2.6 Tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo Hội

Việc Giáo Hội Công Giáo bác bỏ tập tục của Giáo hội Chính Thống không hẳn do các ý niệm khác nhau về lỏng lẻo hay nghiêm ngặt, nhưng đúng hơn do một ý niệm phát triển hơn về bí tích, một ý niệm trùng hợp với chính suy tư trung cổ, mà dựa vào đó, việc bàn về các bí tích đã được khai triển sâu sắc hơn. Đó là điều đã được đề nghị một cách không dè dặt với người Đông Phương ở hai công đồng nhằm hợp nhất, tức, công đồng Lyons lần thứ hai (1274) và Công Đồng Florence (1442) (57). Tham chiếu minh nhiên nhất cho thấy xu hướng muốn ngăn cấm bất cứ loại kết hợp nào sau khi ly thân tìm thấy trong lời tuyên xưng đức tin do Michael Paleologus đề nghị tại công đồng thứ nhất trong số Công Đồng này (58).

Bản chất các bí tích là điều hướng dẫn suy tư mục vụ của Giáo Hội, theo nghĩa: Giáo Hội không có toàn quyền đối với chúng. Giáo Hội tiếp nhận các bí tích từ Phu Quân của mình và là người quản lý chúng, chứ không phải người sở hữu; thành thử, “không ai tra vấn tính bất khả tiêu của cuộc hôn nhân bí tích đã được kết ước và hoàn hợp (ratum et consumatum)” (59), một câu phát biểu mà Đức Gioan Phaolô II gọi là tín lý đã định tín: “như thế, điều xem ra khá rõ ràng là việc không trải dài quyền lực của Giám Mục Rôma tới các cuộc hôn nhân bí tích đã kết ước và hoàn hợp đã được huấn quyền Giáo Hội giảng dạy như một tín lý phải tin một cách dứt khoát” (60). Không thể gọi chủ đề này chỉ như một miễn chước đơn thuần về phía hàng giáo phẩm, vì đó là quan điểm quá ư có tính pháp lý và phi bí tích về bản chất Giáo Hội.

Bất cứ thay đổi nào được đưa vào để giải quyết tư thế của người ly dị và tái hôn phải đầu tiên cho biết rõ ý nghĩa sâu xa của bí tích hôn phối, một bí tích đặc biệt và quả tình là một phần của gia bảo tín lý của Giáo Hội. Do đó, đề nghị thay đổi trong vấn đề này đòi hỏi một việc biện phân tín lý hết sức sâu sắc; bất cứ mưu toan nào che dấu việc này hay gán cho nó tầm quan trọng bậc nhì đều trái với truyền thống của Giáo Hội trong một khía cạnh chủ yếu của đức tin (61).

Chắc chắn, có nhiều vấn đề mới cần nghiên cứu, vì trong nhiều năm nay, hôn phối chỉ được xem xét qua loa so với các bí tích khác. Một việc đánh giá đổi mới đối với chiều kích mầu nhiệm của các bí tích, vượt quá việc hộ giáo, liên quan tới lúc thiết lập chúng, đã giúp các nhà thần học khả năng thăm dò các phương thức mới và rất hứa hẹn, mà Thượng Hội Đồng có thể xem xét khi xem lại chủ đề chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Hôn phối là bí tích độc đáo do việc nó đâm rễ vào trật tự tạo thế và giá trị của nó như một nhân chứng đối với việc chuộc tội cõi lòng từng làm cho nó khả hữu (62).

2.7 Ơn thánh của dây ràng buộc bất khả tiêu như nguồn sự sống

Nẻo đường chúng ta vạch ra trên đây khác với nẻo đường Đức Hồng Y Kasper chỉ ra trong cuốn sách nhỏ của ngài, nhất là trong các phụ lục, vì, trong số nhiều lý do, cách ngài trình bầy lịch sử bí tích hôn phối khá đặc biệt hay vì ngài thảo luận quan điểm Chính Thống về nhiệm cục bí tích theo cách giống như cách của Häring. Đây có thể là lý do tại sao cách ngài thảo luận sợi dây hôn phối khá yếu và thực sự có xu hướng muốn bị đặt thành nghi vấn. Đó chính là một trong các phương diện bị nhà thần học Chính Thống như Pavel (Paul) Evdokimov thẳng thừng khinh bỉ, khi rõ ràng đề cập đến tính bất khả tiêu: “Tính bất khả tiêu của dây hôn phối không hề có ý thích nào để yêu mến. Vấn đề xuất hiện khi không còn gì để cứu vớt: sợi dây, khởi đầu vốn được tuyên bố là bất khả tiêu, nay tan biến hoàn toàn và luật lệ không thể làm được gì để thay thế ơn thánh: nó không thể hàn gắn hay hồi sinh” (63). Lời lẽ của Đức Hồng Y Kasper cũng nêu lên một hoài nghi tương tự “Người ta không nên hiểu giáo huấn này như một thứ bản vị hữu thể học bên cạnh hay bên trên tình yêu liên ngã của vợ chồng; mặt khác, nó cũng không hoàn toàn tan hòa vào tình yêu cảm tính, hỗ tương của họ, mà nó cũng không chết với nó (GS 48; EG 66)” (64).

