Kim Định

Bộ Sách Dân Tộc

Cái chi làm cho một đoàn người trở nên một dân tộc? Đất đai, ngôn ngữ, tôn giáo, chữ viết, văn hóa? Cuối cùng người ta nhận ra rằng yếu tố nổi nhất làm nên một dân tộc chính là văn hóa. Cùng sống trên một mảnh đất, cùng một ngôn ngữ, cùng một tôn giáo mà lại là hai dân tộc khác nhau là chuyện không những có đầy trong những bộ lạc xưa mà ngay cả đến những nước văn minh ngày nay. Cùng tôn giáo Ky-tô mà có các dân tộc Pháp, Ý, Bồ. Cùng một ngôn ngữ mà có Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ. Cùng trên mảnh đất mà có Pakistan và Ấn Độ, v.v...Chỉ có cùng một văn hóa mới làm nên một dân tộc. Các yếu tố kia chỉ là trợ lực, yếu tố quyết định chính là văn hóa. Nước Tàu rộng mênh mông với nhiều chủng tộc: Tạng, Mãn, Hán, Kim và quá bán là Bách Việt với ít ra bảy tiếng nói khác nhau với khá nhiều tôn giáo, vậy mà vẫn là một dân tộc, ấy cũng chỉ vì cùng một văn hóa.

Cho nên muốn là một dân tộc trước hết phải có cùng một nền văn hóa. Muốn cho dân tộc mạnh thì văn hóa phải mạnh, mà nói đến văn hóa cách cụ thể và thấu triệt là phải nói đến cơ sở tinh thần. Muốn có một cơ sở tinh thần thì tiêu biểu hữu hiệu hơn hết phải là một bộ sách gọi là sách dân tộc.

Gọi là sách dân tộc nghiã là bộ sách được mọi người của dân tộc ấy phải quý trọng như một di sản thiêng liêng truyền dòng nỗi dõi, để làm nơi y cứ không những cho thế hệ này nhưng cho muôn thế hệ mai sau, mọi người khi muốn làm con dân nước ấy phải tự ràng buộc mình bằng lời giao ước tâm linh là phải đọc, phải học bộ sách dân tộc của mình. Cành đọc, càng học, càng ngấm sâu thì tình tự dân tộc càng thâm hậu. Ngược lại, khi không có sách dân tộc thì cái mầm tan rã đã nằm sẵn đó rồi.

Vậy nên một bộ sách dân tộc trở nên cần thiết cho hết mọi người trên khắp thế giới, nhưng có thể gọi là khẩn cấp đối với những người trong tình trạng tị nạn tản mát khắp nơi như người Việt ta nay. Khi còn ở quê nhà chúng ta còn có những sợi dây tùy phụ như quê hương, đất nước, thói tục, thể chế v.v... Nhưng từ khi bước chân ra khỏi quê mẹ là chúng ta mất tất cả những thứ đó. Đột nhiên chúng ta cảm thấy bị trôi dạt giữa trùng dương bát ngát như cánh bèo không gốc rễ, không nơi y cứ. Muốn thoát tâm trạng đó thì bộ sách dân tộc cần thiết hơn bao giờ hết. Thiếu nó thì đoàn người Việt chóng trở nên những cánh bèo trôi dạt đó đây, phân tán ra nhiều nhóm tùy những ngọn sóng cầu âu thổi tới, bên trong không còn một sợi dây cụ thể nào ràng buộc với nhau nữa.

Lịch sử không thiếu gương sáng: Mông Cổ đã chinh phục được một đế quốc rộng lớn hơn hết trong cổ thời, vậy mà ngày nay đã tan rã đến độ không còn để lại ấn tích nào.

Ngược lại Do Thái là một nước nhỏ xíu, lại còn bị phân tán đi khắp nơi, vậy mà dân tộc Do Thái vẫn trường tồn đến tận nay thì truy căn ra sự khác biết đó chỉ tại bộ sách. Mông Cổ không có mà Do Thái có. Dó là Thánh Kinh.

Thánh Kinh đã trở nên quê hương tinh thần cho dân Do Thái. Nó theo sát họ từng bước chân trên khắp nẻo đường thế giới, không một quyền lực nào phá được Thánh Kinh thì cũng không một quyền lực nào phá nổi dân tộc Do Thái. Do Thái mà trường tồn được như vậy thì bí quyết rõ ràng là Thánh Kinh, Thánh Kinh là quê hương bỏ túi của họ.

