HẠT LÚA MÌ HAY NHỮNG GIỌT PHÙ SA

Lễ Thánh Giám Mục Stêphanô Theodore Cuénot Thể - 14.11.2019

Cách đây 158 năm, đêm 14.11.1861, dòng sông Gò Bồi bên kia đường trước mặt nhà thờ Vĩnh Thạnh, cũng đang mùa nước lũ sau những cơn mưa dai dẳng đầu đông; và cũng giữa dòng sông đục ngầu màu phù sa của mùa đông năm ấy đã mang theo thân xác của một Chủ chăn vĩ đại, một người Cha chung nhân hiền, một mục tử tận tình tận nghĩa với đoàn chiên.

Vâng, hôm nay lại một lần, đoàn dân Công Giáo Qui Nhơn chúng ta lại tựu hội về đây, trong ngôi đền thánh Vĩnh Thạnh nầy để cùng nghe lại “chuyện kể của dòng sông” như lời giảng năm nào của Đức Cha Matthêô: “Dòng sông đã khép lại đưa thi hài của người về chốn an nghỉ vĩnh hằng, và kể từ đó cứ độ nầy mỗi năm ta nghe như tiếng dòng sông thì thầm kể lại cuộc tử đạo anh hùng của vị chủ chăn khả kính”.[1]

Và sau đây là những tiếng thì thầm của dòng sông được ghi lại qua những dòng chữ trong cuốn nhật ký 400 năm của giáo phận – GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN:

“Sau đó ít ngày, ngài ra phía ngoài xóm Gò Thị, tạm ẩn tại nhà ông Tri rồi sang nhà ông hương Tiêu và ở lại đó 16 ngày. Ngày 21 tháng 10 cha Sự và thầy sáu Khoa đưa ngài từ Gò Thị ra Gò Bồi cùng với hai chủng sinh là thầy Tuyên và chú Nghiêm, cả ba ẩn trốn tại nhà bà Huỳnh Thị Lưu, vì binh lính không có thói quen lục soát nhà một phụ nữ đơn chiếc. Chúa Nhật ngày 27 tháng 10 khi Đức cha vừa dâng thánh lễ xong thì lính bao vây nhà, nên ngài cùng với hai chủng sinh vội vàng trốn vào lẫm lúa, không kịp dọn cất đồ lễ. Bà Lưu bị tra tấn nhưng không khai nơi trú ẩn của Đức cha. Sau hai ngày một đêm không ăn không uống và thấy quan quân không chịu rút đi, Đức cha đành phải ra nộp mình cho quân lính. Chúng nhốt ngài trong một chiếc cũi và giải về thành Bình Định,[2] đi ngang qua Nước Mặn. Lúc ấy trời đang mưa lụt nên toàn thân ngài bị ướt sũng. Tại Bình Định, sau khi bị hỏi cung ngài bị tống giam vào ngục và bắt đầu ngã bệnh. Bệnh kiết lỵ làm cho ngài bị yếu sức mau chóng.

Đêm 14.11.1861 ngài âm thầm trút hơi thở trong ngục, một ngày trước khi bản án xử trảm từ Huế gửi vào đến nơi. Sáng hôm sau, khi khám phá ra ngài đã chết, các quan không chém đầu nhưng truyền lấy chiếu bó xác ngài đem chôn. Hơn 3 tháng sau, một bản án khác từ kinh gửi về với nội dung như sau: "Đạo trưởng Thể đã đến sống lén lút trong nước gần 40 năm; hắn đã giảng tà đạo và phỉnh gạt dân chúng; bị bắt và hỏi cung, hắn đã thú nhận tội phạm to lớn đó. Hắn phải bị xử trảm và bêu đầu ở chợ. Nhưng vì hắn đã chết, chỉ còn vứt xác xuống sông". Chiếu theo bản án, quan trấn cho đào mồ Đức cha để ném thi thể xuống sông. Nhưng lạ lùng thay, xác ngài vẫn còn nguyên vẹn không bị hư thối. Dù vậy người ta vẫn ném xác ngài xuống sông theo đúng án lệnh và từ đó đến nay không biết xác ngài trôi dạt đến đâu…”[3]

Thì ra, “Hạt lúa mì Stêphanô” cao cả đó không những đã “bị chôn vào lòng đất” mà sau đó lại còn được tan hòa giữa dòng sông để chuyên chở hồng ân Tử Đạo ra bao la biển lớn Thái Bình để thấm đến mọi bến bờ của Hội Thánh Việt Nam và thế giới.

