Nếu Đức Tân Giáo Hoàng là Một Người Trung Hoa?
Bài chia sẻ sau đây không có ý tiên đoán việc một người Trung Hoa hay Á Đông sẽ được bầu làm Giáo Hoàng trong lần “Mật Nghị” được bắt đầu ngày 18 tháng 4 năm 2005, mà chỉ nhằm để tìm hiểu xem nếu Hồng Y Đoàn bầu Đức Tân Giáo Hoàng là một người Trung Hoa thì tầm ảnh hưởng sẽ như thế nào đối với nhân dân Trung Quốc cũng như với toàn thế giới và Giáo Hội hoàn cầu.
Thế giới sẽ vô cùng sửng sốt khi bất ngờ nghe công bố Đức Tân Giáo Hoàng là một người Trung Hoa. Thủ đô Bắc Kinh sẽ chấn động, và một cơn sóng thần sẽ ào ạt tràn dâng khắp các thành phố và mọi nẻo đường đất nước Trung Hoa đại lục. Luồng sóng thần đó chính là khối dân chúng 1 tỉ 300 triệu người sẽ chỗi dậy rửa sạch những vết nhơ lịch sử để cùng nhau xây dựng một nước Trung Hoa mới cho vùng đất Á Châu, là nơi mà Thiên Chúa chọn cho Người Con Một của Ngài là chính Đức Giêsu giáng sinh làm người cứu độ nhân loại.
Trong thập niên cuối thế kỷ 20, ngay trước giai đoạn chuẩn bị đón mừng Năm Đại Thánh 2000 để sẵn sàng bước vào thiên niên kỷ mới, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã tiên đoán rằng “Thiên niên kỷ thứ ba sẽ là ngàn năm của lục địa Á Châu cho Hội Thánh”. Lời tiên tri này sẽ bắt đầu ứng nghiệm khi Hồng Y Đoàn được Chúa Thánh Thần tác động bất ngờ bầu cho một người Trung Hoa hay một người Á Đông lên làm Giáo Hoàng, lãnh đạo Giáo Hội hoàn cầu.
Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ Trung Hoa bắt đầu thắc mắc muốn tìm hiểu xem Đức Giáo Hoàng là ai và làm gì. Đại khái họ chỉ biết một cách mơ hồ rằng Giáo Hoàng là một người lớn tuổi ở Rôma, mặc y phục màu trắng, và được thế giới quan tâm theo dõi khi ngài bị đau ốm... Tin tức về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị lần đầu tiên thấy xuất hiện trên các mạng lưới tuổi trẻ Trung Hoa kể cả trên Internet “Nhật Báo Trung Hoa” (China Daily) của nhà cầm quyền Trung Cộng.
Các cuộc bầu cử Giáo Hoàng hay tạo ngạc nhiên bất ngờ, vì kết qủa bầu cử thường không đúng với những dự đoán của người ta. Không ai có thể kiểm soát hay thao túng được cuộc bầu cử Giáo Hoàng theo như ý mình muốn. Cũng chẳng có các cuộc vận động tranh cử như cách thức vận động của các đảng phái chính trị trần tục. 115 Hồng Y cử tri bầu Giáo Hoàng lần này khi viết tên người mình muốn bầu trên lá phiếu, thì chính các ngài đã cùng nhau gặp gỡ, tìm hiểu, bàn thảo, cân nhắc rất cẩn thận và cầu nguyện nhiều. Trong khung cảnh thánh thiện của Nguyện Đường Sistine, nơi diễn ra cuộc bầu cử, chắc chắn các Đức Hồng Y tiếp tục nhận được ơn soi sáng hướng dẫn và sự tác động của Thánh Thần Thiên Chúa.
Tháng 10 năm 1978, Đức Hồng Y Karol Wojtyla, một người từ vùng đất cộng sản Ba Lan, được bất ngờ bầu làm Giáo Hoàng, và khi Đức Tân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được giới thiệu xuất hiện trên sân thượng Đền Thờ Thánh Phêrô đã gây sự ngạc nhiên cho thế giới, khiến nhà cầm quyền Krakow và điện Kremlin Liên Bang Xô Viết lúc bấy giờ rất sửng sốt và lúng túng, để rồi 10 năm sau đó, bắt đầu từ năm 1988 chủ thuyết cộng sản vô thần lần lượt nối tiếp nhau sụp đổ, vì nó chống lại ý trời và không thuận lòng người, chảy ngược chiều với giòng sông văn minh tình thương của nhân loại.