Người Việt nay cũng gặp một hoàn cảnh nhu dân Do Thái, nếu muốn trường tồn cũng phải nghĩ tới một quê hương bỏ túi, một bộ sách dân tộc để nó theo chúng ta bất kỳ lúc nào, nơi nào để làm sợi dây tinh thần ràng buộc với nhau. Chúng ta có thể ở tản mát tại Úc, Phi Châu, Á, Mỹ, nhưng nhờ cùng đọc một sách, cùng hát một số bài, cùng mừng một số tết, lễ, hội; thì đấy là một nhân tố mạnh để duy trì dân tộc tính Việt Nam.

Sách đó chúng ta có rồi, nhưng vừa ở thể tản mát, vừa không được chỉ tỏ ra để quy tụ lại và đưa vào tầm nhận thức của mọi người nên không đủ mạnh. Vì thế cân phải mở ra một cuộc luận bàn để chỉ định những sách nào đáng được đưa vào sổ bộ. Đó là một việc rất cần thiết trong cảnh sách vở quá nhiều lại sống trong những nước văn minh đang chịu cơn lụt sách vở. Nếu không có một sự lựa chọn đích đáng thì ít lâu chúng ta sẽ lâm vào cảnh “da thư loạn tâm” như thế giới hiện đại, và lúc ấy hồn dân tộc sẽ chìm ngụp. Vì thế trong khi đề nghị số sách để đưa vào sổ bộ, cũng cần chú ý đến tầm sức của một người thông thường, tức không nên quá nhiều, mặc dầu cũng đừng quá ít không đủ diễn tả những khía cạnh phong phú của cuộc sống muôn mặt. Nói cụ thể thì chừng mười cuốn cỡ nhỏ với non triệu lời là đủ (bằng một phần năm Thánh Kinh thí dụ – Thánh Kinh quãng ba triệu lời).

Để giữ thế quân bình như trên (đừng quá ít hay qúa nhiều) việc trước hết phải làm là phân loại. Sách dân tộc thường gồm bốn loại là Kinh, Triết, Sử, Văn.

Kinh: Tức là kinh điển (canon) gồm những sách nền tảng nhất đóng vai trò của Thánh Kinh trong các tôn giáo. Chúng ta không có Thánh Kinh thì phải có Kinh Điển theo nghĩa sách bao gồm các “kinh” nghiệm sống người xưa, tàng chứa những chân lý sâu xa mà chúng ta phải coi như điển chương, nhu mẫu mực, phần mà ai cũng phải học hay ít ra phải đọc, phải có trong gia đình để một nơi đáng kính.

Triết: Là sách giải nghiã Kinh Điển cho hợp với cảm quan thời đại. Nó sẽ là con thoi đi từ Kinh Điển vào đời sống cũng như vào Sử, Văn, giúp cho tất cả thêm phần ý thức sâu xa về đạo, về đời. Nó cũng đóng vai trò hiện đại hóa kinh sách như văn, nhưng khác văn ở chỗ đi tận nền và cách bao quát, có hệ thống. Thiếu triết thì Kinh chóng trở nên mớ chữ chết khô.

Sử: Nói đến ở đây là muốn chỉ một bản tóm lược thường là bảng văn vần dùng làm “khung lịch sử” chung cho mọi người trong nước hầu như thuộc lòng, bất kỳ ai ai dù thất học cũng phải đọc qua. Vì thế nó phải có địa vị trong bộ sách dân tộc. Quyển sử này không thay thế những sách sử địa từ trung cấp trở lên đến đại học và các pho sử bác học. Những loại này thuộc văn học sẽ tùy thời, tùy tài giáo khoa, hay những khám phá mới mà thay đổi. Sử nói ở đây chỉ là bản tóm, nên cần vắt tắt, thí dụ với Tàu là Tam Tự Kinh, còn ta có thể hoặc “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca”, hoặc một phần quyển “Thiên Nam Ngữ Lục”, hoặc làm ra một quyển mới bằng văn vần (ngữ ngôn chẳng hạn). Một khi được chấp nhận thì không nên thay đổi nưã để giưã đồng bào có thể thêm “mối tình giáo khoa thư” vì ai ai cũng học theo đó, lấy đó làm khung (để chấp nhận hay tranh luận) làm tiểu điểm.

