(Mt. 5, 17-37)
HÒA GIẢI
Hãy làm hòa với anh em trước khi dâng của lễ trên bàn thờ. Truyện kể: Có hai ông bà già giận nhau đòi ly thân. Dù khuyên thế nào, ông già nhất định không chịu hòa giải với bà cụ. Sau lời khuyên của cha xứ, bà cụ đã sám hối, sẵn sàng bỏ qua, tha thứ và hòa giải nhưng ông chồng nhất định không chịu. Ông thì cứ khăng khăng bắt lỗi bà. Linh mục hỏi rằng vậy nếu khi bà cụ chết trước, được lên thiên đàng, rồi sau đó, ông cũng chết, Chúa cho ông lên thiên đàng gặp bà cụ. Ông tính thế nào? Chưa hết giận, ông liền nói: Nếu gặp bà ở đó, tôi sẽ đi ra.
Hòa giải là một ơn huệ giúp tâm hồn chúng ta thanh thản và mang lại cuộc sống an vui thư thái. Nếu chúng ta không biết bỏ qua và tha thứ những lỗi lầm cho nhau, cuộc sống tự nó sẽ trở thành gánh nặng. Chúng ta phải vác và phải mang nó đi mọi nơi. Nó sẽ âm thầm gặm nhấm cuộc đời qua cách cư xử, qua sự lộ diện và mọi biểu tỏ cuộc sống. Chúng ta cứ phải nghĩ đến nó và đau khổ với nó. Cách tốt nhất hãy rời nó lại đàng sau và tiến bước.
Truyện kể: Người Ấn Độ muốn bắt khỉ, người ta lấy một chiếc hộp rồi cắt một lỗ nhỏ vừa đủ. Để những hạt đậu rang thơm phức bên trong. Chú khỉ ta đi qua, bắt mùi, thò tay vào bốc một nắm đầy. Vì tham, chú khỉ không rút tay ra được, đành chịu đứng đó cho người ta bắt. Chỉ vì chú khỉ không muốn buông nắm mồi. Để được tự do, chú khỉ chỉ việc buông tay và chạy thoát. Cuộc đời chúng ta cũng thế, chúng ta cần buông bỏ những thứ không cần thiết để được tự do.
Trong bài phúc âm dài Chúa Giêsu dậy chúng ta rất nhiều điều và nhiều luật. Luật bác ái và yêu thương là quan trọng nhất. Mọi điều luật đều qui về hai giới răn này là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Chúa nói rằng ai giữ và dạy người khác chu toàn lề luật là người cao trọng trong Nước Trời.
Chúa dạy rằng không được giết người, không nên phẫn nộ, không gọi anh em mình là ngốc và không rủa anh em là khùng, không ngoại tình và không thề gian dối. Nếu có chuyện bất bình, hãy làm hòa với nhau. Hòa thuận là mối phúc thật. Anh em xum họp một nhà bao la tốt đẹp, bao là sướng vui.
Hãy hòa giải với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tìm được nguồn vui tự tại trong an bình. Hãy hòa giải với nhau, đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.
TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mc. 8: 11-13
Những người biệt phái cảm thấy ghen tị và khó chịu với Chúa Giêsu. Họ tranh luận với Chúa và đòi được xem dấu lạ từ trời. Biết bao nhiêu dấu lạ cũng thế thôi, khi mà lòng con người đã đóng. Mắt của họ mở mà không nhìn thấy. Tai của họ cũng bị bịt kín không còn nghe được những lời tin mừng. Những người biệt phái luôn tìm cách gây khó dễ cho việc truyền đạo của Chúa.
Biệt phái là những tai mắt trong dân. Họ không muốn khoanh tay nhìn những tín đồ của họ chạy theo ông Giêsu. Họ cũng thường có mặt trong khi Chúa rao giảng. Nhiều lần họ cũng đã lên tiếng hạch hỏi Chúa những khoản luật về tập tục và những quy định của cha ông. Có những cuộc tranh luận tốt làm sáng tỏ vấn đề và giúp mọi người hiểu rõ hơn về chính luật. Có những tranh luận chỉ là để dò xét và hạch hỏi nghi ngờ, điều này sẽ không giúp ích trong đối thoại.
