người thường live stream các videos và hình ảnh để quảng cáo cho chính mình. Trong một bức ảnh, Garibotto đang mặc một bộ đồ lót, và phần dưới gần như không mảnh vải che thân của cô ấy có thể nhìn thấy trong ảnh.

Điều tai hại là trong những cái “likes”, có một cái ký tên Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết Vatican khẳng định rằng không ai trong Tòa thánh “like” bức ảnh khêu gợi này bằng account Instagram của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và đã yêu cầu Instagram mở một cuộc điều tra về cách thức hoặc lý do tại sao một cái “like” như thế đã xảy ra.

“Chúng tôi có thể loại trừ khả năng cái ‘like’ này đến từ Tòa thánh, và đã yêu cầu Instagram giải thích”, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói với CNA ngày 18 tháng 11.

Vào ngày 13 tháng 11, các phương tiện truyền thông đã tường thuật rộng rãi và nhiều người ngỡ ngàng thấy rằng account Franciscus, là account chính thức, đã được xác minh là của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã “like” bức ảnh tai hại này của người mẫu Natalia Garibotto.

Cái “like” trên bức ảnh từ account của Đức Thánh Cha đã không còn xuất hiện vào ngày 14 tháng 11, ngay sau khi CNA yêu cầu Văn phòng Báo chí của Tòa thánh bình luận.

Đức Thánh Cha Phanxicô không tự mình điều hành các account trên các mạng xã hội của riêng ngài, nhưng do một nhóm các nhân viên Tòa Thánh giám sát.

Đức Thánh Cha Phanxicô không theo dõi bất kỳ ai trên tài khoản Instagram của mình, và có 7.3 triệu người theo dõi account của ngài. Người mẫu Garibotto có 2.3 triệu người theo dõi.

COY Co. là công ty tiếp thị của người mẫu Garibotto đã tận dụng cái “like” từ account của Đức Giáo Hoàng và công bố vào hôm thứ Sáu 20 tháng 11 rằng họ đã “nhận được PHÉP LÀNH CHÍNH THỨC CỦA Đức Giáo Hoàng”.

Trên tài khoản cá nhân của mình, Garibotto đã đăng lại bức ảnh với trang phục giống hệt trong bức ảnh kèm theo cái “like” từ account của Đức Giáo Hoàng và hướng dẫn mọi người ghi danh theo dõi trang web của cô ta.

“Vào chính ngày này, tôi đã được chúc lành, bạn cũng có thể được như vậy”, cô ta viết, cùng với địa chỉ trang web của mình. Những người ghi danh vào trang web của cô ấy được hứa hẹn sẽ nhận được các “nội dung gợi cảm, được theo dõi lại trên mạng xã hội, và có khả năng trò chuyện trực tiếp với tôi, cũng như quà tặng giải thưởng tiền mặt hàng tháng, máy chụp hình Polaroids có chữ ký và hơn thế nữa!”


Source:Catholic News Agency

3. Tòa Thánh tìm được một bản văn chống lại chủ nghĩa bài Do Thái có từ năm 1916

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tái khẳng định giáo huấn của Công Giáo, theo đó bài Do thái là trái ngược với tinh thần Kitô. Kitô hữu nào bài Do thái là chối bỏ một phần quan trọng trong căn cội của họ.

Đức Hồng Y Parolin bày tỏ lập trường trên đây, trong một hội nghị trực tuyến do Đại Sứ quán Mỹ cạnh Tòa Thánh tổ chức, vào chiều ngày 19 tháng 11, tại Roma. Hội nghị có tên “Never Again: Confronting the Global Rise of Anti-Semitism”, nghĩa là “Không bao giờ lặp lại: Đối đầu với sự trỗi dậy toàn cầu của chủ nghĩa bài Do Thái.”

Trong dịp này, Đức Hồng Y cho biết:

“Trong bối cảnh hội nghị này, điều đặc biệt thú vị là xem xét những gì chỉ mới được tìm thấy gần đây trong Kho Lưu trữ Lịch sử của Bộ phận Quan hệ với các Quốc gia của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một ví dụ nhỏ đặc biệt đáng nhớ đối với Giáo Hội Công Giáo

Vào ngày 9 tháng 2 năm 1916, người tiền nhiệm của tôi, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Gasparri, đã viết một lá thư cho Ủy ban Người Do Thái Hoa Kỳ ở New York, trong đó ngài tuyên bố rằng: ‘Đức Thánh Cha, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, vốn trung tín với đạo lý thiêng liêng và những truyền thống huy hoàng nhất của mình – trong đó coi mọi người như anh em và dạy phải yêu thương nhau, sẽ không ngừng khắc sâu sự tuân thủ giữa các cá nhân, cũng như giữa các quốc gia, các nguyên tắc về quyền tự nhiên, và phản bác bất kỳ vi phạm nào. Quyền này cần được tuân thủ và tôn trọng trong mối quan hệ với con cái Israel cũng như đối với tất cả mọi người, vì sẽ không phù hợp với công lý và bản thân tôn giáo, nếu những quyền ấy không được tôn trọng chỉ vì có sự khác biệt về đức tin tôn giáo”.

Bức thư được viết để đáp lại yêu cầu của Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 12 năm 1915, yêu cầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 15 đưa ra một tuyên bố chính thức “khi đứng trước sự kinh hoàng, sự tàn ác và khó khăn đã và đang ập đến với người Do Thái ở các quốc gia hiếu chiến kể từ khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất.”

Đức Hồng Y Parolin nhắc nhớ rằng Ủy ban người Do Thái Hoa Kỳ hoan nghênh câu trả lời này, viết trên tờ American Hebrew and Do Thái Messenger rằng bức thư “hầu như là một thông điệp” và “trong số tất cả những điều các vị Giáo Hoàng từng ban hành về người Do Thái trong suốt lịch sử của Vatican, không có tuyên bố nào là tương đương nếu xét về tính chất trực tiếp, không thể nhầm lẫn về sự bình đẳng cho người Do Thái và chống lại thành kiến dựa trên cơ sở tôn giáo. Thật vui mừng khi một tiếng nói mạnh mẽ, có ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là ở những khu vực mà thảm kịch Do Thái đang diễn ra, đã được cất lên, kêu gọi bình đẳng và yêu thương. Bức thư này nhất định có tác dụng sâu rộng và thuận lợi.”

Đức Hồng Y nói thêm Người Do thái là anh chị em mà chúng ta hãnh diện, và mong muốn cho tình huynh đệ này được tăng trưởng. Nhưng chúng ta không thể chỉ hài lòng với việc lên án trào lưu bài Do thái mà thôi. Trái lại, cần phải nghiên cứu căn cội cũng như những nguyên nhân tạo nên việc bài Do thái. Điều này cũng phải được áp dụng cho những thái độ thù nghịch đối với Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo, và tín đồ các tôn giáo khác tại nhiều nơi.

Đối với Tòa Thánh, đối thoại liên tôn là một phương thế quan trọng để bài trừ trào lưu bài Do thái. Mỗi tôn giáo đều có thể và phải góp phần vào tình huynh đệ nhân loại, bằng cách nhìn nhận mỗi người là con cái Thiên Chúa.


Source:Catholic News Agency