Chúa Nhật III Phục Sinh (A) HÃY ĐÓN NHẬN ĐỨC KITÔ DỰ PHẦN VÀO CUỘC SỐNG

Dẫn nhập đầu lễ :

Anh chị em thân mến,

Như chúng ta vẫn biết và vẫn tuyên xưng : Đại lễ Phục sinh hằng năm và Ngày Chúa Nhật hàng tuần chính là cuộc “tưởng-niệm-tái-diễn” mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, là cuộc tái khám phá và đào sâu mầu nhiệm nầy để đem vào hiện thực cuộc sống. Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật III Phục sinh hôm nay dẫn dắt chúng ta vào mối tương quan liên vị của người Kitô hữu với chính Đấng Phục sinh, giữa cuộc sống đời thường với mầu nhiệm tuyên xưng; đó cũng chính là cách thể hiện, sống, tuyên xưng, rao giảng của thế hệ các Tông Đồ, các cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy.

Giờ đây, để xứng đáng gặp gỡ Đấng Phục sinh, xứng đáng cử hành Thánh lễ, chúng ta hãy sốt sắng nhìn nhận và thống hối tội lỗi.

Giảng Lời Chúa :

Vào thời trai trẻ, có một thời, tôi cũng như bao sinh viên học sinh khác rất mê các tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh, nhất là những cuốn viết về cuộc sống”bụi đời”, về các nhân vật anh hùng du đảng như : ”Vết hằn trên lưng ngựa hoang”, “Luật hè phố”, “Sa mạc tuổi trẻ”…Trong số đó, tôi còn nhớ láng máng một câu chuyện đan xen giữa những câu chuyện, tình tiết của bao nhân vật khác :

Có một tên du đảng bị sa lưới và phải ngồi tù. Tháng ngày trong ngục là cả một “hỏa ngục thảm thương”, chỉ có nổi buồn và uất hận, chỉ có chà đạp và thanh toán, một thế giới chỉ có những tục tỉu nhớp nhơ, thế giới của lảng quên, đau buồn và thất vọng. Thế rồi, một ngày kia, tên du đảng nọ, tìm thấy trong ổ bánh mì thịt từ bên ngoài gởi vào một mảnh giấy nhỏ với những dòng chữ ngoằn ngoèo của một người mới tập viết. Không biết mảnh giấy ấy viết gì. Chỉ biết tên du đảng vừa đọc đã thấy mắt sáng lên, hồi hộp và sung sướng cực độ. Thế rồi ép sát mảnh giấy hồi lâu lên ngực, mắt nhắm nghiền, miệng mĩm cười hạnh phúc…Rồi sau đó, bỏ mảnh giấy vào miệng, nhai ngấu nghiến, nuốt ực..Cười một tràng sảng khoái, rồi cắn lưỡi chết luôn…như để tận hưởng, gìn giữ miên viễn cái hạnh phúc tuyệt vời nầy. Thì ra, sau nầy, có người tìm gặp người viết mảnh giấy ấy mới biết đó chính là người yêu của tên du đảng, và mấy dòng chữ trên mảnh giấy kia đại để là :”cho dù anh có thế nào, em cũng vẫn yêu và nhớ đến anh”.

Thưa ông bà và anh chị em,

Ở giữa chúng ta hôm nay, giờ phút nầy, phải chăng cũng đang có một “mảnh giấy nhỏ của Thiên Chúa” gởi cho mỗi người chúng ta rằng : “Ta vẫn yêu con, vẫn nhớ đến con”. Tôi nghĩ rằng, còn hơn thế nữa. Không chỉ “một mảnh giấy nhỏ” mà là cả một “bức thư tình dài”, và còn hơn cả một “bức thư tình dài”, một “sự hiện diện”, không phải một sự “hiện diện câm lặng, hững hờ, lãnh đạm…mà là một gặp gỡ thân thương, trìu mến.

Vâng, cuộc họp mừng Lễ Tạ Ơn hôm nay, ở khắp nơi, mọi thời, chính là cuộc gặp gỡ thân mật và đích thật nầy giữa chúng ta và Chúa chúng ta, Đức Kitô phục sinh, giữa cộng đoàn chúng ta, gia đình giáo xứ chúng ta với Đấng Phục sinh đang trở về, đang có mặt, đang ban Lời chân lý và Bánh Trường Sinh, đang ủi an và chia sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng để chúng ta tiến bước trên đuờng…Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng, như lời “lời chứng và chia sẻ của Thánh Phêrô” từ thuở khai sinh Giáo Hội mà BĐ 1 sách CVTĐ đã thuật lại hôm nay :

“Chính Đức Giêsu đó,Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều nầy tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe”

