Lm. Trần Cao Tường

Nước Non Ngàn Ngàn Dặm Ra Đi

VIỄN KIẾN MỞ MANG BỜ CÕI MỚI


Nước non ngàn dặm ra đi,

Dù đường thiên lý xa vời

Dù tình cố lý chơi vơi

Cũng không dài bằng tình yêu mến người.

Bước đi vào lòng muôn dân....

(trích Con Đường Cái Quan của Phạm Duy)


Phim Băng May Phúc (The Joy Luck Club của Amy Tan) kể lại cuộc sống gian khổ của bốn bà mẹ người Tầu bỏ nước ra đi sang Mỹ, với những ước mơ và những xung đột với bốn đứa con gái lớn lên trong xã hội mới.

CHIẾC LÔNG THIÊN NGA

Khi ra đi, bà mẹ ôm theo một con thiên nga, mong ước rằng con gái mình sẽ có cơ may ở xã hội mới để vươn lên, để bay lên được như con thiên nga này. Nhưng tới phi trường San Francisco thì người ta giữ con vật lại không cho mang vào Mỹ. Người mẹ phải lén nhổ được một chiếc lông thiên nga và giữ kỹ. Như một ấp ủ, như một ước mơ. Thầm nhủ rằng khi con mình lớn lên, mình sẽ trao cho nó chiếc lông thiên nga này. Mình sẽ kể cho nó nghe những truân chuyên khổ nạn của một kiếp người “thấp cổ bé miệng,” rằng con phải cố lợi dụng được cơ may mà ngóc đầu lên con nhé. Cha mẹ đã cúi mình chịu nhục nhằn đủ rồi.

Nhưng rồi những đứa con sang Mỹ và lớn lên, thay vì nuốt tủi hận hộ cho cha mẹ, chúng chỉ biết hồ hởi nuốt co-ca. Và những xung đột hằng ngày trong gia đình chẳng sao tránh khỏi. Rồi cũng chẳng có dịp nào để người mẹ có thể trao chiếc lông thiên nga cho đứa con gái. Vì có độ rung nào đâu. Những phút giây chớp mắt cảm động hình như chỉ là chuyện tiểu thuyết. Thực tế, mỗi đứa một hăm hở mới, đuổi bắt những đam mê mới, phải rướn theo những sức ép mới của đà quay xã hội như những sợi xích sắt trong một bộ máy lớn không có cách nào thoát ra được.

Bà mẹ giữ riêng niềm ước mơ, thành niềm đau xót. Rồi một ngày bà ngã bệnh tắt thở. Ðứa con lớn lên, thấm mệt cuộc đời mới, với những khúc mắc mới, xung khắc tâm lý Âu Mỹ và Á Ðông. Ðứa lấy Mỹ, đứa lấy Tàu. Ðứa nào cũng bằng ấy vấn đề, khác nhau ở từng trường hợp, nhưng giống nhau ở những nét chung. Thì ra Tây vẫn là Tây, Ta vẫn là Ta. Vẫn những nghi kị và kỳ thị phân loại da trắng da màu. Vẫn những khác biệt về gốc gác sang hèn... Cứ tưởng ở những xứ Á Ðông nghèo túng thì nhiều vấn đề, chứ có ai ngờ bây giờ lại còn nhiều rắc rối hơn. Phải chạm trán rồi mới thấy rõ. Chứ chẳng chịu nghe kinh nghiệm của ai bao giờ.

Cho đến một ngày thật chín mùi sau những ốm đòn cuộc sống, ông bố liền gọi con gái ra một chỗ thân tình ấm cúng, rồi ông trân trọng trao cho con một phong thư, trong đựng chiếc lông thiên nga mẹ để lại mà chẳng có dịp nào trao. Ông chỉ nói vài lời ngắn gọn, nhưng có sức xoáy sâu vào tim con. Thế là cảnh sụt sùi khóc thương cảm động. Cô gái lớn rồi mới vỡ lẽ hiểu được con tim của mẹ, vượt qua mấy tầng ngôn ngữ. Và cô gái đã quyết làm một cuộc hành trình về thăm nước Tàu, tìm về gốc gác của mình. Cắm rễ vào đó thì cây mới vươn lên được ở xứ đa tạp này.

