(Tổng hợp) Bắt đầu Chuá nhật này, cuộc bầu cử tổng thống (2 ngày) cuả nước Belarus sẽ đến hồi kết thúc và cũng giống như 26 năm qua, kết quả chiến thắng thì không bao giờ có ai nghi ngờ cả, đó là vị đương kim tổng thống Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo độc tài đã cai trị một đất nước thuộc Liên Xô cũ từ năm 1994.

Nhưng buổi lễ đăng quang vẫn thường được kiểm soát suông sẻ những lần trước đây, ông Lukashenko, được gọi là "nhà độc tài cuối cùng của châu Âu", lần này phải đối mặt với một thách thức chưa từng có trong triều đại cuả ông.

Trước cuộc bầu cử, Belarus đã chứng kiến nhiều tuần biểu tình vì sự bất mãn về việc Lukashenko xử lý đại dịch coronavirus. Hàng chục nghàn người tham gia biểu tình ôn hòa ở thủ đô Minsk, và hàng nghìn người khác ở các thành phố nhỏ khắp đất nước. Cuộc biểu tình ở Minsk tháng trước là cuộc biểu tình lớn nhất ở Belarus kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Không chỉ phải đối mặt với sự bất mãn của dân chúng mà thôi, Lukashenko còn phải đối mặt với những bất bình lớn hơn trong giới lãnh đạo cao cấp của Belarus và đáng kể nhất là với nhà tài trợ chính của Belarus, là nước Nga.

Theo ông Alexander Feduta, từng là trợ lý chiến dịch tranh cử của Lukashenko vào những năm 1990 và nay là một nhà phân tích chính trị, nói: "Cho đến nay chưa từng có gì nghiêm trọng có thể đe dọa quyền lực của ông ấy. Nhưng bây giờ là lần đầu tiên, ông ấy có thể làm mất nó".

Các cuộc chống đối đã đoàn kết xung quanh ba người phụ nữ, đang cố gắng truất phế Lukashenko ra khỏi chức vụ. Đứng đầu là bà Svetlana Tikhanovskaya, một cựu giáo viên, mà cách đây vài tuần chỉ là một bà nội trợ ở nhà.

Bà Tikhanovskaya đã miễn cưỡng gánh vác vai trò này sau khi chồng cuả bà, ông Sergey Tikhanovsky, một blogger nổi tiếng, bị bỏ tù và không được ghi tên tranh cử.

Người quan trọng kế tiếp đang hậu thuẫn bà Tikhanovskaya là bà Veronika Tsepkalo, mà cả gia đình, ông chồng Valery Tsepkalo và các con, đã phải đào tẩu khỏi Belarus sau khi bị cấm tham gia bầu cử.

Người phụ nữ thứ ba, bà Maria Kolesnikova, là trợ lý cho chiến dịch tranh cử của một ứng cử viên nổi tiếng là ông Viktor Babariko, một cựu nhân viên ngân hàng, đã bị bỏ tù ngay trước cuộc bầu cử với cáo buộc gian lận.

"Sự thúc đẩy cuả tôi là vì tình yêu, tình yêu cho chồng", bà Tikhanovskaya nói với ABC News trong một cuộc phỏng vấn ở Minsk hôm thứ Tư.

"Vào lúc đó, tôi thấy có rất nhiều người ủng hộ anh ấy và rất nhiều người muốn có sự thay đổi, họ đang mệt mỏi và tôi cảm thấy có trách nhiệm với tất cả những người này, " bà nói.

Chủ trương của bà Tikhanovskaya thì rất đơn giản: giải phóng các tù nhân chính trị và sau đó tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng mới trong vòng sáu tháng. Bà ấy cho biết bà không muốn tiếp tục làm chính trị một khi Lukashenko từ chức.

Ba người phụ nữ bản lĩnh này đang tận dụng làn sóng bất mãn, là sự tức giận về một nền kinh tế yếu kém dưới thời Lukashenko và một cú sốc khi Lukashenko tỏ vẻ khinh thường đại dịch coronavirus.

Lukashenko chế giễu đại dịch là cơn cuồng loạn toàn cầu và từ chối áp dụng các biện pháp kiểm dịch quan trọng ở Belarus, bất chấp lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới. Ông ta đưa ra một số liệu thống kê về tử vong ở một mức thấp đáng ngờ, ngay cả khi số liệu chính thức cho thấy có ít nhất 68.000 trường hợp ở Belarus.

Không đặt kỳ vọng gì ở chính quyền được, người dân Belarus đã thực hiện các biện pháp ngăn ngừa riêng, như giữ con cái nghỉ học ở nhà và thành lập các nhóm tình nguyện để cung cấp đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.

