“Tình yêu dành cho quê hương phải lớn hơn tình yêu dành cho Giáo Hội; và phép nước phải trọng hơn phép đạo”, Giám Mục Trung Quốc Phòng Hưng Diệu (Fang Xingyao - 房興耀) nói như trên trong Hội Nghị Tham Vấn Chính Trị Về Các Tôn Giáo được tổ chức vào ngày 26 tháng 11 vừa qua tại thủ đô Bắc Kinh.

Cuộc họp được chủ tọa bởi Uông Dương (Wang Yang - 汪洋), chủ tịch Ủy Ban Tham Vấn Chính Trị Toàn Quốc, gọi tắt là CPPCCP, và là một thành viên trong Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, với sự tham gia của các chuyên gia, học giả, các nhân vật tôn giáo và các cố vấn chính trị.

Mục đích của hội nghị này là phát triển một hệ thống “ý thức hệ tôn giáo với đặc điểm Trung Quốc, phù hợp với yêu cầu của thời đại” do Chủ tịch Tập Cận Bình triệu tập nhằm mục đính “Trung Hoa hóa” các tôn giáo. Theo thông tấn xã Asia News của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, điều này có nguy cơ đặt các tôn giáo dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản ngay cả về mặt thần học.

Ông Phòng Hưng Diệu là giám mục Yên Đài (Yantai - 烟台)thuộc tỉnh Sơn Đông (Shandong - 山东) và là thành viên của Ban Thường vụ CPPCC. Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc và là phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc. Cả hai cơ cấu này đều không được Tòa thánh công nhận.

Tuyên bố của Giám Mục Phòng Hưng Diệu đã được tường thuật trong một bài viết dài được công bố trên trang web của CPCPC, trong đó những người tham gia đều đề cao tinh thần yêu nước.

Một số người Công Giáo Trung Quốc xem những lời của Giám Mục Phòng Hưng Diệu, về tầm quan trọng tuyệt đối của tình yêu đối với quê hương và luật pháp quốc gia, như là một thứ gây ô nhiễm cho mối quan hệ hiệp nhất của người Công Giáo với Tòa Thánh. Tòa Thánh luôn nói rằng “một người Công Giáo tốt” cũng là một “công dân tốt”, nghĩa là không đặt tình yêu quê hương và tình yêu đối với Giáo Hội ở thế đối kháng với nhau. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, trong Thư gửi người Công Giáo Trung Quốc (năm 2007) đã nhấn mạnh đến yếu tố này, và kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc dành không gian cho tự do tôn giáo, để Giáo Hội có thể “thúc đẩy công lý” cho xã hội (số 4).


Source:Asia News