Kết quả cuộc bầu cử lần này chỉ là điều bình thường nếu Đức Giáo Hoàng mới vẫn là một người từ Âu Châu; có chút ngạc nhiên nếu là người từ Mỹ Châu Latinh hay Phi Châu; bất ngờ như cuộc động đất kéo theo cơn sóng thần Tsunami nếu vị được bầu là một nhân vật từ Á Châu, và sẽ là điều kinh ngạc nếu vị tân Giáo Hoàng là một người Trung Hoa.
Xã Hội Trung Quốc Hôm Nay
Sau hơn nửa thế kỷ tiếp tục bị kềm kẹp dưới gông cùm cộng sản vô thần, xã hội Trung Hoa ngày nay bắt đầu đi vào thị trường kinh tế tư bản với những sự tiêm nhiễm bị pha trộn một cách nhanh chóng khiến nhiều người quan tâm phải giật mình.
Thực tế, lối sống nô lệ trong xã hội Trung Cộng là việc bình thường. Các cơ xưởng, công trường xây cất, các trại tạm cư được dựng lên cho công nhân di cư với chỉ một con đường duy nhất: làm việc không khế ước bảo vệ, nợ nần thêm chồng chất, và cuối cùng bị giam giữ dưới sự giám sát của công an để lao động đêm ngày lo trả nợ cho nhà nước cộng sản.
Các trẻ nữ và đàn bà bị cưỡng bức buôn bán làm điếm. Nam thừa nữ thiếu là do hậu quả của sách lược một con cho mỗi cặp vợ chồng từ mấy chục năm qua. Trong xã hội Trung Hoa, vợ chồng nào cũng muốn có con trai và vì chỉ được cho phép có một đứa con duy nhất, nên khi sinh con gái thì họ giết ngay tại chỗ. Nhận ra vấn nạn này, nên từ năm 2002 nhà nước cho phép một số vợ chồng được sinh thêm đứa con thứ hai, sau khi đứa con đầu lòng lên 2 tuổi. Nếu sinh con không có phép sẽ bị đóng tiền phạt rất nặng, thường thì số tiền phạt cao gấp 10 lần tiền lương hằng năm của hai vợ chồng. Hằng triệu trẻ sơ sinh bị giết chết mỗi năm; bị ép buộc phá thai là chuyện cơm bữa hằng ngày.
Các nhà truyền đạo Kitô không được phép vào Trung Quốc, mặc dù lịch sử cho thấy đã có nhiều nhà truyền giáo nổi tiếng từ các thế kỷ trước như Matteo Ricci hay Richard Wilhelm, mà chính nhà nước đã tổ chức tuần lễ học hỏi về sự hội nhập văn hóa của họ hồi năm ngoái. Căn tính của cộng sản là vô thần. Độc đảng cộng sản đã cầm quyền từ năm 1949. Vô thượng đế trở thành một thứ tôn giáo đối với nhà cầm quyền Trung Cộng -mặc dù trên lý thuyết, hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Tựu chung, cộng sản coi tôn giáo vẫn là “ru ngủ nhân dân”; vì vậy, nhà nước cộng sản luôn ra sức ngăn cản người dân tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình.
Đây là một trong nhiều mặt của Trung Quốc hiện đại. Giao thông bùng nổ, không ngăn cản nổi tư bản, nhu cầu đòi hỏi lớn về dầu hỏa, điện lực và kỹ thuật quân sự từ thị trường toàn cầu càng ngày càng nhiều, và sự xuống cấp thê thảm về môi trường đang làm ảnh hưởng cho toàn thế giới. Tác giả Wolfgang Hirn trong cuốn sách The Challenge of China (Sự Thách Đố của Trung Quốc), nhận xét rằng “Lịch sử nhân loại không có gì giống như (Trung Quốc) ngày nay. Trước đây chưa bao giờ có số dân cứ đông đảo với vùng đất rộng lớn như vậy, và kinh tế tăng trưởng ở mức độ nhanh chóng như thế”. Các thành phố với hằng triệu dân cư và những chương trình kiến thiết lớn lao đang nóng bỏng đi vào tương lai. Cựu chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jame Wolfensohn nói rằng trong 10 năm tới đây tiếng Hoa sẽ thay thế tiếng Anh như một ngôn ngữ chính trên mạng lưới toàn cầu Internet.
