Chúa Nhật 15 Thường Niên C

Vì sao Tư tế và Lêvi nhìn thấy người bị cướp đánh nửa sống nửa chết mà lại “tránh qua một bên mà đi…”?

Thôi thì hãy cố tìm lý lẽ tốt để biện minh giúp những người nắm giữ lề luật, đêm ngày đại diện toàn dân dâng lên Chúa sự tôn thờ, và có quyền giảng dạy lề luật Chúa cho dân: Họ tránh vì họ sợ hãi! Họ sợ nhiễm ô uế. Họ sợ động chạm đến người ngoại giáo. Họ sợ dính máu của người ngoại giáo làm họ dơ bẩn. Bởi sợ nên vô tâm. Họ vô tâm với người bị cướp tấn công đến thừa chết thiếu sống.

Luật Do thái quy định, ai đụng chạm vào người ngoại giáo, nhất là đụng chạm vào xác chết, sẽ bị nhiễm ô uế.

Cứ cho rằng, người bị cướp có thể là người ngoại, lại còn sắp chết. Vì thế, để khỏi nhiễm ô uế, tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã “tránh qua bên kia mà đi”.

Dù vậy, theo mạch văn Tin Mừng, theo ngôn ngữ mà đoạn Kinh Thánh trình bày, cho thấy, dù Chúa Giêsu không trực tiếp kết tội Tư tế và Lêvi, nhưng trong mấy từ “tránh qua bên kia mà đi”, cho thấy Chúa không bằng lòng. Tại sao người bị nạn chết đến nơi mà mình lại tránh?

“Tránh qua bên kia” nghĩa là người bị tấn công đang bất động ngay dưới chân mình, cản bước mình. Ngay dưới chân nên mới phải “tránh” mà đi!

Tư tế và Lêvi à ai? Họ là các bậc “chân tu”, đại diện cho các bậc “chân tu” ngày nay. Cho nên sự không bằng lòng của Chúa là không bằng lòng dành cho những ai đang thi hành trách vụ “chân tu”, nhưng không sống đúng trách vụ của người gieo yêu thương, mà lại sống theo thói Tư tế và Lêvi thời xưa ấy.

Thái độ của Chúa trong dụ ngôn khó có ngôn từ khả dĩ giúp các “chân tu” này có thể “chạy tội”.

Bất giác tôi nghĩ đế mình. Tôi đã bước vào đời hiến dâng, hàng ngày tôi dạy người khác phải hy sinh, phải hướng thiện, phải chấp nhận bỏ mình vì tha nhân…, nhưng bản thân còn nhiều ngần ngại, e dè trước sự thiện mà lẽ ra mình phải ưu tiên thực hiện trước.

Nhiều lần tôi đã bị sự sợ hãi khuất phục. Chẳng hạn như sợ không được xây nhà thờ mà đành nhắm mắt làm ngơ trước cảnh kẻ có quyền hà hiếp, cướp bóc, quy chụp cách bất công trên những người hiền lành, những người thấp cổ bé miệng.

Hoặc vì quyền lợi tư riêng mà ngậm miệng trước cảnh người nghèo, người yếu thế bị đẩy đến đường cùng. Hoặc vì để dễ sống, để yên thân sống mà không thèm đếm xỉa gì đến những anh chị em đang bị đố kỵ, bị rẻ rúng, bị chà đạp quyền sống…

Ngoài ra, thế giới quanh tôi vẫn còn đó, rất nhiều những người bị “cướp” như hình ảnh người bị cướp trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu.

Đó là những bào thai không phương thế tự vệ, vẫn bị giết, bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ không thương tiếc. Hay những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, chết trong hố rác, chết bên miệng cống rảnh…

Cho đến nay, dù mỗi năm Hội đồng Giám mục Việt Nam họp hai lần, vẫn chưa bao giờ có một tiếng nói chính thức nào phản đối, hay chí ít là kiến nghị về luật cho phép phá thai.

Chính do luật này, mà ngày nay Việt Nam đã “được nâng lên” hàng “top” thế giới. Thật mỉa mai! Thật chua xót! Một quốc gia nghèo, lạc hậu, không phải vươn lên hết nghèo, hết lạc hậu, mà lại “vươn lên” hàng đầu về thảm trạng phá thai.

Đó là những trẻ em bị cướp mất tuổi thơ khi người ta buộc các em phải lao động nặng nhọc, phải tham gia vào con đường tội ác, phải đem chính giá trị tuổi thơ của mình phục vụ những kẻ mang hình người nhưng lương tâm thú tính trong các nhà chứa, trong các đường dây tình dục… Và còn biết bao nhiêu mảnh đời trẻ thơ phải chấp nhận sống chui rúc ở bãi rác, gầm cầu, phố chợ…

Đó còn là những mảnh đời ngụp lặn trong dòng đời nhầy nhụa, mất định hướng sống, mất niềm hy vọng sống. Cũng có thể họ là những người sống lương thiện, nhưng bị nghi ngờ, bị hiểu lầm, bị chèn ép, bị bóc lột, bị hiếp đáp…

Đó còn là những cụ già bị bỏ quên trên góc phố, bị mất tất cả sức lao động, nhưng vẫn phải lê thân từng ngày đội nắng, đội mưa bán vé số, lượm ve chai, ngửa tay xin lòng trắc ẩn của mọi người…

Tất cả những người ấy, đều rất cần tôi, bàn tay của người Samaritanô thời đại. Ngay tức khắc, tôi cần dẹp bỏ thái độ vô tâm của tư tế, Lêvi để cúi xuống trên những anh chị em đau khổ của mình. Tôi cần ý thức rằng, chỉ khi trở thành người Samaritanô, tôi mới thật sự là anh em của những người “bị cướp” ấy.

Trong khi đó, nhiều người không đứng trong hàng ngũ “chân tu”, thậm chí họ chỉ là người ngoại giáo như người Samaritanô ngoại giáo, lại sống phù hợp đức tin, đúng theo lời của Chúa, đúng thánh ý Chúa, đúng lề luật Chúa.

Tôi cần đinh ninh luôn luôn lời Chúa kết luận cho dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu: “Hãy đi, và làm như vậy” (Lc 10, 37), để dấn thân, để can đảm, để ra khỏi chính mình, để sáng danh Chúa, để làm cho xung quanh mình không còn tình trạng “cướp”.