1. Đức Kitô phục sinh mở cửa huyền nhiệm cuộc sống :

Quả thật nếu Đức Kitô không sống lại, thì không ai, không một ý thức hệ nào, một triết thuyết nào, một hiền nhân nào có thể giải mả được những “phi lý trong cuộc đời nầy” : phi lý như chuyện : tại sao ông Thầy Giêsu người Na-da-rét, uy tín trong lời nói việc làm, thánh thiện và công chính đến thế mà lại phải chết thảm ? Tại sao cuộc sống đang tươi đẹp hạnh phúc (như anh bạn tân tòng Giuse Lê Văn Cảnh của chúng ta) bổng dưng phải từ giã cõi đời trong một tai nạn xe thảm khốc ? Và từ giã để sau đó đi đâu, về đâu ? Hay xa hơn một chút, sâu hơn một chút trong ý nghĩa của kiếp nhân sinh : Con người sinh ra để làm cái gì ? Thế giới nầy rồi sẽ kết thúc ra sao ? Đau khổ, bất hạnh, sự dữ, cái chết…có ý nghĩa gì không hay chỉ là một thứ “định mệnh” khắc nghiệt, một thứ trò chơi của quyền lực vô minh…? Có lẽ hai tông đồ trên đường Em-mau vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần cách đây 2000 năm, cũng đang hoang mang về những vấn nạn như thế, những phi lý như thế về Thầy Giêsu của mình, về cuộc tử nạn thảm thương của Thầy cách đó hai ngày. Nếu Đức Kitô sau buổi chiều thê lương Thứ Sáu cứ “bặt vô âm tín”, để sau đó xác thân từ từ thối rửa trong mộ đá… thì chắc chắn cho đến mãi hôm nay, vẫn còn những chàng trai, những cô gái, những cụ già, những em thơ…trên mọi nẽo đường trần thế cứ hoang mang hoài, cứ thắc mắc hoài, trăn trở hoài về những vấn nạn của cái sống và cái chết, của hạnh phúc và khổ đau, của hôm nay và vĩnh cửu…

Và Đức Kitô phục sinh đã đến, đã đồng hành, đã thỏ thẻ chuyện trò, đã khai lòng mở dạ, đã hong lại niềm tin, đã đốt lên sức sống cho họ cũng như cho bao nhiêu thế hệ con người. Biết bao nhiêu người đã cảm nhận được điều đó như cách cảm nhận của hai môn đệ trên đường Em-mau xưa : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”

2. Hãy để Ngài tham dự vào cuộc sống :

Như vậy điều còn lại mà sứ điệp Lời Chúa gợi mở cho chúng ta hôm nay phải chăng là chúng ta hãy mở lòng mà tiếp nhận Đấng Phục Sinh, hãy còn một chút gì đó luyến lưu Ngài, nhớ đến Ngài, nhắc nhở về Ngài, như hai chàng tông đồ trên đường Em-Mau thuở nọ. Nói cách khác, chúng ta hãy :”để Ngài tham dự vào cuộc sống của chúng ta”, đồng hành với chúng ta trên mọi nẽo đường đời.

Trong tác phẩm tu đức "Nên thánh trong thời đại mới", Kilian Mc Gowan, C.P. đã nói một cách mạnh mẽ rằng : "Lãng phí lớn nhất của trí tuệ con người là sống mà không nhận biết Chúa Kitô. Thất bại thê thảm nhất của trái tim con người, nếu có, là chưa bao giờ thật sự yêu mến Chúa Kitô. Vở kịch bi thương nhất trong bất cứ cuộc đời nào là không đặt Chúa Kitô làm trung tâm của đời sống chúng ta" (Nên thánh Thời đại mới, trang 72).

Trong khi đó, như chúng ta đã biết : cả thế giới vừa nghiêng mình từ giã trong niềm tiếc thương và kính mến vô cùng Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II mới qua đời. Điều gì đã khiến “Vị Giám Mục Ba Lan, Ông Già gân 85 tuổi nầy” trở thành nhân vật vĩ đại như thế, được tán dương và ca tụng, yêu mến và ngưỡng mộ đến thế ? Chúng ta có thể nghe câu trả lời bằng chính những lời của Đức Hồng Y Josef Ratzinger, Vị niên trưởng Hồng Y đoàn, chủ trì Thánh lễ An Táng ĐTC hôm 08.04 vừa qua :

