GIỚI TRẺ NÔNG THÔN NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

LTS: Bài viết Giới Trẻ Nông Thôn Niềm Hy Vọng Của Chúng Ta được Linh Mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn viết vào năm 1999. Do vậy, những số liệu thông kê được trích dẫn trong bài có lẽ không còn hoàn toàn chính xác so với số liệu ngày nay. Tuy nhiên, những vấn đề văn hóa xã hội được nêu ra trong bài vẫn còn giá trị ở thời điểm hiện tại nên VietCatholic xin công bố bài khảo cứu giá trị của LM Nguyễn Ngọc Sơn để qúy độc giả tham khảo.

Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Châu Á đã xác nhận trong Sứ Điệp gửi toàn thể Dân Chúa rằng : "Giới trẻ là niềm hy vọng của Châu Á và của Giáo Hội. Nhu cầu hiện nay là Giáo Hội phải cống hiến cho giới trẻ sự huấn luyện họ đang cần để đương đầu với những thách thức của một xã hội biến đổi biến đổi rất mau chóng và đương đầu với một tương lai hầu như hoàn toàn bất định" (Sứ điệp, ngày 13-5-1998, số 5). Lời quả quyết trên thúc đẩy mọi người Kitô hữu Việt Nam chúng ta, nhất là những người trưởng thành, quan tâm đến giới trẻ Việt Nam để thấy các em đang sống như thế nào và đang cần chúng ta huấn luyện cho các em những gì trước các thách thức của thời đại hiện nay khi sắp bước sang một thiên niên kỷ mới.

Trong bài này, chúng tôi giới hạn độ tuổi của giới trẻ từ 25 tuổi trở xuống, thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi. Và thiếu nhi từ 0 đến 14 tuổi. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những vấn đề dành cho thiếu nhi nông thôn Việt Nam. Sự phân biệt này chỉ là một quy ước tạm thời cho dễ hiểu khi đặt vấn đề mà thôi, chứ không đi sâu vào việc phân biệt tuổi nào thuộc về thiếu nhi, thiếu niên hay thanh niên.

1. Thành phần GIỚI TRẺ trong cơ cấu dân số

Giới trẻ là thành phần chiếm đa số trong xã hội. Dân số nước ta hiện nay là 78 triệu người. Nếu dựa theo kết quả Cuộc Tổng Kiểm Tra Dân Số cả nước vào ngày 1-4-1989 thì giới trẻ từ độ tuổi 0 đến 24 tuổi chiếm tới 59% dân số, từ độ tuổi 0 đến 14 chiếm tới 39% dân số cả nước. Cơ cấu dân số : từ 0 đến 4 tuổi chiếm 13,98%; từ 5 đến 9 tuổi chiếm 13,32%; từ 10 đến 14 tuổi chiếm 11,68%; từ 15 đến 19 tuổi chiếm 10,58%; từ 20 đến 24 tuổi chiếm 9,31%. Dù chiếm đa số như thế nhưng người trẻ chưa được xã hội và Giáo Hội quan tâm đúng mức.

Xã hội vẫn cho họ là "trẻ người, non dạ". Trong khi người lớn vì bận lo kế sinh nhai, nên người trẻ, nhất là thiếu nhi, bị bỏ mặc muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn xem gì thì xem, muốn làm gì thì làm, muốn chơi gì thì chơi. Do thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và không được hướng dẫn đầy đủ về đạo đức, nên giới trẻ Việt Nam cũng như nhiều miền Á Châu bị rơi vào một tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Tình trạng này biểu lộ qua những cuộc phá phách, băng đảng, tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự công cộng, thậm chí tội ác trong xã hội của nhiều dân tộc tại Á Châu.

2. Cơ cấu giới trẻ

Nếu nhìn vào thành phần giới trẻ, người ta thấy có hai thành phần với những đặc điểm khác biệt khá rõ dù cùng ở trong một độ tuổi như nhau, cùng chịu những khủng hoảng tâm sinh lý trong các giai đoạn trưởng thành như nhau. Đó là giới trẻ thành thị và giới trẻ nông thôn.

Chúng ta ghi nhận tốc độ phát triển dân số ở thành thị, trong đó có thành phần giới trẻ, càng ngày càng tăng. Ở Việt Nam vào năm 1960, dân số ở thành thị là 15% và ở nông thôn là 85%. Vào năm 1965 dân số thành thị là 17,2% và ở nông thôn là 82,8%. Sau đó là những năm chiến tranh khốc liệt, người dân đổ xô về thành thị tìm chỗ trú ẩn nên dân số thành thị tăng lên khá cao và khá nhanh : năm 1970 là 21,4%. Sau khi hoà bình trở lại, thống nhất đất nước, người dân trở về quê cũ nên dân số thành thị vào năm 1976 còn 20,6%. Năm 1979 còn 19,2%. Năm 1985 còn 19%. Nhưng từ đó đến nay dân số thành thị mỗi ngày một nhích dần lên do sự phát triển của nền kinh tế và đô thị hoá nông thôn. Năm 1990 dân số thành thị là 20,4%. Năm 1995 là 20,5%. Năm 1996, dân số nước ta có 75.355.000 người, trong đó có 15.232.000 sống ở thành thị và 59.079.000 người sống ở nông thôn (x. Niên Giám Thống Kê 1995, NXB Thống Kê, Hà Nội, 1996, tr. 27-28 và Niên Giám Thống Kê 1997, Cục Thống Kê Tp.HCM, 1998, tr. 245).

Chúng ta cũng ghi nhận thêm trong cơ cấu giới trẻ đó cũng có sự không đồng đều về giới tính : nam ít hơn nữ. Trong thời kỳ chiến tranh, số người nam giảm nhiều so với nữ. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, số trẻ nam vẫn ít hơn số trẻ nữ. Năm 1960 tỷ lệ nam nữ trong dân số là 49% và 51%. Trong thời gian chiến tranh từ 1965 đến 1976 tỷ lệ này giảm xuống đến 48% và 52%. Năm 1979 tỷ lệ là 48,5% và 51,5%. Năm 1986 lên bằng lại năm 1960 : 49% và 51%. Nhưng từ 1986 đến nay tỷ lệ này vẫn giữ ở mức 48,8% và 51,2%. Trong tổng số dân năm 1996 có 36.773.000 nam và 38.582.000 nữ.

Cơ cấu nam ít nữ nhiều này có ảnh hưởng khá mạnh đến tuổi trẻ. Sống trong xã hội Á Châu, đồng bào ta nhiều người vẫn mang tinh thần "trọng nam khinh nữ", dù bây giờ không còn quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" của xã hội phong kiến cách đây năm-bảy chục năm. Thái độ thiên lệch này dẫn đến việc bỏ mặc hoặc không khuyến khích trẻ nữ đến trường, nhất là trẻ nữ ở vùng nông thôn. Một số người còn cho rằng : "con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha đem về", nên người trong gia đình chỉ quý chuộng con trai. Nhiều trẻ nữ cảm thấy bị bỏ rơi, bị đối xử bất bình đẳng với các anh em trai ngay từ tấm bé, nên có mặc cảm tự ti, ghen ghét nhiều hơn so với trẻ nữ ở các nước Châu Au. Tiếp đến, nhiều trẻ em nữ ở nông thôn kết hôn khá sớm. Có thiếu nữ do không tìm được bạn đời nên chỉ mới 20 tuổi đã mang mặc cảm bị "ế ẩm". Niềm lo sợ không tìm được tấm chồng đôi khi thúc đẩy các thiếu nữ nông thôn kết hôn vội vàng để được "bằng" với chị với em và để tránh "điều tiếng xì xầm" trong làng trong xóm, dù họ chưa tìm hiểu kỹ lưỡng đối tượng, do đó dẫn đến cuộc sống lứa đôi thiếu hạnh phúc.

(Còn tiếp)