Bất kể bản thân của Tổng Giám Mục Viganò có ra sao, các lời tố cáo của ngài về việc che đậy hành vi lạm dụng tình dục lâu năm của cựu Hồng Y McCarrick vì đã nhắm vào Vatican, đầu não của Giáo Hội hoàn cầu, nên dù muốn dù không cần được Vatican làm sáng tỏ bằng cách lên tiếng trả lời có/không và cho mở cuộc điều tra để minh chứng. Người hết lòng ủng hộ Đức Phanxicô như Hồng Y Tổng Giám Mục Cupich cũng phải nhận rằng chỉ có một cuộc điều tra ngọn ngành mới có thể xác minh lời của Tổng Giám Mục Viganò là khả tín hay không.

Thực ra, chính Đức Phanxicô cũng không hoàn toàn bác bỏ việc trả lời các cáo buộc của Tổng Giám Mục Viganò. Trong cuộc họp báo trên không từ Dublin về Rôma, sau câu tuyên bố : “tôi sẽ không nói một lời nào cả” về vụ này, Đức Phanxicô khuyến khích báo chí tự tìm ra câu trả lời và cho hay: lúc đó, ngài sẽ lên tiếng. Tuy nhiên, căn cứ vào các bài giảng gần đây tại Nhà Santa Marta, mà phần lớn để củng cố việc giữ im lặng, thì chắc là ngài sẽ không đích thân trả lời. Điều này có thể đúng, vì tuyên bố gần đây của Hội Đồng C9 nói rằng Tòa Thánh, chứ không hẳn Đức Phanxicô, sẽ ra tuyên bố trả lời các cáo buộc của Tổng Giám Mục Viganò. Nên nhớ Hội Đồng C9 chỉ là một cơ quan cố vấn, không phải là phát ngôn viên của Tòa Thánh. Và cho đến nay, Tòa Thánh chưa chính thức xác nhận tin này.

Tuy nhiên, Tòa Thánh đã công khai công bố Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tiếp Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch và Tổng Thư Ký của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ vào hôm 13 tháng 9. Các vị này đã chính thức công bố nội dung cuộc gặp mặt sắp tới mà điểm nổi bật là một cuộc điều tra, dưới hình thức thanh tra tông tòa (apostolic visitation), về việc tại sao cựu Hồng Y McCarrick bê bối chừng ấy mà lại tiếp tục được thăng thưởng và giữ nhiều vai trò có ảnh hưởng không những Giáo Hội Hoa Kỳ mà cả Giáo Hội hoàn vũ nữa. Phần chắc, vì thế, sẽ có một hình thức điều tra nào đó, nếu không ở bộ giám mục hay phủ quốc vụ khanh của Tòa Thánh thì ít nhất cũng ở tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington D.C. và các giáo phận liên hệ ở Hoa Kỳ.

Đạt được hai điều trên là cả một cố gắng phi thường, với sự góp ý của rất nhiều người, thuộc mọi khuynh hướng. Sau đây, xin tường thuật một số cố gắng này.



Trên đây, chúng tôi có nhắc đến Hồng Y Tổng Giám Mục Cupich, người được nói tới trong Chứng Từ Viganò. Báo chí từ trước đến nay chỉ nhấn mạnh đến việc ngài thanh minh các cáo buộc nhắm vào ngài và Đức Phanxicô, ít ái lưu ý đến việc ngài muốn có cuộc điều tra.
Thực vậy, trong tuyên bố ngày 29 tháng Tám “Về Tường Trình Sai Lạc của NBC Chicago”, Hồng Y Cupich xác nhận: “Sau đó, tôi được hỏi liệu có nên có một cuộc điều tra độc lập về trường hợp Tổng Giám Mục Theodore McCarrick hay không, và tôi ủng hộ lời kêu gọi của Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, phải có một cuộc điều tra thấu đáo”.

Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thứ hai bị nêu tên trên Chứng Từ Viganò là Joseph Tobin của Newark, Tổng Giáo Phận mà cựu Hồng Y McCarrick vốn là Tổng Giám Mục trước đây. Theo tin CBS New York ngày 27 tháng Tám, sau khi cho rằng các lời tố cáo của Tổng Giám Mục Viganò là đầy “các sai lầm về sự kiện và ẩn ý”, Hồng Y Tobin nói ngắn gọn rằng: “chúng tôi tin tưởng rằng một cuộc kiểm tra các cáo buộc... sẽ giúp thiết lập ra sự thật”. Câu nói phần nào không rõ nghĩa này, sau đó, đã được bổ túc nhân cuộc phỏng vấn của Mike Kelly thuộc tờ North Jersey Record, đăng tải ngày 31 tháng Tám. Trong cuộc phỏng vấn này, Hồng Y Tobin nhìn nhận có nghe tin đồn về các bê bối của vị tiền nhiệm, nhưng cho là chuyện hoang đường (incredulous) nên không điều tra. Ngài tỏ ý tiếc về thiếu sót này, lời ngài: “xấu hổ cho tôi vì đã không tra vấn sớm hơn”. Nhưng nay thì ngài cương quyết làm rõ mọi chuyện, trong đó, theo Kelly, có việc thuê nhóm Kinsale Management Consultants, do cựu viên chức của FBI là Kathleen McChesney cầm đầu, để khảo sát mọi hồ sơ của tổng giáo phận liên quan đến việc lạm dụng tình dục. Và tuy không nói rõ ngài có yêu cầu Vatican mở cuộc điều tra liên quan đến Chứng Từ Viganò hay không, nhưng Hồng Y Tobin hứa với Kelly: “Hiện nay, Tobin nói rằng ngài cố gắng xử lý cuộc khủng hoảng đang bùng nổ không những liên quan đến McCarrick mà cả các tường trình lạm dụng tình dục khác phát xuất từ Phúc Trình của Đại Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania. Ngài hứa sự minh bạch... Trách vụ đầu tiên là gỡ bỏ màn che bí mật khỏi giáo hội của ngài. Sau 2000 năm, đã đến lúc Đạo Công Giáo mở mắt mình ra”.



Hồng Y Tổng Giám Mục Washignton D.C., Wuerl, vị Hồng Y thứ ba bị nêu tên trên Chứng Từ Viganò, cực lực cho rằng mình không hề biết gì về tác phong bê bối của McCarrick, nên không thể bị tố cáo là che đậy. Tuy nhiên, trong tuyên bố chính thức của Tổng Giáo Phận ngày 27 tháng Tám, ngài ủng hộ một cuộc điều tra cho rõ sự thật: “Cơ sở duy nhất để Đức Hồng Y Wuerl thách thức thừa tác vụ của Tổng Giám Mục McCarrick là tín liệu của Tổng Giám Mục Viganò hay các tín liệu khác của Tòa Thánh. Những tín liệu này chưa bao giờ được cung cấp. Có lẽ khởi điểm cho một cuộc duyệt xét thanh thản và khách quan về chứng từ này là bao gồm nhiệm kỳ của Tổng Giám Mục Viganò trong tư cách Sứ Thần Toà Thánh tại Hiệp Chúng Quốc vào ủy nhiệm thư của Cuộc Thanh Tra Tông Tòa đã được Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, kêu gọi”.

Chỉ còn Giám Mục Robert McElroy của San Diego, vị mà theo Tổng Giám Mục Viganò, cũng tham dự vào việc che đậy hành vi xấu xa công khai của McCarrick. Đức Cha McElroy thừa nhận, năm 2016, có nhận được lá thư của nhà phân tâm học Richard Sipe tố cáo hành vi dâm dật của McCarrick. Nhưng cũng như Hồng Y Tobin, ngài coi Sipe không đáng tin, tín liệu do ông cung cấp không chính xác. Nhưng khác với các vị trên, Đức Cha McElroy không đòi điều tra gì cả và nguyên tuyền coi chứng từ Viganò vô giá trị vì phản ảnh “ý thức hệ đấu tranh”, tinh thần “bè phái, chia rẽ và bóp méo”.