Theo chiều hướng phát triển này, có lẽ tầng lớp cộng sản cổ hủ bám víu quyền hành sẽ không còn tiếp tục tồn tại thêm được bao lâu. Lối sống tiến bộ tư bản sẽ thay thế cơ cấu tư tưởng độc tài đảng trị hiện nay. Từ đại hội đảng lần thứ 16 hồi năm 2002, nhiều người giàu có được mời vào chia sẻ việc lãnh đạo quốc gia. Chủ tịch Nhà nước Jian Zeming nhấn mạnh nhiều lần rằng người giàu không còn bị coi là kẻ thù của giới thợ thuyền nữa (điểm này trái ngược với lý thuyết cộng sản của Karl Marx). Dường như chủ thuyết vô thần đang được thay thế bằng công cuộc phát triển kinh tế như một thứ tôn giáo mới của nhà nước. Lợi nhuận kinh tế trở thành thượng đế của “nền văn minh duy vật”.
Nhưng chủ thuyết duy vật này sẽ chẳng đủ khả năng đưa Trung Quốc tiến vào thiên niên kỷ thứ ba một cách an toàn. Các hệ tư tưởng sai lầm trong thế kỷ 19 và 20 khiến Trung Quốc bị tiêu mòn sức mạnh với chiều dài lịch sử tang thương đầy máu và nước mắt. Mặt khác, cuộc cách mạng văn hóa ở những năm 1960s chỉ để lại cho dân tộc Trung Hoa một nền văn hóa trống rỗng và chết chóc. Trí tuệ và các nguồn tinh thần của truyền thống Trung Hoa bị xói mòn để thay vào điều mà chế độ cộng sản gọi là cho một “sự bắt đầu đúng”. Kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ vừa qua, dưới ách thống trị của cộng sản vô thần, cho thấy thế nào mới là con đường đúng cho một Trung Quốc văn minh tiến bộ.
Trung Quốc chưa có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican
Tổng số 198 quốc gia trên thế giới hiện nay, chỉ còn lại vài nước chưa có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican, trong đó là các nước Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn... vì đang còn bị cộng sản vô thần ngự trị. Thiết lập bang giao với Vatican đồng nghĩa với việc độc lập giữa tôn giáo và nhà nước, nên Trung Quốc lo ngại sẽ không còn kiểm soát được các sinh hoạt tôn giáo.
Các phương pháp tiêu diệt người Kitô hữu bên nước cộng sản nhỏ bé Albany trước đây, đã được Trung Cộng lấy làm mẫu mực để áp dụng một cách tinh vi hơn. Có thể so sánh hệ thống đàn áp Kitô hữu tại Trung Quốc ngang ngửa với cuộc bách hại Kitô hữu của Diocletian thời đế quốc La Mã xưa.
Mới đây, Nhật báo Ý Avvenire tường thuật việc Rôma và Hồng Kông yêu cầu Trung Cộng trả tự do cho 19 Giám mục và 18 Linh mục đang bị giam cầm, để chứng tỏ cho thấy thiện chí của một Trung Hoa văn minh trong khi chuẩn bị Thế Vận Hội 2008 tại Bắc Kinh. Thông tấn xã Công giáo Á Châu ghi nhận rằng “Với sự áp lực của quốc tế, nhà cầm quyền vẫn nín thinh về những trường hợp này, khiến chúng tôi lo ngại cho số phận của họ”.
13 Đức Giám mục khác đang bị quản thúc tại gia, bị cấm làm các việc mục vụ và không được tiếp chuyện với các Giáo dân hay Linh mục tới thăm viếng. Hầu hết các ngài đều ở tuổi khoảng 80. “Tội hình sự” duy nhất gán cho các ngài là không chịu chấp nhận tham gia “Hội Công Giáo Yêu Nước” do nhà nước lập ra năm 1959 nhằm để kiểm soát và tạo mâu thuẫn trong sinh hoạt tôn giáo. Danh sách các tín hữu bị bắt bớ giam cầm thì vô kể.