LỜI CA RAY RỨT

Một thực trạng mà ai cũng đang nhận thấy là các gia đình Việt ngàn ngàn dặm ra đi đang phải đương đầu với quá nhiều vấn đề, đôi khi có cảm tưởng vượt qua tầm tay của mỗi người. Sau hơn hai chục năm, một thế hệ mới bắt đầu. Góp phần tạo dựng cũng có, mà vào đường dây băng đảng làm hủy hoại cũng nhiều!

Một đứa bé mới ngày nào được rửa tội một cách vội vã trong trại tiếp cư nào đó, bây giờ đã có thể trở thành cô giáo phụ dạy các em trong cộng đoàn, sắp sửa ra trường có chân đứng vững trong đà tiến hóa của xã hội mới, sáng giá nào có kém ai.

Cảnh ngược lại: một đứa bé trai mới 14 tuổi đi học mà trong túi có sẵn một “cell phone” luôn “sắp sẵn” để nghe lệnh trao thuốc xì ke ma túy kiếm bộn bạc, đô la rủng rỉnh đi “shopping” mua những thứ đồ mắc tiền nhất để le lói với chúng bạn. Cám dỗ lắm chứ.

Cha mẹ thì mỗi người cũng bị ném vào vòng quay của cái đà cuốn hút. Bận quá. Mỗi người một lo lắng, một thế giới, một quyền lợi, một kiếm chác. Chẳng còn giờ cho nhau. Chẳng còn giờ cho con cái. Riết rồi gặp lại nhau như những đơn vị lạ hoắc. Chẳng còn gì rung cảm chung. Mái nhà chẳng còn ấm là bao, chẳng phải là chỗ trở về bồi bổ lại tim gan. Mối đe dọa như bom nổ chậm từ mọi phía. Không còn gì gọi là an toàn. Có cái gì bất ổn mà không sao làm cho rõ nét nổi. Sống theo kiểu Mỹ? Sống theo kiểu Việt? Giằng co, khắc khoải, hình như chưa tìm ra đường thoát.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã hát lên lời ca ray rứt trong Rong Khúc Hát Cho Năm 2000, khi thấy những đứa bé gái đang lớn lên, có thể đang tiếp nối con đường ước mơ của lớp người ra đi, mà cũng có thể đang giẫy giụa như thằn lằn cụt đuôi, mất hướng.

Nhiều bà mẹ trẻ đang làm mất quê hương khi không còn ham dạy con “tiếng nước tôi, tiếng ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Mẹ là Thị, nhưng mẹ không muốn làm Thị chuyển dòng sống dân tộc, chuyển hơi thở quê hương cho con bằng tiếng ru ca dao ngọt ngào, bằng đạo sống tổ tiên. Mẹ yêu con thì dạy con nên người Việt, chứ đừng để con mù chữ mẹ, trở thành lạc loài hay “vô loài” chẳng giống ai!

Mẹ bây giờ lạc loài trên thế giới

Việt Nam là gì giảng nghĩa cho coi?

Mẹ quên tiếng nói, tên họ đổi thay,

Cuối thế kỷ này, Mẹ sẽ 20.

Mẹ đang trên bờ vực sâu tăm tối

Bước đi có thể về phía suy đồi

Nhìn kỹ đi coi: một trăm năm tới,

Mẹ nước Việt Nam: Vượt mãi? Hay lui?

.....

Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới,

Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai,

Sinh con anh hùng, người hiền nhân ái?

Hay sinh kẻ hèn, bạo chúa vô loài?

(Phạm Duy, Ngàn Lời Ca trang 365)


TƯỢNG MẸ BỒNG CON CHẠY

Dịp kỷ niệm 20 năm xa xứ, tháng 4 năm 1995, người Việt dựng được một bức tượng thật ý nghĩa và gợi cảm ở ngay thủ đô Ottawa của nước Canada. Ðó là tượng “Mẹ Bồng Con” đang tất tả chạy, do điêu khắc gia Phạm Thế Trung. Nét mặt người mẹ đầy quả cảm nhìn về phía trước, tìm một chỗ an toàn cho đứa con đang ngủ bình yên trên cánh tay mẹ.

Mẹ là Thị, là người chuyển dòng sinh mệnh tộc Việt. Mẹ chạy đi đâu thì nơi đó là bờ cõi mới. Còn mẹ là còn quê hương. Vì mẹ là quê hương thu hẹp.

