CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 13, 1-23)
GIEO GIỐNG


Dụ ngôn Chúa dậy hôm nay,
Nhìn người gieo giống, đôi tay nhịp nhàng.
Nắm từng vốc lúa chín vàng,
Đi gieo khắp chốn, từng hàng tung rơi.
Vệ đường ít hạt chơi vơi,
Chim trời ăn mất, chỗ nơi xa gần.
Hạt rơi xỏi đá ẩn thân,
Mặt trời nắng gắt, lột trần hạt tan.
Bụi gai hạt giống tràn lan,
Um tùm chết ngạt, bóng tàn héo hon.
Hạt rơi đất tốt mầm non,
Sinh hoa kết trái, vàng son đẹp mầu.
Nước Trời bí nhiệm cao sâu,
Thành tâm tìm hiểu, nguyện cầu khấn xin.
Trau dồi kiến thức niềm tin,
Canh tân hối cải, ngước nhìn trời cao.
Đức tin hạt giống truyền rao,
Mở lòng đón nhận, khát khao Nước Trời.
Thành tâm sám hối sống đời,
Hạt mầm gieo vãi, tuyệt vời phát sinh.

Hình ảnh người gieo giống nơi cánh đồng rất ấn tượng. Người gieo giống ra đi gieo hạt một cách rộng rãi quảng đại. Từng vốc hạt giống được tung ra. Hạt giống rơi xuống những vùng đất khác nhau. Có hạt rơi vào mảnh đất khô cằn, có hạt rơi bên vệ bờ, có hạt rơi vào vũng nuớc sâu và có hạt rơi vào vùng đất tốt phì nhiêu và đã sinh hoa kết trái.

Chúng ta biết rằng nhà nông chuẩn bị mảnh ruộng rất kỹ lưỡng trước khi gieo trồng. Họ chuẩn bị cầy xới, phơi đất ải, mương máng dẫn nuớc đầy đủ và rồi gieo vãi hạt giống. Hạt giống chất chứa mầu nhiệm sự sống. Bất cứ hạt giống nào cũng có tiềm năng nẩy sinh thành mầm cây. Tùy số phận mỗi hạt giống được tung gieo vào nơi đâu để được phát triển. Dụ ngôn Chúa dùng để chỉ một thực tại cụ thể. Mỗi người chúng ta được ví như một mảnh vườn đón nhận hạt giống. Chúa là người gieo hạt và hạt giống là Lời Chúa được gieo vào tâm hồn chúng ta.

Chúa gieo hạt lời Chúa nhiều lần. Gieo nhiều loại hạt khác nhau và gieo mỗi mùa. Có hạt của yêu thương, có hạt phục vụ, có hạt của hy sinh, mỗi hạt đều có sức biến đổi. Có những hạt rơi vào vùng đất thích hợp đã phát triển gấp trăm. Lời Chúa như hạt giống được chôn vùi dưới vùng đất tốt. Hạt giống vẫn chờ đợi khi có cơ hội sẽ phát triển.

Người ta khám phá ra rằng có nhiều hạt giống bị chôn sâu trong các mồ mả của Vua Ai-cập xưa. Họ lấy các hạt giống đem gieo và tưới nước. Thật ngạc nhiên, hạt giống mọc lên sau gần 5 ngàn năm bị chôn vùi dưới đất. Chúa Giêsu ví Ngài như hạt lúa miến bị chôn vùi và thối rữa để trở thành cây sinh nhiều hoa trái.

Mỗi người chúng ta nhận lãnh đức tin, đó chính là hạt giống trường sinh. Hạt giống đang chờ cơ hội bung ra và phát triển để sinh hoa kết qủa. Chúng ta hãy cầy xới tâm hồn để trở thành mảnh đất tốt. Đôi khi chúng ta sẽ cảm nhận sự xót xa đau đớn nhưng chỉ có xới lên được, nguồn nước mới thấm nhập giúp hạt giống nẩy mầm. Tâm hồn mới trở thành miền đất phì nhiêu và sẽ thu hoạch mùa bội thu.

Xin Chúa tiếp tục tưới gội và biến đổi tâm hồn chúng ta trở thành những mảnh đất mầu mỡ để đón nhận hồng ân của Chúa. Xin giúp chúng con phát triển không ngừng sinh hoa kết qủa và cho chúng con tiếp tục đem hạt giống lời Chúa tung gieo khắp nơi.

TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 10: 34-11: 1


Chúa Giêsu nói với các tông đồ một chi tiết mới: Các con đừng tưởng Thầy đến để đem bình an cho thế gian; Thầy đến không để đem bình an mà đem gươm giáo. Khi Chúa Giêsu xuống trần, thiên thần hát vang: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Chúa đến đem bình an cho những ai có lòng thiện. Mỗi lần Chúa hiện đến với các tông đồ, Chúa đều phán rằng: Bình an cho các con.