Các người biệt phái xin dấu lạ. Chúng ta biết rằng con người có cao trọng đến đâu cũng chỉ là loài thụ tạo hư vô. Sống đó rồi chết đó. Con người chỉ sống trong khoảng thời gian rồi sẽ trở về cát bụi. Thụ tạo phàm phu đòi dấu lạ từ trời cao. Chúa đã làm biết bao phép lạ, nếu không phải là từ trời cao, vậy các dấu lạ từ đâu chứ ! Con người cần khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài và Ngài có quyền thay đổi theo ý Ngài muốn.
THỨ BA
Mc. 8: 14-21
Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê. Men là chất xúc tác làm dậy đấu bột. Men của biệt phái và của Hêrôđê là những ảnh hưởng của cuộc sống. Men của sự tự kiêu, men của ganh tị và men của sự gian tham. Men chính là cách suy nghĩ và là cách sống ở đời.
Người ta nói: Gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Ở đời có những người có thể gây ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng. Thí dụ như các triết thuyết xã hội vô thần, phátxít, quân phiệt hay tự do. Các tư tưởng cách mạng có thể ảnh hưởng đến cả thời đại và làm thay đổi cả hệ thống chính trị. Các biệt phái có những chủ trương và cách sống riêng ảnh hưởng tới dân chúng. Họ thích sống hình thức và phô trương bên ngoài. Họ có những chủ trương phân biệt chủng tộc và mị dân. Họ là những người có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình phát triển dân tộc.
Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ hãy ý tứ đừng rơi vào lối sống của họ. Những thứ men giả hình và độc ác sẽ làm biến chất con người. Chúng ta luôn nhớ xa tránh những thứ men xấu của những phong trào chống lại sự sống và hạ thấp phẩm giá của con người.
Lậy Chúa, Chúa cũng nhắc nhở chúng con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men của người đời.
THỨ TƯ
Mc. 8: 22-26
Chúa đến Bétsaiđa, người ta dẫn một người mù đến và xin Chúa chữa. Marcô ghi chi tiết việc Chúa làm. Chúa dắt anh ra khỏi làng, bôi nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: Anh có thấy gì không? Anh chưa thấy rõ, Chúa lại đặt tay trên mắt anh lần nữa và anh đã thấy rõ. Chúng ta cũng không hiểu sao mà Chúa thực hiện từng phần trong việc chữa mắt cho anh được sáng.
Người mù không thể nhìn thấy sự gì chung quanh. Cả đời cứ phải lần mò trong đêm tối. Họ không được chia xẻ những vẻ đẹp của thế giới chung quanh. Họ khổ đau vì mất đi một phần của sự sống con người. Chúa ban cho con người có ngũ quan như là những cửa sổ để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Có tai để nghe âm thanh. Có mắt để nhìn ngắm sự vật. Có mũi để ngửi mùi vị. Có lưỡi để nếm thử và có tay chân để di động, sờ mó. Mất đi một giác quan là mất đi một phần của sự sống.
Chúng ta có mắt sáng nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy mọi sự. Chúng ta không nhìn thấy hết vạn vật chung quanh vì mắt của chúng ta có giới hạn. Đôi khi chúng ta có mắt sáng nhưng không nhìn biết những việc ngay bên. Có khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ những nhu cầu cần thiếu hay những đau khổ bệnh hoạn cần giúp đỡ và thăm viếng. Mắt tinh thần của chúng ta bị khép kín. Lạy Chúa, xin mở mắt tâm hồn để chúng con nhận biết Chúa và nhận biết và giúp đỡ những nhu cầu thiếu thốn của anh em.
THỨ NĂM
Mc. 8: 27-33
Dọc đường đi đến Xêdarê Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: Người ta nói Thầy là ai? Các ông thưa rằng: Có người nói Thầy là Gioan Tẩy Giả. người khác nói là Êlia và số khác cho là một trong các tiên tri. Dân chúng đã nghe Chúa giảng và chứng kiến các phép lạ Chúa làm nhưng họ chưa biết rõ Chúa là ai. Họ chỉ đoán già đoán non về Chúa. Họ chỉ nhận biết rằng Thiên Chúa đã đoái thương ban cho họ một tiên tri để xoa dịu những khổ đau trong cuộc sống.
Có lẽ trong thâm tâm, họ cũng không muốn biết hơn về Chúa Giêsu. Họ theo Chúa, tôn kính Chúa và bái phục Chúa. Họ không đặt vấn đề vì họ biết Chúa là vị tiên tri được Thiên Chúa sai đến như tất cả các vị tiên tri khác. Còn các tông đồ, sau một thời gian bên Chúa, được chỉ dạy nhiều điều và hiểu biết Chúa nhiều hơn. Chúa cũng dò hỏi các ông: Còn các con, các con nói Thầy là ai? Rất may mắn, có Phêrô đỡ lời: Thầy là Đức Kitô. Phêrô trả lời đúng ý Thầy và Thầy nghiêm cấm các ông không được nói với ai.