« Chính nhờ đâm rễ sâu trong Đức Kitô, Ngài đã có thể chu toàn trọng trách vượt quá sức con người : trọng trách của mục tử đoàn chiên Chúa Kitô và của Giáo Hội hoàn vũ ».« Đức Thánh Cha của chúng ta, tất cả chúng ta đều đã biết, đã chẳng khi nào muốn giữ mạng sống của riêng mình, giữ mạng sống cho riêng mình, nhưng đã muốn ban tặng một cách không hề từ nan, cho tới giây phúc cuối cùng, cho Đức Kitô và nhờ vậy cũng ban tặng cho chúng ta »

Điều đó đã được ấn chứng qua bao nhiêu di cảo Ngài để lại cho chúng ta, đặc biệt cho những người trẻ, mà có lẽ nội dung cốt lỏi vẫn là : “Anh em đừng sợ ! Hãy mở lòng đón nhận Đức Kitô, hãy gặp gỡ, hãy đối thoại…”, như trong bài chia sẻ cho giới trẻ tại Bolivie ngày 11/5/1988 với đoạn Tin Mừng “Hai môn đệ trên đường Em-Mau”, Ngài đã nói :

….”Đứng trước tình huống đó, tình huống thật sự đen tối đó, cha mời chúng con hãy quay về với Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Con của Đức Maria, đi vào đối thoại với Người, vì hôm nay Người đang sánh bước bên ta trên con đường giống như chiều xưa, Người đã bước đi với hai người về làng Em-Mau, cho dù mắt ta có bị chìm trong bóng tối hoặc khép kín lại nên không nhận ra Người…”

“Các bạn trẻ thân mến, trên đường đời, chúng con đừng bỏ Đức Giêsu. Nếu thân phận con người yếu hèn đã khiến chúng con không chu toàn các giới răn của Thiên Chúa, chúng con hãy hướng cái nhìn về Đức Giêsu và thưa với Người : “Xin ở lại với chúng con, xin ở lại, xin đừng đi xa nữa”…


Trong khi đó, tại đại hội giới trẻ ở Buenos Aires, ĐTC đã kêu gọi : “Hãy quảng đại mở lòng ra với tình yêu của Đức Kitô, Đấng duy nhất có thể mang lại một ý nghĩa đầy đủ cho toàn thể đời sống chúng ta…”

Ngày 18/05/1988, Ngài đã ngỏ lời với các bạn trẻ Paraguay : “…chúng con hãy đến gần Thầy Chí Thánh nếu chúng con muốn tìm ra một lời đáp cho những khát vọng của con tim. Chúng con hãy tìm kiếm Đức Kitô, Đấng tuy là Thầy, là mẫu mực, là người bạn và đồng hành, lại là Con Thiên Chúa làm người, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Vị Thiên Chúa hằng sống, Đấng sau khi chết trên thập giá và sống lại, đã muốn ở lại bên ta để thông truyền cho ta hơi ấm của tình bạn thần linh của Người, tha thứ cho ta, đổ đầy cho ta ơn Thánh Người và làm cho ta nên giống Người. Đức Kitô là Đấng có lời ban sự sống đời đời, vì Người là chính sự sống”….

Một khi đã có Đức Kitô hiện diện trong cuộc đời thì mọi sự sẽ biến đổi từ đó. Ngài sẽ biến đổi trái tim chai đá cứng tin của Tôma nên diệu hiền khiêm hạ, con người ba phải nhút nhát của Phêrô nên mạnh mẽ can trường, cố chấp thù nghịch như Phaolô trở nên nhà truyền giáo vĩ đại… hay như một Augustinô lầm lạc trác táng trở thành Giám Mục thời danh, một Phanxicô Assisi, một Phanxicô Xavie đam mê tham vọng… đã trở nên những thừa sai loan báo Tin mừng, một Têrêsa Calcutta, người nữ tu chân yếu tay mềm, khó nghèo đơn giản đã trở nên ân nhân của hàng triệu con người bất hạnh, đã trở thành đại thánh. Vâng tất cả đều có chung một bí quyết duy nhất : gặp gỡ Đức Kitô và để Ngài tham dự vào chính cuộc đời.

Chỉ có một điều đáng lo ngại là thế giới hôm nay có quá nhiều những mời mọc, cám dỗ qua nhiều những đối tượng để chọn lựa…chẳng khác nào như một “nhà hàng buffet với hàng trăm món ăn hấp dẫn khiến chúng ta có thể không nhận ra hay cố tình lãng quên “cái phần tốt nhất để chọn lựa”, lãng quên chính sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc đời, trong Kinh Thánh, trong Phụng Vụ, nhất là trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Chính vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện như hai tông đồ Em-Mau : “Xin Thầy ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tan”, hay như lời cầu xin của Cha Piô sau đây :

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

Vì con cần có Chúa hiện diện

Để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa dường nào,

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

Vì con yếu đuối,

Con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ….

Con cần được thêm sức mạnh

Để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

Vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời….Amen