Trong một cuốn sách mới nhất sẽ ra mắt vào ngày 1 tháng 12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến sự đau khổ của những người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) ở Tân Cương là những người bị “đàn áp”.

Đây là một động thái mà các nhà hoạt động nhân quyền trên Thế giới đã kêu gọi ĐGH lên tiếng trong nhiều năm qua.

Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo, nhiều nhóm hoạt động và nhiều chính phủ, bao gồm Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, đã cáo buộc Trung quốc vào tội ác diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương heỏ lánh xa xôi.

Theo các tổ chức nhân quyền quốc tế thì có hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tù ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Trong cuốn sách có tựa đề ‘Let Us Dream: The Path to a Better Future’ (Hãy cùng mơ ước: Con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn), Đức Giáo Hoàng viết trong phần dành riêng cho các sự đàn áp liên hệ tới các vùng Hồi giáo rằng: “Tôi luôn nghĩ về những dân tộc bị đàn áp: người Rohingya, người Uyghurs (Duy Ngô Nhĩ) đáng thương và người Yazidi”.

Trước đây Vatican đã dè dặt không lên tiếng về trường hợp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong lúc bàn thảo một thoả thuận bí mật về việc bổ nhiệm giám mục với Bắc Kinh vào năm 2018. Hồi đó, Đức Giáo Hoàng đã thường lên tiếng về việc người Rohingya phải chạy trốn khỏi Myanmar và việc các chiến binh Hồi giáo giết người Yazidis ở Iraq.

Đây là lần đầu tiên Tòa thánh đề cập đến người Duy Ngô Nhĩ là những người bị đàn áp.

Tại các trại cải tạo, người Duy Ngô Nhĩ bị buộc phải họp tập chính trị, bị tra tấn và từ chối thực phẩm và thuốc men. Họ cũng bị cấm thực hành tôn giáo và nói chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.

Sau khi phủ nhận sự tồn tại của các trại tù trong nhiều năm, Bắc Kinh đã xác định chúng là các trung tâm giáo dục hướng nghiệp để chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Cuốn sách 150 trang của Đức Thánh Cha, ra mắt vào tháng 12, được viết với sự hợp tác cuả nhà văn người Anh đang viết tiểu sử cuả Ngài là ông Austen Ivereigh.

Trong sách, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng kêu gọi các chính phủ nên thiết lập một mức thu nhập cơ bản phổ quát, theo đó mỗi người dân được cấp một khoản tiền cố định mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào.

Ngài lưu ý rằng sau khi đại dịch coronavirus được kiềm chế thì cần phải có những thay đổi về kinh tế, xã hội và chính trị để giải quyết tình trạng bất bình đẳng đang xảy ra.

“Nhận ra giá trị những việc làm cuả những người tuy không có lợi tức nhưng là có đóng góp cho xã hội, là một phần quan trọng trong quá trình suy nghĩ của chúng ta trong thế giới hậu Covid. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng đã đến lúc khám phá ra các khái niệm như thu nhập cơ bản phổ quát, ” Ngài viết.

“Cung cấp một thứ thu nhập cơ bản phổ quát, là chúng ta giải phóng cho mọi người được đóng góp cho cộng đồng với một tư cách có nhân phẩm.”

Chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô về những bình luận về những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu lập Kiến (Zhao Lijian) nói rằng nhận xét của Đức Phanxicô "không có cơ sở thực tế nào cả".

"Người dân thuộc mọi dân tộc đều được hưởng đầy đủ các quyền sinh tồn, phát triển và tự do tín ngưỡng tôn giáo", ông Triệu lập Kiến nói tại một cuộc họp báo ngoại giao thường nhật.

Mặc dù có một lời phản đối mau chóng như vậy, người ta đã ngạc nhiên về mức độ nhẹ nhàng cuả lời phát biểu cuà Trung quốc. Thông thường họ sẽ phản đối ầm ĩ và tố cáo những chỉ trích như là những vi phạm vào việc nội trị cuả Trung quốc hay nặng hơn là phá hoại việc trị an.

Tình trạng giao hảo giữa Vatican-Trung quốc sẽ trở nên như thế nào? Chúng ta cần chờ xem.