Điều gì đã đi sai?

Ngày 15 tháng 7, 2003, Cha Mankowski đã đến nói chuyện với Liên Huynh Giáo sĩ Công Giáo về cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, cách nó dã diễn ra như thế nào.

Điều gì đã đi sai, và tại sao? Ai trong phòng này cũng đều hiểu đúng rằng đây có ý nói đến Cuộc khủng hoảng, việc trong suốt mười tám tháng qua, hàng ngày, đều có tiết lộ về vô số các điển hình linh mục sa đoạ, các giám mục gian dối, và hậu quả là sự hoang mang và giận dữ của giáo dân. Quan điểm của riêng tôi, một quan điểm mà tôi đưa ra để qúy bạn xem xét, là Cuộc khủng hoảng chủ yếu gây ngạc nhiên vì mức độ không đáng ngạc nhiên của nó. Không ai đang đấu tranh cuộc chiến văn hóa trong Giáo hội trong hai mươi năm qua lại có thể không nhận ra mình đang đấu tranh với một bộ máy bàn giấy thù nghịch và hàng giáo phẩm mâu thuẫn trong cuộc chiến đấu của những người muốn được giải thoát khỏi việc lạm dụng tình dục - bất chấp sự chênh lệch trong bi kịch báo chí theo dõi. Thực thế, tôi cho rằng điểm khác biệt quan trọng duy nhất trong thất bại của Giáo hội liên quan đến các giáo sĩ lạm dụng và những thất bại liên quan đến phụng vụ, dạy giáo lý, chính trị phò sinh, bất đồng tín lý và bản dịch Kinh thánh là thế này: trong tai tiếng lạm dụng tình dục, chúng ta được phép đọc kỹ các thông tri được ghi chép của chính các giám mục. Cuộc tấn công tình dục lệch lạc đã thực hiện được một điều mà việc lạm dụng phụng vụ không bao giờ có thể thực hiện được: nó đã tạo ra áp lực của các phương tiện truyền thông thế tục và những hạn chế pháp lý thế tục một cách áp đảo đến mức tính hành chính quan liêu buộc phải công khai hóa các hồ sơ của mình.

Những gì chúng ta đọc được trong các hồ sơ đó thật gây sốc, đúng vậy, nhưng đối với hầu hết chúng ta, nó gây sốc theo nghĩa déja vu (đã thấy rồi). Trong những năm sau Công Đồng Vatican II, việc bà nội trợ phàn nàn rằng Cha bỏ qua Kinh Tin Kính trong thánh lễ và việc bà phàn nàn rằng Cha mò mẫm con trai bà đã có những trải nghiệm giống nhau đáng kể ở chỗ cảm thấy rằng chính bà đã sai lầm cách nào đó; bà đã làm ô uế danh dự của những người đức hạnh; những lời phàn nàn của bà làm gián đoạn một cách không được hoan nghinh những công trình quan trọng hơn; tình hình thực sự đã được tòa Giám Mục biết rõ và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát; sự hiểu biết rộng hơn và đầy đủ hơn của các chức sắc cao cấp hơn trong Giáo Hội biện minh cho việc dường như không hành động của các ngài; chỉ trích cha phó là chỉ trích cha sở là chỉ trích cha quản hạt là chỉ trích giám mục; công khai hóa sự không hài lòng của bà là gây ra tai tiếng và sẽ gây tổn hại một cách tích cực đến những nỗ lực kín đáo nhằm sửa chữa các tệ nạn; nhiệm vụ của bà là giữ im lặng và tin tưởng rằng những người được chính thức gánh vác trách nhiệm liên hệ sẽ thực thi chúng đúng lúc; việc trì hoãn sửa chữa các vấn đề đôi khi cần thiết vì lợi ích chung của Giáo hội!

Bức tranh trên cố ý mô tả những việc các tín hữu đối phó với bộ máy hành chính đang hoạt động bình thường, trong đó các đấng bậc trên cao phần lớn sống trong ốc đảo. Thỉnh thoảng ai đó cố gắng phá vỡ tính ốc đảo ấy và được tiếp xúc với chính các giáo phẩm có trách nhiệm. Trong trường hợp này, một thủ đoạn khác thường được sử dụng, một thủ đoạn tôi từng cố gắng phác thảo tám năm trước đây trong một tiểu luận có tên “Những người thuần thục [tames] trong cuộc sống giáo sĩ”:

