Ký giả Charles C. Camosy của tạp chí Crux, ngày 11 tháng 11 hôm qua, có phỏng vấn một chuyên viên về kỹ thuật Trí Thông Minh Nhân tạo. Đó là ông Brian Patrick Green, giám đốc đạo đức học kỹ thuật tại Trung tâm Đạo đức học Áp dụng Markkula. Công việc của ông tập chú vào đạo đức học kỹ thuật, bao gồm các chủ đề như Trí Thông Minh nhân tạo và đạo đức học, đạo đức học của việc khám phá và sử dụng không gian, đạo đức học về thao túng con người một phương diện kỹ thuật, đạo đức học về việc làm nhẹ và thích ứng các kỹ thuật nguy hiểm đang xuất hiện, và nhiều phương diện khác trong vấn đề tác dụng của kỹ thuật và công trình (engineering) đối với sự sống con người và xã hội, trong đó, có mối tương quan giữa kỹ thuật và tôn giáo, nhất là Giáo Hội Công Giáo.



Ông Green cho hay chính hai năm ông dạy học tại một trường trung học ở Quần đảo Marshall, dưới sự bảo trợ của Hội Thiện Nguyện Quốc Trế của Dòng Tên (Jesuit Volunteers International) và những năm dọn thi tiến sĩ của ông tại Liên Hiệp Thần Học Hậu Đại Học (Graduate Theological Union) ở Berkeley đã cho ông thấy con người đã dùng thế giới tự nhiên và biến nó thành một vũ khí ra sao, bất kể là hữu ý (vũ khí nguyên tử) hay vô tình (mực nước biển dâng cao do khí thải). Cả hai điều ấy diễn ra rõ ràng trên quần đảo Marshall, nơi các vụ thử hạch nhân của Mỹ và việc thay đổi khí hậu đã khiến mực nước biển dâng cao; gần 10% quần đảo này vẫn còn bị ô nhiễm vì phóng sạ trầm trọng và mực nước biển dâng cao đang từ từ dận chìm cả đất nước này.

Các kinh nghiệm trên khiến ông nghĩ rằng kỹ thuật hiện là một vấn đề triết học và thần học của thời nay. Do bản tính thích làm và sử dụng dụng cụ, điều con người thực hiện đang gây nguy cơ cho thế giới tự nhiên, nền văn minh, và thậm chí, chính bản tính chúng ta, qua kỹ thuật sinh học áp dụng vào chính chúng ta.

Chính vì thế ông đã gia nhập ngành đạo đức học về Trí Thông Minh Nhân tạo, một vấn đề, theo ông, là một trong những chủ đề quan trọng nhất của thế giới hiện nay.

Về Trí Thông Minh Nhân tạo, ông cho hay: cả hàng mấy thập niên, ngành này chỉ là một ngành phụ sống trong một “mùa đông”. Nhưng mấy năm gần đây nó bùng phát nhờ 3 xu hướng xã hội và kỹ thuật có tính hội tụ và khuếch đại. Ba xu hướng này là: 1) sự gia tăng khổng lồ về dữ kiện; 2) càng ngày người ta càng tiếp cận việc “vi tính” (compute) (tức sức mạnh vi tính giúp người ta chạy nhanh chóng các giải thuật [algorithms] trước đây chạy rất chậm), và 3) con số ngày càng lớn các giải thuật tinh vi và các cá nhân tài giỏi có thể viết các giải thuật này.

Xét riêng từng thứ, các khuynh hướng này ít lôi cuốn sự chú ý, nhưng kết hợp lại, chúng khiến Trí Thông Minh Nhân tạo lớn mạnh một cách phi thường. Một điều cũng đáng lưu ý là xét riêng từng thứ, các khuynh hướng này tập trung năng lực, nhưng kết hợp lại, chúng tập trung năng lực một cách hết sức cực kỳ. Thí dụ, hình thức Trí Thông Minh Nhân tạo được biết đến như là máy học hỏi đòi một bộ dữ kiện hết sức lớn và chỉ có một số ít tổ chức trên thế giới có khả năng kết hợp các dữ kiện này: các chính phủ và các đại công ty như Alibaba, Amazon, Apple, Baidu, Facebook, Google, và Tencent.

Làm vi tính cũng tương tự: năng lực làm vi tính khổng lồ đòi phải dùng hàng megawatts điện lực trên hàng ngàn con chip đắt tiền. Và các giải thuật, và đặc biệt các tài năng nhân bản có thể viết các giải thuật này (số ít các thảo chương viên tài giỏi nhất cũng giống như các nhà thể thao ưu tú hoặc minh tinh màn ảnh về phương diện được cần đến) rất hạn chế và do đó, chỉ làm việc cho một số ít tổ chức.

