Theo Hãng tin Zenit ngày 23 tháng 6, 2020, sau khi có công bố vào ngày 12 tháng 6 năm 2020, trong Tạp chí Khoa học (Science Review), việc hiện có sáu loại vắc-xin có thể chống lại COVID-19, cả sáu đều dùng các dòng tế bào đã lấy từ các bào thai bị hủy thai để sản xuất, Tiến sĩ Justo Aznar, trước đây là thành viên của Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống, đã công bố một bài đánh giá vấn đề này về phương diện đạo đức.



Zenit đã nói chuyện độc quyền với vị Bác sĩ người Tây Ban Nha, Giám đốc Viện Khoa học Sự sống của Đại học Công Giáo Valencia, và là thành viên của Hoàng gia Hàn lâm viện Y học của Cộng đồng Valencia. Ông đã cung cấp nhiều chìa khóa để ta hiểu cách sản xuất vắc-xin và những yếu tố cần được xem xét để luôn hành động có lợi cho sự sống, với tất cả sự nghiêm ngặt khoa học mà nó đòi hỏi.

Tiến sĩ Aznar minh xác rằng việc sử dụng vắc-xin dùng tới các dòng tế bào thu được từ bào thai bị phá thai đặt ra các vấn đề đạo đức sinh học và, dựa vào các ấn phẩm của Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống (năm 2005 và 2017), ông chỉ ra rằng nếu “vắc-xin chống COVID-19 được cung cấp cho công chúng, trong đó các tế bào của bào thai bị phá được sử dụng một cách tự nguyện, chúng có thể được sử dụng tạm thời cho đến khi có sẵn các loại vắc-xin tương tự khác, được sản xuất mà không sử dụng các loại tế bào của loại bào thai đó”, vì “nghĩa vụ đạo đức bảo đảm việc tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe người khác cũng là điều không kém phần cấp bách”.

Các dòng tế bào của thập niên 70 và 80

Tiến sĩ Aznar cũng nói rằng trong trường hợp sáu dòng dùng các tế bào bào thai như vậy, thì “đó không phải là các tế bào thu được từ các vụ phá thai hiện thời, mà là các tế bào được sản xuất từ hai dòng tế bào của bào thai đã được tạo ra trong những thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước từ các vụ phá thai tự ý (induced abortions)”, và ông nhắc nhở rằng Hàn lâm viện Vatican tuyên bố rằng ngày nay, “không còn cần thiết phải lấy tế bào từ những vụ phá thai tự nguyện mới và các dòng tế bào trong đó vắc-xin được dựa vào đã được lấy từ hai dòng bào thai nguyên thủy bị trục thai trong thập niên 60 của thế kỷ trước”.

Gần đây, Giám đốc Đài quan sát đạo đức sinh học của Đại học Công Giáo Valencia đã công bố một Báo cáo có hai phần rõ ràng: một phần có tính khoa học, đề cập đến tình trạng nghiên cứu hiện thời để tìm ra vắc-xin chống COVID-19, và chỉ định rõ dòng tế bào nào của bào thai người bị phá đã được sử dụng trong vắc-xin, và phần kia suy nghĩ xem, theo quan điểm đạo đức, liệu các vắc-xin mới nhất đó có thể được sử dụng hay không.

Vắc-xin của hãng Moderna

Justo Aznar sử dụng báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 27 tháng 5 năm 2020, cho cuộc tranh luận khoa học và hai Báo cáo của Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống, công bố năm 2005 và 2017, cho cuộc tranh luận về đạo đức.

Bằng cách kết luận, các chuyên gia về đạo đức sinh học nói rằng “chỉ có một thử nghiệm lâm sàng hiện hữu trong giai đoạn 2, đó là thử nghiệm của Moderna / NIAID trong đó các tế của bào bào thai chưa được sử dụng. Có khả năng nó sẽ có sẵn cho công chúng song song với hai thử nghiệm trong đó các tế bào của bào thai bị phá được sử dụng.