Văn: Cũng là một lối mở rộng kinh vào đời sống như triết nhưng không theo lối lý luận chặt chẽ như triết mà đi theo lối nghệ thuật như thi ca, tiểu thuyết, tuồng kịch, hoặc nghiên cứu kiểu văn học. Như vậy văn ở đây hiểu theo hai nghĩa.

Trước hết là những áng văn kiệt tác, trong dĩ vãng gọi là nhân văn cổ điển (classics), thí dụ truyện Kiều. Phần này một khi được vào sổ bộ thì cùng bất biến nhưng không buộc mọi người đọc ít ra tất cả, vì thế có thể có nhiều cổ điển, không hạn chế số.

Hai là những động tác văn học, văn hóa, văn nghệ đi sát thời cuộc cũng như đi mạnh vào chi tiết vào từng khía cạnh. Phần này biến chuyển luôn thí dụ từ Nam Phong rồi Tự Lực Văn Đoàn cho đến ngày này thì chúng ta không thiếu, ngay trong cảnh tị nạn gia tăng phẩm chất. Tóm lại theo nghiã hai thì đã và đang có rất nhiều và hay biến đổi. Về sau, mỗi gia đoạn chỉ để lại một vài đại biểu để trổ thành cổ điển.

Triết cũng thay đổi nhưng thời hạn lâu hơn nhiều, mỗi giai đoạn có thể bao gồm nhiều trăm năm, thí dụ bên Tàu sau Tuân Tử, Mạnh Tử đời Chiến Quốc thì đến Đổng Trọng Thư đời Hán. Rồi Chu Trình đời Tống, tiếp đến đời mới ngày nay v.v...

Đại để đó là bộ sách dân tộc mà chúng ta cần phải thiết lập gồm có Kinh và Sử mà hết mọi người phải học, rồi đến Triết thì số độc giả đã hạn bớt vì nói chung khó đọc. Văn theo nghiã cổ điển thì để tùy mỗi người chọn một ít. Còn Văn theo nghĩa văn chương v.v...thì khỏi nói vì xưa nay vẫn có người xuất bản và tiêu thụ. Điều căn bản hơn hết là Kinh, Sử, Triết. Xưa nay quen nghe nói Việt Nam là một nước Văn Hiến, Theo nghĩa thông thường thì “hiến” là những bậc hiền tài, còn “văn” là các điển chương kinh sách. Vậy muốn cho bốn chữ “Văn hiến chi bang” (nước có văn hiến) có nội dung thì cần phải từ lâu rồi, nhưng vì lâu đời bị đô hộ chưa nhận thức về Sử và Văn thì ta đã có, chỉ cần chỉ định ra. Xét về Triết và Kinh thì cần phải bàn luận nhiều hơn, vì tuy có mà hóa ra không vì do thiếu sự chỉ định luận bàn. Vậy trong tập này chúng tôi sẽ chú ý đến hai loại đó hơn cả, nhất là triết. Vì nếu không có triết thì kinh chỉ có trong thể bàng bạc vì không được chỉ tỏ ra một cách đích danh. Nhưng lối bàng bạc chỉ đủ cho ngày xưa lúc tâm tư con người còn đơn chất, chứ nay không còn đử nưã. Triết có thể ví với xe tăng, tàu ngầm, máy bay, hỏa tiễn v.v... Thiếu triết là quân đội thiếu máy bay, xe tăng, hỏa diễn, tiềm thủy đĩnh.

Khi da94 có bộ sách dân tộc rồi thì ta sẽ hết lúng túng khi bảo con cháu tránh nạn vong bản, vì ta biết “bản” đó nằm ở sách nào, có thể đưa cho chúng đọc để chúng không bị lúng túng trước rừng sách vở. Làm thế sẽ tránh được cho chúng khỏi mất nhiều thì giờ đọc những sách không mấy giá trị vừa uổng công vừa dễ mất tin tưởng vào dân tộc. Trái lại một khi đã có bộ sách dân tộc thì ta biết liền đâu là chỗ ý cứ, đâu là sợi dây tinh thần để tâm hồn được ràng buộc với các nhóm Lạc Việt sống rải rác khắp năm châu bốn bể.

Trở lên là nói đến dân tộc. Tuy nhiên cũng cần đặt đến vấn đề là có cần phải đề cao dân tộc nưã chăng khi mà con người đang bước vào giai đoạn văn hóa liên châu, bốn bế một nhà, thì những gì từ riêng chẳng nên đẹp bỏ sao?