Chúng ta cũng thấy hơi lạ là tại sao Chúa không muốn các môn đệ tuyên xưng Chúa với người đời. Đã nhiều lần Chúa nói về chính mình, người ta cũng không tin. Chúa muốn hoàn tất hành trình cứu độ qua con đường khổ giá. Con đường của Chúa khác con đường của Chúng ta. Chúa muốn mọi người nhận ra Chúa khi Ngài bị treo lên trên thập giá và Ngài sẽ kéo mọi người lên cùng Ngài.
THỨ SÁU
Mc. 8: 34-9:1
Chúa Giêsu gọi dân chúng và các môn đệ lại và nói: Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Tôi. Theo Chúa không phải tin theo một học thuyết hay một phong trào nhất thời nhưng là chia xẻ cuộc đời và vinh quang với Chúa. Chúa có thái độ dứt khoát, không mị dân và không hứa hão. Điều kiện theo Chúa không dễ, làm sao chúng ta có thể từ bỏ mình. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và Chúa còn cho chúng ta hưởng hạnh phúc làm con Chúa.
Chúa lại muốn chúng ta từ bỏ mình và vác thánh giá mình đi theo Chúa. Từ bỏ mình không phải là đánh mất mình hay là vong thân. Nhưng từ bỏ mình là để trở nên chính mình hơn. Bỏ đi những ước muốn dục vọng bất chính, bỏ đi những sự tham lam, bỏ đi sự kiêu căng và chấp nhận con người thật của mình. Con người là chi mà Chúa tôi để ý chăm nom. Con người chỉ là cát bụi nhưng được Thiên Chúa phú trao linh hồn nên con người trở thành loài thụ tạo cao qúy.
Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn Chúa sẽ phải chịu. Chúa muốn những người theo Chúa phải hiểu rõ và tự do chấp nhận. Chấp nhận theo Chúa là chấp nhận đi theo con đường khổ giá sẽ có nhiều chông gai. Ít người thích đi vào con đường hẹp này. Chúng ta rất muốn theo Chúa nhưng chúng ta ngại vác thánh giá. Chúng ta muốn cắt nhẹ thánh giá để cuộc sống dễ chịu hơn. Lậy Chúa, chúng con yếu đuối lắm. Chúng con sợ khổ lắm. Xin Chúa giúp sức cho chúng con.
THỨ BẢY
Mc. 9: 2-13
Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên núi cao, rồi Chúa biến hình trước mặt các ông. Hằng ngày Chúa ở bên các môn đệ, Chúa cùng chia xẻ bữa ăn, những giờ giải lao và những lúc chuyện gẫu bên lề, các môn đệ đâu có ý tưởng một Thiên Chúa uy quyền ở giữa các ông. Nhìn bề ngoài con người của Chúa Giêsu đâu có khác chi những người khác. Ngài cũng ăn mặc giống mọi người, cũng nói cùng một ngôn ngữ, cũng chia các phần ăn và cũng dùng rượu ngon. Nhưng trong con người của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm ẩn dấu không trí khôn nào có thể hiểu thấu.
Chúa biến hình tỏ diện bản tính Thiên Chúa của Ngài. Ngài quá cao siêu, quá sáng láng và vượt quá tầm nhìn của con người. Không có mắt trần nào chịu thấu sự hiện diện uy linh của Chúa. Các tông đồ phủ phục trước tôn nhan Thiên Chúa. Thời gian thoáng qua như trong mơ, các tông đồ quá sung sướng ngất lịm. Chúa đã đánh thức các ông và đưa các ông trở lại thực tại của cuộc sống.
Chúa Giêsu hé mở một chút vinh quang trời cao cho các tông đồ. Sau đó khi xuống núi, Ngài đã loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài phải trải qua rồi mới vào vinh quang bất diệt. Các tông đồ được hưởng giây phút thần tiên bên Chúa. Khi trở lại cuộc đời thường, các ngài bắt đầu lữ hành trên con đường theo Chúa. Niềm hy vọng vinh quang đó phấn chấn niềm tin và dẫn đưa các tông đồ tới cùng đích của cuộc sống.