12 triệu người Công giáo Trung Hoa hiện tại chưa đầy 1% trên tổng số 1 tỉ 300 triệu dân. Thêm vào đó là 12 triệu tín hữu Tin lành Trung Hoa. Tuy nhiên, mặc dù phải sống đạo “chui”, thống kê gần đây cho thấy một thông điệp khác thường đó là người Trung Hoa xin gia nhập đạo Công giáo có con số gia tăng nhanh chóng nhất khi so sánh với các nước khác trên thế giới.
Linh mục Bernardo Cervellera ở Rôma, làm việc truyền thông nhiều năm tại Hồng Kông, nói rằng trong những năm gần đây có một sự trở lại lớn lao tại Trung Quốc. “Hằng năm có chừng 100,000 người được Rửa Tội. Số người Công giáo được gia tăng tứ bề trong suốt những năm sống dưới chế độ cộng sản. Nhưng trong khi các cơ sở kinh tế được tự do đầu tư, sản xuất, thâu nhận và sa thải nhân viên, thì các tôn giáo đều bị kiểm soát chặt chẽ... Hơn nữa, hằng triệu tín hữu thường bị đối xử tàn bạo vì đảng cộng sản vẫn coi họ như thành phần thù địch đáng lo ngại”.
So sánh với Giáo Hội trong các nước tự do Tây Phương, thì số tân Linh mục Trung Hoa gia tăng nhiều hơn, mặc dù họ biết sẽ gặp rất nhiều sự khó khăn trong đời sống Linh mục. Kể từ cuộc “cách mạng văn hóa”, các chủng viện và dòng tu hầu hết bị tịch thu, nên rất khan hiếm. Sự phân chia Giáo Hội “hầm trú” và Giáo Hội “yêu nước” trong những năm gần đây đều gặp khó khăn. Điều đáng nói là Giáo Hội “yêu nước” dù do nhà nước kiểm soát, có một số người vẫn bị bách hại, nên tình trạng xáo trộn không sao tránh khỏi, và nhiều người nhận chân được sự thật đã bắt đầu trở về với Giáo Hội “hầm trú”. Điều này trở nên rõ nét hơn khi 120 vi Tử Đạo Trung Hoa được phong Hiển Thánh hồi tháng 10 năm 2000 tại Rôma. Kể từ đó, Giáo Hội yêu nước và hầm trú trung thành với Hội Thánh Rôma bắt đầu có sự xích lại hiệp nhất với nhau nhiều hơn, khiến nhà cầm quyền càng thêm lúng túng và vì vậy họ ra sức đàn áp các Kitô hữu mạnh mẽ hơn.
Nhà cầm quyền cộng sản lo ngại về những chiều hướng phát triển này. Họ thấy rõ càng ngày càng có thêm nhiều sự quan tâm tìm hiểu niềm tin Công giáo từ những người trẻ, trí thức và các thương gia. Linh mục Cervellera nhận định: “Những người này tự hỏi ý nghĩa gì đằng sau sự giàu có và việc làm mới đã giúp họ thoát ra khỏi lối sống nô lệ. Họ tìm kiếm mục đích cuộc đời trong một xã hội với những ý tưởng xét lại và chủ thuyết tư bản không thể kiềm chế được đang làm phân hóa các gia đình và có thể tiêu hủy ngay cả những giá trị nền tảng xã hội. Đây là một thời điểm khủng hoảng to lớn. Không có nơi nào trên thế giới cho thấy Giáo Hội đang tăng trưởng nhanh chóng như tại Trung Quốc hiện nay!”
Các quan sát viên tại Rôma trong những ngày này rất dè dặt khi nói về việc “làm tan tảng băng” giữa Vatican và Trung Cộng. Đức Hồng Y người Pháp Roger Etchegary, cựu Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, mới xuất bản cuốn sách có tựa đề To China’s Christians (Gửi Các Kitô Hữu Trung Hoa) nhằm để khích lệ tinh thần người dân Trung Hoa.