Đúng là trong cuốn sách của ngài về hôn nhân, Đức Hồng Y Kasper có tìm cách cung cấp lối giải thích nhân vị cho sợi dây hôn phối khi ngài viết “Người đàn ông và người đàn bà [nghĩa là chồng và vợ] có thể tìm được vị thế dứt khoát của họ trong sự trung thành này. Họ trở nên ‘một thân xác’ hay ‘một’ (St 2:24; Mc 10:8; Eph 5:31); nói cách khác, họ trở nên một ngôi vị ‘chúng ta’. Dây hôn phối trung thành tạo ra một điều vượt quá ngôi vị đơn nhất và buộc lại với nhau lịch sử hai ngôi vị một cách dứt khoát và ở một bình diện sâu thẳm nhất” (65). Tuy thế, khi ngài mô tả giá trị của nó trong bối cảnh một cuộc bút chiến chuyên biệt về người li dị, thì mọi sự xem ra vẫn bị phủ mờ trong hàm hồ, vì ngài kết luận: “Không phát biểu nào thuộc loại này có thể, thật vậy, được làm cho hoàn toàn khách quan. Hiện tượng mà chúng chỉ ra có thể được giải thích nhiều cách và nhiên hậu, tùy thuộc vào lối giải thích dứt khoát” (66).

Việc không dứt khoát vừa nói mở đường cho lối giải thích của Häring, mà dường như đã được Đức Hồng Y Kasper tiếp nhận. Trong bàn luận mục vụ của ngài, Häring theo sát điều đã được nhà thần học Evdokimov nói một cách khá triệt để về ly dị, theo quan điểm Chính Thống. Tác giả người Nga này, dựa vào việc so sánh với sự chết, vốn kết liễu một cuộc hôn nhân, đề nghị danh sách sau đây về các cách trong đó dây hôn phối có thể bị “đứt”: “cái chết của chính chất thể của bí tích yêu thương bởi việc ngoại tình; cái chết tôn giáo bởi sự bội giáo; cái chết dân sự với bản án tù; cái chết thể lý bởi việc vắng mặt” (67).

Trái với điều Đức Hồng Y Kasper tuyên bố lúc đầu, tức là, dây hôn phối không chết với tình âu yếm hỗ tương, trong trước tác của hai tác giả mà chúng ta vừa trưng dẫn, dường như có một điều gì đó như là cái chết của tình yêu; điều này đi trệch ra ngoài ý niệm dấu ấn thần thiêng mà, giống như lửa, ta không thể dập tắt bằng nước sâu và vốn là tiêu điểm của mạc khải trong Diễm Ca (xem Dc 8:6) (68).

Cuối cùng, Đức Hồng Y dường như chủ trương rằng một điều gì đó của bí tích vẫn còn đó, vì ngài (không như các Giáo Hội Chính Thống) nhìn nhận rằng một cuộc hôn nhân khác không thể được cử hành. Nói cho chính xác hơn, ngài chủ trương rất rõ ràng rằng “tính bất khả tiêu của hôn nhân bí tích và việc không thể kết ước cuộc hôn nhân bí tích thứ hai khi người phối ngẫu kia vẫn còn sống là phần trói buộc của truyền thống đức tin của Giáo Hội” (69). Từ đó, giải pháp “không nghiêm ngặt” có thể là cho phép và khoan dung cho cuộc kết hợp thứ hai, một kết hợp, tuy nhiên, không phải là bí tích. Nhờ thế, theo ngài, tính bất khả tiêu vẫn được duy trì (70); cho nên nay chỉ còn vấn đề phải hiểu cuộc hôn nhân mới trong sự tốt lành tự nhiên, bất toàn của nó, dù theo quan điểm của ngài, nó có thể được chấp nhận đầy đủ. Điều này quan trọng để hiểu Đức Hồng Y Kasper sẽ dự kiến giải pháp mục vụ như thế nào để, theo ý ngài, tính bát khả tiêu của tín lý không bị thoả hiệp. Vấn đề là ngài làm như thế một cách đi ngược hẳn lại đặc tính định tín của nhiệm cục Chúa Kitô đã được phát biểu trong các bí tích. Quả là kỳ khôi khi khẳng định hai bậc hôn phối trong cộng đồng Giáo Hội: một cho người hoàn thiện có tính bí tích, và bậc kia cho người bất toàn, hoàn toàn chỉ có tính tự nhiên. Điều này chắc chắn là cách hiểu hoạt động của ơn thánh trong tâm hồn ta!