Ông Yaroslav Romanchuk, một nhà kinh tế học và từng là ứng cử viên chống lại Lukashenko năm 2010 cho biết phản ứng của chính quyền khiến ông nhớ lại phản ứng của Liên Xô trước thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

"Đó là sự cẩu thả, ngu ngốc và kiêu ngạo cùng một lúc. Và đó là điều khiến mọi người vô cùng tức giận", Romanchuk nói. "Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu của các cuộc biểu tình lớn là khi các bậc cha mẹ, như tôi, không cho con mình đi học vì coronavirus."

Lukashenko đã đáp trả các cuộc chống đối bằng cách đưa ra những lời nhạo báng phụ nữ và vu cáo họ phục vụ cho các thế lực nước ngoài, mà ông cáo buộc là tìm kiếm một cuộc cách mạng giống như ở Ukraine vào năm 2014. Ông không chỉ đả kích các nước phương Tây mà thôi, ông còn đả kích một cách trực tiếp hơn ngay cả Moscow.

Tuần trước, lực lượng an ninh Belarus cho biết họ đã bắt giam 33 lính đánh thuê người Nga tại một khu nghỉ dưỡng ở gần Minsk. Họ cho rằng đám đánh thuê này được cử đến để gây bất ổn bầu cử. Truyền hình nhà nước Belarus đã phát sóng đám bị bắt giữ này và cho là một đám thuộc hạ cuả Wagner, là một nhà thầu quân sự tư nhân có liên hệ với điện Kremlin, từng được triển khai ở Syria và ở các điểm nóng khác trên thế giới.

Một số nhà phân tích đã từng nghi ngờ rằng đây chỉ là một màn kịch cuả Lukashenko trước cuộc bầu cử. Nhưng mà trong số những tên bị bắt có một số tên mà trước đây đã được các phóng viên biết đến là đã chiến đấu ở đông Ukraine, và chính phủ Ukraine cũng đã bày tỏ ý muốn được dẫn độ một số người trong số đó.

Dù sự thực có ra sao, thì vụ việc đã vạch trần sự mâu thuẩn giữa Moscow và Lukashenko, đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây và hiện đặt ra một vấn đề không nhỏ cho Lukashenko.

Nga và Belarus là hai quốc gia có sự hội nhập sâu rộng, nhưng gần đây, Điện Kremlin gây áp lực để buộc Lukashenko chấp nhận một liên minh sâu rộng hơn nữa. Để giải toả áp lực cuả Moscow, Lukashenko đã tìm cách quay sang phương Tây, đặc biệt là khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ mà trong năm nay sẽ khai mạc một toà đại sứ tại Minsk.

Các nhà phân tích cho rằng, điện Kremlin có thể đang tìm cách thay thế Lukashenko bằng một nhân vật khác thân thiện với Nga.

Ông Artyom Schraibman, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Moscow, viết trong tuần này : “Càng ngày thì càng ít có khả năng là Điện Kremlin sẽ hỗ trợ Lukashenko trong những lúc căng thẳng chính trị ở Belarus.”

Giới quan sát quốc tế chưa hề một lần nào coi các cuộc bầu cử ở Belarus là tự do và công bằng. Các nhà phân tích đang đặt câu hỏi là sẽ có bao nhiêu người phản đối một cuộc bỏ phiếu gian lận trắng trợn và liệu Lukashenko có sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình hay không.

Trong những ngày gần đây, Lukashenko đã đi tham quan các căn cứ quân đội, và truyền hình nhà nước đã chiếu cảnh cảnh sát chống bạo động đang diễn tập với các loại vũ khí nặng. D0ống thời chính quyền cũng bắt đầu ngăn chặn các cuộc biểu tình hòa bình do bà TIkhanovskaya dẫn đầu. Hôm thứ Năm, quân lính đã được điều động đến một công viên ở Minsk, là nơi mà chiến dịch của bà TIkhanovskaya thường huy động được hàng chục nghìn người. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng đã bị giải tán và có bắt giữ.

Bà Tikhanovskaya cho biết nếu có phản đối sau bầu cử, thì bà sẽ tham gia. Bà cho biết nếu bị bắt sau cuộc bỏ phiếu, bà hy vọng sẽ có sự phản đối kịch liệt từ các quốc gia khác.

Những người biểu tình cho biết rằng bầu không khí cảm thấy khác so với những năm trước, phần lớn những nỗi sợ hãi đã biến mất, mặc dù điều đó có thể nhanh chóng thay đổi. Một số nhà quan sát cũng cho biết, một cuộc đàn áp bạo lực có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cho Lukashenko.

Nhà phân tích Romanchuk nói: "Ông ta (Lukashenko) đang mất dần quyền lực, từng bước, từng bước và thậm chí có thể bất ngờ nhanh hơn nếu ông ta sử dụng vũ lực vào các ngày bầu cử 9 và 10 tháng 8 này.”