Nhưng tất cả những cuốn sách, tất cả những bài phân tích, tất cả những dấu hiệu và những cuộc vận động đều sẽ bị nhận chìm toàn bộ nếu một người Trung Hoa xuất hiện trên sân thượng Đền Thờ Thánh Phêrô sau cuộc “Mật Nghị” lần này để đưa mắt nhìn thế giới và hướng về Trung Quốc, như Karol Wojtyla đã nhìn thế giới và hướng về đất nước Ba Lan của ngài nơi “vùng đất xa xôi” sau cuộc bầu cử năm 1978. Mọi sự sẽ đảo lộn đổi mới và tảng băng sẽ vỡ tan nhường chỗ cho một vương quốc trung dung hài hòa sau cuộc bầu cử chọn lựa một Đức Giáo Hoàng người Trung Hoa.
Một vấn đề còn lại trong tầm nhìn này, đó là hiện nay không có vị Hồng Y Trung Hoa nào thích hợp với vai trò Giáo Hoàng. Tuy nhiên, Hồng Y Đoàn có thể bầu cho bất cứ một người đàn ông độc thân nào khác, mà không cần nằm trong danh sách các Hồng Y cử tri. Thí dụ, Đức Giám mục Hồng Kông Joseph Zen Ze-Kiun, danh tánh mà nhiều người đóan là vị Hồng Y được giữ kín từ Cơ Mật Viện Hồng Y năm 2003; nay thì việc này đã rõ vì Đức Gioan Phaolô II không tiết lộ vị Hồng Y in spectore này trên một văn bản nào, kể cả trong thư di chúc cuối cùng của ngài.
Đức Cha Joseph Zen là một người yêu nước sâu đậm đã không ngừng tranh đấu cho nền công lý và tự do dân chủ Hồng Kông cũng như cho quyền làm người của đồng bào Trung Hoa. Gần đây, ngài bị nhà cầm quyền Trung Cộng cấm cản không cho bước chân vào vùng đất đại lục. Nhưng nếu ngài bất ngờ được bầu làm Giáo Hoàng thì chắc chắn toàn dân Trung Hoa sẽ reo vui nhảy mừng, vì ngài vốn là vị sứ giả hòa bình, thì nay càng thêm xác tín hơn trong việc xây dựng cho một đất nước Trung Quốc mới!
Chuyện gì sẽ xảy ra khi nghe tin Đức Tân Giáo Hoàng được bầu là người Trung Hoa?
Chắc chắn những tràng pháo bông sẽ được bùng nổ khắp đất nước Trung Quốc như những ngày hội Tết. Theo cái nhìn của Khổng Giáo, một Đức Giáo Hoàng người Trung Hoa sẽ được ví như “Rồng bay trên trời”. Và tất cả 1 tỉ 300 triệu dân Trung Hoa sẽ tự hỏi: “Giáo Hoàng là gì?” Hàng xóm sẽ tề tựu hỏi thăm nhau, và tất cả các máy điện toán đều mở mạng lưới Internet để tìm kiếm về vai trò của vị Giáo Hoàng. Chắc chắn họ sẽ cùng kháu với nhau rằng “Đứng đầu Giáo Hội hoàn cầu xưa nay vẫn là người thuộc thế giới Tây Phương? Và bây giờ ngài là một người của chúng ta? Ngài thuộc về chúng ta?” Thật ra, bất cứ quốc gia nào có người của mình được bầu làm Giáo Hoàng cũng sẽ rất vui mừng hoan hỉ, nhưng có lẽ tầm ảnh hưởng sẽ rất vĩ đại đối với Trung Quốc cũng như vùng đất Á Châu và thế giới khi có một Đức Giáo Hoàng người Trung Hoa!
Tin chắc hằng triệu người Trung Hoa sẽ mở toang các cửa nhà thờ để cảm tạ Thiên Chúa, ngay khi nghe tin có Đức Tân Giáo Hoàng là người Trung Hoa, và những ngày kế tiếp có lẽ dân chúng sẽ càng tụ tập đông đảo hơn nữa, và các thánh đường sẽ không đủ chỗ cho đồng bào Trung Quốc.
Người Trung Hoa sẽ rất hãnh diện và vui mừng, khi họ hiểu biết được những sự việc xảy ra từ một thành phố xa xôi Rôma. Cho tới ngày nay, những người trí thức Trung Hoa còn gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn trong việc học hiểu thần học Kitô giáo; ngay chính ngôn ngữ tự nó cũng đã là một điều quá xa vời đối với họ. Tuy nhiên, tất cả các nền văn hóa trên thế giới từ ngàn xưa đều đã từng xa lạ với văn minh tình thương Kitô giáo: Kitô giáo đã từng xa lạ đối với người Hy Lạp, với dân La Mã, với người Đức, người Slavs, người Mễ Tây Cơ, người Việt Nam chúng ta... Được nghe chính ngôn ngữ gắn bó với nền văn hóa của mình từ môi miệng của một Đức Giáo Hoàng, chắc chắn người dân bản xứ sẽ được hấp thụ con đường “Sự Thật và Sự Sống” của Đức Kitô một cách phong phú và sâu sắc hơn nhiều!
