1. Ông Joe Biden thề sẽ cải cách Tối Cao Pháp Viện nếu ông được đắc cử tổng thống

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nói rằng ông sẽ thực hiện một đường lối từ từ nhằm cải cách Tòa Án Tối Cao, bất chấp những thành phần cực đoan thúc giục ông phải đưa thêm hàng loạt Thẩm Phán vào Tòa án Tối cao nếu ông thắng cuộc bầu cử vào tháng 11.

Những lời bình luận được đưa ra sau khi Amy Coney Barrett chính thức tuyên thệ nhậm chức thẩm phán Tòa án Tối cao vào tối thứ Hai, theo giờ địa phương.

Người phụ nữ 48 tuổi này đã được Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận với tỷ số 52 trên 48. Susan Collins là Thượng nghị sĩ duy nhất của Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống lại việc đề cử cô vào Tòa Án Tối Cao.

Các đảng viên đảng Dân chủ đã vô cùng âu lo trước quyết định của Tổng thống Trump lấp đầy chỗ trống sau khi Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg, được coi là một biểu tượng cấp tiến qua đời. Họ đã cáo buộc đảng Cộng hòa là đạo đức giả. Trong một bối cảnh tương tự diễn ra vào năm 2016, lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đã từ chối tổ chức một cuộc bỏ phiếu xác nhận ứng cử viên Merrick Garland do Barack Obama đề cử vào Tối Cao Pháp Viện với lý do gần đến cuộc bầu cử.

Sau khi Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18 tháng 9 vừa qua, 8 ngày sau, hôm 26 tháng 9, Tổng thống Trump đã nhanh chóng đề cử Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện. Các Thượng nghị sĩ Mitch McConnell và Lindsay Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp, đã chạy đua với thời gian để hoàn tất việc xác nhận tại Thượng Viện Hoa Kỳ trong vòng một tháng.

Ông Biden nói với các phóng viên ở Pennsylvania rằng ông “không phải là người thích bổ sung thêm các Thẩm Phán vào Tòa Án Tối Cao” nhưng ông sẽ thành lập một ủy ban lưỡng đảng để cải cách tòa án nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng tới.


Source:Sky News Australia

2. Linh mục trẻ bị bắn chết ở Venezuela, trong một vụ cướp trắng trợn giữa ban ngày

Cha José Manuel De Jesús Ferreira đã bị giết chết khi can thiệp cho một giáo dân bị bọn cướp bắt giữ.

Vị linh mục mới 39 tuổi ở thành phố San Carlos, Venezuela, đã bị sát hại vào tối thứ Ba, ngay sau khi ngài cử hành thánh lễ riêng cho một số giáo dân.

Cha là một thành viên trong Tu đoàn các Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và là linh mục chánh xứ của Đền thờ Thánh Thể Thánh Gioan thuộc Giáo phận San Carlos ở Bang Cojedes.

Trang web Dehonians, cho biết vị linh mục trẻ đang nói chuyện và chào tạm biệt với anh chị em giáo dân ở cửa nhà thờ thì có một số người đàn ông vũ trang đi qua và khống chế anh chị em giáo dân để cướp.

Giáo phận San Carlos nói rằng một kẻ tấn công đang bắt giữ một giáo dân, và khi vị linh mục can thiệp để giúp người đó, ngài đã bị bắn vào ngực.

Trong một tuyên bố, Đức Cha Polito Rodríguez Giám Mục San Carlos, nói, “Đức tin trong những thời điểm này nâng đỡ chúng ta. Đúng là nỗi buồn và sự đau đớn lấn át chúng ta, nhưng trên hết chúng ta hãy tin cậy nơi Chúa, vì từ Ngài, chúng ta đến và hướng về Ngài mà chúng ta đi”.

Cha Ferreira thường xuyên cử hành Bí tích Thánh Thể trên đài phát thanh FM 89.7 và các đài địa phương khác. Ngài thường kết thúc thánh lễ với lời nhắn nhủ rằng “Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta tham gia vào tình yêu thương đối với những người nghèo khổ và đừng thờ ơ.”

Vị linh mục quá cố sinh tại Caracas vào ngày 25 tháng 11 năm 1980, trong một gia đình nhập cư từ Bồ Đào Nha. Ngài là con thứ ba trong gia đình có bốn anh chị em. Do tình hình bất ổn ở Venezuela, mẹ ngài phải trở về Madeira, bên Bồ Đào Nha.

Vị linh mục quá cố được nhiều người biết đến với hương thơm thánh thiện, lòng bác ái mục tử và tình yêu đối với người nghèo.


