Chúa Nhật 2 MÙA CHAY. A
(Mt. 17:1-9)
HIỂN DUNG.


Sự kiện Chúa biến hình trên núi là niềm hy vọng cho mọi kẻ tin vào vinh quang ngày sau. Một phút chốc tỏ hiện trong ánh quang, Chúa Giêsu đã củng cố niềm tin và hy vọng của các tông đồ. Chúa Giêsu đã mặc khải điều được ẩn dấu trong con người bình thường. Ngài hạ thân làm người như mọi người. Ngài đã lên núi cao bỏ lại đằng sau những vẩn đục của trần thế. Chúa biến hình có nghĩa là Chúa tỏ hiện bản tính Thiên Chúa trong con người của Ngài.

Ánh sáng thần tính soi dọi vào nhân tính đã đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Ánh sáng giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa vẫn đang ẩn hình trong con người và vạn vật. Thật vậy, có nhiều cái hiện hữu mà chúng ta vẫn không nhìn thấy, vì giác quan bị giới hạn trong không gian và thời gian. Chúng ta không nhìn thấy gió và không thấy dòng điện. Chúng ta chỉ thấy hậu qủa xảy ra khi cành cây rung động hay bóng đèn cháy sáng. Chúng ta cũng không thấy tình yêu, tình bạn hay tình mẫu tử. Chỉ cảm nghiệm được qua sự âu yếm, quan tâm của người khác, còn cốt lõi của tình yêu là vô hình.

Chúa Giêsu ẩn dấu vinh quang sáng lạng trong một thân xác nghèo hèn. Không ai có thể nhận ra thiên tính của Ngài ngay cả các môn đệ. Nay Chúa tỏ mình ra làm các môn đệ bỡ ngỡ và tràn ngập niềm vui. Thần tính của Chúa tỏ hiện: Diện mạo Ngài chói lọi như mặt trời và y phục của Ngài trở nên trắng tinh như tuyết.

Qua thị kiến biến hình, các tông đồ xác tín niềm tin vào Chúa Kitô và sứ mệnh của Ngài. Trong mọi lời giảng dạy, mọi cách xua trừ ma qủy, chữa lành bệnh tật và làm các phép lạ, Chúa đã tỏ ra uy quyền và thiên tính của Ngài nhưng nhiều người vẫn không nhận ra Chúa. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều phép lạ qua việc chữa lành bệnh tật, qua các bí tích biến đổi tâm hồn, qua lời Chúa giảng dạy nhưng rồi chúng ta vẫn không nhận ra Chúa, lòng tin vẫn yếu kém.

Con đường vinh quang của Chúa là con đường thập giá. Chúa đã loan báo sự khổ nạn phải đi qua trước khi bước vào vinh quang đích thực. Chúng ta hãy tháp nhập những khổ đau, gánh nặng và thánh giá hàng ngày vào với khổ đau của Chúa trên thánh giá. Vinh quang sẽ chói ngời. Hạnh phúc đang chờ đón chúng ta nơi cuối đường. Con đường lữ hành trần thế sẽ qua đi và ánh quang phục sinh sẽ chiến thắng.

THỨ HAI
Luca 6: 36-38


Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: Các con hãy nhân từ, đừng xét đoán, đừng kết án, hãy tha thứ và hãy cho đi. Thật là lý tưởng nếu chúng ta biết vâng nghe lời Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống. Lời Chúa là gương soi để đánh thức lương tâm của chúng ta.

Tất cả những điều Chúa dạy chúng ta, Chúa đã thực hành trong đời sống. Đây chính là những tinh hoa của Đạo Mới. Chúa là Đấng thánh thiện, trọn lành và nhân từ vô cùng. Thiên Chúa đã đối xử đại lượng với chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta hãy đáp trả tình yêu và cư xử như thế với những người anh chị em của chúng ta. Lòng nhân từ của Chúa sẽ xóa nhòa tất cả những thói ích kỷ, bủn xỉn và ghen tỵ. Lòng nhân hậu dẫn tới việc không xét đoán và không kết án.

Tình yêu khởi đi từ đời sống gia đình. Khi lọt lòng mẹ, con cái đã được ấp ủ và dưỡng nuôi trong bầu khí yêu thương gia đình. Cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ và yêu thương nhau. Lòng nhân từ của người cha và người mẹ cũng cần có để tha thứ cho con cái. Cha mẹ phải biết phân xử công bằng giữa con cái nhưng cũng cần tấm lòng yêu thương bù đắp.