"Trong các tình huống một đối một, những người thuần thục trong các chức vụ có quyền hạn hiếm khi thẳng thừng bác bỏ tính hợp lệ của đơn tố cáo tham nhũng do cấp dưới đệ trình. Thông thường hơn, họ sẽ thừa nhận thực tại và mức độ nghiêm trọng của vấn đề được nêu ra, sau đó giả vờ làm người tố cáo tin tưởng nơi họ, bảo đảm với người tố cáo rằng những người có trách nhiệm hoàn toàn ý thức được cuộc khủng hoảng và các biện pháp đang được thực hiện, một cách lặng lẽ, đằng sau hậu trường, để khắc phục nó. Do đó, gánh nặng giữ kín câu chuyện được chuyển sang cấp dưới với danh nghĩa quan tâm đến lợi ích của định chế và lòng trung thành bản thân đối với nhà cai quản: họ không được công khai hóa bằng chứng của mình về hành vi sai trái để tránh làm gián đoạn diễn trình - luôn bị che khuất khỏi tầm nhìn – nhờ thế, nó mới được giải quyết. Mưu mẹo này được gọi là thủ đoạn Bí mật Ông Già Noel: “Không có quà nào bên dưới gốc cây cho con đâu, nhưng đó là vì Bố đang ở dưới tầng hầm làm cho con một thứ đặc biệt. Nó nhất định là một điều bất ngờ, vì vậy đừng hở một lời nếu không con sẽ làm hỏng hết mọi chuyện". Và, tất nhiên, Giáng sinh sẽ không bao giờ đến. Có lẽ hầu hết các cố gắng cải cách có ý ngay lành trong một phần tư thế kỷ qua đã bị giữ trong ngăn kéo vô hạn định bởi các tay thuần thục cao cấp sử dụng mưu đồ này để mua đường thoát khỏi những tình huống khó khăn mà về mặt tính tình họ không thích hợp" (1).

Những gì tôi đã trình bầy trước qúy bạn là hai khung cảnh trong đó các khiếu nại lạm dụng được trình cho những người có thẩm quyền và ở đó dường như chúng biến mất - ý tôi là các khiếu nại chứ không phải các lạm dụng. Tất nhiên, người ta hy vọng rằng một điều gì đó đang được thực hiện ở hậu trường, nhưng bất cứ điều gì xảy ra luôn ở lại hậu trường. Nhiều tuần trôi qua mà không có những thay đổi thấy được trong việc lạm dụng và không có phản hồi nào từ bộ máy hành chính, người ta bị giằng xé giữa hai phỏng đoán trái ngược nhau: đó là khiếu nại của người ta đã được chuyển lên tầng trên đến cấp cao đến nỗi thậm chí cả giám mục (hoặc bề trên) cũng bị cấm thảo luận về nó; hoặc, một khi sự im lặng của người ta đã được bảo đảm và vấn đề công khai hóa rùm beng không ai hoan nghênh đã qua khỏi thì không có bất cứ điều gì được thực hiện.

Bây giờ điều đáng chú ý về Cuộc Khủng Hoảng là nó đã xác nhận trọn vẹn sự nghi ngờ thứ hai. Trong hàng ngàn và hàng ngàn trang hồ sơ, người ta hiếm khi nào, nếu có bao giờ, được xây dựng bằng một bất ngờ thú vị, khi phát hiện ra rằng mối quan tâm của giám mục hoặc bề trên đối với nạn nhân hoặc đối với Đức tin không lớn hơn những gì công chúng biết, nghĩa là bộ máy công lý đang tăng ga và chạy hết ga, nhưng theo cách vô hình đối với những người ở bên ngoài vòng giữ ý tứ. Không gì diễn ra cả.

Tôi nghĩ điều này đi xa đủ để giải thích sự kiện này là khi vụ tai tiếng nổ ra, chính những người Công Giáo bảo thủ là những người đầu tiên và là những người lớn tiếng nhất kêu gọi các giám mục từ chức, và chỉ sau đó những người theo chủ nghĩa cấp tiến cánh tả mới tìm được tiếng nói của mình. Một phần sự phẫn nộ của chúng ta liên quan đến sự vô tâm đáng kinh ngạc của các giám mục đối với chính sự lạm dụng; nhưng một phần, theo tôi, là người phục vụ bực tức khi hiểu ra rằng, vì cùng những lý do y hệt, tất cả các cố gắng của chúng ta trong cuộc chiến văn hóa nhân danh các chủ trương Công Giáo đã bay mất trong cùng làn khói bàn giấy.

