Trước ngày Miền Nam gọi là được “giải phóng”, tôi đã được sinh ra và lớn lên tại một vùng quê Diên Khánh, Khánh Hòa. Và được hấp thụ bởi một nền giáo dục nhân bản từ gia đình cũng như ở trường học. Ông bà, cha mẹ tôi luôn giáo dục con cháu sống theo truyền thống đạo lý từ bao đời của dân tộc, đó là: Biết thờ Trời, biết kính Trời: “ Lạy Trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống…”, chửi Trời đất, gió mưa cũng là một cái tội.

Lúc nhỏ, chúng tôi đặt câu hỏi với ông bà, cha mẹ: làm sao ta biết có Ông Trời (Thượng Đế)? Chúng tôi đã nhận được câu giải đáp: Cứ nhìn xem mọi sự trật tự lạ lùng trong vũ trụ liền biết có Ông Trời.

Càng có tuổi càng thấy câu giải đáp tuy đơn sơ nhưng rất là tinh tế, vi diệu. Trong vũ trụ có hàng tỷ tỷ tinh tú, và qua biết bao “ âm vô cực” năm rồi mà các tinh tú vẫn vận hành một cách có trật tự. Vậy phải có sự điều khiển của Đấng Toàn Năng mà chúng ta gọi là Ông Trời, chứ không thể tự nhiên mà có “trật tự lạ lùng”như vậy được!

Sau ngày Miền Nam được “giải phóng”, chúng tôi được nhồi nhét bởi một cái chủ nghĩa duy lý hung hăng, xóa bỏ cả niềm tin tôn giáo, hạ bệ Ông Trời: “ Thằng trời đứng lại một bên/ Để cho nông hội đứng lên làm trời” hoặc “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”.

Tháng 7-1955 tại Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ Chí Minh đã nói chuyện với học viên và ông gọi Trời là “địch trời”, “trời phản động”: “ Về kinh tế cũng như về chính trị, cuộc đấu tranh đều gian khổ, phức tạp. Ngoài Mỹ- Diệm, thực dân ngoan cố, còn có địch trời: lụt, bão, hạn, bệnh tật, v.v…Phải làm sao lấy sức người chống lại sức thiên nhiên. Thời kỳ kháng chiến, ta đã làm và ta đã thắng. Bây giờ có sự giúp đỡ của các nước bạn thì chống Mỹ- Diệm và trời phản động, ta cũng sẽ thắng”[1].

Những “Bố già Mafia” tay họ đã lỡ nhúng chàm nhưng họ vẫn còn biết gởi con cái vào các trường có tiếng đạo đức học tập để con cái không đi theo con đường của họ. Ngược lại, ở Việt Nam, thế hệ ông, cha, anh đã lỡ bất kính với Trời, đi theo con đường vô thần để được vào đảng và làm lãnh đạo lại tiếp tục giáo dục thế hệ trẻ đi vào vết xe đổ của mình là bất kính với Trời. Sách Giáo khoa lớp 4 trước đây có bài “ Trời đành chịu thua”: “ Ngày xưa hạn hán cầu trời/ Ngày nay hạn hán thì người trị ngay/ Trị đêm rồi lại trị ngày/ Cho tên giặc hạn biết tay của người/ Vừa làm vừa thách cả trời/ Có muốn tắm mát thì mời xuống đây/ Nước kia ở dưới đất này/ Đào sâu vét kỹ nước đầy mương ao/ Thách trời cứ hạn nữa nào/ Đồng ta đủ nước hoa màu vẫn xanh/ Chiều chiều nghe tiếng phát thanh/ Người chăm thủy lợi, trời đành chịu thua”[2]

Theo thông lệ vào thời điểm hiện nay (tháng 6/2020) ở Khánh Hòa đã sạ lúa cho vụ Hè- Thu rồi nhưng hiện nay đang hạn hán, đọc những bài viết đăng trên báo Khánh Hòa cho biết các trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên sông Cái Nha Trang nghỉ hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè- Thu 2020 để “Ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân”. Trời hạn, sao đảng không lãnh đạo dân chúng “ Thay trời làm mưa”, “ Nghiêng sông đổ nước lên đồng”, “Vắt đất ra nước” hoặc “Đào sâu vét kỹ nước đầy mương ao” mà lại bắt nông dân ngưng sản xuất vụ Hè Thu 2020? [3]

Những đảng viên cộng sản khi còn đương chức đương quyền thì xưng là vô thần, có lời bất kính với Trời nhưng khi đến tuổi già và nhất là lúc sắp lâm chung thì lại là hữu thần. Cán bộ cấp Trung ương khi chết có bàn thờ Phật, mời chư tăng đến tụng kinh cho hương hồn mau siêu thoát. Hành động tiền hậu bất nhất của các đảng viên ấy làm tôi liên tưởng đến bài học “Biển bức” (Con dơi) trong cuốn Hán văn của Trần Trọng San: “Điểu dữ thú hống, biển bức thường trung lập. Điểu thắng, tắc biển bức phi nhập điểu quần, viết: “ Ngô hữu lưỡng dực, cố điểu dã”. Thú thắng, tắc biển bức tẩu nhập thú quần, viết: “ Ngô hữu tứ túc, cố thú dã” (Chim và muông đánh nhau huyên náo, dơi thường trung lập. Khi chim thắng, thì dơi bay nhập vào đàn chim, nói rằng: “ Tôi có hai cánh vốn loài chim”. Khi muông thắng, dơi nhập vào đàn muông, nói rằng: “Tôi có hai chân, vốn là loài muông”.

Đúng là “miệng chuột, hàm dơi”!

Đương chức, đương quyền thì vô thần, bất kính với Trời nhưng khi về hưu, gần chết lại là hữu thần: “Từ đáy sâu thẳm tâm hồn, con người thời nào và ở đâu cũng hướng về một Tuyệt Đối, một thần thánh hoặc một Thượng Đế.

“Không một cá nhân nào suốt cuộc đời phủ nhận thần nhan trong sâu thẳm con người, không tập thể nào phủ nhận được thần nhan trong khát khao của lịch sử dân tộc mình.

“ Nếu phủ nhận thần thiêng, người ta phải dựng một cá nhân hoặc một tập thể nào lên làm thần tượng sờ mó được…”[4].

Hãy dạy dỗ con em của dân tộc mình sống nhân bản, chớ phủ nhận thần thiêng, chớ bất kính với Trời.

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh- Khánh Hòa

Chú thích

tennguoidepnhat.net/2012/05/20/bai-noi-tai-phan-hieu-ii-truong-nguyen-ai-quoc-7-1955/

2- tamcominh.wordpress.com/2011/03/15/hồi-ky-toi-di-hoc-phổ-thong-cấp-1/

mekong-cuulong.blogspot.com/2016/06/mot-trieu-nguoi-vet-nam-can-khan-cap.html

3- baokhanhhoa.vn/kinh-te/202004/uu-tien-nuoc-sinh-hoat-cho-nguoi-dan-8159653/

baokhanhhoa.vn/phong-su/202005/quay-quat-vi-kho-han-8164285/

4- Lm. JMT Nguyễn Thế Thoại, Vấn đề Thượng đế (Thần lý học), Lưu hành nội bộ, tr.227