Từ tình yêu thương trong gia đình sẽ giúp chúng ta lan trải tình yêu ra những người chung quanh và yêu mến cả kẻ thù.

THỨ BA
Mt. 23: 1-12


Lời nói đi đôi với việc làm sẽ có hiệu qủa tốt. Chúa Giêsu phiền trách những người nói mà không làm. Từ lời nói tới việc làm có một khoảng cách cần phải lấp đầy. Có những người thích nói, thích bày vẽ công việc nhưng không muốn cộng tác để thực hiện. Cũng có những người thích đứng bên ngoài chê bôi, phê bình chỉ trích việc của người khác nhưng lại không muốn ghé vai chia xẻ gánh vác.

Chúa Giêsu nói với dân chúng rằng: Các luật sĩ và biệt phái đứng trên tòa Môisen giảng dạy, các con hãy tuân giữ nhưng đừng làm theo hành vi của họ. Lời Chúa cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về các hành xử của mình trong cuộc sống. Có biết bao lần chúng ta cũng rơi vào những yếu đuối như các luật sĩ. Chúng ta khuyên dạy người khác sống công chính, thành thật và gương mẫu nhưng nhìn lại bản thân mình, chúng ta còn khoảng cách rất xa.

Chúa Giêsu không ưa thích những thói tục khoe khoang bên ngoài. Người ta làm chỉ cốt để được người khác khen thưởng. Họ chất những gánh nặng trên vai người khác còn chính họ lại không muốn đụng ngón tay vào. Muốn nêu gương tốt, hãy thực hành những điều mình nói và khuyên dạy người khác.

Lạy Chúa, chúng con yếu đuối và tội lỗi lắm. Chúng con chỉ biết cậy dựa vào lòng nhân hậu của Chúa để đứng vững.

THỨ TƯ
Mt. 20: 17-28


Các môn đệ đi theo Chúa đã lâu nhưng các ông chưa hiểu được sứ mệnh của Chúa. Đã nhiều lần Chúa Giêsu hé mở cho các môn đệ biết con đường thập giá. Con đường khổ giá đó sẽ dẫn đến cái chết của Chúa Kitô. Nhưng hình như các môn đệ không quan tâm nhiều đến mầu nhiệm cứu độ. Các ngài còn mải mê sống theo thói đời. Các ông đi tìm quyền hành và chỗ đứng trong xã hội.

Bà mẹ của các con ông Giêbêđê đến xin Chúa cho hai người con là Gioan và Giacôbê, một người ngồi bên tả và một người ngồi bên hữu trong Nước Chúa. Có lẽ bà không hiểu gì về lời bà đang van xin và bà cũng không biết gì về nước trời. Lợi dụng cơ hội này, Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ bài học về sự phục vụ. Chúa nói: Ai muốn làm lớn trong các con, thì hãy là người phục vụ các con.

Trong nước trời, không có cấp bậc quyền hành như xã hội ngoài đời. Vai trò, bổn phận và trách nhiệm của các bề trên được trao phó là để phục vụ và mưu ích chung cho mọi người. Đôi khi có những vị đại diện trong Giáo hội vì lòng tham danh vọng, sự kiêu căng uy hiếp và uy quyền xét xử, đã có sự lạm dụng quyền hành để gây ảnh hưởng trong cộng đoàn và Giáo hội. Chúa Giêsu luôn nhắc nhở vai trò của người lãnh đạo là đến để phục vụ. Lạy Chúa, chính Chúa đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Xin Chúa cho chúng con biết bước theo con đường của Chúa.

THỨ NĂM
Luca 16: 19-31


Trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là loài thụ tạo suốt đời chịu ơn. Tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân của Chúa ban. Từ sự sống, từ hơi thở, trí khôn và sức khỏe, mọi sự đều do ơn lộc của Chúa. Chúa rút hơi thở, con người trở về hư vô. Những của cải con người kiếm tìm được ở đời này cũng chỉ là giọt nước trong đại dương. Ấy thế mà nhiều khi chúng ta cậy dựa vào những của cải chóng qua để làm bảo hiểm cho đời mình.

Bài phúc âm nói câu truyện của ông đại phú gia và ông Lazarô. Thảm cảnh giữa hai người giầu và nghèo. Người giầu mở yến tiệc linh đình. Người nghèo bệnh hoạn đói khổ không có thuốc thang và của ăn. Người giầu cảm thấy sung sướng được mọi người phục vụ và sống thoả thích trên của cải. Người nghèo, nghèo cả bạn, không ai muốn chia xẻ và kết bạn. Giữa người giầu có và người nghèo có một hố ngăn cách không phải do của cải tiền bạc nhưng do tấm lòng.