Do đó, tôi đặt vấn đề với những nhà bình luận vốn gọi Cuộc khủng hoảng này là một “lò nguyên tử chảy tan” hoặc “ngày 11 tây tháng 9 của Giáo hội” hoặc những người ví nó như một cơn đại hồng thủy. Bất cứ điều gì cần làm tan chảy đều đã xảy ra trong nhiều năm trước, và ở cùng khắp các lãnh vực, không riêng trong hành vi sai trái của linh mục. Do đó, khi giải quyết câu hỏi, "điều gì đã đi sai và tại sao?", tôi cần cố gắng giải thích không chỉ các vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục mà còn cả sự thất bại lớn hơn trong Giáo hội, những điểm yếu đã có trước cả Công đồng Vatican II.

Nghịch lý thay, một trong những yếu tố chính gây ra cảnh tha hóa của đời sống giáo sĩ vào cuối thế kỷ 20 là sức mạnh của nó ngay từ lúc đầu. Ở đây tôi xin trích dẫn James Hitchcock:

"Một sự thật u ám về đời sống giáo sĩ là, chỉ trừ những thế kỷ đầu tiên, không có thời điểm nào trong lịch sử của Giáo hội mà cuộc sống như thế lại bình dị cả. Thời Trung cổ có dự phần vào việc các linh mục cư xử sai trái, và các giáo sĩ bình thường ở giáo xứ không được đào tạo bài bản và là một phần của nền văn hóa nông dân, một nền văn hóa, về một số mặt nào đó, vẫn còn có tính ngoại giáo. Phong trào Phản Cải cách đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện tình trạng của hàng giáo sĩ, đặc biệt là thông qua việc thành lập một định chế lẽ ra là hiển nhiên nhưng vì một lý do nào đó lại không phải như vậy - tức chủng viện. Ngay cả khi đã có những nỗ lực này, các vụ tai tiếng của giáo sĩ và nhiều loại thiếu khả năng khác nhau vẫn tiếp diễn lâu dài, giữa một số linh mục thánh thiện hiếm hoi và nhiều người khác có lòng đạo đức và lòng nhiệt thành vững chắc. Tại Hoa Kỳ, giai đoạn l900-l960 có thể được coi là thời kỳ hoàng kim của chức linh mục, không chỉ trong thời hiện đại mà trong suốt các thế kỷ của Công Giáo. (Thời kỳ hoàng kim này không chỉ giới hạn ở Mỹ mà có mặt ở cả các nước khác nữa). Mặc dù các linh mục của thời đại đó chắc chắn có các sai lỗi của họ, nhưng theo tất cả các tiêu chuẩn có thể đo lường được, thì họ ít ngu dốt hơn, ít vô luân hơn, ít bỏ bê bổn phận hơn và ít bất tuân phục hơn so với hầu như bất cứ thời điểm nào trong lịch sử của Giáo hội. Tích cực hơn, các linh mục của thời đại đó nhìn chung là những người đạo đức và sốt sắng, và những người không đạo đức và sốt sắng ít nhất cũng phải giả vờ như mình đạo đức và sốt sắng" (2).