Ðôi mắt người mẹ đang nhìn thấy gì? Và đứa con trên tay mẹ đó hôm nay đang ở đâu, làm gì, có còn cảm thấy trong giây phút quyết liệt đó trong niềm ước mơ của mẹ mình không? Người mẹ đó có thể ngày hôm nay đã nằm xuống lòng đất lạ. Nhưng người mẹ đã làm xong một sứ mạng, như công chúa Huyền Trân đã đành hy sinh đời mình cho lớp đàn con cháu ra đi mở thêm bờ cõi như tâm tình của bài hát “Nước Non Ngàn Dặm Ra đi.”

Nước non ngàn dặm ra đi,

Dù đường thiên lý xa vời

Dù tình cố lý chơi vơi

Cũng không dài bằng tình yêu mến người.

Bước đi vào lòng muôn dân....


TRUYỆN CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN

Trong suốt dọc dài lịch sử, mẹ Việt Nam cứ phải bồng con vượt biên. Người Tàu bảo Việt là vượt, nên người Việt cứ phải vượt chạy hoài. Từ vùng hồ Ðộng Ðình sông Dương Tử, chạy xuống Bắc Việt bây giờ. Rồi từ vùng sông Hồng mở bờ cõi xuống sông Hương do sự hy sinh cuộc đời của mẹ Huyền Trân. Câu truyện thật xúc động, nói lên lòng người mẹ Việt Nam.

Ðầu thế kỷ thứ 14, vua Trần Nhân Tông đã cao tuổi, liền truyền ngôi cho thái tử nối nghiệp là Trần Anh Tông.

Vua Cha có dịp đi chu du thắng cảnh đất nước, vào tới tận giáp nước Chiêm Thành. Lúc bấy giờ biên giới nước ta mới chỉ giáp tới Quảng Trị bây giờ. Có lần nhà vua mải mê đi lạc cả sang đất Chiêm, may được cư dân tỏ tình hiếu khách. Vua Chiêm là Chế Mân nghe biết chuyện này, vì sợ oai nước ta, cũng phải thân hành đến đón tiếp.

Nhà vua ở đây được vài tuần thì bỗng thấy công chúa Huyền Trân dẫn đoàn tùy tùng đến đón cha về nước. Dĩ nhiên đoàn tùy tùng cũng được vua Chiêm khoản đãi trọng thể. Chính trong dịp này mà vua Chiêm đã đem lòng mê say sắc đẹp của công Chúa Huyền Trân.

Sáu tháng sau, Chế Mân sai phái đoàn sang nước Việt dâng lễ vật quí báu lên vua Trần Anh Tông để xin cưới công chúa Huyền Trân về làm hoàng hậu.

Vua Anh Tông liền hỏi ý em là Huyền Trân về chuyện này, thì Huyền Trân giẫy nảy:

- Trời ơi, ai mà đi lấy cái thứ đó. Vả lại em còn bé mà!

Nhà vua cũng phải nói lại với sứ giả như vậy, rằng công chúa còn nhỏ, xin chờ thêm một thời gian.

Qua một năm, Chế Mân lại sai sứ giả sang đem theo nhiều lễ vật hơn nữa để xin cưới. Lần này thì vua Anh Tông bàn với mấy quan đại thần mời đoàn sứ giả đi dự tiệc riêng tạo tình thân thiện. Rồi trong lúc ngà ngà, một đại thần rỉ tai viên sứ:

“Quí quốc có ý tặng nhiều của báu, song đều là những thứ không ứng dụng, còn việc cầu hôn nên có đồ dẫn cưới xứng đáng với nghĩa thông gia để thượng hoàng còn có chỗ du ngoạn trong tình thân thích chứ.”

Khi sứ thần về tâu, Chế Mân hiểu ý nên cười và nói: Chuyện nhỏ mà. Ta sẽ dâng châu Ô làm lễ. Vậy hãy đi ngay chắc là thế nào cũng xong.

Sứ thần tìm đến quan đại thần trình bày nguyện vọng. Ðại thần làm bộ suy nghĩ vì cần phải hỏi ý kiến nhà vua. Sau khi đã bàn tính, quan đại thần trả lời viên sứ:

- Tôi đã biết mà. Một vị công chúa cành vàng lá ngọc ắt là đồ sính lễ phải xứng đáng, cho nên thánh thượng phán rằng một châu đất núi đem dâng làm sao mà đành. Vậy xin ngài vui lòng về trình lại với vua Chiêm.

Sứ giả về trình tâu sự việc thì vua Chiêm sốt sắng nói ngay:

Phải, phải. Một vị công chúa xinh đẹp như vậy thật là vô giá. Vậy ta dâng thêm châu Lý nữa là xong. Ngươi lại vì Ta mà ra đi một lần nữa lo liệu công việc.