Hấp dẫn đối với cộng đồng khoa học

Do đó, Aznar nói rõ rằng nếu tại một thời điểm nào đó, ba loại vắc-xin này đều có sẵn (hai loại sử dụng tế bào của bào thai bị hủy bỏ cách tự ý và một của Moderna), “theo quan điểm đạo đức, chắc chắn người ta sẽ phải sử dụng loại không dùng các tế bào của bào thai người bị hủy bỏ để sản xuất”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Aznar khuyến cáo mạnh mẽ rằng các nhà khoa học, các thẩm quyền Giáo hội, các tổ chức xã hội và cả các cá nhân, nên khuyến khích “qua truyền thông mọi phương tiện hợp luân có thể có để thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để sản xuất vắc-xin trong đó, các tế bào không được sử dụng từ bào thai người của các vụ phá thai tự ý".

Dưới đây là cuộc phỏng vấn với Justo Aznar, Bác sĩ y khoa, Chuyên gia về đạo đức sinh học và Thành viên của Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống.

* * *
Hỏi: Tại sao các tế bào của bào thai được sử dụng trong việc nghiên cứu vắc-xin? Đâu là các lợi ích?

Tiến sĩ Aznar: Các tế bào của bào thai là những tế bào chưa bị dị biệt hóa chút nào và do đó, rất hữu ích để nuôi cấy virút, hoặc một số protein mà chúng chứa đựng, sau đó được sử dụng để chích ngừa cho người nhận vắc-xin.

Hỏi: Theo quan điểm nhân học Kitô giáo, tại sao việc sử dụng một loại vắc-xin được chế tạo với các tế bào của bào thai bị tự ý phá thai sẽ không hợp đạo đức?

Tiến sĩ Aznar: Nếu các tế bào của các vụ phá thai tự ý được sử dụng một cách trực tiếp, một phương tiện đã được sử dụng bất hợp pháp về mặt đạo đức để có được một điều gì đó, kể cả khi tốt. Một phương tiện bất hợp pháp không bao giờ có thể được hòa giải với một mục đích bất hợp pháp.

Hỏi: Theo hai Báo cáo được công bố bởi Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống (năm 2005 và năm 2017), người Công Giáo sẽ có thể được tiêm vắc-xin tạm thời bằng cách tiêm loại vắc-xin này (được sản xuất từ các dòng tế bào của các bào thai bị phá). Điều này có nghĩa là gì?

Tiến sĩ Aznar: Nó có ý định quả quyết rõ ràng rằng, nếu vắc-xin được sản xuất từ tế bào của bào thai là loại duy nhất trên thế giới, nó có thể được sử dụng trong khi không có loại nào khác được sản xuất mà không sử dụng loại tế bào này. Do đó, đây là một sự hợp pháp hóa tạm thời tính bất hợp pháp của việc sử dụng nó. Trích dẫn Báo cáo năm 2017 của Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống, “nghĩa vụ luân lý phải được xem xét để bảo đảm việc tiêm phòng bảo vệ sức khỏe của người khác cũng không kém phần khẩn cấp”.

Hỏi: Khi tìm được một loại vắc-xin chống lại COVID-19, liệu có kỳ vọng nào rằng nó sẽ được cung cấp cho mọi người, kể cả các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba không? Có khả năng là như vậy không?

Tiến sĩ Aznar: Luôn luôn, khi có các mục tiêu sinh lợi, vốn dĩ hợp pháp trong việc sản xuất một số loại thuốc, trong trường hợp này là vắc-xin, thật khó để biết liệu các tổ chức chính phủ, công ty dược phẩm hoặc viện nghiên cứu sản xuất chúng, có chịu giảm lợi nhuận của họ vì tình liên đới với công dân các nước đang phát triển hay không, nhưng sẽ rất đáng khen nếu họ làm như vậy.

Hỏi: Một trong số 136 dự án đang được triển khai chế vắc-xin, chỉ có sáu dự án dùng các dòng tế bào thu được từ bào thai bị phá để sản xuất vắc-xin, như Tạp chí “Khoa học” đã chỉ ra. Có những khả thể nào khác được coi “như vấn đề hàng đầu” trong việc nghiên cứu về vắc-xin chống lại COVID-19 không?

