Kể từ Thứ Tư 29 tháng 1, năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về Bát Phúc hay Tám Mối Phúc Thật. Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ tư của Đức Thánh Cha được ban hành trong buổi Triều Yết Chung tại Rôma hôm Thứ Tư vừa qua, ngày 19 tháng 2 năm 2020. Trong bài này chúng tôi dịch Bài Tóm Tắt bằng Tiếng Anh ngắn để tiện cho các giáo xứ đăng trên các bản tin và bài Giáo Lý chính và dài từ bản tiếng Ý được đăng trong website của Toà Thánh (http://www.vatican.va).

Bài Tóm Tắt bằng Anh Ngữ

Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý về các Bát Phúc, giờ đây chúng ta bàn đế Mối Phúc Thứ Ba: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất làm gia nghiệp” (Mt 5:5). Thánh Kinh sử dụng thuật ngữ “hiền lành” để chỉ những người nghèo và không có ruộng đất. Như thế việc Chúa Giêsu tuyên bố rằng người hiền lành sẽ được đất làm gia nghiệp có vẻ mâu thuẫn. Nhưng Chúa nói với chúng ta rằng người hiền lành sẽ được đất làm gia nghiệp. Bát Phúc chung cuộc chỉ đến quê hương trên trời đã được hứa cho con cái Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, người hiền lành là người đã học cách bảo vệ lãnh thổ của mối liên hệ của họ với Thiên Chúa và giữ gìn những món quà của Ngài là an bình, lòng thương xót và tình huynh đệ. Tội lỗi có thể phá hủy gia nghiệp này, vì hận thù và chia rẽ bắt nguồn từ tội lỗi có sức hủy diệt. Trái lại, sự hiền lành bảo tồn gia nghiệp này, giúp nó phát triển và chiếm được cảm tình của những người khác bằng tình yêu, lòng tốt và tình bằng hữu. Bằng cách noi gương sự hiền lành của Đức Kitô, chúng ta có thể giúp mở rộng vương quốc của Người và đến để lãnh nhận gia nghiệp được hứa cho chúng ta bởi Bát Phúc.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta đề cập đến mối phúc thứ ba trong Tám Mối Phúc Thật của Tin Mừng Thánh Matthêu: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp” (Mt 5: 5).

Thuật ngữ “hiền lành” được sử dụng ở đây theo nghĩa đen là ngọt ngào, hiền hậu, dịu dàng, không dùng bạo lực. Sự hiền lành tỏ lộ trong những lúc xung đột, bạn có thể thấy một người phản ứng với một tình cảnh thù nghịch thế nào. Bất cứ ai cũng có thể tỏ ra ôn hòa khi mọi sự đều bình thản, nhưng người ấy phản ứng thế nào “dưới áp lực” nếu bị tấn công, xúc phạm, hà hiếp?

Trong một đoạn thư, Thánh Phaolô nhắc lại “lòng nhân từ và hiền lành của Ðức Kitô” (2 Cor 10: 1). Và đến lượt Thánh Phêrô nhắc lại thái độ của Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn: Người đã không trả lời và cũng không đe dọa, vì “Người đã phó mình cho Ðấng xét xử công minh” (1 Pr 2:23). Và sự hiền lành của Chúa Giêsu được thấy rõ trong Cuộc Khổ Nạn của Người.

Trong Thánh Kinh, từ “hiền lành” cũng ám chỉ một người không có đất đai tài sản; và do đó, chúng ta ngạc nhiên bởi sự thực là mối phúc thứ ba nói chính xác rằng người hiền lành “sẽ được đất làm gia nghiệp”.

Thực ra, mối phúc này trích dẫn Thánh Vịnh 37, mà chúng ta đã nghe ở đầu bài giáo lý. Ở đó cũng vậy, sự hiền lành và việc sở hữu đất được nối kết với nhau. Hai điều này, khi chúng ta nghĩ về chúng, thì chúng có vẻ xung khắc. Thực ra, sở hữu đất đai là lãnh vực xung đột điển hình: người ta thường chiến đấu cho một lãnh thổ, để giành quyền bá chủ một khu vực nhất định. Trong các cuộc chiến tranh người mạnh nhất thắng thế và chinh phục các vùng đất khác.