Thiển nghĩ, tác phong của Đức Cha McElroy còn kém hơn cả tác phong của các ký giả thế tục, những người tuy coi động thái Viganò như một âm mưu đảo chánh, nhưng không đến nỗi bác bỏ hoàn toàn các hành động cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng do chứng từ này nêu ra.

Thực vậy, Barbie Latza Nadeau, Trưởng Phòng Rome của tờ The Daily Beast, dù tố cáo âm mưu lật đổ Đức Phanxicô của động thái Viganò, vẫn cho rằng chiến lược im lặng của Đức Phanxicô trước các cáo buộc của chứng từ Viganò đã “bị phản pháo” vì không thẳng thừng bác bỏ nội dung của chứng từ này. Nadeau cho rằng sự im lặng của Đức Bênêđíctô XVI cũng thế “chỉ quạt cho ngọn lửa đã được các kẻ thù bảo thủ đốt lên cháy bùng thêm”. Cô cho rằng “trái banh đang nằm gọn trong sân của Đức Phanxicô... đối với toàn bộ vụ tai tiếng đang xé toạc giáo hội ngay ở chính các đường nối của nó”.

Rất may, càng ngày càng có thêm các vị giám mục không riêng tại Hoa Kỳ mà còn tại các nước khác yêu cầu có cuộc điều tra. Đức Cha Marian Eleganti O.S.B. của Giáo Phận Chur, Thụy Sĩ, chẳng hạn, trong một cuộc phỏng vấn của Kath.net ngày 31 tháng Tám, đã nói rằng: “Sự kiện Đức Giáo Hoàng Phanxicô không muốn nói một lời nào về những lời tố cáo ấy là một việc không bác bỏ cổ điển (a classical non-denial)”. Từ điển Oxford định nghĩa non-denial như sau: một câu tuyên bố xem ra bác bỏ điều gì đó là thật nhưng thực ra không tạo thành một câu bác bỏ đối với một chủ trương hay một lời tố cáo chuyên biệt.

Tờ báo nổi tiếng của Đức, Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), ngày 6 tháng 9 đặt câu hỏi “Liệu bạo lực tình dục mà người ta vốn im lặng bao nhiêu năm qua nay có thực sự lại được chính thức đáp ứng bằng im lặng hay không? Quả là một nhạo báng đối với các nạn nhân!”.

Trong khi ấy, Đức Cha Robert E. Guglielmone của giáo phận Charleston, South Carolina, ngày 31 tháng Tám, khi gửi thư cho Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, Christopher Pierre, đã viết: “Chúng con cảm thấy bị phản bội, giận dữ và dẫn đường sai. Nay là lúc phải làm một điều gì đó. Con có một số đề xuất để hỗ trợ cho lời tuyên bố của Hồng Y Daniel N. DiNardo. Điều phải làm là Tòa Thánh lãnh vai trò lãnh đạo trong việc điều tra sự tiến thân của Tổng Giám Mục Theodore McCarrick... Điều tuyệt đối cần thiết là mọi người chúng con được biết làm thế nào và tại sao việc tiến thân này lại diễn ra. Hành động phải diễn ra ngay lập tức và công khai”.

Theo ngài, cuộc điều tra cũng phải bao gồm sự thật/sự giả trong chứng từ Viganò. Ngài nhấn mạnh: “Giáo Hội chúng ta được mời gọi làm hải đăng trong bóng tối. Con yêu cầu ngài là đại sứ của sự thật và giúp tay vào việc bảo đảm có sự thay đổi có thể thi hành được”.

