Nghi Lễ Di Chuyển Linh Cửu ĐGH Gioan Phaolô II vào Đền Thánh Phêrô

Rôma - Thứ hai, 04.4.2005 - Nghi thức di chuyển linh cửu của ĐGH đã được Đức Hồng Y Nhiếp Chính Eduardo Martínez Somalo chủ sự cử hành vào lúc 17g trong sảnh đường Clementina, nội thành Vatican, nơi quàn xác ĐGH từ Chúa nhật cho các nhân viên làm việc mật thiết và những người thương yêu của ngài canh thức.

Đức Giáo Hoàng được mặc áo lễ mầu đỏ xậm của ngày lễ trọng với dây Pallium, đầu đội mũ Giám Mục mầu trắng được nâng lên cao bằng chiếc gối đầu. Cạnh bên trái là cây thánh giá nhỏ và cây nến phục sinh phía đầu có ghi huy hiệu Giáo Hoàng của ngài. Tay ngài cầm xâu chuỗi Mân Côi mầu trắng. Trong vòng tay trái là cây gậy mục tử của ngài. Chân của ĐGH đi đôi giày da màu nâu mà ngài ưa thích suốt 26 năm tại vị. Ngài đã từng đi đôi giày này trong các chuyến tông du tới 104 quốc gia thăm viếng.

Nghi lễ di chuyển linh cửa được tiến hành đơn sơ bằng lời nguyện, vẩy nước thánh và xông hương. Sau đó 12 người vác linh cửu của ĐGH lên vai và hai bên trái phải là lính vệ binh của ĐGH và ca đoàn bắt đầu hát Thánh Vịnh bằng tiếng Latinh. Đoàn rước đã phải đi qua nhiều cổng và cầu thang trong nội thành Vatican: "Scala Nobile", "Prima Loggia" về hướng nhà nguyện Sixtine rồi tiếp tục qua "Königstreppe" và “Scala Regia” để tiến ra công trường Thánh Phêrô trong khoảng một tiếng đồng hồ. Đi đầu có thánh giá nến cao, các linh mục và tu sĩ nam nữ, các nhân viên Tòa Thánh và những người làm việc mật thiết với ngài. Đoàn Hồng Y khoảng 65 vị đi trước linh cửu. Sau linh cửu là những người thân cận nhất và người đi bên phải sát với linh cửu chính là thư ký riêng của ngài, Đức TGM Ba Lan Stanislaw Dziwisz đã 26 năm phục vụ bên ngài cho đến giây phút cuối cùng. ĐGH đã tắt thở trong lúc tay nắm tay người thư ký riêng trung thành của ngài.

Bên ngoài công trường Thánh Phêrô khoảng 130 ngàn người đã đợi chờ từ trước 2 - 3 giờ kéo dài cả cây số tới tận đàng xa cuối con đường “Hòa Giải”. Khi linh cửu của ĐGH xuất hiện qua cánh cửa đồng tiến vào quảng trường thì những tràng pháo tay vang dội, một biểu lộ tôn kính của dân tộc Ý. Mọi người chứng kiến cảnh linh cửu của ĐGH được chuyển tới đền thờ Thánh Phêrô trong một lễ rước nghiêm trang. Đây là những bước cuối cùng của ĐGH Gioan Phaolô II tiến vào nơi yên nghỉ ngàn thu. Đám đông vẫn hô vang và vỗ tay trên suốt dọc đường rước linh cửu. Một cử chỉ cảm động để giã từ mọi người trước cổng đền thờ Thánh Phêrô, linh cửu của ĐGH được xoay lại cho mọi người nhìn thấy mặt ngài. Tất cả lặng yên ngả nón giã từ người Cha chung thương yêu. Chính tại công trường này ngài đã sống với giáo hữu thập phương trong suốt 26 năm vừa qua.

Khi đoàn rước vào nhà thờ, những người đứng hai bên đường xúc động im lặng và theo dõi nghi thức phụng vụ Lời Chúa trong đền thờ. Đức Hồng Y chủ tế vẩy nước thánh và xông hương kết thúc cuộc rước linh cửu của ĐGH sau 90 phút cử hành. Đoàn Hồng Y và mọi người kính cẩn chào linh cửu để cho các nhân viên sau đó kịp thời gian chuẩn bị mọi sự trước khi hàng ngàn giáo dân từ ngoài vào kính viếng lúc 20g.

Giờ kính viếng xác ĐGH đến sáng thứ sáu, 08.4.2005 đã được Hồng Y Đoàn ấn định cho suốt ngày đêm, ngoại trừ từ 2g đến 5g sáng để các nhân viên làm việc chăm xóc thi hài cũng như quét dọn đền thờ. Tòa thánh đã loan báo ĐGH sẽ được chôn cất dưới hầm mộ dành cho các Giáo Hoàng của đền Thánh Phêrô như thế đã phá tan tin đồn phỏng đoán từ Ba Lan là ĐGH Gioan Phaolô II có lẽ ước mong được chôn cất tại Ba Lan, nơi phần mộ của gia đình ngài tại Wadowice, gần thành phố Cracovie.