Đó là ý nghĩa chính đáng, và nếu chỉ có thể thì thực ra không cần đến bộ sách dân tộc. Đằng này trong thực tế con người đang trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng. Đành rằng bốn bể một nhà, nhưng nhà nào, hình dạng nó ra sao? Nhân loại là gì, hay mới là một danh từ trừu tượng và thường bị lợi dụng để che đậy dã tâm thống trị. Chính vì thế mà chúng ta cần nhìn lại trình trạng nhân loại trước khi hòa mình vào thế giới đại đồng.

Hãy khởi đầu từ Mỹ Quốc. Dù hùng mạnh nhất hiện nay, nhưng Mỹ vẫn chưa hẳn là một dân tộc, một tổ quốc. Hai tiếng đó mới là “giấc mộng” chứ chưa sao thực hiện nổi như nhiều người phê phán. Lý do là vì còn thiếu một nền văn hóa đủ mạnh nên chưa có một bộ sách triết lý chính thức gọi được là của quốc gia. Mới có những triết học của tư nhân chưa có sự thừa nhận của phần lớn trong nước, và nói chúng ta chưa vượt giai đoạn ích dụng chủ nghĩa. Thế mà ích dụng chủ nghĩa chưa đủ thỏa mãn con người toàn diện, bao gồm cả tầm kích tâm linh mà dân tộc phải có khả năng nuôi dưỡng. Cho nên kể là Mỹ thiếu triết. Đã thiếu triết là thiếu kinh điển. Còn Thánh Kinh thuộc tôn giáo không được hết các học giả lớn thừa nhận.

Cũng phải nói như thế về các nước Tây Âu khác hiện nay đang tan rã xét như là một quốc tổ hay một dân tộc, nhiều người hướng tâm hồn ra ngoài, hướng sang Đông Phương huyền bí hay quốc đế đệ tam, đệ tứ là vì nền tảng văn hóa đã bị lung lay dữ dội, những đường rạn đã chạy cùng khắp xuyên qua luân lý, gia đình, quốc gia nên có gọi tổ quốc hay dân tộc cũng chẳng qua là do quen miệng hay vì một chút hương thừa của thời xa xưa còn sót lại.

Cộng sản cũng cảm thấy điều đó, nên đã bỏ quê hương để lập ra quốc tế, lấy nhân loại làm đồng bào. Nhưng vì thiếu văn hóa nên quốc tế hay nhân loại chỉ là những danh từ trừu tượng, thực chất chỉ là một đoàn vật tranh mồi, tiếp nối việc người bóc lột người từ ngàn xưa, chỉ thêm có cái vụ dành độc quyền khai thác, cướp giật. Trong khi tinh thần trở nên đói khát, trống trải, cô đơn, nên nếu không có màn sắt trong ngoài với vô số tầng cán bộ thì người ta sẽ trốn khỏi các nước cộng sản trọn vẹn, làm sao gọi được là dân tộc hay quốc tế.

Nhìn bao trùm như thế để thấy rằng tâm thức phần đông nhân loại đang ở trong thế sẵn sàng di cư, một cuộc di cư tinh thần để đi đến một quê mẹ, tức một nơi nào xứng đáng làm chỗ cư trú cho con người xét như là “nhân linh ư vạn vật”. Nhưng đâu là quê mẹ? Đâu là dân tộc, hay nói theo nay thì đâu là nhân tộc để đi tới? Và đó là lý do sâu xa nhất gây nên cuộc sống xao xuyến tâm hồn chung của nhân loại hiện nay.

Đến nay thì chúng ta mới nhìn ra lý do trọng đại của bộ sách dân tộc. Nếu không có nó thì rồi ngày kia khi vấn đề cấp bách sinh sống đã ổn định, lúc ấy tâm hồn mới cảm thấy xao xuyến, muốn tìm nơi hướng về thì sẽ khám phá ra một sự trống rỗng kinh khủng trên lãnh vực tinh thần đang buông phủ xuống khắp hoàn vũ.

Nếu lúc ấy bộ sách dân tộc Việt đã thiết lập xong thì người Việt sẽ sung sướng cảm thấy nó đã đáp ứng không những cho mối tình dân tộc, nhưng một trật cũng đáp ứng mối tình dân tộc. Tại sao dám nói thế? Độc giả sẽ tìm ra câu thưa trong tập này với hai quyển tiếp sau là “Kinh Hùng” và “Sứ Điệp Trống Đồng” (sẽ gọi tắt là Sứ Điệp).