Giáo Hoàng Đã Mất Âu Châu Hay Âu Châu Đã Mất Giáo Hoàng.

ROME 08/04/05 - Lúc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn sinh tiền, khi nhận định về tình hình Công Giáo Âu Châu các nhà bình luận chính trị và tôn giáo thường hay đưa ra kết luận có tính cách mỉa mai rằng Giáo Hoàng Đã Mất Âu Châu. Các nhà phân tích thường dựa vào hai sự kiện sau:

Thứ nhất: Xét về mặt xã hội các nhà phân tích thấy số người Công Giáo ở Âu Châu đi nhà thờ mỗi ngày một ít, giáo đường đóng cửa, số linh mục giảm và nhiều nơi không có linh mục cung ứng mục vụ. Về phía giáo dân, nhiều người mang tiếng là Công Giáo nhưng không tuân theo những giáo huấn của Giáo Hội như trong các vấn đề phá thai, ly dị, phụ nữ làm linh mục v.v..

Thứ hai: Trước sự kiện xã hội nêu trên, các nhà cầm quyền muốn thi hành một chính sách tục hóa được thể hiện qua bản hiến pháp của Liên Hiệp Âu Châu. Khi các nước trong Liên Hiệp Âu Châu soạn thảo bản hiến pháp chung, thì Tòa Thánh đã cố vận động với các chính quyền để họ đưa vào lời mở đầu của bản hiến pháp một đoạn ngắn nói về Kitô Giáo đã góp phần vào việc hình thành nền văn minh Âu Châu ngày này.

Đề nghị của Tòa Thánh chỉ là phản ảnh một thực tế có thật, nhưng một số quốc gia tây phương mà dẫn đầu là Pháp, Đức, Bỉ đã quyết liệt chối bỏ thực tế đó, không chấp thuận đề nghị của Tòa Thánh. Kết quả là trong bản hiến pháp của Liên Hiệp Âu Châu, Kitô Giáo đã bị gạt ra ngoài. Nói khác đi, các nước Âu Châu đã phủ nhận căn tính Kitô Giáo, phủ nhận di sản Kitô Giáo đã hình thành nên nền văn minh Âu Châu ngày nay, hoặc nói theo mấy vị triết gia hiện sinh là chính quyền Âu Châu đã “Mời Thượng Đế Ra Khỏi Thiên Đàng”

Qua hai sự kiện điển hình trên, các nhà bình luận về tôn giáo đưa ra kết luận: “Giáo Hoàng Đã Mất Âu Châu”. Vậy kết luận ấy liệu có chuẩn xác không? Ta hãy xét thực tế những gì đã diễn ra trong tang lễ của Đức Giáo Hoàng trong ngày 8 /4 /2005 vừa qua. Sau đây là những điều ai cũng thấy:

Thứ nhất, nhiều thông tín viên truyền hình truyền thanh cho biết số người đến tham dự tang lễ khoảng 4 triệu người. Thông tín viên tin tức thế giới của hãng truyền hình Mỹ CBS trong bản tin chiều ngày 8/4/2005 nói đây là đám tang trang trọng, hoành tráng và có số người đông nhất lịch sử loài người.

Thứ hai, trong số bốn triệu người đó, đa số là giới trẻ.

Thứ ba, khánh hành hương dự tang lễ không chỉ là người Ý, Ba Lan mà từ khắp các nước Âu Châu. Số người Á Châu và Phi Châu rất ít, không đáng kể. Nói chung là người Âu Châu

Thứ tư: khách hành hương đã không quản ngại vất vả, đứng xếp hàng cả 12 đến 14 tiếng đồng hồ để được vào nói lời từ biệt ĐGH. Rồi Roma không đủ khách sạn, cả triệu người đã ăn ngủ ngay trên đường phố dưới thời tiết lạnh lẽo. Một thông tín viên truyền hình Mỹ đã kể rằng nhiều khách hành hương phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ trước tiêm ăn mới mua được miếng Pizza, rồi đem ra phân phát cho các bạn ăn cho đỡ đói sau đó lại xếp hàng nữa đi vào mua thức ăn.

Qua những sự kiện đó. Chúng ta có thể rút ra một kết luận mà không sợ sai lầm rằng Âu Châu nói chung vẫn thương yêu Đức Giáo Hoàng. Nhưng kết luận đó mới chỉ là mặt nổi, chưa đi vào bản chất. Nếu đặt tiếp câu hỏi tại sao khối người đông đảo đó lại thương yêu ĐGH. Câu trả lời là vì họ yêu mến những gì Đức Giáo Hoàng đã làm, thấy những điều Đức Giáo Hoàng đã nói là đúng, là hợp với tâm thức của họ. Mà những điều ĐGH nói, những điều ĐGH làm chính là những lời của Chúa, chính là những giáo huấn của Giáo Hội. Nơi Ngài họ thấy hiện thân của Chúa, của Giáo Hội. Một số họ có bất đồng ý kiến với Giáo Hội thật, nhưng vẫn thương yêu Giáo Hội được cụ thể hoá một cách hùng hồn qua hành động trong ngày tang lễ lịch sử đối với người cha già thân thương ngày hôm qua. Như vậy, thực ra, họ không bỏ Giáo Hội mà chỉ có chính quyền nước họ nhân danh họ từ bỏ Giáo Hội.

Vậy sau đám tang ĐGH Gioan Phaolô II, liệu chính quyền Âu Châu và các nhà bình luận có rút ra được bài học gì không hay vẫn cứ mạnh miệng: “Giáo Hoàng Đã Mất Âu Châu”. Có lẽ giới chức thế quyền Âu Châu cũng nên hành xử thế nào để khỏi mang tiếng “Âu Châu Đã Mất Giáo Hoàng”.