Tuy nhiên, để có được cái ngày “dâng hy lễ cuối cùng trên bàn thờ tử đạo”, Vị chủ chăn của chúng ta, Thánh Stêphanô, đã trải qua 10 năm linh mục (1825-1835) và 26 năm trên ngai tòa giám mục (1835-1861), dòng dã suốt 36 năm liên tục gắn liền với thập giá bách hại, từ Minh Mạng, qua Thiệu Trị tới Tự Đức… mà sự khắc nghiệt và tàn khốc đã lên tới đĩnh điểm với chiếu chỉ “Phân Sáp” 1861[4] cũng là năm định mệnh để “hạt lúa mì Stêphanô” vĩnh viễn được gieo trong lòng đất mẹ Qui Nhơn.

Chấp nhận sống con đường thập giá của thời bách hại và quyết chọn cách làm chứng đức tin ngang qua con đường Thập Giá chính là sự “chọn lựa cơ bản” của Thánh Giám Mục Stêphanô ; bởi chưng, cuộc chọn lựa mang tính tiên tri nầy đã hàm chứa trong chính câu châm ngôn Giám Mục của ngài: OMNIA PER CRUCEM. (TẤT CẢ NHỜ THẬP GIÁ).

Thì ra cuộc sống chứng nhân của Ngài, cuộc đời mục tử của Ngài, đã được mầu nhiệm Thập Giá tôi luyện và thành toàn, để cuối cùng, hòa quyện làm một với Hy Tế thập giá của Đức Kitô trong cái chết cô đơn, tăm tối giữa ngục tù đêm 14.11.1861 nơi khám đường Bình Định, được chôn vùi như hạt lúa mì trong lòng đất và hoà tan giữa dòng sông như giọt phù sa cho đất Mẹ Hội Thánh tốt tươi mỡ màu.

Vâng, sau cái đêm định mệnh của mùa đông lạnh lẽo, nước lũ tràn bờ của 158 năm về trước, ông vua ngoại đạo Tự Đức hay triều thần của ông, các quan chức của vùng Bình Định và đoàn dân ngoại suốt dãi Đàng Trong, chắc mẫm rằng, từ đây, cái mầm “tà đạo Kitô” sẽ vĩnh viễn bị xóa tên và cái chết của tên đạo trưởng sẽ làm tan tác cả bầy chiên cho đến khi bị triệt tiêu vĩnh viến.

Nhưng rồi mọi sự đã không như thế. Từ nơi bàn thờ hầm trú tại nhà vị tử đạo cùng năm, bà Huỳnh Thị Lưu, hay từ Tòa Giám Mục ẩn danh khiêm tốn tại Gò Thị, và nhất là, từ những hy sinh và máu đào của Thánh Giám Mục Stêphanô và thế hệ chứng nhân đồng thời, một mùa lúa mới vàng đồng đang rực rỡ trên dãi đất Đàng Trong và toàn cõi Việt Nam mà hiện thực đó là hơn 6 triệu tín hữu với 27 ngai tòa Giám Mục, một hiện thực đầy vinh quang mà cố Giám Mục Tardieu Phú, trong đoạn kết tác phẩm “Hạnh Đức Cha Thể”, đã dự báo: “Mừng thay ! Hội Thánh Annam rày nhờ máu thánh tử đạo đổ ra đã nên vinh hiển rạng ngời, cùng nhờ các việc phước đức và máu các đứng ấy, thì lại nên đỏ điều trắng tuyết. Rày vườn Hội Thánh Annam chẳng thiếu chi giống hoa huệ hoa hồng. Hẳn thật nên mượn lời thánh Thiên Thần mừng hát muôn vàn thánh Tử Đạo cầm nhành cây xanh, đứng chầu hai bên tòa Chúa, mà hát mừng Hội Thánh Annam rằng: “Nay là là ngày đã đặng phần rỗi, nay là ngày đã rõ ơn cứu chuộc có sức là dường nào, nay là ngày nước Chúa trị đã đến, cùng ngày Chúa Cứu Thế khởi hoàn hiển vinh, vì nay các Thánh Tử đạo đã nhờ công nghiệp cực trọng Chúa Cứu Thế mà toàn công thắng trận”.[5]