Hố sâu ngăn cách của cuộc sống này cũng chính là hố sâu ngăn cách của cuộc sống mai hậu. Chúa ban cho chúng ta có của cải, có khả năng và có cơ may trong cuộc sống không phải Chúa ban riêng cho chúng ta để hưởng lạc một mình. Chúa cho chúng ta để chúng ta cùng làm giầu cho xã hội và phân phát chia xẻ với anh chị em trong mọi khả năng. Khi chúng ta còn nhận được hồng ân của Chúa, chúng ta còn có bổn phận chia xẻ với người khác.

THỨ SÁU
Mt. 21: 33-43, 45-46


Chúa Giêsu nói với các kỳ lão trong dân dụ ngôn về chủ vườn nho và tá điền. Diễn tiến của công việc cho tá điền thuê để sinh lợi đã xảy ra nhiều sự cố đau thương. Các tá điền là những người tham lam và qủy quyệt muốn thâu lợi và chiếm hữu. Vì chủ đi xa, ông sai các đầy tớ đến thu hoa lợi nhưng đều bị từ chối và bị ám hại. Ông chủ sai chính con ruột của mình đến thu hoạch hoa qủa nhưng cũng bị đối xử tàn tệ.

Dùng dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến một vườn nho sống động, đó là vườn nho của nước trời. Vườn nho được trao phó cho các đầu mục và kỳ lão trong dân Do Thái trông coi. Họ là những người quản lý và dẫn dắt toàn dân. Qua dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã sai phái các tiên tri đến dạy dỗ và cảnh tỉnh cuộc sống của dân. Các đầu mục trong dân đã khử trừ từng vị tiên tri được sai đến. Các tiên tri đều bị bách hại, xua đuổi và giết chết. Người con duy nhất của chủ vườn cũng không thoát khỏi những mưu đồ thâm độc của họ.

Người con duy nhất đó chính là Chúa Giêsu. Những kỳ lão và đầu mục trong dân đã toa rập để diệt trừ chính Đấng mà họ đã trông mong. Họ đã cộng tác với chính quyền bảo hộ ra lệnh lên án tử hình người con duy nhất của chủ. Chúa Giêsu đã tiên báo về cái chết của chính Ngài. Ngài đã hy sinh mạng sống để cứu độ trần gian. Lạy Chúa, xin tha tội cho chúng con vì chúng con đã tham dự vào việc kết án Chúa.

THỨ BẢY
Luca 15: 1-3. 11-32


Dụ ngôn về người con phung phá làm cảm động nhiều người. Cảm động về sự trở về của người con thứ. Người con đã phung phí hết tiền của vào những sự ăn chơi trụy lạc. Đến lúc kiệt quệ, không còn đồng xu dính túi, anh phải đi làm thuê đói khổ. Tỉnh ngộ nghĩ về cha già ở nhà cùng với các người làm công ăn no ngủ yên. Anh thèm khát chút tình yêu để sưởi ấm tâm hồn. Anh cảm thấy như thiếu vắng một báu vật gì đó. Nghĩ đến cha và anh vội vã quyết định trở về xin lỗi cha.

Suy nghĩ, quyết định và đứng dậy trở về. Một thái độ dứt khoát, anh đã gặp lại được cha già. Người cha độ lượng bao dung, nhìn thấy con từ đàng xa, đã vội chạy ra đón con và ôm hôn con. Đứa con như đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Cha không cần nghe con giải thích hay xin lỗi về các tội đã phạm. Sự trở về của con đã trả lời cho tất cả. Tình yêu nhân hậu của cha đã bao dung tha thứ vượt ngoài ước mơ của anh. Cha đã mở tiệc ăn mừng.

Người anh cả buồn lòng vì cha đối xử đại lượng với người em. Đây cũng là thói thường tình ở đời. Anh cả cũng giống như mỗi người chúng ta, trong cuộc sống chúng ta tính toán, so đo hơn thiệt và ghen tị với những người chung quanh. Cha già cư xử rất bao dung đối với cả hai anh em. Cha ra van xin anh hãy vào nhà và chung vui cùng mọi người vì đứa em đã hoàn thiện trở về. Rất đúng nghĩa, khi nói rằng đây là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu.