Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện, cho rằng ưu tiên sinh tử hiện nay là Giáo hội cần phải tìm ra một thông lộ để thoát ra khỏi các ảnh hưởng tiêu cực của các tai tiếng lạm dụng tính dục nếu không những tai tiếng ấy bóp nghẹt chúng ta.

Đức Hồng Y cũng chỉ trích đấng bản quyền sở tại là Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin vì đã xin lỗi quá nhiều.

Trong bài phát biểu chính tại hội nghị mùa thu của Hiệp hội các nhà lãnh đạo các dòng truyền giáo và các dòng tu khác ở Ái Nhĩ Lan, gọi tắt là AMRI, diễn ra tại Trung tâm Emmaus tại thủ đô Dublin, Đức Hồng Y Turkson cho rằng cuộc khủng hoảng lạm dụng là một trong bốn “dấu chỉ của thời đại”.

Ngài nói với 155 tham dự viên từ hơn 50 dòng tu, các hiệp hội đời sống tông đồ và các nhóm giáo dân truyền giáo rằng ngài nhận thức được tác động của các tai tiếng lạm dụng tính dục đối với Giáo Hội địa phương tại Ái Nhĩ Lan qua hai sự kiện có tầm vóc thế giới là Đại hội Thánh Thể Quốc tế năm 2012 và Hội nghị Gia đình Thế giới năm 2018, mà ngài đã tham dự.

Ngài nhận xét rằng tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế năm 2012, Đức Tổng Giám Mục Martin đã đưa ra lời xin lỗi tại mọi sự kiện mà ngài được mời đến nói chuyện. “Tại một thời điểm, tôi nghĩ rằng nói như thế là nhiều quá. Tôi nghĩ rằng làm như thế ngài đang kéo những đám mây đen khổng lồ treo lơ lửng trên mọi thứ.”

Tại Hội nghị Gia đình Thế giới năm 2018, vị tổng trưởng người Ghana cho biết ngài nhận ra tác hại của các tai tiếng lạm dụng tính dục, nỗi đau của những người bị lạm dụng tính dục và ngài đồng ý với thông điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gởi đến các nạn nhân. Đức Hồng Y cảnh báo rằng: “Bây giờ, nhiệm vụ cấp bách của chúng ta là cần tìm ra một thông lộ nhằm thoát khỏi tình cảnh khó khăn này nếu không nó sẽ bóp nghẹt chúng ta.”

Khi được hỏi về nhận xét của Đức Hồng Y Turkson, Nữ tu Liz Murphy, Tổng thư ký của AMRI, nói với tờ The Tablet rằng: “Một người không sống suốt 20 năm qua ở Ái Nhĩ Lan khó có thể hiểu đầy đủ về những ảnh hưởng của tai tiếng lạm dụng tính dục. Dù sao, tôi tin rằng ngài đã thách thức chúng ta phải tiến lên và cảnh giác với mọi hình thức lạm dụng ngày hôm nay.”

Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y nhắc đặc biệt đến “Ngôi nhà chung của chúng ta”. Ngài khẳng định thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng sinh thái và biến đổi khí hậu. Đó là hai dấu chỉ khác của thời đại: “Những dấu chỉ thời đại này mời gọi chúng ta hướng đến một hình thức truyền giáo đặc thù, mà chúng ta có thể thực hiện, bằng cách nghe tiếng kêu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo,” ngài nói.

Dấu chỉ khác của thời đại mà ngài nhấn mạnh là sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong cộng đồng giữa người giàu và người nghèo và một nền văn hóa vứt bỏ với rất nhiều người bị bỏ rơi và bị gạt ra ngoài lề xã hội cũng như mối đe dọa chiến tranh đối với an ninh toàn cầu.

Đề cập đến Tháng Truyền giáo ngoại thường, ngài nói Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi các tín hữu đừng để nỗi sợ thiếu tài nguyên hoặc nỗi lo lắng về các tình huống đầy thách đố ngăn cản họ trong sứ vụ truyền giáo.

“Chúng ta phạm tội chống lại nghĩa vụ truyền giáo khi chúng ta không lan truyền niềm vui, khi chúng ta nghĩ mình là nạn nhân. Trong thế giới và trong Giáo hội, chúng ta phạm tội chống lại sứ mệnh của mình khi chúng ta trở thành nô lệ cho những nỗi sợ hãi làm chúng ta bất động,” ngài nói.


Source:The Tablet