Nếu ai thắc mắc không biết Trí Thông Minh Nhân tạo sẽ đi về đâu, thì các khuynh hướng này chắc chắn sẽ tiếp diễn và chắc chắn sẽ gây ra một phản ứng dữ dội chống lại việc tập quyền của kỹ thuật và lạm dụng quyền hành. Hiện ta đã cảm nhận một số phản ứng này. Các đại công ty kỹ thuật cần phải cải tiến tác phong của họ và các chính phủ trên thế giới cần bước chân vào để qui định họ.

Kinh nghiệm làm việc với các công ty của ông Green khiến ông nghĩ rằng càng ngày các công nhân kỹ thuật càng thừa nhận đạo đức học kỹ thuật đang trở thành vấn đề chủ chốt, nhưng không phải công ty nào cũng nhận ra tính nghiêm trọng của tình thế. Một số ít các nhà lãnh đạo chủ chốt cho người ta hy vọng, nhưng một số công ty kỹ thuật, cũng như chính phủ, thiếu lãnh đạo về đạo đức học và đây là một vấn đề trầm trọng cần được giải quyết sớm.

Về phía đạo đức học kỹ thuật, ông Green cho rằng một trong các lý do khiến chủ nghĩa tư bản trở thành hệ thống kinh tế năng động và hữu hiệu là nhờ nó biết vận dụng xu hướng ích kỷ rất tự nhiên của con người, nói cách khác là thói hư tham lam, và nhờ đó, nó tạo ra các hậu quả có lợi như sản phẩm rẻ hơn, cải tiến, kinh tế tăng trưởng v.v... Còn Trí Thông Minh Nhân tạo, nó cho phép đạt được những gia tăng khổng lồ về hiệu năng mà trước đây không thể đạt được. Các gia tăng về hiệu năng này có thể tốt lành như giúp người ta học hỏi về các sản phẩm họ cần, và tiết kiệm điện lực một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, các gia tăng này thường chỉ là những hiệu ứng phụ của lòng tham muốn có nhiều tiền hơn do bán được nhiều sản phẩm hơn hay giảm chi phí sản xuất.

Nếu sự thúc đẩy của lòng tham chịu lệ thuộc lợi ích xã hội, thì chắc chắn xã hội được lợi từ Trí Thông Minh Nhân tạo. Tuy nhiên, nhiều tổ chức không hoạt động cách đó, trái lại chỉ biết làm tiền bất kể các tác dụng xã hội tích cực như sử dụng Trí Thông Minh Nhân tạo cho các áp dụng ghiền quyền lực, một cái ghiền sẽ dẫn đến phân cực chính trị, sao lãng các liên hệ nhân bản, xúc cảm tiêu cực...

Theo ông, nếu các công ty không tự ý làm những điều phải làm thì ta phải bắt họ hành động đúng theo đạo đức học. Dĩ nhiên, nếu họ tự làm lấy thì hay quá nhưng phần đông các công ty chưa nắm được vấn đề và các công ty này dám phá nát viễn tượng tự quản của mọi công ty khác. Thời gian dường như không còn nhiều. Lòng tham cần được phi ưu tiên hóa và giá trị ích chung cần được đặt lên hàng đầu, nếu không, chúng ta còn gặp nhiều trục trặc xã hội và kỹ thuật tệ hại hơn cả bây giờ nữa.

Ông Green từng lên danh sách 10 vấn đề đạo đức học của Trí Thông Minh Nhân tạo; sau đó, ông đã mở rộng chúng thành 12 vấn đề trong một bài báo có tính học thuật. Hiện nay, trong giảng khóa Đạo đức học Trí Thông Minh Nhân tạo của chương trình hậu đại học về công trình (engineering), ông trình bầy 16 vấn đề: an toàn, tính có thể giải thích, việc sử dụng tốt, việc sử dụng xấu, các hiệu quả môi trường, thành kiến và tính hợp tình hợp lý, thất nghiệp, bất bình đẳng giầu nghèo, đạo đức học tự động hóa, phi kỹ năng luân lý (moral deskilling), ý thức về người máy và các quyền lợi, Trí Thông Minh Nhân tạo đại cương (artificial general intelligence) và siêu trí khôn, sự lệ thuộc, việc nghiện ngập, các hiệu quả tâm lý xã hội, và các hiệu quả tâm linh.

Trong số ấy, theo ông, vấn đề cấp thiết nhất cần thuốc chữa ngay bây giờ, là việc hạ giá tính liêm chính của hệ thống thông tin thế giới (liên hệ với các vấn đề “sử dụng xấu”, “thiên kiến và tính hợp tình hợp lý” và “các hiệu quả tâm lý xã hội”). Các phương tiện truyền thông xã hội và toàn bộ hệ sinh thái của các phương tiện truyền thông thế giới cần được thanh tẩy càng sớm càng tốt.