Phải chăng những lời cảm nhận của Đức cố Giám Mục Tadieu đó cũng chỉ là một cách diễn tả khác chính nội dung và ý nghĩa mà 2000 năm trước Vị Tông Đồ tử đạo Phaolô đã nhắn gởi cho anh chị em tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 2: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại, sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình…”.

Qua “câu chuyện dòng sông” kể về chứng nhân Tử Đạo Stêphanô mà chúng ta vừa chia sẻ với nhau, tôi chợt nhớ tới những ca từ trong một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca khúc “CHẢY ĐI SÔNG ƠI”:

Chảy đi sông ơi, chảy đi sông ơi

Ơi con sông trôi suốt muôn đời

Hãy cho ta gửi lời thương nhớ

Nhắn giùm ta về nơi góc biển

Rằng phía đầu nguồn ta vẫn ngóng trông…

Vâng, cho dù xác thân đó có trôi xa ra ngoài biển lớn, thì mãi mãi ngàn năm sau, con cháu chúng ta “phía đầu nguồn vẫn ngóng trông”, vẫn nhớ đến ngài. Nói cách khác, qua sứ điệp lời Chúa hôm nay, và đặc biệt, qua chính chứng từ sống động của Vị Chứng Nhân anh hùng Mục Tử Cuénot, thế hệ con cháu chúng ta có đầy đủ cơ sở và động lực, trách nhiệm và niềm tin để tiếp tục viết thêm những trang sử mới cho cánh đồng truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn thân yêu nầy.

Và phải chăng đó là “những tiếng thì thầm của dòng sông”, đang kể cho chúng ta nghe trong ngày Giỗ 158 năm Thánh Giám Mục Tử đạo Stêphanô Cuénot Thể, Vị Mục tử lừng danh của Giáo Hội, cách riêng của giáo Phận Qui Nhơn chúng ta. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền

[1] ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Gõ nhịp thời gian, NXB Phương Đông, trang 67

[2] Năm 1814 vua Gia Long dời thủ phủ tỉnh Bình Định vào địa bàn thôn An Ngãi và Liêm Trực, thị xã An Nhơn ngày nay. Thành Bình Định mới này được xây theo kiểu Vauban. Thành có chu vi 3 cây số, tường cao 3,50 mét, mặt thành rộng 1 mét. Thành có 4 cửa đông, tây, nam, bắc, mỗi cửa đều xây cổ lầu. Bốn phía thành có hào sâu (trì, thành trì). Năm 1946, trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, chính quyền Việt Minh đã huy động dân công từ các xã, các huyện xung quanh đến phá hủy thành này vì sợ địch chiếm làm căn cứ.

[3] GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, tr. 220-221

[4] GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN: “Ngày 05.08.1861, vua Tự Đức còn ban hành chiếu chỉ “phân sáp” đưa cuộc bách hại lên đến mức độ cực kỳ tàn nhẫn và vô nhân đạo, tạo ra một thời tử nạn với những chuỗi ngày đen tối đau thương nhất cho Giáo Hội tại Việt Nam. Chếu chỉ truyền triệt hạ các làng Công Giáo, bắt giáo dân phải sáp nhập vào các làng ngoại giáo và mỗi người Công Giáo phải chịu sự canh giữ quản thúc của 5 người bên lương….”. Phần II,Chương II, mục 1.6, trang 219.

[5] SĐD từ trang 107-108