Phúc âm hôm nay, Chúa nói một tư tưởng khác thường, Chúa đến mang gươm giáo. Vì Thầy đến để gây chia rẽ con trai, con gái, mẹ chồng, nàng dâu và kẻ thù của người ta là những người nhà mình. Chúng ta thấy có sự tranh đấu sống còn vì nước trời. Chúng ta nhìn ngay vào tổ chức tôn giáo thời đó. Các thượng tế, tư tế, luật sĩ, biệt phái, đầu mục và hội đồng cao cấp lãnh đạo đã có những phản ứng không thuận với Chúa Giêsu. Đúng ra họ vui mừng đón nhận Đấng Cứu Thế mà muôn dân đợi trông nhưng họ là những người đầu tiên chống đối và gây sóng gió.

Chúa Giêsu được Chúa cha sai đến cứu độ chứ không đến để luận phạt. Chúa đến để hoàn thiện lề luật và chữa lành những thương tích. Nhưng tất cả những việc lành đã trở nên cớ vấp phạm cho nhiều người. Đã có phân rẽ trong Hội Đồng, các người biệt phái và luật sĩ. Họ đã không đồng thuận với nhau. Lạy Chúa, xin cho chúng con được nên một trong Chúa.

THỨ BA
Mt. 11: 20-24


Chúa Giêsu quở trách dân chúng đã được chứng kiến nhiều phép lạ mà không chịu sám hối. Chúa nói: Khốn cho ngươi, hỡi Côrazin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétsaiđa! Chúa Giêsu so sánh dân Carpharnaum với dân thành Siđon và Tyrô. Khi nghe rao giảng sám hối, dân thành Siđon và Tyrô đã mặc áo nhặm, ăn chay và sám hối trong khi dân xứ này được chính Đấng mà Thiên Chúa sai đến, cùng chứng kiến nhiều phép lạ người làm nhưng lòng dân vẫn chai cứng.

Ngay từ khởi đầu ra rao giảng Tin mừng, Chúa đã kêu gọi sám hối vì nước trời đã gần. Sám hối là thay đổi cuộc sống, từ bỏ nếp sống cũ để sống đời sống mới. Chúa đã làm nhiều phép lạ kèm theo chứng minh cho lời giảng dạy nhưng lòng họ trơ như đá. Họ nghĩ rằng lời của Tin mừng không ăn nhập gì đến đời sống của họ. Họ cứ bình chân như vại trước lời kêu gọi của Chúa.

Capharnaum là địa danh được nhiều ơn phúc. Người ta tưởng rằng sống ở nơi đây là tự động được lãnh nhận ơn cứu độ. Chúa nói rằng: Còn ngươi, hỡi Capharnaum, ngươi tưởng mình được nâng lên tận trời cao? Ngươi sẽ phải rớt xuống âm phủ. Vì ngươi đã từ chối ăn năn sám hối và đổi mới cuộc sống.

Lạy Chúa, Chúa cho mọi người có thời gian và có cơ hội để sám hối và quay về với tình yêu thương của Chúa.

THỨ TƯ
Mt. 11: 25-27


Chúa Giêsu lên tiếng nguyện rằng: Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho người khôn ngoan biết, mà mặc khải cho những kẻ bé mọn. Con đường của Thiên Chúa là con đường đơn sơ và khiêm tốn. Ai sống đơn sơ như trẻ nhỏ sẽ được vào nước Chúa.

Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm cao siêu cho những người bé nhỏ và khiêm tốn. Cả một dân tộc Do Thái, biết bao nhà thông thái, chuyên môn về Kinh Thánh, các luật sĩ và biệt phái tài giỏi, các thầy thượng tế và tư tế phải qua trường lớp và huấn luyện, họ phải có bằng cấp nhưng không ai nhận biết mầu nhiệm Chúa giáng trần.

Ấy thế mà khởi đầu mầu nhiệm nước trời, Chúa đã mặc khải cho một phụ nữ trẻ tại miền quê để cưu mang Con Chúa xuống trần. Thiên Chúa tiếp tục mặc khải cho những người nghèo hèn như các mục đồng, các thợ chài lưới và các môn đệ theo Chúa. Những người đơn sơ đã biết mở lòng đón nhận Tin mừng của nước trời. Chỉ những người mà Chúa Giêsu mặc khải cho mới nhận biết Chúa Cha.

Muốn hưởng ân lộc của Chúa, chúng ta phải dốc bỏ những sự kiêu căng, tự cao và tự đại. Khiêm tốn mở rộng tâm hồn đón nhận ơn của Chúa. Sự khôn ngoan của Chúa trổi vượt sự khôn ngoan của loài người. Xin Chúa mở rộng tâm hồn của chúng con, để chúng con đón nhận Tin Mừng của Chúa.

THỨ NĂM
Mt. 11: 28-30


Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: Hãy đến với Ta, hỡi những ai lao nhọc và gánh nặng, Ta sẽ bổ sức cho các ngươi. Chúa lo lắng cho chúng ta nhiều điều, cả tinh thần lẫn thể xác. Thấy các môn đệ nhọc mệt, Chúa khuyên các ông hãy vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Khi Chúa biết dân chúng đói bụng, Chúa đã làm phép lạ nuôi dân. Khi dân chúng bệnh hoạn, Chúa đã chữa lành cho họ và còn tha tội cho họ nữa.

