Tuần trước, Andrew Cuomo, thống đốc bang New York, đã có một nhận định thần học khá thú vị. Nhận xét về sự tiến bộ mà tiểu bang của ông đã đạt được khi chiến đấu với coronavirus và ca ngợi những nỗ lực cụ thể của nhân viên y tế và công dân bình thường, ông nói, “Con số đã giảm xuống bởi vì chúng tôi đã làm giảm con số ấy xuống. Chúa đã không làm điều đó. Đức tin đã không làm điều đó.” Tôi sẽ không lãng phí nhiều thời gian để khảo sát tỉ mỉ sự kiêu căng xấc xược của nhận xét đó, sự kiêu căng xấc xược này là hiển nhiên đối với bất kỳ ai. Vì mối quan tâm mục vụ, tôi đề nghị thống đốc nên đọc phần đầu tiên của chương mười một sách Sáng Thế Ký.

Thay vào đó, những gì tôi sẽ làm là giải thích sự nhầm lẫn trí tuệ cơ bản làm nền cho sự khẳng định của Cuomo, một khẳng định mà tôi sợ là ngay cả nhiều tín hữu cũng đồng ý. Điều kiện để cho thống đốc có thể tuyên bố như trên là sự giả định rằng Thiên Chúa là một nguyên nhân cạnh tranh giữa nhiều nguyên nhân cạnh tranh khác, một diễn viên chen lấn xô đẩy dành vị trí và thời gian trên sân khấu với một nhóm các diễn viên khác. Nói như vậy nghĩa là Thiên Chúa thực hiện một số điều nhất định - thường có tính chất khá ngoạn mục – còn các nguyên nhân phụ thuộc làm những việc khác, thường là trần tục hơn. Theo đó, chúng ta có thể phân biệt rõ ràng trách nhiệm và công trạng - một số gán cho Chúa và một số gán cho các tác nhân hữu hạn. Nhưng lối giải thích này hoàn toàn không có trong kinh thánh và xa lạ với truyền thống thần học Công Giáo.

Để hiểu ý nghĩa kinh thánh của phạm vi hoạt động giữa nguyên lý nhân quả thần linh và nguyên lý nhân quả sinh vật, thật hữu ích khi tham khảo một chuỗi những câu chuyện liên quan đến Vua Đa-vít trong sách tiên tri Samuel thứ nhất và thứ hai. Điều khiến người đọc chú ý là không có gì là siêu nhiên rõ ràng diễn ra trong các trình thuật này. Thực tế, mọi thứ xảy ra với Vua Đa-vít đều có thể được giải thích nguyên nhân một cách thích đáng trên cơ sở tâm lý, lịch sử, quân sự hoặc chính trị. Tuy nhiên, trong suốt bản tường thuật, hoạt động và sự tham gia của Thiên Chúa được giả định là có, vì tác giả đã đương nhiên chấp nhận nguyên tắc rằng Thiên Chúa chân thực không hoạt động theo cách đặc biệt không liên tục, mà chính xác là thông qua một loạt các nguyên nhân thứ cấp. Nhớ rằng, một số giải thích về câu chuyện của Vua Đa-vít manh tính chính trị hay tâm lý và một số hoàn toàn mang tính thần học, nhưng đây không phải là trường hợp giả định trên; đúng hơn, mọi thứ, cùng một lúc, vừa là tự nhiên vừa là siêu nhiên, chính xác là bởi vì nguyên lý nhân quả của Thiên Chúa đang hoạt động một cách không cạnh tranh, ở một mức độ khác biệt về chất lượng so với nguyên lý nhân quả con người. Nếu bạn muốn một lời tóm tắt trong một câu về tầm nhìn Kinh thánh đặc biệt sâu rộng này, bạn không thể làm tốt hơn thế này, trích sách tiên tri Ê-sai: “Lạy Đức Chúa, chính Chúa là Đấng kiện toàn tất cả những gì chúng con thực hiện” (Isaia 26,12).