Trong những ngày này khách hành hương tìm chỗ nghỉ trọ ở Rôma cũng là một chuyện nan giải, vì các khách sạn và nhà khách tại đây đều đã kín chỗ. Thành phố đang dựng tạm các nơi trú chân cho khách nghỉ tại các sân chơi thể thao. Những người tình nguyện phát nước uống cho đám đông, đang phải đứng hàng giờ dưới nắng trên quảng trường Thánh Phêrô. Thành phố Rôma ước lượng từ 2 đến 4 triệu khách hàng hương sẽ đến Rôma tiễn biệt ĐGH. Đấy là một thách đố lớn cho thành phố để lo về trật tự an ninh và giao thông, đó cũng là một làn sóng người hành hương lớn nhất từ trước tới nay tại giáo đô Rôma. Có lẽ đây cũng là một đám táng lớn nhất thế giới chưa từng xảy ra. Hãng xe lửa Ý đã bổ xung thêm mỗi ngày 30 chuyến xe lửa đặc biệt đi đến Roma. Hãng máy bay Lufthansa của Đức cũng gia tăng chuyến bay tới Rôma. Để bảo toàn an ninh trên không trong thành phố không được một chiếc máy bay nào bay ngang qua. Tại Ba Lan, quê hương của ĐGH các văn phòng du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của các giáo dân muốn sang Rôma tiễn biệt ngài.

Thánh lễ an táng cho ĐGH Gioan Phaolô II được cử hành vào thứ sáu, 08.4.2005 lúc 10g tại công trường Thánh Phêrô. Vị chủ tế thánh lễ an táng sẽ là Đức Hồng Y Niên Trưởng Joseph Ratzinger, 78 tuổi người Đức và cũng là Tổng Trưởng Bộ Đức Tin từ 24 năm nay. ĐHY Ratzinger là người chịu trách nhiệm triệu tập hội đồng mật viện gồm 117 Hồng Y trên toàn thế giới dưới 80 tuổi về Rôma tham dự lễ an táng và bầu Tân Giáo Hoàng.

Trong số 117 Hồng Y được tính từ năm Châu: 11 của Á Châu, 2 của Châu Đại Dương, 11 của Phi Châu, 14 từ Bắc Mỹ, 21 từ Châu Mỹ Latinh và 58 của Âu Châu. Trong tuần này tất cả các Hồng Y sẽ về Rôma cho kịp trước thứ sáu, 08.4.2005. Khi còn sinh thời ĐGH Gioan Phaolô II đã ban hành Tông Hiến “Universi Dominici Gregis” - Chăn Dắt Đàn Chiên Chúa - vào ngày 22.02.1996, nêu ra những quy định và tiêu chuẩn bầu Tân Giáo Hoàng dựa trên nền tảng thần học và lịch sử. Luật quy định rằng, hội đồng mật viện Hồng Y bầu người kế nhiệm ngài phải được bắt đầu trong khoảng thời gian ít nhất là ngoài 15 ngày, nhưng không quá 20 ngày kể từ khi ngài qua đời. Một điều chú ý quan trọng khi tính được 114 Hồng Y hiện tại (chiếm 97,4% trên tổng số 117) là những Vị đã được ĐGH quá cố Gioan Phaolô II tấn phong.

Trong 26 năm cai quản Giáo Hội ĐGH Gioan Phaolô II đã để lại nhiều gia sản tinh thần quý báu không những cho riêng Giáo Hội mà còn cho cả nhân loại. Điều này cho thấy mọi nơi đều tưởng nhớ đến ngài: từ giới chính trị, thể thao, kinh tế... Đặc biệt rất nhiều nguyên thủ quốc gia đã thông báo treo cờ rũ để tang ĐGH trong nước và tuyên bố đến tham dự thánh lễ và tiễn đưa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến phận mộ cuối cùng. Các báo chí hôm nay cho biết khoảng 200 nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và phu nhân, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, Thủ tướng Anh Tony Blair, Thủ tướng Pháp Jacques Chirac, Tổng thống Đức Horst Köhler, Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, Cựu tổng thống Ba Lan Lech Walesa... sẽ dự lễ tang. Chính ngay Thái Tử Anh Prinz Charles và vợ sắp cưới Camilla Parker Bowles cũng phải dời ngày cưới 08.4.2005 qua thứ bẩy, 09.4.2005 để đến Rôma tham dự lễ an táng.

Từ Giáo Hội Việt Nam sẽ có sự hiện diện của ĐHY Goan B. Phạm Minh Mẫn (TGP Sài Gòn) và Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt (TGP Hà Nội) tại Rôma vào ngày lễ an táng. Đối với Giáo Hội Việt Nam ÐGH Gioan Phaolô II đã ưu ái quan tâm đặc biệt qua việc Phong Thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam (1988), Ngài đã đặt Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Ngài đã chọn Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ làm thư ký riêng của Ngài. Qua Bộ Truyền Giáo, Văn phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ cho người Công Giáo Việt Nam hải ngoại được thiết lập như là thể hiện cụ thể lòng ưu ái của Ngài đối với con cái Việt Nam trên toàn thế giới. Khi tiếp kiến người Việt Nam ĐGH luôn nói: "Việt Nam luôn ở trong trái tim của cha."

Tại công trường Thánh Phêrrô, các trụ đèn được trang trí thich hợp với tang lễ, với hoa, tranh vẽ của thiếu nhi và các ngọn nến đa sắc. Các vệ binh Thụy Sĩ hằng ngày thường mặc quân phục màu sắc, thì từ hôm thứ hai đã đổi đồng phục đen khi thời kỳ tang lễ tiếp tục. Khách hành hương đang phải xắp hàng chờ thật lâu từ đàng xa khoảng nửa cây số suốt dọc con đường Hòa Giải để được bước vào đền Thánh Phêrô kính viếng xác của ÐGH Gioan Phaolô II. Cứ mỗi tiếng đồng hồ dòng thác đoàn người hành hương chỉ nhúc nhích được khoảng 20.000 người vào đền thánh - đến lúc bước được chân vào cổng đền thờ thì người viếng đã phải chờ từ 4 đến 5 tiếng xếp hàng - chắc chắn cho đến sáng thứ sáu, 08.4.2005 càng lúc đoàn người càng đông hơn và chờ lâu hơn nữa.

(Tổng hợp: Lm. Phạm Văn Tuấn)