1. Mời gọi quyên góp cho Thánh Ðịa vào ngày 13 tháng 9.

Năm nay, do đại dịch, ngày quyên góp cho Thánh Ðịa, là ngày thể hiện tình liên đới với quê hương của Chúa Giêsu thường được thực hiện vào thứ Sáu Tuần Thánh, được Ðức Thánh Cha quyết định chuyển đến ngày 13 tháng 9 năm 2020. Nhân dịp này, các cha Dòng Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của việc quyên góp cho các nơi thánh này, nơi Tin Mừng đã trở thành lịch sử.

Tháng 4, khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã biến các giáo xứ của nhiều nước châu Âu thành một sa mạc, theo truyền thống là khu vực luôn dẫn đầu trong việc quyên góp cho Thánh Ðịa, Ðức Thánh Cha đã chấp thuận đề xuất hoãn việc quyên góp đến ngày 13 tháng 9. Cha Francesco Patton, bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa giải thích: “Ngày này được chọn vì đây là Chúa Nhật gần với lễ Suy tôn Thánh Giá. Ở Giêrusalem, chúng tôi cử hành đặc biệt trọng thể lễ này, để ghi nhớ tình yêu của Con Thiên Chúa đã dành cho chúng ta đến mức hiến mạng sống trên Thánh vì giá chúng ta, vì ơn cứu độ chúng ta”.

Các Giáo hội giúp đỡ các Giáo hội khác, trong một mạng lưới liên tục của tình huynh đệ là nét đặc trưng của các cộng đoàn Kitô trên khắp thế giới. Nhưng có một sự giúp đỡ đặc biệt của các Giáo hội khắp hành tinh dành riêng cho Thánh Ðịa vì nơi đây có một giá trị riêng, là nguồn gốc của Giáo hội, những viên đá lịch sử, không gian địa lý trực tiếp trong Tin Mừng: Nhà thờ các nơi Thánh ở Giêrusalem, Bêlem, Nazareth. Mỗi năm các Giáo hội địa phương dành một sự trợ giúp cụ thể do cuộc quyên góp dành cho Thánh Ðịa vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong năm nay, một thói quen đã bị phá vỡ do đại dịch.

Trong một video được phổ biến trong những ngày gần đây, cha Patton chỉ ra có nhiều cách để thực hiện việc quyên góp này. Cha cũng cho biết ở Thánh Ðịa có rất nhiều nhu cầu cần được hỗ trợ từ việc đóng góp. Các nhu cầu không chỉ liên quan đến việc bảo trì các nơi thánh, từ Vương cung thánh đường Chúa Giáng Sinh đến Thánh Mộ. Cha giải thích: “Nhờ các đóng góp quảng đại của các Kitô hữu trên khắp thế giới chúng tôi sẽ có thể hỗ trợ hoạt động mục vụ của các giáo xứ được giao phó cho chúng tôi; chúng tôi sẽ có thể bảo đảm giáo dục chất lượng cho hơn 10 ngàn học sinh đang theo học tại các trường của chúng tôi; chúng tôi có thể giúp đỡ các gia đình trẻ tìm được nhà ở; chúng tôi có thể trợ giúp những người lao động nhập cư Kitô cảm thấy được đón tiếp trong lúc phải xa quê hương; chúng tôi có thể sát cánh với những người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Syria và những người tị nạn hiện đang sống rải rác ở các quốc gia”.

2. Tổng giáo phận Managua kêu gọi tái thiết nhà nguyện bị đốt phá.

Tổng giáo phận Managua, thủ đô Nicaragua, kêu gọi các tín hữu đóng góp để tái thiết Nhà nguyện Máu Thánh Chúa Kitô, với bức ảnh cổ kính từ gần 400 năm nay, bị đốt cháy ngày 31 tháng 7 năm 2020.

Bức ảnh này được coi là thánh tích rất được các tín hữu Công Giáo Nicaragua tôn kính.

Thông cáo nói rằng: “Ðức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục giáo phận Managua, cám ơn tất cả những người đã bày tỏ tình liên đới vì những gì đã xảy ra tại nhà nguyện Máu thánh Chúa Kitô. Sau khi tham khảo ý kiến các vị đại diện, Ðức Hồng Y công bố cho tất cả các tín hữu số tài khoản ngân hàng để họ có thể hỗ trợ công trình tái thiết và tu bổ Nhà nguyện Máu Thánh Chúa Kitô, trong nhà thờ chính tòa Managua.”

Ngoài các tài khoản ngân hàng đó, các tín hữu có thể trao thẳng tiền hỗ trợ cho các linh mục ở nhà thờ chính tòa.

Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng bày tỏ tình liên đới với giáo phận Managua và Giáo hội địa phương trong vụ này.

Ðức Hồng Y Brenes đã gọi vụ đốt phá Nhà nguyện là một cuộc tấn công khủng bố, mặc dù nhà cầm quyền cho rằng đây là một tai nạn.

Cuộc tấn công rõ ràng xảy ra sau những căng thẳng giữa người Công Giáo và những người ủng hộ Tổng thống Daniel Ortega, là tên trùm cộng sản trước đây đã thống trị đất nước trong hơn một thập kỷ sau khi lật đổ chế độ Somoza vào năm 1979. Sau thời kỳ cộng sản, Ortega một lần nữa trở thành tổng thống Nicaragua kể từ năm 2007 và bãi bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2014 để trở thành đại đế suốt đời.

Ngay sau khi vụ tấn công này, vợ của y, bà Rosario Murillo, cũng là phó tổng thống Nicaragua dù chẳng có bằng chứng gì trong tay, bà ta cho rằng không có ai tấn công hết cả, chẳng qua là các tín hữu đốt nến trước bức tượng, làm cháy bức màn, nên gây ra đám cháy.

Đức Hồng Y Brenes đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Murillo. “Nhà nguyện của chúng tôi không có màn cũng chẳng có nến.”