Chúa như người cha nhân từ tỏ lòng thương xót con dân trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta thử tưởng tuợng Chúa Giêsu mới chỉ ngoài ba mươi tuổi, Chúa ra giảng đạo. Chúa đã gặp gỡ với mọi loại hạng người. Từ những bậc vị vọng trong đền thờ đến những người cùng dân tứ xứ. Chúa đã giảng dạy rất khôn ngoan và Chúa đối xử với mọi người như tấm lòng của người cha đối với con. Dân chúng tôn kính và ngưỡng mộ quyền phép của Chúa. Chúa đã cải hóa được nhiều tâm hồn.

Không phải tất cả mọi người đều lên án giết Chúa. Có nhiều người yêu thương và quây quần bên Chúa. Họ chạy đến với Chúa khi lao nhọc và khổ đau. Không ai chạy đến với Chúa xin chữa bệnh hay nâng đỡ mà bị Chúa từ chối. Tất cả những ai gánh nặng, hãy đến Chúa sẽ nâng đỡ bổ sức cho.

Hằng ngày Chúa vẫn chờ đợi chúng ta đến bên nhà Tạm Chúa, Chúa hiện diện đó đêm ngày mong chờ chúng ta đến với Chúa, Chúa sẽ ôm ấp ủi an và bổ sức cho.

THỨ SÁU
Mt. 12: 1-8


Các ông biệt phái lại trách cứ các môn đệ của Chúa Giêsu đã phạm luật của ngày Sabát. Chúa Giêsu nại vào việc vua Đavít vào đền Chúa lấy bánh dâng hiến mà ăn, cùng cho đoàn tùy tùng cùng ăn. Hoặc các tư tế trong đền thờ vi phạm luật ngày Sabát thì sao? Khi mình sai thì muốn được người khác thông cảm và khi người khác sai sót thì chỉ trích phê bình.

Chúa nói rằng: Con Người là chủ ngày Sabát. Có lẽ họ cũng không nhận ra chân lý này. Chúa là chủ và còn lớn hơn đền thờ. Đền thờ được xây dựng nên để tôn thờ Thiên Chúa. Chúa lại phán rằng: Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ. Chúa mặc khải cho chúng ta biết chính Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ. Chúa không muốn hy lễ máu chiên bò tanh hôi, Chúa không muốn nhang hương xực mùi. Chúa muốn lòng nhân từ và bao dung.

Đền thờ là nơi mọi người tụ họp thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là đền thờ. Nơi đền thờ họ sát tế chiên, bò, dê, trừu làm của lễ hiến dâng, Chúa không ưng. Chúa muốn tấm lòng chân thành và tâm hồn thống hối khiêm cung.

Chúa là chủ của ngày Sabát, tại sao Chúa phải lệ thuộc những qui định của con người đặt ra. Chúa đã đến cư ngụ giữa dân của Chúa mà họ không nhận ra Chúa. Chúa là Đấng mà cả tổ phụ và các cha ông họ đợi trông. Đấng mà mọi người qùy gối thờ lạy. Thiên Chúa đang ngự giữa dân của Ngài.

THỨ BẢY
Mt. 12: 14-21


Các người biệt phái bắt đầu bàn mưu kế chống lại và giết Chúa Giêsu. Chúa biết thế nên đã rời bỏ nơi đó. Chúa tiếp tục chữa lành nhưng Chúa cấm họ đừng cho ai biết người. Chúa muốn sinh hoạt cách âm thầm như lời tiên tri Isaia đã loan báo về Ngài: Ngài không cãi cọ, không la lớn tiếng. Ngài không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói.

Khi tranh luận về quyền bính, về giáo lý, về luật lệ và về cách sống đạo, Chúa đã lên tiếng để cải chính và dậy dỗ. Nhưng khi người âm mưu để hại Chúa, Chúa biết thế Ngài không cãi cọ, Ngài đã rút lui. Chúa Giêsu biết được những âm mưu phản Chúa. Chúa chuẩn bị đầy đủ hành trang cho các môn đệ để họ có thể tự tin để ra đi làm nhân chứng.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cố gắng sống tốt lành, chúng ta cũng không tránh khỏi những sự dèm pha và ganh ghét của người khác. Nơi chốn chung, nhiều người chỉ nói mà không làm hoặc chỉ phê bình và góp ý nhưng không bao giờ muốn đụng ngón tay vào. Người sống đạo không vì sự dèm pha hay ganh tị mà bỏ việc tốt lành mình vẫn thực hành.

Lạy Chúa, Chúa tốt lành và thánh thiện dường bao nhưng vẫn có nhiều người ganh ghét Chúa. Xin cho chúng con biết can đảm theo bước chân của Chúa. Chúng con sẽ phục vụ anh chị em của chúng con trong mọi hoàn cảnh. Xin Chúa thêm ơn khôn ngoan và ơn sức mạnh cho chúng con.