Khi được tin vua Chiêm đã bằng lòng dâng hai châu Ô và Lý thì vua Anh Tông rất mừng, liền trình lại với vua cha. Công chúa Huyền Trân nghe tin như sét đánh bên tai, vùng vằng khóc lóc, ôm gối vua cha mà năn nỉ kêu xin, vì biết vua cha rất thương yêu mình, chẳng xin một điều gì mà vua chẳng cưng chiều. Vua Anh Tông liền lấy lời vỗ về:

- Em nên nghĩ đến tình cảnh nước nhà. Dân mỗi ngày một đông, chen chúc nhau nơi đồng bằng hạn hẹp, phương Bắc, nước Tàu đứng chắn mình không ngoi lên được, chỉ còn một lối có thể mở mang là phương Nam, nay có dịp họ nhường đất khỏi phải chinh phục hại đến sinh linh, chỉ cần một mình em chịu đi là bờ cõi rộng thêm gấp rưỡi. Xin em vui lòng hy sinh cho đại cuộc...

Huyền Trân còn vùng vằng viện đủ lý do rằng sao không kiếm người khác thay thế. Trước cảnh tượng như vậy, vua cha thương con quá cũng định bỏ việc cưới hỏi. Nhưng rồi nghĩ tới đại nghĩa thương dân mở nước với dịp may hiếm có, vua cha đành vỗ về an ủi con gái cưng:

- Con ơi, con biết cha thương con chừng nào, không lẽ cha lại muốn con khổ. Nhưng việc nước trọng hơn tình riêng, con nên vì thanh thế của nhà Trần ta, và vì hạnh phúc của muôn dân mà hy sinh vâng lời anh con đi, con không sợ cô đơn đâu, cha sẽ vào thăm con luôn, vì non sông trong đó đẹp lắm. Vả lại một khi con làm hoàng hậu thì quyền uy cao cả, ai mà trái lệnh con được...

Công chúa biết không thể trái lời cha và anh được, nên thút thít khóc rồi làm thinh.

Thế là năm 1306, Huyền Trân đã từ giã hoàng cung và đất Việt để đi sang đất Chiêm Thành, làm hoàng hậu, để đổi lấy đất cho nước Việt rộng thêm ra. Châu Ô và châu Lý ngày nay là Quảng Trị, Huế, và hai huyện Diên Phước và Hòa Vang của Quảng Nam.

CUỘC NAM TIẾN

Gần đây, khi thấy cảnh đau khổ cùng độ của dân Việt, một số người đã nghĩ quẩn hay là tại cha ông mình ác quá, diệt chủng dân Chiêm Thành và Chân Lạp, nên phải lãnh ác quả ác báo: đời cha ăn mặn đời con khát nước!

Không ai chối cãi việc vua Lý Thánh Tông đánh Champa bắt được Chế Củ khiến họ phải dâng đất từ Hoành Sơn đến đèo Lao Bảo để chuộc lại vào năm 1069, và vua Lê Thánh Tôn đã san bằng thủ đô Ðồ Bàn, chiếm trọn Amaravati (Quảng Nam, Quảng Ngãi) và Vijaya (Bình Ðịnh) vào năm 1471, kéo dài biên giới xuống tới tận đèo Cù Mông; rồi nhà Nguyễn lấn dần để nối liền với Sài gòn đã lọt vào tay người Việt. Thực ra thì có nhiều lý do hệ trọng hơn từ nội bộ Chiêm Thành. Ðây là điều khẳng định của các chuyên gia như Po Dharma và Lafont nhìn từ phía người Chàm trong Champaka số đầu tiên năm 1999, tập san nghiên cứu về lịch sử và nền văn minh Champa về những lý do suy tàn của vương quốc Champa:

1. Mất niềm tin: “Nhạt đi niềm tin của quần chúng và cơ cấu huyền bí của Ấn Ðộ giáo mà Champa vẫn tin rằng cơ cấu này xuất phát từ ý muốn của các Ðấng thiêng liêng. Vì bằng chứng rõ rệt là những cơ cấu huyền bí này đã không còn sức mạnh để chống lại với quân xâm lược Kampuchea, Trung Quốc hay Ðại Việt... đưa đến suy yếu trên mọi lãnh vực.” (Po Dharma, Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa, trang 21)

Vì mất niềm tin nên cơ cấu nền tảng bị lung lay: “Xuất phát từ sự phai tàn của văn hóa Phạn ngữ, của triết lý Bà-la-môn giáo hay Phật giáo Ðại Thừa mà Champa đã dựa vào từ mấy thế kỷ qua để xây dựng nền tảng cơ bản của tổ chức chính trị hay xã hội của vương quốc.” (Po Dharma, Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa, trang 20) Rồi chạy tìm niềm tin khác nơi Hồi giáo chưa kịp ổn định. Bằng chứng là Chế Bồng Nga bách chiến bách thắng cả 30 năm như vậy mà khi chết là kéo theo luôn cả vương quốc suy yếu theo.