Cái phao cuối cùng của Đức Hồng Y là nói đến việc tham gia không hoàn hảo của mọi cuộc hôn nhân vào việc kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (71). Thực vậy, luận điểm cuối cùng này cực kỳ yếu ớt. Có nhiều mức độ bất toàn khác nhau và một trong số này là tội bất công. Nếu dây hôn phối là mối tương quan yêu thương đòi có công lý, thì bất cứ hành vi nào đi ngược với nó đều là một bất toàn không thể chấp nhận được, một điều không thể là đối tượng của lòng thương xót cho đến khi có lòng ăn năn vì nó và có sự thay đổi hoàn cảnh ngược với dây hôn phối.

Dĩ nhiên, trước khi thảo luận đề tài này, điều cần là phải nhìn nhận một cách rõ ràng đâu là thực hành thực sự của các Giáo Hội Chính Thống trong lãnh vực này. Không ai dấu diếm sự kiện này: trong hầu hết các trường hợp, chỉ còn là vấn đề chuẩn miễn đơn thuần bằng cách nộp một lệ phí cho Tòa Giám Mục, sau đó, vị Giám Mục Chính Thống sẽ tự động ký cho phép cuộc hôn nhân thứ hai hay thậm chí thứ ba. Đó là điều các Giám Mục và linh mục Công Giáo sống trong những vùng ấy được trải nghiệm hàng ngày; thực tế, điều hết sức rõ ràng là nó đòi trước đó phải có việc ly dị, một điều hoàn toàn xa lạ với viễn kiến cực kỳ tốt đẹp do Đức Hồng Y trình bầy: “Nẻo đường đang bàn sẽ không phải là một giải pháp chung. Nó sẽ không phải là con đường thênh thang cho quảng đại quần chúng, mà là một lối hẹp cho một nhóm nhỏ những cá nhân ly dị và tái hôn trung thực quan tâm tới các bí tích” (72). Chúng tôi sẽ bàn đến khía cạnh này một cách đầy đủ hơn ở chương trong sách này nói về việc chăm sóc mục vụ.

2.8. Cách hiểu của Giáo Hội

Cuộc thảo luận vắn vỏi trên đây rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của các sự thật chủ yếu của mạc khải đang gặp nguy cơ trong vấn đề này. Chắc chắn, ở đây, chúng ta thấy mình đang can dự sâu xa vào một trong các yếu tố thần học chủ yếu của sơ truyền (kerygma) Kitô giáo, và cái hiểu quân bình về điều này có tính nền tảng đối với đời sống thực sự của Giáo Hội.

Do đó, dựa trên trình bày của của chúng tôi, xem ra không có chỗ nào dành cho một “giải pháp mục vụ” đơn thuần theo hướng khoan dung. Vì việc này liên quan đến chính cách hiểu của chúng tôi về dây hôn phối, đây không phải là vấn đề được phép trong một số trường hợp, mà đúng hơn là một khía cạnh ảnh hưởng tới đời sống mọi cuộc hôn nhân vốn cảm nghiệm dây bất khả tiêu như một nguồn ơn thánh, một nguồn sức mạnh mới mẻ để đương đầu với những khoảnh khắc khó khăn, chứng cớ cho thấy sự hiện diện bí tích thực sự của Chúa Kitô trong đời họ. Biến đổi nó thành một điều gì khác, hạ giá nó xuống hàng một trách nhiệm chung tầm thường giữa các người phối ngẫu sẽ là cú đánh khủng khiếp đối với mọi cuộc hôn nhân Kitô Giáo. Đây là một vấn đề quan trọng đến nỗi nó cần được làm cho sáng tỏ tuyệt đối, trên và vượt quá các công bố đơn giản mà không có gì có thể thay đổi.

Cho nên, điều cần là tìm một sự vững chắc chân thực trong các phát biểu của chúng ta vì đây là điều duy nhất đúng đối với mọi khía cạnh liên quan tới cốt lõi của sơ truyền. Trong chiều hướng này, chúng tôi hiểu rằng khó có thể bắt một vấn đề quan trọng như thế lệ thuộc duy nhất một luận điểm thần học như luận điểm chúng tôi vừa trình bày, mặc dù chúng tôi đã tìm cách làm cho nó hết sức chính xác và, dĩ nhiên, dựa vào Huấn Quyền hết sức rõ ràng gần đây. Truyền thống Giáo Hội là điểm tham chiếu cần thiết để xác định vấn đề đã được hiểu ra sao và liệu có căn bản hay không cho một lòng khoan dung “nhiệm cục” Chính Thống hơn điều chúng tôi gán cho nó trong sách này. Chúng ta cần xét xem liệu có chỗ nào để thừa nhận kỷ luật Chính Thống hay không và liệu làm thế có dẫn chúng ta tới một sự thay đổi trong tín lý của Giáo Hội Latinh hay không về dây hôn phối.

Cho nên, điều tuyệt đối cần thiết là tham chiếu Giáo Hội của các Giáo Phụ. Chúng tôi sẽ thảo luậc chủ đề này trong chương kế tiếp.

Kỳ cuối: các ghi chú chi tiết