Bạo lực giết thân xác, nhưng dối trá giết tâm trí. Thông tin sai lầm và thông tin đánh lừa (disinformation) đang nở rộ trên liên mạng và đang hủy diệt khả năng con người lý luận một cách phù hợp với thực tại, lật ngược hàng thế kỷ tiến bộ vốn xuất hiện cùng với khoa học và việc truy tầm sự thật. Việc này, ngược lại, đang hủy diệt khả năng hợp tác và cùng nhau tìm ích chung. Nó đang đâm thẳng vào cốt lõi nhiều khía cạnh của nhân loại: khả năng suy nghĩ và hợp tác của ta. Nếu ta không chịu sửa chữa điều này, nền văn minh nhân bản nhất định sẽ sụp đổ.

Một nền thần học kỹ thuật

Về hội nghị gần đây tại Vatican về Trí Thông Minh Nhân tạo, ông Green cho rằng việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu tâm đến Trí Thông Minh Nhân tạo là một điều đáng lưu ý và có tính quan yếu sinh tử. Trong nhiều thế kỷ qua, Giáo Hội Công Giáo vẫn đã đứng ở tuyến đầu việc cải tiến kỹ thuật (không những xây dựng các nhà thờ chính tòa và các công trình vĩ đại khác, nhưng còn tiên phong trong việc luyện kim, hóa học, định thì giờ, các kỹ thuật nông nghiệp, bảo quản thực phẩm, phương pháp khoa học, và các kỹ thuật nòng cốt khác cho việc phát triển con người), thế nhưng, nó chưa bao giờ thực sự có một nền thần học về kỹ thuật.

Trong 3 phạm vi hoạt động tri thức của con người theo Aristốt, lý luận lý thuyết và lý luận thực hành luôn được Giáo Hội lưu ý, nhưng lý luận hướng tới việc sản xuất hàng hóa, nói cách khác, kỹ thuật, gần như bị lãng quên. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khởi sự điều chỉnh sai lầm này và thế giới rất biết ơn vì điều này. Sản xuất hợp lý là nhân tố quyết định của đời sống hiện đại và nếu chúng ta không xem xét nó một cách sâu sắc hơn, nó sẽ nuốt trửng chúng ta, hơn là chúng ta nuốt trửng (tiêu thụ) nó.

Ngoài ra, ông Green cho rằng, thế giới đang khao khát thẩm quyền luân lý. Tiếng tăm của Giáo Hội Công Giáo và đặc biệt của hàng giáo phẩm, đang bị xâm hại nặng về phương diện này do các tai tiếng. Tuy nhiên, bất chấp cái tai hại này, vì ngay lúc này, thế giới đang thiếu quyền lực về phương diện thế giá luân lý, nên Giáo Hội là một trong số ít định chế có khả năng nói lên một điều gì đó.

Và lịch sử suy nghĩ sâu sắc về đạo đức của Giáo hội là điều rất cần thiết. Các ý tưởng có vẻ đơn giản đối với một nhà đạo đức học có thể sẽ có tính cách mạng đối với người không chuyên môn. Bởi vì Giáo hội là một trong số ít định chế hoàn cầu từng coi trọng đạo đức học- dù không luôn sống theo các tiêu chuẩn của chính mình - nó cũng vẫn là một trong số ít các định chế hoàn cầu có khả năng cung cấp hướng dẫn đạo đức cần thiết để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể thấy điều này trong cung cách các ý tưởng đạo đức Công Giáo, với thời gian, đã du nhập vào nền đạo đức học thế tục; những ý tưởng như sử dụng các hiệp ước để hạn chế vũ khí chiến tranh, sử dụng lý luận hiệu quả kép trong đạo đức học y khoa và xem xét lý thuyết chiến tranh chính nghĩa trong các liên hệ quốc tế.
Để có thể làm thế, Giáo hội cần đến hàng ngàn nhà thần học và triết gia để nghiên cứu các vấn đề về đạo đức học kỹ thuật và đặc biệt là đạo đức học về Trí Thông Minh Nhân tạo. Bất hạnh thay, Giáo hội thiếu các nguồn lực để làm điều đó. Nhưng điều Giáo Hội có là khả năng chỉ ra và nói “thưa mọi người, hãy nhìn điều này! Nó có đúng không? Chúng ta có thể làm cho nó tốt hơn không?” Và bằng cách này, hy vọng Giáo hội sẽ thúc đẩy người ta làm sự việc trở nên tốt hơn.

Liệu tác động có đủ không thì điều này còn phải chờ thời gian mới thấy được. Chỉ một mình thẩm quyền đạo đức không thể sửa chữa được thế giới. Điều cần là các hành động cụ thể quy mô lớn, và điều đó sẽ đòi hỏi sự phối hợp của hàng triệu người, hàng tỷ đô la và nhiều năm làm việc khó nhọc.

Giống mọi trí thông minh, Trí Thông Minh Nhân tạo có thể được sử dụng cho cả thiện lẫn ác. Chúng ta cần phải hành động ngay để bảo đảm nắm chắc việc sử dụng nó cho điều thiện.