Trong một diễn biến thật đáng buồn Thánh Công Đồng Chính Thống Nga (bao gồm Nga, Belarusia và Ukraine) đã quyết định chấm dứt “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople.

Hôm 15 tháng 10, vào cuối phiên họp khoáng đại của Thánh Công Đồng Chính Thống Nga tại Minsk, thủ đô Belarusia, hay còn gọi là Bạch Nga, các nhà lãnh đạo trong khối Chính Thống Giáo Nga đã thông qua một tuyên bố cáo buộc Tòa Thượng Phụ Constatinople có hành động lấn chiếm trên “lãnh thổ giáo luật” của Chính thống Nga.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, phát ngôn nhân của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho biết hàng lãnh đạo Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cho rằng họ không thể tiếp tục “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople vì hành động lấn chiếm, và vì Tòa Thượng Phụ Constatinople đã thừa nhận các nhóm ly giáo, và công nhận Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko của Chính Thống Giáo Kiev, cùng với tất cả các “giám mục” và “giáo sĩ” được phong chức bởi vị Thượng Phụ này.

Tuyên bố cho biết “Từ nay cho đến khi Đức Thượng Phụ Constantinople từ bỏ các quyết định vi phạm giáo luật này, tất cả các giáo sĩ của Giáo hội Chính thống Nga không được cử hành Phụng Vụ chung với các giáo sĩ của Giáo hội Constantinople, và các giáo dân không được tham gia vào các bí tích do Giáo Hội đó ban phát”.

Tình trạng hiện nay của Chính Thống Giáo Ukraine

Trong tổng số 44,033,000 dân, các tín hữu Chính Thống Giáo chiếm 67% dân số. Khoảng 10% là người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương hay Latinh.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa do Đức Tổng Giám Mục Trưởng Onufry lãnh đạo. Theo Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nhóm này chiếm hơn 50% dân số Chính Thống Giáo tại Ukraine với hơn 12,000 giáo xứ và hơn 200 tu viện. Hiện nay, nhóm này được thế giới Chính Thống Giáo và cách riêng là Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa công nhận.

Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine do Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko lãnh đạo.

Nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ. Nhóm này do Đức Thượng Phụ Mstyslav lãnh đạo và có ít nhất là 10% dân số Chính Thống Giáo tại Ukraine.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa luôn coi hai nhóm sau này là ly giáo. Cho đến gần đây, cả hai nhóm sau này đều không được thế giới Chính Thống Giáo công nhận.

Đầu tháng 10 vừa qua, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết ngài sẽ công nhận Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko. Diễn biến này đã khiến Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bất mãn.

Quan điểm của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô về khái niệm lãnh thổ giáo luật do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra.

Một trong những mâu thuẫn chủ yếu giữa Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là khái niệm “lãnh thổ giáo luật” do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra.

Theo Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, Nga, Belarusia và Ukraine là các quốc gia nằm trong “lãnh thổ giáo luật” của Chính Thống Giáo Nga, tức là dưới quyền tài phán của Tòa này.

Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô không đồng ý như vậy. Ngài giải thích như sau:

“Chính Thống Giáo Ukraine đã có từ lâu trước khi Tòa Thượng Phụ Kiev được dời đến Mạc Tư Khoa vào đầu thế kỷ 14. Việc di dời này không hề có phép về giáo luật của Giáo Hội Mẹ. Từ đó đã có những nỗ lực không mệt mỏi về phía các anh em người Kiev của chúng ta để giành độc lập khỏi sự kiểm soát của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói thêm rằng không có biến cố lịch sử nào của Giáo hội Chính thống ở Ukraine “có thể biện minh cho bất kỳ sự can thiệp nào của Giáo hội tại Nga.” Hơn thế nữa, “Nga, là nước phải chịu trách nhiệm cho tình hình đau khổ hiện nay ở Ukraine, vì thế không thể đứng ra giải quyết vấn đề này.

Do đó, ngài nhấn mạnh rằng: “Thượng Phụ Đại kết đã chủ động giải quyết vấn đề bất công này.”


Source: The Russian Orthodox Church - The Holy Synod of the Russian Orthodox Church has considered it impossible to remain in the Eucharistic communion with the Patriarchate of Constantinople