Tại sao điều này phải là sự thật? Tới đây thật hữu ích chúng ta quay sang nhà thần học vĩ đại nhất của Giáo hội, Thánh Tô-ma Aquinô. Đối với Thánh Tô-ma, Thiên Chúa không phải là hữu thể tối cao (ens summum bằng tiếng Latin của Ngài), nhưng đúng ra là ipsum esse subsistens, có nghĩa là “ Hữu Thể tự tại.” Nói ngắn gọn, Thiên Chúa không phải là một thực thể trội hơn trong loài “hữu thể”, một thứ, tuy cao quý, nhưng cũng chỉ là một trong số những hữu thể khác; thay vào đó, dù cũng là hữu thể như thế nhưng Ngài lại là nguồn hiện hữu tự hữu, Ngài là căn nguyên vĩ đại của tồn tại, mà trong đó và qua đó tất cả những thứ hữu hạn tồn tại và hành động. Do đó, Thiên Chúa không tranh giành không gian, có thể nói như thế, trên cùng một mạng lưới hữu thể học như các sinh vật tranh giành; một trò chơi có tổng bằng không (ND: kẻ thắng được bao nhiêu thì người thua mất bấy nhiêu) không thể được sử dụng khi liên quan đến hoạt động của Chúa và hoạt động con người, chúng ta càng gán cho cái này nhiều bao nhiêu thì chúng ta càng phải gán cho cái kia ít bấy nhiêu.

Cho phép tôi đặt nền cho biện pháp tu từ khá trừu tượng này bằng một ví dụ rất giản dị. Nếu người ta hỏi cần những gì để chế tạo một chiếc xe đạp, câu trả lời sẽ là như thế này: lốp xe, má phanh, dây chuyền, khung kim loại, kỹ năng của người chế tạo, có lẽ có cả sơ đồ hướng dẫn quá trình chế tạo, v.v.. Không ai có thể bị dụ trả lời như sau: lốp xe, má phanh, dây xích, Thiên Chúa, khung kim loại, kỹ năng của người chế tạo, v.v. Tuy nhiên, một người ngoan đạo thông minh, sau khi hoàn thành dự án chế tạo chiếc xe đạp đó, sẽ nói một cách hoàn toàn hợp lô-gíc, “Tạ ơn Chúa!”. Lời cầu nguyện này sẽ là một sự thừa nhận khiêm nhường, không phải là Thiên Chúa đã can thiệp một cách xâm lấn ồn ào vào quá trình chế tạo, mà là Chúa đảm trách toàn bộ mối quan hệ giữa các nguyên nhân và hành vi tạo nên quá trình. Kết quả cuối cùng là: hai chiều của mối quan hệ nhân quả - một hữu hạn và một siêu việt - hoạt động đồng thời và không cạnh tranh: “Chúa kiện toàn tất cả những gì chúng con thực hiện”.

Tất cả những điều đó đưa tôi trở lại với Thống đốc Cuomo. Để khẳng định rằng, “Thiên Chúa đã không làm điều đó” bởi vì chúng tôi đã làm nó, điều đó đơn giản chỉ là hiểu sai về phạm trù. Điều gì đã làm giảm số lượng coronavirus? Thật là hoàn toàn chính xác khi nói rằng, “Kỹ năng của các bác sĩ và y tá, sự sẵn có các giường bệnh, sự sẵn sàng của rất nhiều người chấp nhận ở tại chỗ, v.v.” Nhưng cũng hoàn toàn hợp lý khi nói rằng Thiên Chúa đã đưa những con số đó xuống, chính xác bằng cách dựa vào toàn bộ mối quan hệ nhân quả con người vừa được nói trên. Mối quan hệ này là ở cấp độ siêu hình, nhưng có lẽ rõ ràng hơn khi nói đến động lực tâm lý của những bác sĩ và y tá tận tâm đó. Tại sao cuối cùng thì họ cũng sẵn sàng làm những gì họ đã làm? Tôi sẵn sàng đặt cược rằng một tỷ lệ lớn trong số các bác sĩ và y tá đó sẽ nói đó là mong muốn phục vụ người khác và làm đẹp lòng Chúa.

Vì vậy, chúng ta nên cảm ơn tất cả những người tốt lành đã tham gia vào việc cải thiện tình hình hiện tại của chúng ta, và chúng ta cũng không nên ngần ngại, dù trong giây lát, tạ ơn Thiên Chúa. Hoàn toàn không cần phải chơi trò chơi tổng bằng không được đề xuất bởi thống đốc New York.

Chuyển ngữ tiếng Việt: Phạm Văn Trung.

https://www.wordonfire.org/resources/article/governor-cuomo-and-gods-noncompetitive-transcendence/27149/