Và để hỗ trợ cho chứng từ Viganò, ngày 7 tháng 9 vừa qua, Catholic News Service đã cho đăng lá thư của Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh xác nhận có nhận được thông tin về các hành vi tồi tệ của McCarrick từ năm 2000. Lá thư này gửi cho Cha Boniface Ramsey, được vị linh mục này tiếp nhận ngày 11 tháng 10 năm 2006 do Đức Tổng Giám Mục Leonardo Sandri, lúc đó là phó quốc vụ khanh lo công vụ tổng quát, ký. Lá thư viết “tôi hỏi đặc biệt liên quan đến những vấn đề trầm trọng liên lụy tới các sinh viên của Chủng Viện Vô Nhiễm, những vấn đề mà hồi tháng 11 năm 2000, Cha đã kín đáo đủ trình lên sứ thần Tòa Thánh lúc ấy tại Hiệp Chúng Quốc, cố Tổng Giám Mục Gabriel Montalvo”.

Charles C. Camosy của tờ Crux ngày 8 tháng 9 tường thuật ý kiến của Melinda Henneberger, một ký giả viết cho Kansas City Star, USA Today, New York Times... về cuộc khủng hoảng này : “Trong bối cảnh hiện nay, con tầu đang bốc cháy và chìm lỉm trong khi thuyền trưởng lại quyết định đây là một trong những khoảnh khắc để giữ im lặng, thủy thủ đoàn thì lý luận như chẳng có gì thay đổi còn hành khách thì nhẩy xuống thuyền cấp cứu”.

Sau cùng, theo cuộc thăm dò mới nhất của Economist/YouGov công bố ngày 11 tháng 9, vì cuộc khủng hoảng lạm dụng và che đậy lạm dụng tình dục, phần lớn người Mỹ (54%) có ý kiến bất thuận lợi đối với Giáo Hội Công Giáo. Thực vậy, 1 trong 3 người từng được dưỡng dục trong đức tin Công Giáo nay không coi mình là Công Giáo nữa: trong 25 phần trăm những người cựu Công Giáo này, 1 trong 10 người tự coi họ là Thệ Phản và nhiều hơn thế tự coi họ là không thống thuộc bất cứ nhóm tôn giáo nào (họa đồ 1).

Cuộc thăm dò này cho thấy thiệt hại rõ ràng của tai tiếng này đối với Giáo Hội và các nhà lãnh đạo của Giáo Hội: người Mỹ có quan điểm thuận lợi cho các giáo hội nói chung, nhưng có cái nhìn tiêu cực hơn đối với Giáo Hội Công Giáo. Ngay người Công Giáo cũng nghĩ không tốt về giáo hội của họ nhiều hơn so với các giáo hội khác (họa đồ 2).

Cả Đức Phanxicô cũng bị giảm bớt thiện cảm nơi người Hoa Kỳ. Hai năm trước đây, trong cuộc thăm dò của CBS News, 4 người so với 1 có thiện cảm với ngài. Tháng Giêng vừa rồi, cuộc thăm dò của Pew cho thấy tỷ lệ ấy là 63% so với 18% (họa đồ 3).

Được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có nên từ chức vì đường lối xử lý tai tiếng lạm dụng tình dục hay không, người Công Giáo trả lời “không” theo tỷ lệ hơn 2 so với 1. Nhưng việc ủng hộ Đức Giáo Hoàng từ chức cao hơn nơi người Công Giáo bảo thủ cũng như cựu Công Giáo và những người không tin Giáo Hội có thể giải quyết êm đẹp cuộc khủng hoảng này (họa đồ 4).

Có lẽ vì thế nay đã đến lúc Tòa Thánh phải làm một điều gì trước chứng từ Viganò. Tin mới nhất cho hay: không những lên tiếng trả lời chứng từ Viganò, gặp gỡ các vị lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng còn triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh với các vị chủ tịch các hội đồng giám mục thế giới để bàn về việc bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội, một hình thức tuy kém hơn Thượng Hội Đồng, nhưng trong tình thế này, đủ để đáp ứng nguyện vọng một số giám mục như Tổng Giám Mục Chaput của Philadelphia. Và theo chính tuyên bố của Hồng Y Tổng Giám Mục Wuerl, ngài cũng có thể sẽ chấp nhận đơn từ chức của vị này, từng đệ nạp cách nay 3 năm, mở màn cho một hàn gắn cần thiết.

họa đồ 1


họa đồ 2


hoạ đồ 3


họa đồ 4