Hoa Xuân Vươn Lên trong bầu trời tuyết lạnh.

Sáng nay Chúa Nhật 24 tháng 4 năm 2005, tôi còn đang ngủ chập chờn trong giấc ngủ muộn vớt vát, vì giấc ngủ đứt quãng đêm qua, thì phải vội vã thức dậy sửa soạn để kịp giờ lái xe đến dự Thánh lễ của cộng đoàn Việt Nam, cách nhà khoảng 15 dặm.

Khí hậu tại miền trung tây Hoa Kỳ này thay đổi thật đột ngột, cả tuần vừa qua khí hậu mùa xuân ấm áp, có ngày nóng đến 80 độ F, làm cho hoa lá tranh nhau nở rộ. Sáng nay, khi lái xe ra khỏi nhà, tôi ngỡ ngàng tiếp xúc với khí tiết giá lạnh của mùa đông, 30 độ F, tôi thấy thích thú nhìn hoa tuyết vởn vơ trước gió và đóng lớt phớt trên nhiều cánh hoa và những đọt lá non vừa chớm nở. Cảnh trí tuyệt đẹp làm tôi thấy dễ chịu, quên hẳn cái uể oải vì giấc ngủ đứt quảng do thức dậy lúc gần 4 giờ sáng để tham dự Thánh lễ truyền hình từ Vatican, mà tôi gọi là Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng của Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức 16.

Trên đường lái xe đến nhà thờ Đức Mẹ LaVang tại Cincinnati, tôi nhớ đến câu chuyện xảy ra tại chỗ làm của tôi hôm trưa thứ ba, 19 tháng Tư năm 2005. Tôi xin được ghi lại câu chuyện xảy ra trong giờ làm việc của tôi tại một góc bịnh viện ở Cincinnnati, thuộc bang Ohio.

Tôi được Ơn Phúc làm việc trong bịnh viện, mỗi tuần 3 lần. Khi có Thánh Lễ, nếu không có việc gì khẩn cấp, thay vì đi ăn trưa, tôi đều sắp xếp công việc sang một bên để đi tham dự Thánh Lễ lúc 12 giờ nơi nhà nguyện của bịnh viện, chỉ cách bàn làm việc của tôi một thang lầu.

Hôm ấy, đúng 12 giờ trưa, đang bước đến cửa nhà nguyện, tôi bị cái beeper oái oăm gọi vì có việc khẩn cấp. Tôi trở lại văn phòng, được biết có trường hợp giải phẫu cần ý kiến của tôi, tôi gãi đầu hơi khó chịu vì cả hơn 2 giờ đồng hồ vừa qua chẳng ai cần gì khẩn cấp, đến lúc tôi cần 30 phút để dự lễ thì lại bị gọi.

Tôi chạy vội lên thang lầu vào khu giải phẫu, sau 45 phút làm việc, bước ra khỏi khu giải phẫu, nhìn đồng hồ, tôi biết đã hết thánh lễ. Nhưng tại phòng đợi của khu giải phẫu, nơi thân nhân chờ đợi kết quả giải phẫu của các bệnh nhân, tôi thấy không khí náo nhiệt khác thường. Tất cả mọi người, kẻ đứng, người ngồi xúm vào màn ảnh truyền hình, treo trên góc tường. Bụng tôi chợt thót lại, vì hình ảnh như vậy tôi đã thấy hôm 11 tháng 9, vài năm trước đây, khi có khủng bố tại Nữu Ước và Hoa Thạnh Đốn. Bước vội đến bên màn ảnh truyền hình, tôi đọc được chữ Breaking News, truyền hình trực tiếp từ Vatican, chúng ta có Tân Giáo Hoàng.

Tôi mừng rỡ, vụt chạy đi kiếm cha tuyên uý bịnh viện, ngài vừa cử hành xong Thánh lễ, vừa mua xong gói khoai chiên để ăn trưa nơi nhà ăn. Nghe tôi báo tin “chúng ta có Tân Giáo Hoàng”, Ngài cười rú lên, tôi mời Ngài chạy theo tôi đến phòng đợi khu giải phẫu xem truyền hình. Tôi đoán là Ngài rất hồi hộp vì hy vọng ĐHY Francis Arinze, cùng quê hương Nigeria của Ngài sẽ là Giáo Hoàng. Tay ngài run lẩy bẩy vung vãi mấy cọng khoai chiên, khó khăn bước đi để bắt kịp tôi, tạo cho chúng tôi nụ cười chọc ghẹo ngài.