Source:Dehonians

3. Chiến thắng phò sinh của Tổng thống Trump trên trường quốc tế: 31 quốc gia tham gia với Hoa Kỳ chống coi phá thai là nhân quyền

Các chính phủ Brazil, Ai Cập, Hung Gia Lợi, Nam Dương, Uganda và Hoa Kỳ đã cùng bảo trợ một cuộc họp ảo ngày 22 tháng 10 năm 2020 tại Washington, DC để ký kết theo nghi thức đa quốc gia Tuyên bố Đồng thuận Geneva, được gọi như vậy vì cuộc họp này ban đầu được dự định diễn ra ở Geneva trước cuộc họp trực tiếp của Đại hội đồng Y tế Thế giới, nhưng đã bị hoãn lại vì COVID-19.

Tuyên bố này tiếp tục củng cố một liên minh các quốc gia do Hoa Kỳ lãmh đạo nhằm đạt được 4 mục tiêu trụ cột sau: sức khỏe tốt hơn cho phụ nữ, bảo vệ cuộc sống con người, củng cố gia đình như đơn vị nền tảng của xã hội, và bảo vệ chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên trong nền chính trị toàn cầu. Ví dụ, quyền của mỗi quốc gia đưa ra các luật riêng của họ liên quan đến sinh sản, mà chịu áp lực từ bên ngoài.

Chúng tôi tin rằng việc tìm kiếm các giải pháp thực sự cho các mối quan tâm về sức khỏe nên là một ưu tiên hợp nhất các Quốc gia Thành viên. Tuyên bố này cho thấy một chặng đường tích cực để thúc đẩy tiến độ đạt được những mục tiêu này.

Lễ ký kết theo nghi thức quốc tế ảo của Tuyên bố đồng thuận Geneva, do Bộ trưởng Y tế Alex Azar và Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đồng chủ trì và được sự tham gia của các chính phủ Ba Tây, Ai Cập, Hung Gia Lợi, Nam Dương, và Uganda đã được tổ chức vào ngày 22 tháng 10 lúc 11 giờ sáng theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ. Tuyên bố Đồng thuận Geneva củng cố quyết tâm hình thành nhóm 32 quốc gia do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại các trào lưu coi phá thai là một nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc và ép buộc các quốc gia thành viên phải cho phép phá thai.


Source:HHS

4. Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc phê bình toan tính giải thích lại nhân quyền.

Bản tin chúng tôi vừa loan là một chiến thắng phò sinh quan trọng của Tổng thống Trump trên trường quốc tế. Ngay cả những người có thể bất đồng với Tổng thống Trump về một vài chính sách nào đó cũng nên đánh giá cao tổng thống vì chiến thắng quan trọng này.

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, ở New York, Hoa Kỳ, là Ðức Tổng giám mục Gabrielle Caccia, đã mạnh mẽ phê bình sự giải thích lại các quyền con người để mưu lợi cho những người quyền thế và gây hại cho những người yếu thế. Nhưng ngoài chuyện mạnh mẽ phản đối chúng ta chẳng làm được gì cụ thể.

Ngay cả ông António Guterres, là người Công Giáo, đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nhưng cũng chẳng làm được gì cụ thể để ngăn chặn trào lưu này.

Trong bài tham luận, hôm 6 tháng 10 năm 2020, tại khóa họp thứ III thuộc Ðại hội đồng thứ 75 của Liên Hiệp Quốc, Ðức Tổng giám mục Caccia nói rằng: “Tòa Thánh rất quan tâm vì càng ngày người ta càng tạo sức ép đòi giải thích lại chính các nền tảng của các quyền con người, và như thế làm thương tổn sự thống nhất nội tại của các quyền con người và xa lìa sự bảo vệ phẩm giá con người, và nhắm thỏa mãn những lợi lộc chính trị và kinh tế. Lối tiếp cận như thế, tạo nên một phẩm trật trong các quyền con người, bằng cách tương đối hóa phẩm giá con người và dành nhiều giá trị hơn cho các quyền được thêm vào cho những người giàu mạnh, trong khi đó lại gạt bỏ những người yếu thế”.

Vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đặc biệt phê bình chủ trương cổ võ phá thai và làm cho chết êm dịu, coi chúng là “nhân quyền”. Ðức Tổng giám mục Caccia nói: “Sự không hiểu bản chất và thực tại các quyền con người dẫn tới những chênh lệch và bất công trầm trọng. Ví dụ, cố tình không biết đến các thai nhi ở trong lòng mẹ hoặc đối xử với sinh mạng của người già và những người khuyết tật như những gánh nặng không thể chịu nổi đối với xã hội”.

Ðức Tổng giám mục Caccia trưng dẫn Thư “Người Samaritano nhân lành”, mà Bộ giáo lý đức tin công bố ngày 22 tháng 9 năm 2020, khẳng định rằng: “Cũng như không có quyền phá thai, thì cũng không có quyền làm cho chết êm dịu: có luật pháp qui định rằng không được giết chết, nhưng phải bảo vệ sự sống và tạo điều kiện dễ dàng cho sự sống chung giữa con người với nhau”.

Ðức Tổng giám mục Caccia nói thêm rằng chính đặc tính thánh thiêng của sự sống con người đã thúc đẩy Tòa Thánh chống lại án tử hình.


Source:Catholic News Agency