Nhưng hãy xem xét kỹ động từ được sử dụng để chỉ sự sở hữu của những người hiền lành: họ không chinh phục đất đai; không nói “phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ chinh phục trái đất”. Họ “thừa hưởng” nó. Phúc cho những người hiền lành vì họ sẽ “thừa hưởng” đất. Trong Thánh Kinh, động từ “thừa hưởng” thậm chí còn có ý nghĩa hơn nhiêu. Dân Thiên Chúa gọi vùng đất của Israel, là Đất Hứa, là “gia nghiệp”.

Đất ấy là một lời hứa và một món quà cho Dân Thiên Chúa, và trở thành một dấu chỉ của một điều lớn hơn nhiều so với một lãnh thổ đơn giản. Có “đất” - cho phép chơi chữ - đó là Thiên Đàng, nghĩa là đất mà chúng ta đang bước đến: Trời mới và đất mới mà chúng ta đang đi tới (x. Is 65:17; 66:22; 2 Pr 3:13; Kh 21:1).

Vậy thì người hiền lành là người “thừa hưởng” lãnh thổ siêu phàm nhất trong tất cả các lãnh thổ. Người ấy không phải là một kẻ hèn nhát, một “kẻ yếu đuối”, kẻ tìm một loại đạo đức co mình lại để tránh rắc rối. Khác xa! Người ấy là một người đã nhận được một gia sản và không muốn phung phí nó. Người hiền lành không phải là người thích nghi với hoàn cảnh nhưng là môn đệ của Đức Kitô, là người đã học cách bảo vệ một miền đất khác. Người ấy bảo vệ sự bình an của mình, bảo vệ mối liên hệ của mình với Thiên Chúa, bảo vệ những hồng ân của mình, những hồng ân của Thiên Chúa, bảo tồn lòng thương xót, tình huynh đệ, niềm tin, hy vọng. Bởi vì người hiền lành là người có lòng thương xót, tình huynh đệ, tin tưởng và là người có niềm hy vọng.

Ở đây chúng ta phải đề cập đến tội tức giận, một sự di chuyển vũ bão của điều mà tất cả chúng ta đều biết là cơn bốc đồng. Có ai đôi khi đã không tức giận không? Tất cả mọi người. Chúng ta phải lật ngược mối phúc và tự hỏi mình một câu: chúng ta đã phá hủy bao nhiêu thứ với sự tức giận? Chúng ta đã mất bao nhiêu thứ? Một giây phút tức giận có thể phá hủy nhiều thứ; bạn mất kiểm soát và không đánh giá điều gì thực sự quan trọng và có thể phá hỏng mối liên hệ với một người anh em, đôi khi không có thuốc chữa. Trong cơn giận dữ, nhiều anh em không còn nói chuyện với nhau, họ rời xa nhau. Đó là đối nghịch của hiền lành. Hiền lành tụ họp lại, giận dữ tách rời ra.

Sự hiền lành chinh phục được nhiều thứ. Sự hiền lành có khả năng chiến thắng con tim, cứu vãn tình bằng hữu và nhiều hơn nữa, bởi vì những người tức giận nhưng sau đó bình tĩnh lại, suy nghĩ lại và phục hồi, và vì thế có thể xây dựng lại được với sự hiền lành.

“Đất” được chinh phục bằng sự hiền lành là ơn cứu rỗi của anh em mà Tin Mừng Thánh Matthêu nói: “Nếu nó chịu nghe con, thì con đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18:15). Không có vùng đất nào đẹp hơn con tim của những người khác, không có lãnh thổ nào đẹp để chiếm được hơn là sự bình an được tìm thấy với một người anh em. Và đó là đất được thừa hưởng với sự hiền lành!

(Nguồn: http://www.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2020/documents/papa-francesco_20200219_udienza-generale.html)