Khi Thiên Chúa không muốn tiếp tục sử dụng chiếc roi cộng sản, thì Ngài sẽ thu hồi nó lại. Việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng người Trung Hoa chắc chắn sẽ làm rúng động nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh, có lẽ còn hơn sự sửng sốt lúng túng đối với điện Kremlin lần bầu cử Giáo Hoàng năm 1978. Và rồi đây, chủ thuyết cộng sản sẽ bị phai mờ sụp đổ trong lòng người dân Trung Hoa, ảnh hưởng lan dần sang Việt Nam và Bắc Hàn...
Hai Biến Cố Lịch Sử Âu-Mỹ với Tình Hình Trung Quốc Hôm Nay
Có hai biến cố lớn quan trọng trong lịch sử thế giới có thể so sánh cho tình hình Trung Quốc hiện nay, với việc bầu cử Giáo Hoàng lần này: một là Constantine của La Mã thay đổi năm 313 cho Âu Châu; và hai là sự trở lại nhanh chóng của dân Aztecs bên Mễ Tây Cơ năm 1531 cho Mỹ Châu Latinh.
Triều đại 10 năm Diocletian La Mã là một giai đoạn khủng khiếp bách hại người Kitô hữu. Khi lên ngôi Hoàng đế, Constantine bắt đầu ra chiếu chỉ chấm dứt mọi cuộc bách hại tôn giáo. Người Kitô hữu đương thời coi đó như là một phép lạ lớn lao. Nhiều thân nhân của Constantine lần lượt gia nhập đạo Công giáo, và chính ông trước khi qua đời năm 337 cũng đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. 80 năm sau đó, Kitô giáo lớn mạnh trở thành tôn giáo chính của đế quốc La Mã. Constantine đã là một khởi điểm tạo nền móng văn minh Kitô cho Tây Phương.
Biến cố thứ hai xảy ra trước tình trạng vô vọng của người dân sau khi Tây Ban Nha chiếm đóng Mễ Tây Cơ. Để an ủi con dân khốn khổ, Đức Mẹ Maria đã hiện ra tại Guadalupe với ông Juan Diego vào tháng 12 năm 1531, dẫn đưa 8 triệu dân da đỏ Aztecs ào ạt đến nhà thờ xin được Rửa Tội. Là một bắt đầu bất ngờ cho Kitô giáo phát triển tại Mỹ Châu Latinh. Juan Diego và các bạn đã được phong Chân Phước vài năm trước đây.
Đối với Trung Quốc không chỉ là con số 8 triệu người sẽ xin Rửa Tội, mà là về một sự biến đổi văn minh cho toàn vùng đất Á Châu và mang lại sự hài hòa cho hằng tỉ con người khắp nơi trên thế giới. Chính trị toàn cầu có lẽ sẽ được điều chỉnh lại một cách mới mẻ và hữu hiệu hơn trong việc thiết lập nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại, nếu Trung Quốc bất ngờ trở thành một trung tâm điểm trong công cuộc loan báo Tin Mừng Đức Kitô. Mùa Xuân Mới cho Giáo Hội, đặc biệt tại lục địa Á Châu sẽ bắt đầu được khai mở!
Và lời tiên báo khi sửa soạn bước vào ngàn năm mới của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị sẽ được ứng nghiệm: “Thiên niên kỷ thứ ba sẽ là ngàn năm của lục địa Á Châu cho Hội Thánh”.
Trong tâm tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn cầu cùng dâng lời cầu nguyện đặc biệt xin Chúa Thánh Thần đổ xuống tràn đầy ơn khôn ngoan cho 115 Đức Hồng Y tham dự cuộc Mật Nghị bầu cử Giáo Hoàng bắt đầu vào thứ Hai ngày 18 tháng 4 năm 2005.