Không phải chỉ nhân cách linh mục tốt, mà danh tiếng của hàng giáo sĩ Công Giáo cũng rất cao. Điều này kéo theo một số vấn đề. Thứ nhất, là một địa vị đáng kính trong xã hội, cuộc sống giáo sĩ cung cấp những đám cỏ cao, để nhiều kẻ bất lương và những cá nhân rối loạn có thể tìm đến ẩn nấp. Tôi ước lượng có từ 50 đến 60 phần trăm những người đàn ông bước vào đời sống tu trì với tôi vào giữa thập niên 70 là những người đồng tính luyến ái, họ không có hứng thú đặc biệt nào đối với Giáo hội, mà chỉ dùng đòi hỏi độc thân của chức linh mục như một cách để ngụy trang lý do thực sự cho sự kiện họ sẽ không bao giờ kết hôn. Trong mối liên kết này, cần lưu ý rằng quân đội cũng các phần tử đồng tính luyến ái kiểu dấu mặt này, tuy ít hơn nhưng vẫn không thể giản lược được, cũng như những tên vô lại trên các giàn khoan ngoài khơi và các tàu buôn (“Tôi chưa bao giờ kết hôn vì tôi di chuyển nhiều nên sẽ không công bằng đối với cô gái...”). Có lẽ không bao giờ có thể loại bỏ được một bách phân nào đó những người đồng tính luyến ái trong những ngành nghề này. Ngoài ra, tôi cũng tin rằng lời giải thích thuyết phục nhất về số lượng người ấu dâm cao một cách không cân đối trong hàng linh mục không phải là Lý Thuyết Kiêng Cữ Khiến Giáo Hội Trồng Những Kẻ Hí Hửng (Abstinence Makes The Church Grow Fondlers) nổi tiếng lâu nay, mà là lời giải thích ngược lại mới đúng, một lời giải thích do một nhân viên cải huấn tại một nhà tù Canada đề xuất với tôi. Ông ta gợi ý rằng, trong những năm trước đây, những người đàn ông Công Giáo nào, nhận ra mình có xu hướng thiếu dâm (pederastic) và ghét nó, sẽ cố gắng giết chết nó bằng cách vào một chủng viện hoặc một đan viện, nơi họ ngây thơ tin rằng chiều kích tình dục của cuộc sống sẽ đơn giản biến đi. Nhưng nó không hề biến mất, và nhiều người trong số những người đàn ông này, đến lúc nhận ra mình sai, họ đã đâm ghiền. Gợi ý này có lợi điểm là giải thích được sự kiện này: hầu hết các linh mục thực sự ấu dâm dường như là nam giới từ 60 tuổi trở lên, và thuộc thế hệ người Công Giáo một mặt có ý thức mạnh mẽ về tội trọng tình dục và, mặt khác, xác tín mạnh mẽ về sự khổ hạnh và tính chính trực của đời sống linh mục. Đối với những người đồng tính luyến ái và ấu dâm, tôi xin thêm nhóm thứ ba, những người mà tôi gọi là “thuần thục” (tames) - những người đàn ông không có khả năng đối mặt với những tình huống thường không vui của tuổi trưởng thành và những người tìm nơi ẩn náu, và thực sự đã thành công, trong một hệ thống coi trọng ngoại hình, chán ghét xung đột và thích lời nói dối có lợi. Tóm lại, uy tín xã hội và danh tiếng cao gắn liền với chức linh mục thời hậu Thế chiến 2 khiến nó trở nên hấp dẫn đối với những người đàn ông có nhân cách thấp kém và tạo cho họ một ngụy trang tuyệt vời.

Nhân tố chủ chốt thứ hai trong tình trạng sa đọa hiện nay là việc các giám mục đánh mất khả năng tự sửa chữa mình. Vấn đề này có cả chiều kích định chế lẫn bản thân. Mô hình hợp đoàn giám mục (episcopal collegiality) được áp dụng kể từ Công đồng đã không làm tăng thiện chí hỗ tương của các giám mục, nhưng nghịch lý thay, đã làm cho loại thiện chí biểu kiến (chỉ có ở bền ngoài) trở thành bắt buộc trong hầu hết mọi tình huống. Một lần nữa tôi xin trích dẫn James Hitchcock. Nói về nhu cầu Giáo Hội phải dùng tới ngoại giao để đối phó với các nhà nước vượt trội về mặt quân sự, Hitchcock viết:

"Điều oái oăm và không khích lệ là trong kỷ nguyên dân chủ hiện đại, khi Giáo hội được hưởng ân phúc độc lập hoàn toàn khỏi sự kiểm soát chính trị, thì ngoại giao dường như vẫn còn cần thiết, giờ đây thường tập trung vào các vấn đề nội bộ của Giáo hội. Chẳng hạn, có vẻ như Giáo hoàng không được tự do bổ nhiệm giám mục như ngài thấy phù hợp, mà một diễn trình tham khảo phức tạp, sửa đổi phủ quyết (checks and balances), diễn ra, mà sau đó các ứng viên thành công thường là những người không có kẻ thù ở cao cấp. Hiện nay, dường như Tòa thánh coi các hội đồng giám mục quốc gia, và nhiều dòng tu, gần như là các thế lực ngoại quốc. Người ta thấy lúc nào cũng phải thật chính xác, ngôn từ chính thức phải che cho được các bất đồng khó che, và trên hết phải tránh những “sự cố” tiềm tàng.... Thực hành ngoại giao cố hữu này trong Giáo hội đã mang lại những kết quả nhỏ. Các vụ lạm dụng đã được dung thứ không phải vì hợp nhất mà chỉ đơn thuần vì vẻ bề ngoài của hợp nhất, tự nó sớm trở thành một mối bận tâm quan trọng hơn" (4).

