1. Chuyện không tin cũng xảy ra: Một Giám Mục bị cướp khi đang cử hành thánh lễ

Đức Cha Francis Alleyne, 68 tuổi, Giám Mục Georgetown, nước Guyana đã bị cướp ngay khi ngài đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Brickdam. Thánh lễ được trực tiếp truyền hình nên người dân có thể thấy cảnh ngài bị tên cướp đấm vào đầu trước khi bị hắn trấn lột.

Giáo phận Georgetown được Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 thành lập như một miền Giám Quản Tông Tòa vào ngày 12 tháng Tư, 1837. Ngày 29 tháng Hai, 1956, Đức Thánh Cha Piô thứ 12 nâng lên hàng giáo phận.

Với diện tích 215,000 km vuông, giáo phận có 64,100 người Công Giáo trong tổng dân số 814,000 người, tức là chỉ có 7.9%. Toàn bộ giáo phận chỉ có 24 giáo xứ được coi sóc bởi 2 linh mục triều, và khoảng 36 linh mục thuộc các dòng tu chi viện.

Đức Cha Francis Alleyne được thụ phong linh mục vào ngày 7 tháng 7 năm 1985 và được tấn phong Giám Mục ngày 30 tháng Giêng, 2004.

Ngài nói với cảnh sát rằng kẻ tấn công ngài có lẽ đang chịu ảnh hưởng của một điều gì đó và không hoàn toàn kiểm soát được hành động của hắn ta vào thời điểm đó.

“Tôi không đánh giá anh ta là một người cố ý tấn công.”

Hung thủ đến nay vẫn chưa bị bắt và Đức Cha có vẻ cũng không muốn hắn bị bắt. Ngài nói thêm là cú đánh mạnh vào đầu ngài của tên hung thủ cũng không đau lắm nên ngài không muốn truy cứu chuyện này.


Source:Stabroek News

2. Trung Quốc nói quê hương Á Căn Đình của Đức Giáo Hoàng xuất cảng coronavirus sang Tầu

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết bọn cầm quyền Trung Quốc đã đình chỉ việc nhập khẩu từ một nhà sản xuất thịt Á Căn Đình sau khi phát hiện dấu vết của coronavirus trên bao bì bên ngoài của một lô hàng thịt bò từ quê hương của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông ở Á Căn Đình cho rằng đây chỉ là thủ đoạn của người Tầu nhằm ép giá thịt bò của Á Căn Đình.

Theo báo cáo của Asia-News, phát hiện này không hề được Tổng cục Hải quan Trung Quốc báo cáo tại điểm nhập cảnh ở Thượng Hải, nhưng mãi sau đó mới được báo cáo tại một kho đông lạnh ở Nam Kinh. Thử nghiệm axit nucleic, nhằm xác định vật liệu nhiễm coronavirus, đã không được thực hiện khi hàng hóa cập cảng Trung Quốc vào cuối tháng 10 vừa qua.

Trong một tuyên bố, Senasa, cơ quan an toàn thực phẩm của chính phủ Á Căn Đình, cho biết đây “là lần đầu tiên một trường hợp như thế này được báo cáo liên quan đến một sản phẩm của Á Căn Đình kể từ đầu đại dịch”. Senasa quyết liệt khẳng định rằng thịt bò của Á Căn Đình luôn ở trong tình trạng hoàn hảo và đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn vệ sinh.

Hôm thứ Sáu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đình chỉ việc nhập khẩu từ nhà sản xuất thịt bò Frigorifico Gorina của Á Căn Đình trong bốn tuần.

Đây vẫn chưa phải là vấn đề lớn, nhưng chuyện này đã làm gia tăng mức độ căng thẳng trong ngành thịt của Á Căn Đình mà khách hàng chính là Trung Quốc.

Á Căn Đình có 90 nhà sản xuất thịt được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm nay, Á Căn Đình đã xuất khẩu 320,892 tấn thịt bò sang Trung Quốc, nhiều hơn gần 15% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này chiếm 73% tổng doanh số bán thịt bò của Á Căn Đình.

Đối với Senasa, thật khó để xác định nguồn gốc của coronavirus trên bao bì bên ngoài của lô hàng vì sau khi nhập cảng Thượng Hải, nó đã được xử lý và chuyển vào các kho lạnh của Trung Quốc.

Một số người giải thích biện pháp này là do Trung Quốc muốn gây áp lực lên giá thịt thế giới. Hiện tại, một tấn thịt bò có giá 4,500 Mỹ Kim.


Source:Asia News

3. Trung tâm Nghiên cứu Pew nói các hạn chế của các nhà cầm quyền đối với tôn giáo đang ở mức cao nhất

Trong báo cáo mới nhất của mình, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết các hạn chế của các nhà cầm quyền đối với các tôn giáo đang ở mức cao nhất kể từ khi trung tâm bắt đầu theo dõi tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới vào năm 2007. Theo báo cáo mới của Pew, 56 quốc gia đã đạt mức hạn chế tôn giáo “cao” hoặc “rất cao” từ năm 2018.

“Trong năm 2018, mức trung bình toàn cầu về các hạn chế của các chính phủ đối với các tôn giáo – bao gồm luật lệ, chính sách và các hành động của các quan chức ảnh hưởng đến niềm tin và thực hành tôn giáo - tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi Trung tâm nghiên cứu Pew bắt đầu theo dõi các xu hướng này vào năm 2007,” báo cáo của Pew ngày 10 tháng 11 cho biết như trên. Năm 2017, Pew ghi nhận một mức gia tăng “tương đối khiêm tốn”, nhưng các năm sau đó những hạn chế đã tiếp tục “gia tăng đáng kể”.

