Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm A

Với lời cầu nguyện:“Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”, Chúa Giêsu phân biệt rõ hai hạn người: “khôn ngoan thông thái” và “những kẻ bé mọn”.

1. NGƯỜI BÉ MỌN DỄ ĐÓN NHẬN CHÂN LÝ.

Ðấng Cứu Thế đến trần gian mang ơn cứu độ cho nhân loại. Ơn cứu độ của Chúa đã được ban rộng rãi, nhưng không phải ai cũng có thể đón nhận. Chúa Giêsu chỉ đích danh hạn người khó đón nhận ơn cứu độ, đó là kẻ “khôn ngoan thông thái”.

Bởi một khi cậy mình khôn ngoan, có kiến thức, hiểu biết nhiều, chắc chắn họ sẽ không thể thông hiểu những kín nhiệm của Trời cao, khó đón nhận chân lý Tin Mừng, chân lý đức tin. Những chân lý ấy không thể lĩnh hội chỉ bằng lý trí, vì đó là những thực tại đứng ngoài lý trí.

Bởi thế, càng kiêu ngạo, càng muốn đem kiến thức để giải thích chân lý đức tin, họ càng xa rời đức tin, xa rời Tin Mừng của Chúa. Một khi đã xa cách Chúa, chắc chắn không bao giờ họ có thể có Chúa ở bên để mà cậy dựa.

Chân lý Tin Mừng đòi phải nỗi lực sống từng ngày, cảm nghiệm từng ngày, liên lỷ cầu nguyện trong chân thành, khiêm tốn, mới có thể tiếp cận và khám phá.

Chỉ những tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ mới có thể hội đủ điều kiện đón nhận Chúa, đón nhận chân lý đức tin, chân lý Tin Mừng. Nói cách khác, đơn sơ, khiêm hạ chính là cánh cửa mở ra để loài người bước vào ơn cứu độ của Chúa.

Thiên Chúa yêu người hèn mọn. Người bênh vực người yếu đuối. Chính Chúa Giêsu cho thấy điều ấy khi Người cảm tạ Chúa Cha vì Chúa Cha đã yêu thương nâng đỡ và kêu gọi người nhỏ bé, hèn mọn.

Chính trong sự nhỏ bé của con người, huyền nhiệm tình yêu được tỏ bày. Chỉ có người bé mọn mới dễ đến và tín thác đời mình trong tay Chúa.

Chỉ người nghèo của Chúa mới có thể thấu hiểu thâm sâu tấm lòng của Chúa. Chính Chúa Giêsu khi ở thế gian, thường đến nhà những kẻ thấp bé, bình dân. Chúa lưu tâm đến người nghèo hèn thống khổ. Người không là gì trước mắt nhân loại, lại có vị trí đáng kể trong trái tim nhân từ của Chúa.

Càng trí thức, giàu có, không ngoan…, thì càng phải siêu thoát, càng tập luyện tinh thần khó nghèo, dẹp bỏ thói cậy mình có tất cả, hơn tất cả mới có thể nhận ra Chúa hiện diện, đến gần Chúa, và mang Chúa trong tâm tư mình.

Ngụp lặn theo kiểu thế gian dễ làm ta kiêu ngạo. Mà kiêu ngạo sẽ đưa tới thất bại trên đường tìm Chúa. Nó còn làm ta xa rời đồng loại, mất ân nghĩa với Chúa, dễ đi vào lối mòn của satan, kẻ đã từng phản bội Chúa.

2. CHÚNG TA CẦN CHỌN LỰA KHÔN NGOAN TRONG CHÚA.

Để thánh thiện như Thiên Chúa, ta phải có tâm hồn trẻ thơ trong trắng, đơn sơ, khiêm nhường. Ta cần nhìn nhận mình chẳng là gì, chẳng có gì. Tất cả chỉ nhờ Chúa và do Chúa mà thôi.

Hãy luôn khiêm nhường để được nương tựa bên Chúa. Chính lúc được nương tựa bên chúa, là lúc ta được Chúa bảo vệ, nâng đỡ. Người cứu giúp để ta không vướng vào vòng nguy hiểm của tội lỗi và cám dỗ.

Cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn ta đến một con người cụ thể, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Con người cụ thể ấy là Chúa Giêsu Kitô. Người là vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người.

Hãy nhớ, một người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả do sưu tầm trí thức của con người.

Thánh Têrêsa Avila, tuy không học nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách sâu sắc, đến nỗi thánh nữ được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quí báu giúp mọi thành phần Dân Chúa đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với sự khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để đến với Thiên Chúa và anh em.