Vì điều quan trọng nhất trong não trạng này là việc tri nhận (perception), vẻ bề ngoài của sự hợp nhất, hầu như không thể loại bỏ một giám mục tồi nếu không gây tai tiếng công khai trước đó - “công khai” ở đây có nghĩa là khét tiếng trong lĩnh vực thế tục, được loan truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi tai tiếng liên quan đến tình dục hoặc tài chính, có vẻ như Tòa thánh nhanh chóng loại bỏ kẻ vi phạm. Khi vụ tai tiếng nằm trong phạm vi dị giáo hoặc bất hợp lệ hành chính hoặc lạm dụng phụng vụ, hầu như không bao giờ có đủ quan tâm thế tục để buộc Tòa thánh phải ra tay. Các Giám mục Milingo, Ziemann và Roddy Wright có nhiều huynh đệ; Giám mục Gaillot có rất ít. Các biện pháp cải cách trung gian như các chuyến viếng thăm chủng viện nhất định sẽ thất bại vì cùng một lý do y hệt; trong sắp xếp hiện nay, không hề có khả thể một cuộc thanh tra thù nghịch, trong đó, những người đến thăm cố gắng “đi đàng sau” hành chính để tự tìm ra sự thật cho chính mình. Làm một điều như vậy hàm nghĩa là thiếu tin tưởng vào bộ máy hành chính và do đó vào giám mục chịu trách nhiệm về nó, và một sự qui lỗi như vậy là hoàn toàn bất khả. Điều này cũng đúng trong việc các giám mục giao dịch với các trường đại học, các hội uyên bác và các dòng tu. Các cuộc thanh tra duy nhất được phép là các cuộc thanh tra thân thiện, trong đó những người đến thăm yêu cầu định chế đang được giám sát tự đánh giá, một việc, tất nhiên, sẽ rất tích cực và khiến cơ hội cải cách gần như là số không.

Câu trả lời thứ ba cho câu hỏi "Điều gì đã đi sai?" liên quan đến một nhân tố cùng một lúc là kết quả của những thất bại trước đó và là nguyên nhân của nhiều thất bại tiếp theo: tôi muốn nói đến chuyện tống tiền tình dục (sexual blackmail). Hầu hết những người hiện là giám mục và bề trên ngày nay đều ở trong chủng viện hoặc học viện trong các thập niên 1960 và 1970. Ở hầu hết các quốc gia thuộc thế giới Tây phương, những nơi này đã rơi vào trạng thái phi kỷ luật trong mười hoặc mười lăm năm. Một bách phân rất cao các giáo phẩm nay đang nắm giữ các chức vụ có thẩm quyền đã thỏa hiệp về tình dục trong thời kỳ đó. Có lẽ họ đã có một cuộc gặp gỡ đồng tính luyến ái với một đồng chủng sinh; có lẽ họ đã có một cuộc tình khác giới ngắn ngủi với một sinh viên thần học khác. Với điều kiện họ không gây ra tai tiếng nghiêm trọng, những người đàn ông như vậy thường được thăng chức tùy theo tài năng và tham vọng của họ. Nhiều người là quản trị viên có năng lực, nhưng họ có một quả bom sẵn sàng nổ trong quá khứ của họ và họ rất ít thích các biện pháp cải cách dưới bất cứ hình thức nào - ngay cả cải cách giáo lý - và họ không thích chút nào các đề xuất cải cách đòi xóa bỏ tệ nạn tình dục.

Trong một số trường hợp, có lẽ còn có sự tống tiền tình dục hoàn toàn, khi một giám mục toan tính kỷ luật một linh mục và linh mục đe dọa sẽ báo cáo quan hệ đồng tính của giám mục trong chủng viện với Sứ thần Tòa Thánh hoặc báo chí, và vì vậy giám mục đã lùi bước. Tôi thường nghi ngờ việc tống tiền tình dục có tính gián tiếp. Không ai đe dọa lộ liễu, nhưng vị giáo phẩm có trách nhiệm đang gặp rắc rối bởi bóng ma quá khứ của mình và không có lòng dạ nào để thực hiện một đường lối cứng rắn. Ngay cả khi bản thân ngài không thoải mái với đồng tính luyến ái, ngài cũng sẽ không cản trở việc thu nhận và đề bạt những người đồng tính. Hầu như ngài luôn coi tình dục theo khía cạnh tâm lý, như một vấn đề trưởng thành về nhân bản, và rất dè dặt đối với ngôn ngữ luân lý và khổ hạnh. Ngài sẽ chỉ hành động khi không thể không hành động, như khi một trường hợp hành vi sai trái tình dục của một linh mục hoặc chủng sinh được cảnh sát hoặc phương tiện truyền thông biết đến. Một cách đặc trưng, ngài không yêu cầu phạm nhân một biện pháp kỷ luật nào nhưng sẽ gửi họ đi huấn đạo, thường là trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể có, và sẽ khôi phục họ vào chức vụ tốt nhất mà các thủ tục của giáo phận và công luận cho phép ngài làm.