Tại phòng đợi bịnh viện, khi chúng tôi bước vào, màn ảnh truyền hình nhảy lên chữ Pope Benedictine XVI. Chúng tôi hỏi quý vị đang coi truyền hình, ĐHY nào đắc cử tân Giáo Hoàng. Một vị la lên:

- ĐHY Ratzinger.

Một cụ già đang ngồi, chợt vụt đứng dậy, tay cầm tờ báo Time.

-Đây này!

-Đây này!

-Ông này, tay chỉ vào tờ báo,(có lẽ để sẵn trong phòng chờ đợi của bệnh viện). Ông ta đã là 1 trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới, lúc làm Hồng Y. Vậy được bầu Giáo Hoàng là phải quá rồi.

Một vị khác lại lên tiếng

-Tại sao vậy?

-Tại sao lại người Đức, Châu Mỹ Latinh có nhiều người Công giáo nhất, và người Mỹ chúng mình đóng góp vào ngân quỹ Vatican nhiều nhất, vậy tại sao chọn Tân Giáo Hoàng người Đức.

Một vị khác có lẽ người Mỹ nhưng gốc Đức lại cười sảng khoái, có vẻ rất hãnh diện, tự hào và lên tiếng bênh vực rằng Ngài sẻ có sức chịu đưng bền bỉ và phong cách làm việc hữu hiệu của Người Đức chúng tôi.

Một vị khác lại nói:

- Ờ, thì Ngài có sức chịu đựng bền bỉ, nhưng Ngài đã 78 tuổi rồi, lại theo lời bàn của các phóng viên là Ngài rất bảo thủ và nổi tiếng là ”ĐHY không, không”..(Cardinal No..No), vậy có thể đẩy giáo hội Công Giáo ở Mỹ này của mình ra xa khỏi Vatican.

Lại một vị to tiếng hơn:

- Ngài lớn tuổi nhưng Ngài còn rất khoẻ mạnh và đã có nhiều năm kinh nghiệm ở Giáo Triều La Mã thì càng tốt chứ sao, Ngài sẻ tiếp tục di sản của ĐGH Gioan Phaolo II, tôi mừng quá, tôi mừng quá…

Câu chuyện cứ nối tiếp như vậy song song với lời bình luận và phỏng vấn các giới chức trong Giáo hội và viên chức đó đây. Tôi và cha tuyên uý phải rời phòng đợi để trở về với công việc. Mấy ngày sau tôi tiếp tục theo dõi phản ứng khắp nơi trên thế giới, tôi thấy rất tương tự như phản ứng tức thì mà tôi ghi lại trên đây.

Sáng nay tôi được đọc bản tin của VietCatholic và của AP, ghi lại tường thuật của Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng và nhất là Bài Giảng 30 phút mà tôi xem trên truyền hình lúc rạng sáng hôm nay. ĐGH Biển Đức XVI đã cho thế giới thấy sự khiêm nhường và nhân đức của Ngài, khi lập đi lập lại lời nhắn xin cầu nguyện cho Ngài. Ngài cũng trả lời cho những băn khoăn của giáo dân đó đây, rằng Ngài sẻ lắng nghe mọi tiếng nói khắp nơi, nhưng Ngài sẻ ứng xử dưới sự soi sáng của Đức Tin và Lời Chúa. Ngài giang rộng tay, nhắc đến các Giáo phái Ki Tô Hữu, đến Do Thái và các tôn giáo khác, kể cả những người không tin Chúa.

Giống như khí hậu giá lạnh mùa đông là những khó khăn mà ĐGH Biển Đức XVI vừa đăng quang phải đối diện, với những hoa tuyết phất phơ vào sáng hôm nay như Ơn Chúa Thánh Linh đổ tràn trong Giáo Hội trong thế kỷ 21 này. Bài giảng trong thánh lễ đăng quang như hoa xuân và những mầm lá xanh lại đang vươn lên trước gió, trong ánh nắng vàng nhạt làm ấm lại lòng người vào chiều Chúa Nhật 24/04/2005 như một hứa hẹn ngày mai nắng ấm và hoa lá nở rộ trong vườn hoa Giáo Hội khắp năm châu.