Tiến sĩ Aznar: Chắc chắn, người ta đang cố gắng sản xuất vắc xin mà không sử dụng tế bào của bào thai. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, phối hợp với công ty Moderna, đang phát triển một loại vắc-xin sử dụng ARN, tức là, không đòi các tế bào của bào thai bị phá thai. Các công ty khác, chẳng hạn như Sandi, Inovo, và Viện y tế miễn dịch Gen Thẩm quyến, cũng đang làm như vậy.

Hơn nữa, nếu trong Báo cáo mới nhất của chúng tôi, chúng tôi cho biết có khoảng 136 dự án đang được tiến hành để thử việc dùng vắc-xin chống lại COVID-19, và trong số này, chỉ có sáu dự án sử dụng tế bào của bào thai mà thôi, có thể suy ra rằng 130 dự án khác hẳn phải dùng cách khác để sử dụng các tế bào này.

Hỏi: Ngoài ra, bệnh COVID-19 đã đặt ra một số lưỡng nan về đạo đức. Ngoài ra người ta còn nói tới “việc chẩn bệnh sơ khởi” (triage) được thực hiện tại một số bệnh viện của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đâu là các xung đột đạo đức khác hiện chúng ta phải đối đầu?

Tiến sĩ Aznar: Nhu cầu lựa chọn bệnh nhân để có thể áp dụng các loại thuốc cần thiết trong việc điều trị họ đúng cách khi nguồn lực có sẵn dành cho các chuyên gia y tế rất khan hiếm, chắc chắn là một vấn đề đạo đức và chuyên môn rất khó giải quyết, nhưng đó là thực tại. Chúng tôi đã nghiên cứu chủ đề này tại Đài quan sát của chúng tôi trong một Báo cáo trước đó.

Hỏi: Đâu là quy trình chế tạo vắc-xin? Trong trường hợp này, liệu vắc-xin chống lại loại coronavirus chủng mới có đề ra các thách thức mới cho quy trình này không? Các thách thức này là gì?

Tiến sĩ Aznar: Có sáu bước trong quy trình chế tạo vắc-xin. Đầu tiên: xác định mầm bệnh, chu kỳ sống của nó, cách lây truyền, cơ chế lây nhiễm, yếu tố gây bệnh và xác định di truyền. Thứ hai: tổng hợp và sản xuất kháng nguyên (antigen), sinh học hoặc tổng hợp, để thử nghiệm. Bước thứ ba là đánh giá các nghiên cứu tiền lâm sàng, chẳng hạn như nuôi cấy tế bào và tiêm chủng ở động vật được sử dụng để thử nghiệm. Bước thứ tư, các nghiên cứu lâm sàng được thực hiện nơi người theo ba giai đoạn:

Giai đoạn I: Một mẫu nhỏ (20-80 đối tượng), với nhóm này, sự an toàn của nó được đánh giá.

Giai đoạn II: Một mẫu thống kê lớn hơn, với sự đánh giá về tính an toàn, khả năng miễn dịch (đáp ứng miễn dịch), liều lượng và hướng dẫn sử dụng.

Giai đoạn III: Một mẫu thống kê lớn hơn gồm hàng ngàn người. an toàn tiếp tục được đánh giá (tác dụng thứ cấp, phản ứng ngược, tương tác) cũng như tính hữu hiệu của nó.

Đến bước thứ năm, người ta tiến hành tiền thương mại hóa: ban phép vệ sinh, sản xuất, kiểm phẩm. Để hoàn thành giai đoạn này, cần tới khoảng hai năm làm việc. Tổng thời gian từ khi bắt đầu quy trình có thể mất một thập niên và, cuối cùng, chúng ta mới có thể nói tới việc thương mại hóa: kiểm soát dược phẩm điều trị, kiểm phẩm liên tục quá trình sản xuất.

Trong trường hợp coronavirus, tính đặc thù căn bản của quy trình là rút ngắn các giới hạn này, một phần do sự tiến bộ trong kỹ thuật nhận dạng và chỉnh sửa di truyền, và một phần do nhiều nhóm khoa học cùng làm việc về đề tài này, cộng với việc tăng tốc các thủ tục hành chánh cần thiết cho việc cho phép các giai đoạn khác nhau, xét vì tính trầm trọng của đại dịch.