Xin lưu ý: tống tiền tình dục hoạt động vượt ra ngoài phạm vi hành vi sai trái tình dục. Khi dì Margaret của qúi bạn phàn nàn về các giáo viên phò phá thai ở trường trung học Công Giáo, hoặc các Nữ tu Dòng Thánh Giuđa thờ Tám Ngọn Gió, hoặc kinh nguyện thánh thể tự chế của Cha, và không có hành động nào được đưa ra, thì rất có thể là sự miễn cưỡng can thiệp của vị giám mục phát xuất từ ý thức rằng ngài đang sống trong thời gian vay mượn. Tóm lại, nhiều giám mục và bề trên, thiếu liêm chính, thiếu can đảm đạo đức. Thiếu can đảm đạo đức, họ không bao giờ có thể là những nhà cải cách, không bao giờ nhổ tận rễ được vấn đề, mà chỉ có thể cầu xin sự bao dung, hàn gắn, và hòa giải. Ở đây, tôi chỉ phác thảo những tình huống ít tệ nhất, trong đó cuộc phiêu lưu của vị giám mục diễn ra rất ngắn, không có vấn đề gì, và hai mươi năm trong quá khứ của ngài. Trong trường hợp người đàn ông tiếp tục khai thác tình dục trong tư cách giám mục, tất nhiên ngài hoàn toàn thỏa hiệp và vụ tống tiền trở nên thảm khốc tương ứng.

Yếu tố thứ tư trong tình trạng sa đọa hiện nay là sự xa cách kỳ lạ của Giáo hội đối với những người lao động cổ xanh. Trước Công đồng, mọi cộng đồng Công Giáo thường lưu ý tới các gia đình sống bằng lương giờ và ngoan đạo một cách không cần biện hộ, trong một số trường hợp, còn đọc kinh mân côi hàng ngày trong gia đình và tham dự thánh lễ hàng ngày nữa. Những gia đình như vậy là một nguồn chính của các ơn gọi tu trì và cũng cung cấp cho Giáo hội nhiều linh mục. Những gia đình này thật tốt cho Giáo hội, tạo ra các giám mục và linh mục, có khả năng nói đến các nhu cầu tâm linh của họ và làm việc để bảo vệ họ khỏi những tác hại xã hội và chính trị. Các gia đình thuộc tầng lớp lao động sùng đạo có đặc trưng nghiêng về một lòng đạo đức phần nào có tính bọc đường, nhưng họ cũng đặc biệt yêu cầu các linh mục nam tính phải truyền đạt điều đó cho họ: đó là nền văn hóa đã cho chúng ta giọng nam trung (baritone) trong chiếc áo các phép có ren ( lace surplice). Ngoại trừ các di dân mới đến từ Mexico, Việt Nam và Philippines, gia đình thuộc giai cấp lao động sùng đạo đã biến mất ở Hoa Kỳ và ở Tây Âu. Sự cộng sinh bổ ích giữa văn hóa giáo sĩ và giai cấp công nhân cũng biến mất. Ở hầu hết các giáo xứ mà tôi biết, các linh mục biết cách nói chuyện với những người chuyên nghiệp và những người chuyên nghiệp biết cách nói chuyện với các linh mục, nhưng những người thợ hàn và thợ lợp mái nhà và thợ kim loại, nếu họ có đến nhà thờ, dường như càng ngày càng bị loại khỏi bức tranh. Tôi nghĩ điều này ảnh hưởng đến Giáo hội theo hai cách: một mặt, chủng viện Công Giáo và nền văn hóa đại học đã được giải thoát khỏi mọi trách nhiệm tự giải thích mình cho giai cấp công nhân, và các ý niệm linh hứng thánh kinh và quyền sở hữu tình dục đã dần dần bị tách rời khỏi các thuật ngữ trong đó chúng có thể dễ hiểu đối với những người bình thường; mặt khác, rất ít linh mục, nếu có, thực sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các công nhân. Trong một giáo xứ hỗn hợp, họ được hỗ trợ bởi các chuyên gia; trong một giáo xứ hoàn toàn chỉ có tầng lớp lao động, họ được hỗ trợ bởi giáo phận - tức là những chuyên gia sống ở nơi khác. Điều đó có nghĩa là cha không những không phải giải trình quan điểm kỳ lạ của ngài về cộng đồng Gioan, mà còn không phải giải trình việc ngài ba buổi tối một tuần sống xa giáo xứ với những bộ quần áo dân thường.