Po Dharma chỉ nói phớt qua sự chuyển tiếp giữa Ấn độ giáo và Hồi giáo. Nhưng chắc chắn đây phải là một cuộc xung đột đẫm máu tiêu diệt lẫn nhau, vì bằng chứng là trước đó một cuộc thanh trừng khủng khiếp đã xảy ra bên Ấn Ðộ, khiến sau này phải tách thành một nước riêng cho Hồi giáo là Pakistan. Người Chàm theo Hồi giáo sau những cuộc xung đột này đã phải chạy về vùng Châu Ðốc.

2. Chia rẽ và tự hủy diệt: “Vấn đề chiến tranh nội bộ vẫn là những yếu tố quan trọng trong tiến trình lịch sử vương quốc Champa... Dòng tộc Cây Cau phía nam luôn tranh với dòng Cây Dầu phía bắc. “Tranh chấp quyền hành giữa các nhà lãnh đạo đã trở thành tấn bi kịch xảy ra hằng ngày. Kể từ năm 1360, vương quốc Champa càng đi đến con đường suy yếu. Sự suy yếu này phát xuất từ hai nguyên nhân chính: một phần, phải đối đầu chống lại sự xâm lăng của láng giềng miền Bắc, còn phần khác phải đối phó với bao nhiêu chiến tranh nội bộ của mình. Chỉ trong thời gian chưa đầy 30 năm, 5 vị cua Champa tiếp nối nhau... Suốt 30 năm này, xã hội Champa chia ra 5 phe nhóm để phục vụ cho 5 vị vua Champa.” (Po Dharma, Vấn đề Xung Ðột Xã Hội Champa trong quá trình lịch sử, trang 114) Bên yếu chạy cầu viện với lân bang như Kampuchea hay Ðại Việt. Thí dụ vào năm 1150 hoàng tử Vangsaraja chạy sang Ðại Việt cầu cứu... Nhất là sau khi Chế Bồng Nga chết, thì “phát hiện một chứng bệnh mới gọi là mưu đồ làm tay sai cho địch.” (Po Dharma, Vấn đề Xung Ðột Xã Hội Champa trong quá trình lịch sử, trang 113)

Mỗi lần Ðại Việt cứu viện là ở luôn lại “trông chừng” giúp, rồi đưa người Việt vào lấn đất, y như chuyện quân Tàu tràn xuống Thăng Long giúp Lê Chiêu Thống vậy. Thời Tây Sơn và Nguyễn Ánh đánh nhau thì lãnh đạo Champa chia bè theo hai phía đối nghịch nhau. Thời vua Gia Long thì Panduranga được tự trị dưới sự bảo trợ của Lê Văn Duyệt. Khi Lê Văn Duyệt chết rồi thì vua Minh Mạng trả đũa tàn khốc. Và đó là lúc Champa bị xóa sổ hẳn vào năm 1832.

Như thế, cuộc Nam Tiến của Việt nam có thể là một hạnh ngộ bù cho nỗi xui xẻ thấp cổ bé miệng bên cạnh anh chàng Tàu khổng lồ phía Bắc luôn luôn lấn át. Một trong những hạnh ngộ đó là công của những người đàn bà đã hy sinh đời mình cho đất nước.

Truyền thống muốn tạo mối hòa với lân bang có từ thời huyền sử khi công chúa Mỵ Châu bằng lòng lấy Trọng Thủy con Triệu Ðà. Vụ này không thành công. Nhưng Mỵ Châu vẫn là biểu tượng cho sự hiến thân cho dân cho nước, muôn đời phải được ghi ơn tôn kính.