Theo phân tích của Pew, khu vực Trung Đông và Bắc Phi là khu vực đáng quan ngại nhất. Mười tám quốc gia, chiếm 90% khu vực, có những hạn chế rất gắt gao hết năm này sang năm khác đối với các tôn giáo không phải là Hồi Giáo.

Tuy nhiên, Á châu và Thái Bình Dương được kể là khu vực trong đó các hạn chế của các chính phủ đối với các tôn giáo không ngừng gia tăng. Ví dụ, vào năm 2018, 31 quốc gia trong khu vực Á châu - Thái Bình Dương đã chứng kiến việc chính phủ sử dụng vũ lực đối với các tôn giáo, nghĩa là tăng so với con số 26 quốc gia vào năm 2017.

Trung Quốc xếp hạng kém nhất trong chỉ số của Pew về các hạn chế của chính phủ đối với các tôn giáo. Các hạn chế của bọn cầm quyền Bắc Kinh bao gồm việc nghiêm cấm các nhóm tôn giáo như Pháp Luân Công và một số nhóm Kitô Giáo. Bọn cầm quyền cũng ngăn chặn một số thực hành tôn giáo, đột kích nơi thờ phượng, giam giữ và tra tấn người dân. Nó đã tiếp tục một chiến dịch giam giữ quy mô lớn những người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, với ít nhất 800,000 người bị giam giữ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các cơ sở giam giữ được thiết kế để xóa bản sắc tôn giáo và sắc tộc. Bên cạnh đó, bọn cầm quyền Trung Quốc còn chế ra một thứ tôn giáo mới trong đó dân chúng phải thờ phượng Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình như những đấng cứu tinh hay các vị thánh sống.

Các vấn đề vẫn tiếp tục ở Trung Đông và Bắc Phi. Trong số các quốc gia đông dân nhất, các hạn chế tôn giáo cao nhất được tìm thấy ở Ấn Độ, Ai Cập, Indonesia, Pakistan và Nga.


Source:Catholic News Agency

4. Đức Hồng Y Vela Chiriboga, Tổng giám mục hiệu tòa của Quito, qua đời ở tuổi 86

Đức Hồng Y Raúl Eduardo Vela Chiriboga, người từng là Tổng giám mục của Quito từ năm 2003 đến năm 2010, qua đời hôm Chúa Nhật sau khi trải qua vài tuần trong một trung tâm chăm sóc giảm đau.

Đức Hồng Y Vela, 86 tuổi, chết vì nguyên nhân tự nhiên tại Viện Dưỡng Lão Thánh Camilô ở Quito ngày 15 tháng 11, tổng giáo phận đã cho biết như trên hôm 16 tháng 11.

Tổng giáo phận cho biết thêm là Đức Hồng Y đã được chăm sóc giảm đau tại Viện Dưỡng Lão “trong vài tuần qua do các biến chứng sức khỏe khác nhau”.

Cha Alberto Redaelli, giám đốc Viện Dưỡng Lão Thánh Camilô, nói với tổng giáo phận rằng vị Hồng Y qua đời “cùng với gia đình và bạn bè thân thiết nhất của ngài” và “những giây phút trước khi ngài qua đời, họ đã đọc Kinh Chiều”.

Thánh lễ an táng đã diễn ra vào ngày 17 tháng 11 lúc 10:00 sáng tại nhà thờ chính tòa Quito.

Hội Đồng Giám Mục Ecuador cho biết các ngài “thương tiếc sự mất mát của Đức Hồng Y, nhưng chúng tôi được an ủi khi biết rằng với tư cách là một tôi tớ trung tín, ngài sẽ được Thiên Chúa đón nhận vào vinh quang. Chúng tôi cảm ơn Chúa vì sự cống hiến quảng đại của ngài cho Giáo hội và nhân dân Ecuador, và xin tất cả các tín hữu hãy cầu nguyện cho ngài được yên giấc ngàn thu.”

Đức Hồng Y Vela sinh ngày 1 tháng 1 năm 1934. Ngài học triết học và thần học tại Đại Chủng viện San José ở Quito và được thụ phong linh mục của Giáo phận Riobamba ngày 28 tháng 7 năm 1957.

Năm 1969, ngài được bổ nhiệm làm thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ecuador.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Guayaquil ngày 20 tháng 4 năm 1972 và làm thư ký của Hội Đồng Giám Mục từ năm 1972 đến năm 1975.

Vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Azogues, nơi ngài phục vụ cho đến năm 1989 khi được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận quân đội Ecuador. Ngài phục vụ trong cương vị đó cho đến năm 2003, khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục của Quito.

Ngài giữ chức Tổng giám mục của Quito cho đến ngày 11 tháng 9 năm 2010, khi ngài đến tuổi 76 tuổi. Ngài được nâng lên hàng Hồng Y vào tháng 11 năm đó.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định ngài làm đặc sứ tại Đại hội Thánh Thể và Đức Mẹ toàn quốc lần thứ 10 của Peru được tổ chức tại Piura vào năm 2015, đồng thời phong ngài làm đặc sứ của Đức Thánh Cha trong lễ kỷ niệm 400 năm ngày mất của Thánh Rosa thành Lima, được tổ chức vào năm 2017 tại Peru.

Vào năm 2015, ngay trước Thượng hội đồng về Gia đình, Đức Hồng Y Vela đã nói với CNA rằng “ Giáo hội là kho lưu trữ của đức tin, và đức tin là lời dạy của Chúa Giêsu: chúng ta không thể đi ngược lại giới răn của Ngài”. Ngài phản đối những đòi hỏi phá bỏ các truyền thống của Giáo Hội.


Source:Catholic News Agency