Một nhân tố có liên quan nhưng khác biệt góp phần vào cuộc Khủng hoảng là tiền. Các giáo sĩ nói chung giầu có hơn nhiều so với một thế kỷ trước đây. Điều này có nghĩa giáo sĩ ngày nay không phụ thuộc vào sự phản đối của các tín hữu theo cách mà những người tiền nhiệm của ngài phải chịu, và điều này cũng có nghĩa là ngài có cơ hội và đủ tiền để phạm tội, và phạm tội một cách táo bạo, rất thường xuyên mà không bị phát hiện. Trừ khi ngài hết sức cố gắng làm ngược lại, một linh mục ngày nay thấy mình là một phần của nền văn hóa độc thân tìm kiếm khoái lạc, và cách ngài tiêu khiển và giải trí trùng lắp đáng kể với cách của một tay ngựa chuyên nghiệp trẻ tuổi chưa thuần hóa hẳn (bronco). Điều đáng tiếc là sự trùng lắp này có tính toàn diện một cách quá thường xuyên. Nhưng ngay cả khi một linh mục sống khiết tịnh, bằng cách thu nhận các cậu trai hấp dẫn (boy-toys) và sống một cuộc sống nhung lụa, ngài cũng có thể rơi vào tình trạng thỏa hiệp phần nào. Ngài có thể nghi ngờ một linh mục anh em toan tính sống không tốt qua việc vị này thường xuyên trốn đến một căn hộ chung chia, nhưng nếu ngài cảm thấy không thoải mái về sự buông thả của bản thân, thì chắc ngài không có khả năng gọi điện thoại cho người anh em này để khuyên can. Kinh nghiệm của riêng tôi về đời sống tu trì là thế này: cuộc thảo luận của cộng đồng về “các vấn đề nghèo khó” là điều cực kỳ khó chịu - một phần vì hầu hết mọi người đều cảm thấy dễ bị chỉ trích về một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của mình, một phần vì có một sự thừa nhận không thành văn rằng các vấn đề nghèo khó và khiết tịnh không hoàn toàn không liên quan với nhau. Do đó, chỉ những điều chỉnh nhỏ nhặt và có tính tô điểm nhất được thực hiện, còn tính chính trực của cuộc sống cộng đồng thì tiếp tục xấu đi.

Một điểm nữa, có lẽ kỳ khôi hơn những điểm khác. Tôi tin rằng một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho Giáo hội và một trong những nhân tố quan trọng nhất dẫn đến sự sa đọa của hàng giáo sĩ hiện nay là việc Merton hóa lối sống đơn tu. Tôi có thể không công bằng với Thomas Merton khi đổ lỗi cho ông và tôi không nhấn mạnh đến tên ông, nhưng tôi nghĩ tất cả quí bạn đều có thể nhận ra ý tôi muốn nói: một biến đổi lớn lao trong mô hình đời sống chiêm niệm, trước đây nhằm vào việc hành xác (mortification), chết đối với bản thân qua lối sống khổ hạnh - giờ đây nhằm vào việc tự hiện thực hóa bản thân (self-actualization): Bản ngã đã chiếm vị trí trung tâm. Sự thay đổi này quan trọng vì, mặc dù hơn 50 năm tuyên truyền ngược lại, lý tưởng đơn tu vẫn còn là một hình tượng mạnh mẽ trong việc tự hiểu mình của bất cứ linh mục nào. Rõ ràng là vâng lời, sống đơn sơ và trung thành với việc cầu nguyện có những định hướng khác nhau trong trường hợp một kinh sĩ, một tu sĩ và một linh mục giáo phận, nhưng tất cả đều có tính đơn tu (monastic) trong truyền tải và đều có tính chủ yếu đối với đời sống giáo sĩ. Nơi nào đời sống đơn tu lành mạnh, thì đời sống đó xây dựng cả những bộ phận không phải là đơn tu của Giáo hội, bao gồm và đặc biệt là đời sống của các linh mục trong hoạt động tông đồ tích cực; nếu nó đồi bại hoặc lỏng lẻo, thì sự mất mát cũng lan vào Giáo Hội nói chung - như thể một một lan can ở một bên của ban công bị thiếu vậy. Khi tôi chuẩn bị chiụ chức linh mục, các bậc thầy của tôi đã than thở về điều mà họ gọi là đặc tính “đơn tu” của các chủng viện và nhà đào tạo trước công đồng (thời gian cố định cho việc cầu nguyện chung, thinh lặng, đọc sách trong bữa ăn, v.v.); các vị phàn nàn rằng những kỷ luật như vậy là không phù hợp đối với cuộc sống của các vị vì các vị đã được định sẵn không phải làm đan sĩ mà làm mục tử, nhà truyền giáo và học giả.