Ðầu thế kỷ 17, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên theo cao kiến của Ðào Duy Từ mà mở mang xuống miền Nam. Vì miền Bắc đã bị nước Tàu quá mạnh án ngữ, và họ Trịnh lại chận cổ phân tranh. Mà đất nước thì chật hẹp, miền trung khô chồi. Cao kiến đó là lợi dụng việc Nam hòa quen thân với cả hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp, để mượn đất canh tác phát triển.

CÔNG NƯƠNG NGỌC VẠN

Nguyễn Phúc Nguyên có hai người con gái cưng là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa. Trong khi quan hệ đi lại thì vua Chân Lạp là Chay Chetta II mê công nương Ngọc Vạn ra mặt, liền sai sứ giả xin cưới làm hoàng hậu. Cũng giống như truyện Huyền Trân xưa, Ngọc Vạn làm sao mà bằng lòng được, nhất là phải vào mãi xứ Ðồng Nai vùng Sài Gòn bây giờ. Vì vậy mà Ðào Duy Từ phải khuyên:

“Ở đời ai chẳng muốn sống yên vui bên người thân yêu ở quê cha đất tổ. Chỉ tại họ Trịnh tàn ngược mà chúng ta phải cầm cự lâu dài. Việc cần là lo an toàn cho dân chúng nơi Ðàng Trong này. Họ vì mến đức mà theo vào ngày một thêm đông. Vậy phải làm sao đây? Là vì từ Quảng Bình vào đây, đất sỏi khô cằn, nguồn lợi chỉ trông vào rừng với biển, vậy phải tìm nơi mình có thể duỗi chân ra được, mới là kế vẹn toàn. Nay mà công nương lên ngôi hoàng hậu nước Chân Lạp thì là một việc rất vui mừng. Hai nước giao hảo với nhau sẽ có lợi cho cả đôi bên, về an ninh cũng như về thông thương, có khi còn về binh bị nữa nếu có gì bất trắc xẩy ra. Còn về phần trước mắt thì một số con dân được theo hầu công nương sẽ tìm được cách làm ăn. Ðời nhà Trần công chúa Huyền Trân đã hy sinh đời mình mà chúng ta có đất sông Hương núi Ngự đây...”

Thế là nhờ lòng hy sinh của Ngọc Vạn mà bao nhiêu người Việt đã được theo vào khai khẩn đất Ðồng Nai làm nên những ruộng đồng phì nhiêu. Khi vua Chetta II chết thì triều đình tranh quyền loạn cả lên, người theo phe Việt, người theo phe Thái. Cuộc nội chiến kéo dài tự diệt nhau, khiến dân tình điêu đứng khốn khổ. Hoàng hậu Ngọc Vạn kêu cháu là Hiền Vương vào cứu, cuối cùng mọi phe cánh qui về một mối do họ Nguyễn lãnh đạo.

CÔNG NƯƠNG NGỌC KHOA

Khi chúa Nguyễờn giao hảo với Chân Lạp thì vua Po Rome của Chiêm Thành ở Ðồ Bàn (Bình Ðịnh) cũng móc nối để xin cưới công nương Ngọc Khoa. Lần này Ðào Duy Từ không phải nói nhiều vì Ngọc Khoa đã thấy gương chị. Thế là một đám cưới trọng thể nữa lại diễn ra tại phủ chúa Nguyễn rước công nương Ngọc Khoa về làm hoàng hậu xứ Chàm như công chúa Huyền Trân xưa.

Ngọc Khoa ở đất Chàm được 20 năm đã giúp cho tình thân hữu hai nước khăng khít, và nhất là đưa được nhiều dân Việt được vào khai khẩn lập nghiệp. Nhưng năm 1651 xẩy ra một cuộc nội loạn chia phe phái giết hại lẫn nhau, vua và hoàng hậu đều bị sát hại. Hiền Vương phải đưa quân vào cứu, dẹp tan loạn rồi đặt người Việt giữ đất trị an. Năm 1653 vua Nraop đánh chiếm lại Phú yên nhưng thất bại. Vậy là Chúa Nguyễn tiến luôn tới Cam Ranh, xóa tên tiểu quốc Kauthara ở Nha Trang trên bản đồ. Chiêm Thành thực sự chỉ còn từ Phan Rang trở vào Bình Thuận, gọi là Panduranga, cho tới năm 1832 thời vua Minh Mạng mới hoàn toàn bị sát nhập thành đất Việt.

(còn tiếp lần tới: Biên Giới Nước Việt Bây Giờ Là Đâu?)

Lm. Trần Cao Tường

Xin mời thăm Mạng Lưới Dũng Lạc: www.dunglac.net