Nhưng nhìn vào cuộc sống của những người cùng thời với tôi, một trong những điều tôi thấy thiếu rõ ràng nhất là việc thích cầu nguyện do các thói quen cầu nguyện tốt tạo ra - những thói quen thường là sản phẩm của một kỷ luật mà chúng tôi chưa từng có. Điều này cũng đúng đối với lối sống khổ hạnh và việc từ bỏ mình nói chung. Ngày nay, khi giáo dân bước vào khu nhà của các linh mục, họ dường như hiếm khi có ấn tượng bởi cách sắp xếp cuộc sống của chúng ta một cách đạm bạc và khắc khổ. Họ hiếm khi bỏ đi với ấn tượng rằng người đàn ông sống ở đây giỏi nói không với bản thân. Tuy nhiên, các đan sĩ hiện là, hoặc quen là, các bậc thầy của chúng ta trong việc nói không với Bản Ngã. Một điều gì đó đã đi sai. Đặt cùng ý tưởng này vào một viễn ảnh khác, thật buồn cười khi đọc thấy các nhà bình luận về vấn đề lạm dụng tình dục khuyên rằng các linh mục nên được gửi đến một đan viện để đền tội. Loại đền tội nào? Liệu có chăng một nhà đơn tu duy nhất nào đó ở Hoa Kỳ nơi vị đan viện trưởng có thẩm quyền, huống hồ là xu hướng, để giữ một người đàn ông lao động khổ sai trong hai mươi tháng hoặc sống bằng bánh mì và nước lã trong hai mươi ngày?

Tôi xin tổng hợp lại. Tôi tin rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục không đại diện cho một hiện tượng cô lập hay một thất bại mới, nhưng đúng hơn nó minh họa một tình trạng sa đọa ngày càng tồi tệ hơn của hàng giáo sĩ và giám mục bắt nguồn từ thập niên 1940. Các nhánh chính của nó bao gồm một khối lượng quan trọng các giáo sĩ sa đọa về mặt đạo đức và khiếm khuyết về mặt tâm lý, những người đã tham gia việc phục vụ Giáo hội để tìm kiếm những phụ cấp (emoluments) và lợi thế không liên quan gì đến sứ mệnh thiêng liêng của Giáo Hội, ngoài các nhà lãnh đạo về mặt hiến chế không phù hợp với việc thực thi các nhân đức nói thực (truthfulness) và dũng cảm. Những thói xấu kiểu ngày xưa như ham dục, kiêu căng và lười biếng đã dựng lên cả một bộ máy hành chính hữu hiệu trong việc thông truyền những lời an ủi của Đức tin nhưng bất lực trong việc sửa chữa và giải quyết vấn đề. Kết quả là một tình huống không tuân theo cải cách, trong đó các nhà lãnh đạo tiếp tục lên dự án cho một thông điệp lạc quan và tích cực về phúc lợi của giáo hội ngỏ với một hàng ngũ giáo dân cực kỳ có thiện chí, một thông điệp mà cả người nói và người nghe đều thấy thoải mái hơn là có tính thuyết phục. Tôi tin rằng cuộc Khủng hoảng sẽ sâu xa hơn trong tương lai gần, mặc dù không cảm kích; Tôi tin rằng các chính sách được đề xuất để khắc phục tình hình sẽ chỉ giúp ích một cách hời hợt (tangentially), và toàn bộ ý niệm về cách tiếp cận theo chương trình hành chính - một "giải pháp phần mềm", nếu tôi có thể nói cách đó - là một điển hình cho căn bệnh mà nó có ý định chữa trị. Tôi tin rằng việc cải cách sẽ diễn ra, mặc dù trong một thế hệ tương lai, và các nhà cải cách mà Thiên Chúa cho xuất hiện sẽ đổ máu ra theo gương Chúa Kitô. Nói tóm lại, mượn lời của Wilfrid Sheed, tôi thấy hoàn toàn không có cơ sở để lạc quan, và tôi có mọi lý do để hy vọng.

Chú thích

1. “‘ Tames ’in Clerical Life,” The Latin Mass, Vol. 5, số 3, mùa hè năm 1996.
2. James F. Hitchcock, "Thirty Years of Blight," Catholic Dossier, tháng 7 / tháng 8 năm 1998.
3. Cụm từ này xuất phát từ một tựa đề phụ của một bài báo của William Saletan, "Booty and the Priest," (Chiến lợi phẩm và Linh mục) trên tạp chí trực tuyến Slate, đăng hôm thứ Tư, 6 tháng 3, 2002.
4. James F. Hitchcock, "Conservative Bishops, Liberal Results”, Catholic World Report, tháng 5 năm 1995.